Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Người Thái sống chậm




Tắc đường ở Bangkok (Ảnh: Frankie Da Cool)

FRANKIE DA COOL

(Đăng trên Thanh Niên Tuần San số ra ngày 01-06-2007)

Nói đến Bangkok, thủ đô đất nước của những nụ cười, người ta nghĩ ngay đến những khu mua sắm rộng lớn, những chốn ăn chơi với các màn sexy show và món "đặc sản" kẹt xe. Thế nhưng giữa chốn phồn hoa đô hội như vậy, ít người biết rằng người Thái lại sống rất chậm rãi và điềm tĩnh.


Đối với những người ở Bangkok lâu như tôi, chuyện ngồi trên một chiếc taxi và đợi hàng tiếng đồng hồ vì kẹt xe là chuyện thường ngày ở huyện. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống mới thấy được mức độ hoành tráng của kẹt xe kiểu Bangkok. Hàng đoàn xe ô tô kéo dài hàng cây số chậm rãi nhích từng tí một. Những ai đã quen với giao thông ở Việt Nam chắc sẽ phát điên với kiểu tắc đường này. Nếu tắc đường ở Việt Nam, người tham gia giao thông sẽ làm gì? Dù đi ô tô, xe máy hay xe đạp, họ cũng sẽ cố nhích từng tí một, chen từng tí một, lấn sang phần đường bên kia một tí, lách qua làn đường bên này một tẹo. Sao cũng được, miễn là hơn người khác vài cm. Tất nhiên không phải tất cả những người tham gia giao thông ở Việt Nam đều chen, lách như vậy nhưng rõ ràng chuyện đó phổ biển trong văn hoá đi đường của người Việt. Trong khi đó ở Bangkok, dù trời nắng hay trời mưa, hàng đoàn xe đang chịu cảnh tắc đường vẫn ngay hàng thẳng lối, đi đúng trong làn đường dành cho mình, không bấm còi inh ỏi, không lấn tuyến, không chen, không lách. Họ thể hiện một sự nhẫn nại lạ thường. Cũng vì đi xe ngay hàng thẳng lối như vậy mà bản chất kẹt xe ở Bangkok chỉ là chuyện đứng lâu hơn một tí để đợi đèn đỏ chứ không xe nọ chồng chéo, chặn đầu xe kia và kẹt cứng không đi được.

Một người bạn Thái đã nói với tôi: "Nếu cậu không nhẫn nại thì cậu sẽ không thể đi lại ở Bangkok được đâu". Đúng thế thật! Một lần tôi bắt xe ôm về nhà từ ga tàu điện. Ở Bangkok có những "bến" xe ôm tự phát. Đây là nơi xe ôm tập kết để đưa đón khách. Người dân cũng tự biết những "bến" này và đến đây để bắt xe chứ không bắt giữa đường. Hôm đầu lớ ngớ, tôi đã bị một phen ngượng chín mặt. Số là tôi chạy thẳng ra nơi một chiếc xe ôm vừa đỗ lại. Một người phụ nữ vỗ vai tôi bảo: "Không xếp hàng à?" Tôi nhìn ra sau người phụ nữ này và thấy có khoảng 50 người đang xếp hàng chờ xe. Tôi vừa xấu hổ vừa xin lỗi rối rít rồi lóc cóc chạy ra cuối hàng. Đó là những hôm "cầu nhiều hơn cung". Ngược lại, những lúc "cung nhiều hơn cầu", người xếp hàng lại là những người lái xe ôm. Họ xếp hàng dài dọc lề đường đợi đến lượt mình chở khách. Dù bạn có đến chỗ một người lái xe ôm ở giữa hàng thì cũng sẽ bị từ chối ngay lập tức và được chỉ lên người lái xe ôm đang đứng đợi đầu hàng. Chuyện này làm tôi nhớ lại cảnh các bác xe ôm ở Việt Nam, và cả tài xế taxi nữa, đôi khi chỉ vì giành khách mà đâm ra cãi cọ, thậm chí còn xảy ra ẩu đả.

Cũng vẫn là chuyện đi đường, nhưng tôi không đi ô tô hay xe ôm nữa. Tôi chuyển sang đi bộ. Có lần tôi đứng ngấp nghé ở lề đường, đợi cho xe đi lại vãn bớt rồi mới sang. Tuy nhiên, lúc đó xe cộ đông quá. Tôi và một số người nữa cứ đứng đó ngấp nghé muốn qua mà chẳng được. Chợt một chiếc taxi dừng lại, tài xế vẫy tay ra hiệu để chúng tôi qua đường. Mọi người gật đầu với người taxi, một cách thể hiện sự cám ơn rồi nhanh chóng chạy qua đường. Đây không phải là chuyện hiếm xảy ra ở Bangkok. Lần khác, cô bạn tôi lần đầu đi du lịch Thái Lan và bị gió thổi bay mất mũ khi đang ngồi trên xe tuk tuk. Cô vội vàng xuống xe để nhặt mũ đúng lúc có một chiếc xe buýt chồm tới. Cô bạn tôi chắc mẩm là cái mũ đẹp đẽ kia sẽ bị bánh xe cán lên và hỏng mất. Thật bất ngờ, chiếc xe buýt từ từ dừng lại. Người tài xế ra hiệu cho cô bạn tôi chạy lại nhặt mũ. Cô bạn tôi thật sự ấn tượng về điều này.

Dù đã quen kiểu đi đường ở Việt Nam nhưng đôi khi tôi vẫn thắc mắc tại sao những người tham gia giao thông ở Việt Nam không thể đi chậm hơn một tí. Tôi còn nhớ mãi lời nói của cậu bạn nhắc nhở tôi khi tôi phóng xe quá tốc độ: "Nhanh làm gì? Nhanh 5 phút, chậm cả đời ông ạ". Mà đúng thế thật. Bao người chỉ vì nhanh một tí mà cố vượt đèn đỏ để gây tai nạn. Bao người cũng chỉ vì muốn nhanh một tí mà vượt đường sắt khi đèn báo hiệu tàu đang đến để rồi chậm cả đời. Ai cũng muốn nhanh một tí, chen lên một tí để hơn người khác để rồi đường phố hỗn loạn như một mớ bòng bong. Đường đã tắc càng thêm chật cứng. Tôi càng không hiểu tại sao một số người bạn của tôi sang Bangkok chơi, khen cách đi xe của người Thái là vậy nhưng về nước họ lại là những người lái xe vội vàng hơn ai hết.

Một vài lần ngồi nói chuyện với mấy người bạn Việt Nam về người Thái, 10 lần thì có đến 8, 9 lần họ chê người Thái chậm chạp. Đúng vậy, họ chậm chạp thật, nhưng không phải chậm chạp kiểu kém thông minh mà họ đang thể hiện sự điềm tĩnh trong lối sống của mình. Thái Lan có đến 94% dân số theo đạo Phật. Tôi tự hỏi có phải vì ảnh hưởng của đạo Phật mà họ sống thong thả, ung dung và điềm tĩnh đến thế?

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn được đọc thưở bé về hai con dê. Hai con dê, một dê trắng và một dê đen, cùng đi qua một chiếc cầu. Cầu thì hẹp mà con nào cũng muốn đi qua trước, chẳng con nào chịu nhường con nào. Cuối cùng, cả hai húc nhau và cùng lộn cổ xuống sông.

2 nhận xét:

  1. ^^...lâu lắm rồi ko ghé Blog Anh
    Vẫn ấn tượng như lần đầu ^^

    Trả lờiXóa
  2. Blog Anh Hay ở chỗ...Em có thể tìm thấy những thông tin thú vị.

    Trả lờiXóa