Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Cuộc sống công nghiệp




Tóm lại là thời gian qua mình đã sống một cuộc sống thật sự công nghiệp. Công việc bận rộng khiến mình trở nên lười biếng. Không đi chợ cũng chẳng nấu ăn gì tất bởi nấu ăn thì sẽ bày ra mà mình thì lười dọn. Thế là một giải pháp "công nghiệp" được đưa ra. Cụ thể là:

Sáng ngủ dậy, chẳng thèm pha cafe phin Trung Nguyên như mọi lần nữa mà mình lôi ngay lọ NesCafe uống liền. Thật ra cái lọ này mua lâu rồi nhưng ít khi dùng đến, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp cần đi đâu sớm mà không có thời gian rồi ngắm nhìn từng giọt cafe phin rơi xuống. Thì đây, cái sự lười cũng coi như một tình thế khẩn cấp. Đổ nước sôi vào thế là xong. Lôi trong ngăn đá tủ lạnh ra một hộp cơm mua ở 7-Eleven từ tối hôm trước, vứt vào lò vi sóng, 3 phút là có cái ăn. Hôm nào cần đổi vị thì nấu tô mì ăn liền. Có hôm phát hiện ra cả mì gói và cơm hộp đều hết. Hoảng quá, trong lúc không biết làm sao thì nhớ ra là trong ngăn tủ còn hộp súp Campbell. Thế là coi như sống sót. Còn nếu mà căng quá, nhà hết sạch đồ ăn thì đành lật cuốn tạp chí của true-vision ra, trong đó có đầy các trang quảng cáo dịch vụ deliver đồ ăn từ KFC, McDonald, pizza cho đến đồ ăn tươi (có cả rau) là MK. Cả ngày ngồi bám lấy cái máy tính. Những hôm chạy long xòng xọc lấy ngaoì đường thì một là ghé vào Chester Grill ăn đĩa cơm gà (mà em Hiền nói là rất dở, nhưng mình thấy ngon) hoặc ghé đâu đó ăn cơm coupon. Những hôm lê lết theo đoàn biểu tình thì chạy vào 7-Eleven mua cơm, bánh bao ăn tạm. Có lần em phải ăn cơm của nhóm biểu tình nữa các bác ạ. Cơm này là do lãnh đạo biểu tình phát cho người đi biểu tình ăn cầm hơi để lấy sức... tranh đấu. Mình cũng trà trộn vào lấy 1 hộp cơm ăn. Chẳng phải đói kém gì mà muốn... nếm xem cơm biểu tình nó ra sao. Mà nhục, ăn cơm biểu tình xong toàn đi chửi bới biểu tình. Đôi khi mẹ gọi sang nhắc nhở phải ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng. Thật ra thì hoa quả đã gọt sẵn, cắt sẵn được gói gém cẩn thận bán khắp nơi nên không lo lắm. Tóm lại không phải mất công mua về rửa riếc rồi gọt ghiếc. Mất công. Mà dạo này bị cái tệ nữa là lười dọn nhà nên toàn gọi người lên dọn. Chả đáng bao nhiêu tiền nhưng lại tạo công ăn việc làm cho người khác. Cái lý lẽ này coi như vớt vát lại tính xấu kể trên.

Ăn uống kiểu công nghiệp vậy cho nên mới hôm qua, khi sang gặp Madame Lý để tặng bà tờ báo Thanh Niên Xuân có bài viết về bà và quán Le Dalat của bà, bà mời lại ăn cơm. Bà hỏi ăn gì, mình nói mình chỉ thèm ăn cơm với thịt kho, dưa giá và canh chua. Bà hỏi sao ăn gì đơn giản thế. Bà muốn mời món xịn hơn thế. Thật ra nếu mà gọi từng đó món ở Le Dalat thì chẳng đơn giản đâu, đắt phết nhưng dù sao vẫn rẻ hơn nhiều món. Mình thú thật là đi làm bận rộn không còn thời gian nấu cơm, toàn ăn đồ ăn nhanh hoặc đồ công nghiệp. Thế là hôm ấy được ăn 1 bữa ngon lành và đạm bạc. Nhớ lại mẹ mình, đi công tác nhiều quá, ăn uống linh tinh nên khi vào được một nơi ăn tử tế thì chỉ thèm ăn cơm với canh rau.

Bố mẹ mình đọc được những dòng này chắc sẽ mắng ầm ĩ vì cái tội không lo lắng cho bản thân. Định bụng sẽ khóa blog lại, chỉ cho bạn bè trong list xem thôi nhưng khổ cái là bố đã add friend mình trong 360. Xong!

Thôi chết, giờ này chưa ngủ... khéo lại bị mắng vì cái tội thức khuya. Nhưng đêm nay khó ngủ thật. Đang suy nghĩ về nước Mỹ và 1 số chuyện khác ngoài nước Mỹ. (Nói thật là 2 tuần nay tâm trạng không vui )

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

Oải...




Đã trở lại Bangkok các ấy ạ. Vừa xuống sân bay xong 1 cái là leo lên xe anh Hoàng báo Nhân Dân (tiễn bạn ở sân bay tiện đón mình) về nhà quẳng va ly và sau đó là chạy đến ngay toà án lấy tin xử vụ PPP. Đường kẹt xe nên phải mất tròn 2 tiếng mới lết được đến toà án. Đành ngồi trên xe xem tin và làm việc. 6h toà xong, làm tin đến 7 giờ thì thực hiện nghĩa vụ của một người anh cao cả đối với các em bé. Về nhà dọn dẹp tí thì đã mệt lả huhu. Mai đi Korat làm ParaGames nữa... Oải oải oải...

Trong ảnh là hình tự xử lúc ngồi trong xe của báo Nhân Dân làm việc (phải nhấn mạnh vì có người cứ complaint là đưa tin thiếu chi tiết haha) và đợi dòng xe tắc cứng.

Ngủ đây, mai đi Korat, thứ 2 họp Hạ viện phiên đầu...

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008

Ai là ký sinh?




Một tin video trên VietNamNet đã đặt tựa là "Hà Nội bắt đầu chiến dịch dẹp "ký sinh vỉa hè"". Đọc tiếp thì thấy lời giải thích bên dưới là: "(VietNamNet) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, ngày 17/1 Công an Thành phố và Sở GT-CC bắt đầu chiến dịch dẹp hàng quán, cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, từng bước trả lại sự thông thoáng cho khu vực này và ATGT Thủ đô."



Chắc VietNamNet muốn gọi hàng quán, cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè là "ký sinh"? Những hàng quán, cơ sở này là do người dân bình thường dựng lên. Liệu gọi hàng quán, cơ sở của họ và có thể là họ nữa, là ký sinh liệu có hạ thấp và thiếu tôn trọng họ không. Đó là chưa kể chiến dịch dọn dẹp vỉa hè này còn nhằm vào những người buôn thúng bán bưng. Gọi họ là ký sinh e rằng sỉ nhục họ quá. Họ sống nhờ vỉa hè cũng là vì miếng cơm manh áo thôi mà. Họ có thể vi phạm luật an toàn giao thông và giờ chính phủ có biện pháp cải thiện tình hình. Tuy nhiên không vì thế mà họ bị hạ thấp như vậy.



Link cái tin đó đây ạ: http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/01/764827/

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

Nhà trẻ hay nhà tù?




Bó tay con mẹ này... Đánh trẻ còn hơn tù... Tội này thì xử bao nhiêu năm tù nhỉ?









Wednesday January 16, 2008 - 03:02pm (ICT)



Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Đắng cay - Lưu Bích




Bài này hay... nhưng buồn...


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Thẻ thành viên và văn hóa tiêu dùng




Thị trường bán lẻ Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ và còn có quá nhiều cơ hội để khai thác nhưng phải khai thác như thế nào để không bị bỏ phí?

Bài viết này xin đề cập đến cách làm của Tập đoàn Central (Thái Lan), một nhà đầu tư đang chuẩn bị "làm mưa làm gió" ở Việt Nam, để xem họ đã "tung hoành" trên "sân nhà" như thế nào trước khi sang nước láng giềng làm ăn.

Được thành lập từ năm 1947, Tập đoàn Central sở hữu nhiều trung tâm mua sắm và dịch vụ như Central World, Central Department Store, Zen, Robinson (kinh doanh thời trang, mỹ phẩm), SuperSport (kinh doanh đồ thể thao), B2S (kinh doanh văn phòng phẩm, sách, băng đĩa nhạc và quà tặng), Power Buy (kinh doanh đồ điện máy và điện tử), HomeWorks (kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất), Office Depot (nội thất văn phòng),... Với việc kinh doanh bán lẻ phục vụ hầu như tất cả các nhu cầu của cuộc sống như vậy, đi đâu người ta cũng "đụng" phải các trung tâm kể trên. Đó là chưa kể Tập đoàn Central còn có các cửa hàng tại các thành phố khác trên khắp nước Thái. Tuy nhiên, đằng sau sự bề thế và rộng khắp của các trung tâm thuộc Tập đoàn Central còn là sự liên kết dịch vụ, mà một trong những điều dễ thấy là chuyện về "thẻ thành viên".

Đừng vội ngạc nhiên khi thấy trong ví một người Bangkok hay một người nước ngoài sống lâu năm ở thành phố này có quá nhiều loại thẻ. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ đi tàu điện, họ còn "tích trữ" trong ví của mình các loại thẻ thành viên, thẻ giảm giá của các trung tâm mua sắm, nhà hàng, dịch vụ,... Và cũng không quá khó để sở hữu một thẻ thành viên. Không cần phải trải qua một thời gian mua nhiều hàng hóa hay sử dụng nhiều dịch vụ mới được "ưu đãi" cấp một thẻ như vậy. Bạn có thể đến bất cứ trung tâm kể trên nào thuộc Tập đoàn Central để đăng ký làm một thẻ thành viên với tên mình trên đó với giá cực mềm: 50 baht (khoảng 25.000 đồng). Làm thẻ ở trung tâm nào thì thẻ sẽ mang biểu tượng của trung tâm đó và được hưởng ưu đãi riêng ở trung tâm đó. Ví dụ làm thẻ ở Trung tâm mua sắm Robinson, bạn sẽ được hưởng ưu đãi là giảm 5% khi mua hàng tại đây. Tuy nhiên, tất cả thẻ của các trung tâm của Tập đoàn Central đều có cùng một tên gọi "The 1 Card". Sự liên kết chính là đây. Với thẻ "The 1 Card" được làm từ bất cứ trung tâm nào, khi mua hàng trong hệ thống Tập đoàn Central, bạn đều được cộng điểm vào thẻ. Cứ mua 25 baht (khoảng 12.500 đồng) bạn lại tích lũy được 1 điểm vào thẻ thành viên của mình. Riêng mua hàng ở trung tâm điện máy Power Buy, cứ 50 baht bạn lại được 1 điểm. Số điểm này để làm gì? Nó được sử dụng vào nhiều mục đích như đổi điểm lấy phiếu mua hàng hay lấy phiếu giảm giá. Có người sẽ thắc mắc tại sao cách làm này lại cuốn hút và kích thích người tiêu dùng mua hàng nhiều đến như vậy.

Trước tiên, với việc tích lũy điểm, người mua hàng biết rằng mình đang nắm chắc trong tay một phần thưởng có thật và chắc chắn sẽ cầm được nó. Cách làm này khác với kiểu kích cầu bằng cách bốc thăm trúng thưởng mà trong đó người ta dường như không trông đợi lắm vào sự may mắn của mình. Nhưng với việc tích lũy điểm, khi đạt được một số điểm nhất định, họ sẽ có phần thưởng là phiếu mua hàng. Hoặc chí ít thì họ sẽ được phiếu mua hàng giảm giá. Và khi được phiếu mua hàng giảm giá, người tiêu dùng sẽ tự phát sinh ý nghĩ rằng có phiếu giảm giá (đôi khi lên đến 50%) nếu không sử dụng nó thì sẽ bị phí đi. Họ lại "mò mẫm" đến các cửa hàng của Tập đoàn Central để mua một món gì đó với phiếu giảm giá vừa có được. Tất nhiên, với sự tính toán tài tình, Central sẽ chẳng mất gì vì người tiêu dùng kia đã tiêu một khoản tiền lớn vào hàng hóa của tập đoàn này (để được phiếu giảm giá kia) và còn được lợi hơn bởi họ lại buộc người tiêu dùng đến mua hàng của mình (cũng bằng phiếu giảm giá kia). Lọt sàng xuống nia, Central vẫn được lợi.

Thứ hai, với hệ thống cửa hàng phân bổ rộng khắp, cung cấp dịch vụ hàng hóa đáp ứng mọi mặt nhu cầu của xã hội cộng với cơ chế thẻ thành viên, một tập đoàn như Central đủ khả năng giữ khách hàng chỉ mua sắm trong các trung tâm của mình mà thôi. Đó là chưa kể đến các đợt giảm giá hấp dẫn từ 10 đến 80% diễn ra liên tục, gối đầu nhau trong năm khiến người tiêu dùng không thể không bị cuốn hút bởi hấp lực từ những cuộc đại giảm giá. Thực tế ở những đợt đại hạ giá như vậy, người ta thường đến các trung tâm mua sắm chật cứng. Đôi khi những chiêu "quyến rũ" khách hàng như trên làm người ta đâm ra nghiện mua sắm và chi tiêu vượt quá nhu cầu. Có thể do họ thích hoặc cũng có thể chạy theo việc tích lũy điểm để đổi phiếu mua hàng hay phiếu giảm giá. Trong trường hợp này, người bán hàng đã đánh thắng người tiêu dùng ở khía cạnh tâm lý. Đối thủ của Tập đoàn Central là Tập đoàn The Mall với các trung tâm mua sắm nổi tiếng như The Mall, Siam Paragon, Emporium cũng có cách làm tương tự. Các hệ thống nhà hàng, tiệm ăn lớn như MK, kem Swensen, Chester Grill,... cũng có cơ chế thẻ thành viên tương tự với việc giảm từ 10 đến 15% mỗi lần sử dụng dịch vụ. Dường như thẻ thành viên đã trở thành một thứ văn hóa tiêu dùng ở Thái Lan mà các nhà hàng nhỏ lẻ cũng đua nhau áp dụng.

Thẻ thành viên không còn là điều xa lạ ở Việt Nam nhưng về cách thức vận hành cơ chế này thì rõ ràng ở nước ta chưa thật sự kích thích người tiêu dùng mạnh mẽ như cách người Thái đang làm. Hơn nữa, ở Việt Nam cũng đang thiếu một hệ thống liên hợp mua sắm hàng hóa dịch vụ có đầy đủ tất cả mọi thứ. Có lần, cô giám đốc trẻ và thành đạt của một công ty dịch vụ nội dung di động bảo với nhân viên của mình rằng: "Ở Việt Nam bây giờ cơ hội đầy đường. Chỉ có điều ai đó biết nhặt nó lên hay không thôi". Thị trường Việt Nam tiềm năng là thế, rộng lớn là thế, chúng ta đều nhận thức được điều đó, nhưng nếu không biết cách khai thác, khi các tập đoàn lớn vào Việt Nam, chúng ta có thể bị đánh bại ngay trên sân nhà.

Việt Phương
(VP Bangkok)