Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Một xã hội điện tử trong mơ




(Viết cho mục Câu Chuyện Cuối Tuần. Không được đăng vì lý do: NÓI QUÁ NHIỀU VỀ INTERNET. Hi hi hi. Thôi thì đăng lên blog, một công cụ của Internet vậy.)

VIỆT PHƯƠNG

Nền văn minh con người ngày một tiến hoá và phát triển. Bạn đã nghĩ đến một lúc nào đó, thế giới này sẽ làm tất tần tật mọi việc thông qua mạng hệ thống máy tính và mạng internet chưa? Khi đó, mọi mặt trong cuộc sống đều được điện tử hoá và cũng có thể con người bị chính khoa học công nghệ do mình phát minh ra quản lý. Khoa học kỹ thuật vốn được coi là vô tri vô giác kia nhiều khi lại làm việc khách quan và hiệu quả hơn con người.

Hãy tưởng tượng trong một xã hội được điện tử hoá, bạn không phải dậy từ sớm để đi qua một quãng đường dài chỉ để làm mỗi việc xin dấu hay chữ ký của một cơ quan nào đó. Bạn chỉ cần lên trang web của cơ quan này, điền thông tin vào các mẫu có sẵn và nhấn nủt "Gửi đi". Nếu yêu cầu của bạn được phía cơ quan kia chấp nhận, họ sẽ gửi lại cho bạn một giấy chứng nhận điện tử thông qua e-mail. Và như thếm bạn đã tiết kiệm được thời gian đi lại và đôi khi còn tránh được việc xếp hàng nữa. Ngoài ra, bạn còn giảm thiểu được nguy cơ gặp phải những nhân viên hạch sách và vòi tiền bạn để làm dịch vụ nhanh hơn. Và nếu ai cũng ngồi nhà đăng ký như bạn, nạn cò mồi làm giấy tờ sẽ không còn đất sống.

Hãy tưởng tượng tiếp bạn cần phải đi khám bệnh hay siêu âm trong khi bệnh viện lúc nào cũng đông người. Thông thường bạn phải dậy từ sớm để đi xếp hàng, lấy số và ngồi đợi. Có lúc bạn nghĩ bạn đã đến sớm lắm rồi. Thế mà khi bạn đến đã có hàng chục người ngôì chầu chực ở bệnh viện trước bạn. Bạn không tránh khỏi việc mất thời gian cả ngày ngồi đợi mà không làm gì hết. Bạn có sốt ruột không khi ở cơ quan một núi việc đang đợi bạn? Lúc đó, bạn sẽ ước bệnh viện kia có một trang web, trên đó có mẫu đăng ký khám chữa bệnh và hệ thống máy tính sẽ gửi cho bạn một cái hẹn cụ thể. Bạn có thể an tâm ngồi ở công ty làm việc cho đến giờ hẹn.

Hãy tưởng tượng thêm một lần nữa. Bạn muốn mở một công ty nhưng không đủ vốn để thuê hay xây dựng một văn phòng. Cần nhớ rằng, chi phí cho một văn phòng hoạt động bình thường khá tốn kém. Nó bao gồm những thứ như trang trí nội thất, tiền điện, tiền nước, các loại văn phòng phẩm, v.v... Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc lập một văn phòng ảo trên mạng internet chưa? Văn phòng ảo đó chính là một trang web. Trên đó bạn sẽ đăng thông tin về công ty và các dịch vụ cung cấp. Bạn sẽ giao dịch với khách hàng qua e-mail hoặc các phần mềm gọi điện internet. Các giao dịch về tài chính giữa bạn và khách hàng sẽ được thực hiện thông qua việc chuyển khoản ngân hàng. Công việc quản lý nhân sự và công ty của bạn sẽ được các phần mềm trợ giúp. Bạn chỉ cần ngồi nhà liên lạc và trao đổi công việc với nhân viên thông qua internet. Khi đã quen với việc ngồi nhà và làm việc qua mạng, bạn không chỉ nhận được hợp đồng làm ăn từ trong nước và còn có cơ hội tiếp xúc với các khách hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đơn giản một điều, internet đã giúp bạn phá vỡ nhiều giới hạn về không gian và thời gian.

Và nếu như mọi việc đều được tiến hành qua mạng internet, hãy tưởng tượng các cuộc họp cũng được tổ chức theo kiểu "giao lưu trực tuyến". Khi đó, nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn khi không phải thanh toán tiền vé may bay hay tàu xe cho đại biểu về dự hội nghị. Không những thế, việc đại biểu ngồi tại địa phương họp qua mạng sẽ giups nhà nước tiết kiệm chi phí ăn ở, khách sạn. Một cuộc họp lớn với hàng chục, hàng trăm đại biểu nếu được tổ chức qua mạng có lẽ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đủ xây một ngôi trường. Rồi bao chuyện phát sinh sau hội nghị mà chúng ta thường thấy là liên hoan đình đám sẽ không xảy ra. Lại thêm một khoản nữa được tiết kiệm.

Những ví dụ trên hình như hơi xa lạ với Việt Nam nhưng đó là điều mà nhiều nước trên thế giới đã làm được. Họ điện tử hoá (hay số hoá) xã hội từ những thứ đơn giản nhất như chợ điện tử, văn phòng điện tử, bán vé điện tử, v.v... cho đến chính phủ điện tử. Chợ điện tử hay mua vé điện tử (mà ví dụ cụ thể là mua vé máy bay giá rẻ) đã xuất hiện ở nước ta nhưng nó còn quá mới và có nhiều rào cản trong giao dịch. Chính phủ điện tử ở nước ta cũng đã được đề cập nhiều lần nhưng nhìn tổng thể thì các cơ quan nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc lập một trang web cho mình. Trên trang web chỉ có một số thông tin cơ bản về cơ quan đó kèm theo địa chỉ liên lạc. Nếu chỉ thế thôi thì đó sẽ là một sự lãng phí lớn. Tiền thiết kế trang web, mua tên miền và dung lượng máy chủ để đặt trang web coi như chỉ để làm một thứ mà người dân không được hưởng lợi ích gì từ nó. Người dân sẽ khôgn quan tâm đến lịch sử thành lập cơ quan đó ra sao hay thành phần lãnh đạo cơ quan đó là người thế nào. Họ chỉ cần biết trang web của một cơ quan chính phủ đã được "số hoá" kia sẽ giúp gì được cho họ.

Rõ ràng, qua các ví dụ tưởng tượng trên, người được hưởng lợi không chỉ có người dân mà còn có cả các cấp quản lý. Người dân tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian. Cấp quản lý tiết kiệm được ngân sách. Cả người dân và cấp quản lý có lẽ sẽ đỡ vất vả hơn trong mọi việc. Các tệ nạn phát sinh từ việc xếp hàng làm giấy tờ chẳng hạn cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều.

Nước ta có một nền tảng internet phát triển. Đội ngũ lập trình cũng gần ngang tầm thế giới. Nói cách khác, chúng ta đã có một nền tảng và nền tảng đó không thua kém là mấy so với các nước khác trên thế giới. Nhưng cái mà các nước khác, cụ thể là các nước đã điện tử hoá xã hội ở tầm cao, hơn chúng ta là họ biết tận dụng nền tảng đó để phát triển xã hội, giúp mọi thứ trở nên khách quan và đơn giản hơn. Vậy có gì để chúng ta phải chần chừ nhỉ? Một xã hội Việt Nam được điện tử hoá có lẽ không chỉ là giấc mơ.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Tôi và nghề báo

Biết nói thế nào nhỉ? Tôi đã bắt đầu làm "báo" từ khi còn rất nhỏ và tôi không thể nghĩ rằng lớn lên mình lại bám vào cái nghiệp này.

Năm tôi học lớp 7, tôi đã "xuất bản" tờ báo của riêng mình. Đó là một tờ báo dày... 4 trang gồm các thông tin và hình ảnh về loài khủng long. Chẳng là hồi đó tôi mê khủng long kinh khủng và mày mò tìm tòi nghiên cứu về loài động vật đã tuyệt chủng này. Tờ báo về khủng long đó được tôi thực hiện khá đơn giản. Tôi cắt hình và tranh ảnh khủng long vaò trang báo mẫu. Có cả những hình ảnh tuyệt đẹp lấy từ cuốn tạp chí National Geographic do ông banj người Ý Douglas Light tặng tôi hồi đó. Tên tờ báo "DINOSAURS" được tôi dùng thước tô vẽ cẩn thận. Phần chữ được tôi gõ vào bằng cái máy chữ cũ của bố tôi. Sau khi đã hoàn thành trang báo mẫu, tôi đem nó ra tiệm photocopy để nhân bản. Sau đó đi phát cho bọn trẻ con cùng xóm đọc. Báo "DINOSAURS" cũng có ghi số và ngày phát hành cũng như quảng cáo trước về nội dung số tiếp theo. Tuy nhiên, tờ báo cuả tôi chỉ ra mắt được 2 số vì tôi... hết tiền đi photocopy. Trẻ con mà, làm gì có tiền nhiều. Đã 13 năm rồi đấy.

Đến năm cấp 3, tôi theo học lớp lập trình Pascal ở Nhà Văn hoá Thiếu nhi. Sau gần 2 năm lăn lộn với các dòng lệnh lập trình, tôi nghĩ đã đến lúc mình phải có một sản phẩm phần mềm riêng cho mình. Tôi quyết định lập một phần mềm chứa đựng thông tin và hình ảnh của các nước Đông Nam Á (vì hồi đó tôi đọc sách về địa lý và thông tin về các nước lân cận khá nhiều). Phần mềm mang tên "Đông Nam Á" này tôi thực hiện được với sự hỗ trợ từ các bạn học cùng lớp tin học dưới cái tên "Nhóm lập trình COCO Softwares" mà tôi làm leader. Phần mềm này sau đó được giới thiệu trên chương trình tin học "Sự lựa chọn cho tương lai" cuả cô Nguyên Hạnh, phát trên VTV3 và sau đó được một số giải tại Hội thi Tin học Trẻ toàn quốc. Đó là năm 1998. Gần 10 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ lời cô Nguyên Hạnh: "Công việc của các cháu không khác gì với công việc của một nhà xuất bản cả". Nghe sướng rụng cả tim. Tôi coi đó là tờ báo đầu tiên của mình trên nền tảng kỹ thuật số.

Đến những năm đầu tôi học đại học, tôi bắt đầu viết bài cho Hoa Học Trò và coi đó là một cách để kiếm tiền tiêu vặt. Số tiền kiếm được không nhiều và tôi chỉ cộng tác được một thời gian ngắn. Sau đó vào năm 2002, tôi cộng tác với báo Thiếu Niên Tiền Phong làm mục tin học và internet. Tôi phụ trách viết bài và biên tập 2 trang về chủ đề này. Công việc kéo dài gần 3 năm cho đến khi tôi đi du học năm 2004. Trong thời gian này, tôi cũng tham gia xây dựng tạp chí YOURS cho ca sĩ Quang Vinh. Cùng với một số bạn cũng có kinh nghiệm làm báo, chúng tôi đã xây dựng một tờ báo khá chuyên nghiệp với nhiều mục được chia rõ ràng. Sau cùng, tờ tạp chí đó không được in vì luật của nước ta chưa cho phép cá nhân ra báo. Thế là nguyên tờ tạp chí được đưa lên mạng, một tờ tạp chí điện tử.

Đến khi đi du học, cái tính thích tung tăng và máu chụp ảnh của tôi đã giúp tôi có động lực tham gia viết cho tờ báo của trường, báo CHAI (tiếng Thái nghĩa là đúng, phải). Đây là tờ Nguyệt san của trường Webster University Thailand. Phóng sự về Phuket của tôi được đăng hoành tráng. Sau đó tôi có cộng tác với một số báo như VietNamNet và Tiền Phong.

Năm 2006, tôi về VASC công tác và lập ra kênh radio online mang tên Radio Ngày Mới. Bây giờ tôi thử sức mình với báo nói. Điều đặc biệt, đây là một kênh radio online đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam. Tiếc là sau một thời gian, kênh phải ngưng hoạt động vì một số lý do... chính đáng.

Đến tháng 9 cùng năm đó. Tôi được gọi về báo Thanh Niên để sang công tác tại văn phòng đại diện báo tại Bangkok. Bố tôi trước kia đã từng dặn tôi rằng không nên làm nghề báo vì đó là một nghề nguy hiểm. Bản thân bố tôi cũng là một nhà báo. Vậy mà chính ông sau này lại khuyến khích tôi dấn thân vào nghề này. Tuy nhiên ông cũng không quên "warn" tôi: "Nhưng nó vất vả đấy". Và tôi đã chính thức làm việc như một phóng viên từ giây phút đó.

Tôi bắt đầu tác nghiệp ở Thái Lan đúng lúc nước này xảy ra đảo chính. Đó là thời điểm nhiều thử thách đối với tôi. Mới chập chững bước vào nghề lại gặp vụ này nên nó buộc tôi phải nỗ lực để hoàn thành thật tốt công việc. Âu cũng là một cơ hội tốt cho tôi để rèn luyện và tiếp thu kinh nghiệm. Tác nghiệp ở một đất nước có nhiều biến động như Thái Lan hiện nay quả là vất vả nhưng tôi thấy vui và hạnh phúc bởi cái tính tôi thích chạy lăng quăng, không thể ngôì yên một chỗ được. Có những lúc như ngồi túc trực trước Tổng hành dinh lục quân Thái Lan trong ngày đảo chính mà không dám chạy đi ăn gì vì sợ bỏ lỡ mất sự kiện hay. Hay như việc bám trụ ở Toà án Hiến pháp 15 tiếng đồng hồ mà không dám đi ăn... cũng chỉ vì sợ lỡ mất khoảnh khắc đặc biệt. Có những hôm vác hàng đống "đồ chơi" như máy tính, máy ghi âm, máy ảnh trên vai đi theo các đoàn biểu tình để lấy tin trong lúc trời đổ mưa. Về nhà bị cảm vì dầm mưa suót mấy tiếng nhưng vui vì có được những bức ảnh và thông tin qúy giá. Hay cả ở những chỗ nổ bom, vốn là thằng điếc không sợ... bom nên tôi cứ lăn xả đi chụp ảnh. Tôi cảm thấy thích thú lạ thường với việc chụp hiện trường vụ nổ. Hâm nhỉ.

Hiện công việc tôi là thế. Tôi cũng đang phụ trách trang Tin tức của Zidean.com. Thông qua các bài phỏng vấn nhân vật ở trang này, tôi có dịp rèn luyện tay nghề và cũng giúp Zidean hay hơn, cuốn hút hơn.

Xem ra, cái nghiệp "media" sẽ bám với tôi cả đời rồi...

Một số "tác phẩm: của tôi:







Hiện trường một vụ nổ bom tại một bốt điện thoại ở Bangkok.



Chụp với một binh sĩ Thái Lan trong lực lượng đảo chính, 1 ngày sau khi vụ đảo chính xảy ra. Bức ảnh này sau đó được đăng lên trang nhất báo Thanh Niên và có người không ưa gia đình tôi đã bình luận: "Á à, chụp ảnh với quân phiến loạn!" Hihihi, hết biết nói sao luôn.

Bài viết về Quốc vương Thái Lan, người mà tôi tôn trọng và ngưỡng mộ





Phóng sự ảnh về Tết Songkran của người Thái. Cũng vì vụ này mà bị ốm nặng vì hôm trước đi nhiều về đã hơi oải, còn bị tạt nước ướt sũng người nên lăn quay...



Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2007

The Agent Orange Hurt


Trung Quốc: Mẫu người "làm việc quá tải" thịnh hành




Tôi đã làm việc quá sức trong một thời gian khá dài...

Làm việc từ 10 giờ trở lên mỗi ngày, hầu như không có ngày nào nghỉ ngơi, không có các bữa ăn đúng giờ và thiếu ngủ - đó là cuộc sống của hơn 70% người thuộc tầng lớp "cổ cồn trắng" tại bốn thành phố lớn của Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Đại học thường thức Bắc Kinh.

Những công chức cổ cồn trắng, thường là có bằng tốt nghiệp đại học, một công việc tốt và mức lương khá cao, luôn luôn làm thêm giờ. Hiện nay, có một cụm từ riêng dành cho họ - "Mẫu làm việc quá sức", tiếng Trung Quốc gọi là "Quá lao mô".

"Áp lực gia tăng trong công việc do sự cạnh tranh gay gắt là lý do của hiện tượng mẫu người làm việc quá sức", Tô Yên, một giáo sư tâm lý thuộc Đại học thường thức Bắc Kinh - người phụ trách cuộc thăm dò – cho biết.

Giáo sư Tô đã cố gắng nghiên cứu hiện tượng từ ba năm trước đây, tuy nhiên, bà đã không thể tìm đủ ví dụ. Song hiện tại, bà nói: "Trong suốt ba năm nay, "mẫu người làm việc quá sức" đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt tại các thành phố lớn".

Tìm hiểu nguyên nhân

"Ngày nào cũng vậy, trong hai năm qua, tôi chưa từng đi nghỉ trước 10h tối’’, Vương Phương, một người làm việc tại công ty quảng cáo đa quốc gia ở Quảng Châu cho biết. "Thậm chí, những người lái xe taxi cũng biết giờ giấc làm việc của chúng tôi, họ chờ ở chân cầu thang từ 11h cho tới nửa đêm’’.

Khi được hỏi tại sao họ phải làm thêm giờ, những người ‘’cổ cồn trắng’’ đưa ra ba lý do:

- Tự nguyện làm ngoài giờ: Các công ty không buộc nhân viên làm thêm giờ, nhưng nhân viên tự mình ngồi lâu hơn quy định để kiếm được nhiều hơn và thăng tiến nhanh hơn.

- Buộc phải làm ngoài giờ: Nhân viên có quá nhiều việc để làm chỉ trong thời gian hạn chế, vì thế họ phải ở lại muốn để hoàn thành mọi thứ.

- Bắt chước: Người khác làm được tôi cũng sẽ làm được. Một số người ở lại muộn chỉ vì thấy người khác làm vậy. Họ muốn ông chủ thấy họ chăm chỉ.

"Một con đường duy nhất để thu hút sự chủ ý của sếp là làm việc quá giờ, hơn thế nữa, bạn sẽ không có cơ hội để quảng bá bản thân hay thăng tiến’’, Triệu Thanh, một trợ lý giám đốc thuộc công ty quảng cáo ở Bắc Kinh nhấn mạnh.

Cự Ninh, một chuyên gia tư vấn giải thích sự tự nguyện của "Quá lao mô" là do họ tự đặt cho mình những mục tiêu quá cao ngay từ giai đoạn đầu thay vì hoàn thành các mục tiêu từng bước một. "Một số người thừa năng lượng trong những năm đầu làm việc nhưng cuối cùng, năng lượng ấy sẽ mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, họ lại suy nghĩ sai lầm rằng, họ vẫn làm việc chưa đủ chăm chỉ bởi họ chưa có kết quả tương xứng với những gì họ nghĩ họ đáng được hưởng. Theo đó, họ đưa bản thân vào guồng máy làm việc ngày một nhiều’’.

Chuyên gia này khuyến cáo, tầng lớp cổ cồn trắng nên phân tích một cách khách quan tại sao họ không thể hoàn thành mục tiêu. "Nếu chỉ đơn thuần nghĩ chưa đủ cường độ làm việc là không hợp lý’’, Cự Ninh nhấn mạnh.

Thiếu nhận thức về sức khoẻ

Một cuộc thăm dò tiến hành với 60 nhân viên tại Công viên Liên doanh quốc tế Thương Địa Bắc Kinh – khu liên hợp công nghệ cao của thành phố - thuộc quận Hải Điền cho thấy, 48 người được hỏi nói họ có những triệu chứng của làm việc trong thời gian quá dài, 65% nói họ có vấn đề về sức khoẻ song không đủ thời gian tới bác sĩ.

Tôn Ninh Vũ, 29 tuổi, kế toán trưởng cho một công ty PR Bắc Kinh đã nghỉ việc để điều trị sức khỏe năm 2004. Bác sĩ nói, cô có "những triệu chứng làm việc quá nhiều", còn gọi là "Hội chứng mệt mỏi kinh niên’’ (CFS). Mặc dù Tôn kiếm được khoảng 100.000 nhân dân tệ mỗi năm, nhưng ngay lần đầu tiên ốm, cô đã bị tiêu chảy, thiếu tập trung và mất ngủ. "Tôi chỉ cảm thấy mình như cái xác không hồn, tôi dùng rất nhiều thuốc song không thể tốt hơn’’.

Đáng nói là, tình trạng sức khoẻ của Tôn không quá nghiêm trọng như một số người khác. Đỗ Kim Xuân, 33 tuổi, giáo viên hàng đầu của một trường học tại tỉnh Cát Lâm đã chết ngay trên bục giảng sau khi bỏ qua việc điều trị chứng đau bụng.

Dương Tiểu Tuyết thuộc Hiệp hội chăm sóc Y tế Trung Quốc đưa ra 10 dấu hiệu của "Hội chứng làm việc quá tải".

- Bụng to

- Rụng tóc

- Thường xuyên đi toilet

- Khó sinh hoạt tình dục

- Mất trí nhớ

- Dễ mất trí

- Hay nổi cáu và lo lắng

- Mất ngủ

- Đau đầu, ù tai, thiếu tập trung

- Không thể tính nhẩm một cách dễ dàng

Dương tiếp tục giải thích, nếu một người có hai triệu chứng trên chưa cần phải hoảng sợ, nếu có ba đến năm triệu chứng thì đáng lo lắng, và có từ sáu triệu chứng trở lên, thì người đó có thể gặp nguy hiểm. "Mẫu người làm việc quá tải cần chú ý nhiều hơn tới bản thân và có những chăm sóc y tế cần thiết’’.

Lỗ hổng trong hệ thống luật pháp

Luật Lao động Trung Quốc quy định, mọi người nên làm việc không quá tám giờ một ngày. Trong trường hợp cần làm thêm giờ, họ chỉ nên làm thêm khoảng 3 giờ một ngày và không quá 36 giờ một tháng. Hiện tượng "Quá lao mô’’ gần đây thể hiện sự vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, luật pháp không thể giúp tầng lớp cổ cồn trắng thoát khỏi môi trường cạnh tranh. Vì thế, nhiều ông chủ cảm thấy tự do hơn khi thúc giục nhân viên làm thêm giờ, hay thậm chí làm đến chết – vì luật pháp không quy định bất kể việc đền bù liên quan nào.

"Những người cổ cồn trắng cần hiểu lý do vì sao họ phải làm thêm giờ và cần chú ý tới sức khoẻ’’, Lưu Tân Văn, giáo sư Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc khẳng định. "Một số công ty nước ngoài đã dành cho nhân viên nhiều chăm sóc tinh thần, điều này rất hiếm có ở những công ty trong nước. Vì thế, trạng thái tinh thần khoẻ mạnh, ổn định phụ thuộc vào chính bản thân nhân viên’’, Vương Phương nói.

Kỳ Thư (Theo Trung Quốc ngày nay)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2007

"Phim hành động" giữa Hà Nội: CSGT rượt taxi vượt đèn đỏ

(VietNamNet) - 5h15 chiều qua tại ngã tư Láng Hạ - Láng, một CSGT đứng cản mũi xe taxi vượt đèn đỏ, bị xe này đẩy lùi, vẫn đu lên mui xe, bám chặt, cho đến khi xe vi phạm chịu dừng lại.

Chiếc xe ngoan cố này mang biển K30H-8656, thuộc Doanh nghiệp taxi Phú Hưng.

Người dân qua ngã tư nói trên được một phen bạt vía khi chứng kiến cảnh chiếc taxi vẫn phóng như bay, trong khi chiến sĩ CSGT đứng chặn ngay phía trước. Khi người - xe "giáp lá cà", một trận giằng co quyết liệt xảy ra, người hiếu kỳ cũng dừng xe tạo nên một đám đông lớn giữa ngã tư đông đúc.

Chùm ảnh ghi lại cảnh tượng làm bàng hoàng cả người "quen" vi phạm Luật Giao thông:


Chiếc taxi đã đẩy CSGT chạy lùi khoảng 30m


Thấy cảnh chướng mắt, một người dân đang ngồi quán nước hè đường (mặc áo tím, quần bò, bám cửa xe taxi) chạy ra giúp sức người thi hành công vụ.


Taxi ngoan cố, tăng ga


Chiến sĩ CSGT lấy đà...


...nhảy lên đầu xe, như phim hành động!


Chiến sĩ CSGT trật tay, người chứng kiến một phen hú vía!


Anh CSGT vẫn nằm chênh vênh trên mui xe.


Taxi bắt đầu giảm tốc độ, nhưng vẫn lăn bánh.


Nhiều người chạy ra cản chiếc taxi liều lĩnh.


Một CSGT xuất hiện, thêm mấy thanh niên ra giúp sức.


Ép tài xế taxi đánh lái vào lề đường. Ai cũng ngán ngẩm ngó mặt anh tài xế đã phạm luật còn ngoan cố.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2007

Sống thật




Bạn thân tôi, một điển hình của sự thành công trong việc tháo lớp mặt nạ của mình


Nhặt được một bài viết quá hay... Chia sẻ cùng các bạn...

Bề ngoài thì tôi có vẻ trơn tru, hoa mỹ nhưng đó chỉ là mặt nạ tôi đeo thôi. Bên dưới nó mới thực là tôi, tôi của sự lộn xộn, sợ hãi và cô độc. Nhưng tôi đã giấu sự thô ráp của chính mình đi.

Tôi không muốn bất cứ ai biết những điểm yếu, những điều xấu xa của mình. Tôi làm cho những suy nghĩ về sự yếu đuối và sợ hãi của mình không bị vạch trần ra. Lý do tại sao tôi tạo ra mặt nạ để giấu vẻ ngoài giả mạo, vô tình của mình là để giả vờ, để che giấu tôi khỏi những ánh mắt đang liếc nhìn đang phán xét.

Nhưng tôi không thể nói cho mọi người biết điều này. Tôi không dám. Tôi sợ. Tôi sợ rằng đằng sau ánh mắt của mọi người sẽ không có sự chấp nhận và tình yêu dành cho tôi. Tôi sợ rằng mọi người sẽ nghĩ xấu về tôi, tôi sợ rằng mọi người sẽ cười vào mặt tôi, và tiếng cười của mọi người sẽ giết chết tôi.

Tôi sợ rằng tôi không tốt và ai đó sẽ nhìn thấy điều đó và loại tôi ra trong trái tim của họ. Vì thế tôi chơi một trò ghê tởm với cái mặt nạ che đậy bên ngoài mà bên trong là một đứa trẻ yếu đuối đang run rẩy thèm khát sự yếu thương. Kết cục là cả cuộc đời tôi tôi phải đeo mặt nạ, đeo hàng ngàn cái mặt nạ mà tôi chẳng muốn tí nào.

Tôi không thích giấu mình dưới lớp mặt nạ, cũng như cái trò hời hợt mà tôi đang chơi. Tôi thích được là chính tôi, được thành thật và được hồn nhiên với chính mình. Và bạn đã đến để giúp tôi, để đưa tay ra chào đón tôi.

Tôi muốn bạn biết bạn quan trọng đối với tôi dường nào, bạn có thể là người tạo ra con người thật của tôi nếu bạn muốn. Bạn hãy giúp tôi đập tan bức tường mà đằng sau đó là tôi đang run rẩy. Mọi người có thể khiến tôi ném đi tấm mặt nạ đó, có thể giải thoát tôi khỏi thế giới của sự âu lo và bất an...

Nhưng tôi biết điều đó sẽ không dễ dàng gì cho bạn đâu. Những năm tháng dài đằng đẵng của sự bất an và cảm giác vô dụng đã hình thành nên một bức tường kiên cố, kiên cố hơn cả những bức tường cao nhất - bức tường của sự hy vọng.

Thỉnh thoảng tôi hay tưởng tượng mình đang bay, đang sống trong một môi trường chân không, ấy cũng là tôi đã tự đeo chiếc mặt nạ thuỷ tinh trong suốt vào, lúc đó tôi được là chính mình, lúc đó tôi là thiên thần? Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một cái mặt nạ, vậy bạn ơi tôi sẽ giúp bạn gỡ mặt nạ ra cũng như là tôi đang cần sự giúp đỡ của bạn vậy...

Theo Nguyễn Đông Triều
Tuổi Trẻ

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Người Thái sống chậm




Tắc đường ở Bangkok (Ảnh: Frankie Da Cool)

FRANKIE DA COOL

(Đăng trên Thanh Niên Tuần San số ra ngày 01-06-2007)

Nói đến Bangkok, thủ đô đất nước của những nụ cười, người ta nghĩ ngay đến những khu mua sắm rộng lớn, những chốn ăn chơi với các màn sexy show và món "đặc sản" kẹt xe. Thế nhưng giữa chốn phồn hoa đô hội như vậy, ít người biết rằng người Thái lại sống rất chậm rãi và điềm tĩnh.


Đối với những người ở Bangkok lâu như tôi, chuyện ngồi trên một chiếc taxi và đợi hàng tiếng đồng hồ vì kẹt xe là chuyện thường ngày ở huyện. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống mới thấy được mức độ hoành tráng của kẹt xe kiểu Bangkok. Hàng đoàn xe ô tô kéo dài hàng cây số chậm rãi nhích từng tí một. Những ai đã quen với giao thông ở Việt Nam chắc sẽ phát điên với kiểu tắc đường này. Nếu tắc đường ở Việt Nam, người tham gia giao thông sẽ làm gì? Dù đi ô tô, xe máy hay xe đạp, họ cũng sẽ cố nhích từng tí một, chen từng tí một, lấn sang phần đường bên kia một tí, lách qua làn đường bên này một tẹo. Sao cũng được, miễn là hơn người khác vài cm. Tất nhiên không phải tất cả những người tham gia giao thông ở Việt Nam đều chen, lách như vậy nhưng rõ ràng chuyện đó phổ biển trong văn hoá đi đường của người Việt. Trong khi đó ở Bangkok, dù trời nắng hay trời mưa, hàng đoàn xe đang chịu cảnh tắc đường vẫn ngay hàng thẳng lối, đi đúng trong làn đường dành cho mình, không bấm còi inh ỏi, không lấn tuyến, không chen, không lách. Họ thể hiện một sự nhẫn nại lạ thường. Cũng vì đi xe ngay hàng thẳng lối như vậy mà bản chất kẹt xe ở Bangkok chỉ là chuyện đứng lâu hơn một tí để đợi đèn đỏ chứ không xe nọ chồng chéo, chặn đầu xe kia và kẹt cứng không đi được.

Một người bạn Thái đã nói với tôi: "Nếu cậu không nhẫn nại thì cậu sẽ không thể đi lại ở Bangkok được đâu". Đúng thế thật! Một lần tôi bắt xe ôm về nhà từ ga tàu điện. Ở Bangkok có những "bến" xe ôm tự phát. Đây là nơi xe ôm tập kết để đưa đón khách. Người dân cũng tự biết những "bến" này và đến đây để bắt xe chứ không bắt giữa đường. Hôm đầu lớ ngớ, tôi đã bị một phen ngượng chín mặt. Số là tôi chạy thẳng ra nơi một chiếc xe ôm vừa đỗ lại. Một người phụ nữ vỗ vai tôi bảo: "Không xếp hàng à?" Tôi nhìn ra sau người phụ nữ này và thấy có khoảng 50 người đang xếp hàng chờ xe. Tôi vừa xấu hổ vừa xin lỗi rối rít rồi lóc cóc chạy ra cuối hàng. Đó là những hôm "cầu nhiều hơn cung". Ngược lại, những lúc "cung nhiều hơn cầu", người xếp hàng lại là những người lái xe ôm. Họ xếp hàng dài dọc lề đường đợi đến lượt mình chở khách. Dù bạn có đến chỗ một người lái xe ôm ở giữa hàng thì cũng sẽ bị từ chối ngay lập tức và được chỉ lên người lái xe ôm đang đứng đợi đầu hàng. Chuyện này làm tôi nhớ lại cảnh các bác xe ôm ở Việt Nam, và cả tài xế taxi nữa, đôi khi chỉ vì giành khách mà đâm ra cãi cọ, thậm chí còn xảy ra ẩu đả.

Cũng vẫn là chuyện đi đường, nhưng tôi không đi ô tô hay xe ôm nữa. Tôi chuyển sang đi bộ. Có lần tôi đứng ngấp nghé ở lề đường, đợi cho xe đi lại vãn bớt rồi mới sang. Tuy nhiên, lúc đó xe cộ đông quá. Tôi và một số người nữa cứ đứng đó ngấp nghé muốn qua mà chẳng được. Chợt một chiếc taxi dừng lại, tài xế vẫy tay ra hiệu để chúng tôi qua đường. Mọi người gật đầu với người taxi, một cách thể hiện sự cám ơn rồi nhanh chóng chạy qua đường. Đây không phải là chuyện hiếm xảy ra ở Bangkok. Lần khác, cô bạn tôi lần đầu đi du lịch Thái Lan và bị gió thổi bay mất mũ khi đang ngồi trên xe tuk tuk. Cô vội vàng xuống xe để nhặt mũ đúng lúc có một chiếc xe buýt chồm tới. Cô bạn tôi chắc mẩm là cái mũ đẹp đẽ kia sẽ bị bánh xe cán lên và hỏng mất. Thật bất ngờ, chiếc xe buýt từ từ dừng lại. Người tài xế ra hiệu cho cô bạn tôi chạy lại nhặt mũ. Cô bạn tôi thật sự ấn tượng về điều này.

Dù đã quen kiểu đi đường ở Việt Nam nhưng đôi khi tôi vẫn thắc mắc tại sao những người tham gia giao thông ở Việt Nam không thể đi chậm hơn một tí. Tôi còn nhớ mãi lời nói của cậu bạn nhắc nhở tôi khi tôi phóng xe quá tốc độ: "Nhanh làm gì? Nhanh 5 phút, chậm cả đời ông ạ". Mà đúng thế thật. Bao người chỉ vì nhanh một tí mà cố vượt đèn đỏ để gây tai nạn. Bao người cũng chỉ vì muốn nhanh một tí mà vượt đường sắt khi đèn báo hiệu tàu đang đến để rồi chậm cả đời. Ai cũng muốn nhanh một tí, chen lên một tí để hơn người khác để rồi đường phố hỗn loạn như một mớ bòng bong. Đường đã tắc càng thêm chật cứng. Tôi càng không hiểu tại sao một số người bạn của tôi sang Bangkok chơi, khen cách đi xe của người Thái là vậy nhưng về nước họ lại là những người lái xe vội vàng hơn ai hết.

Một vài lần ngồi nói chuyện với mấy người bạn Việt Nam về người Thái, 10 lần thì có đến 8, 9 lần họ chê người Thái chậm chạp. Đúng vậy, họ chậm chạp thật, nhưng không phải chậm chạp kiểu kém thông minh mà họ đang thể hiện sự điềm tĩnh trong lối sống của mình. Thái Lan có đến 94% dân số theo đạo Phật. Tôi tự hỏi có phải vì ảnh hưởng của đạo Phật mà họ sống thong thả, ung dung và điềm tĩnh đến thế?

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn được đọc thưở bé về hai con dê. Hai con dê, một dê trắng và một dê đen, cùng đi qua một chiếc cầu. Cầu thì hẹp mà con nào cũng muốn đi qua trước, chẳng con nào chịu nhường con nào. Cuối cùng, cả hai húc nhau và cùng lộn cổ xuống sông.