Thứ Sáu, 29 tháng 2, 2008

"Cờ" và "Đờ Lờ"

Hồi du học, có câu chuyện thế này đã xảy ra trong ký túc của tôi. Câu chuyện đã được sinh viên trong trường "hư cấu" dưới dạng viết tắt để thêm phần sinh động.

Chẳng là X và Y mâu thuẫn với nhau đã lâu. Nhân chuyện Y nói xấu X, X nghe được bực quá bèn đến gõ cửa phòng Y nói chuyện cho ra nhẽ. Đôi bên lời qua tiếng lại, Y xông vào bóp "cờ" của X. Quá đáng hơn, Y còn lôi "dờ" ra dí vào "cờ" của X, đe dọa đến mạng sống và cuộc đời của X.

Câu chuyện râm ran tận mấy hôm với những câu như bóp "cờ", cầm "dờ" dí vào "cờ". Hóa ra "cờ" là cổ, "dờ" là sao. Ai đầu óc đen tối chút thì sẽ nghĩ câu chuyện lệch lạc đi 1 tí.

Cái vụ viết tắt kiểu như trên ta có thể thấy đầy trên báo chí Việt Nam, nhất là các tin bài về văn hóa văn nghệ. Nhà báo thi nhau viết tắt tên ca sĩ, nghệ sĩ khi kể về những bí mật, những phút hớ hênh hay những scandal của họ. Những cái tên như M.T., V.H, Q.V, H.P, v.v... Thậm chí có tác giả còn đảo ngược tên ca sĩ lại cho chắc ăn như kiểu ca sĩ Q.V. thì sẽ được đổi thành V.Q.

Người xem thì mặc sức đoán mò xem ca sĩ nào dính chưởng. Nhỡ đoán trật thì người thiệt là ca sĩ. Ca sĩ nào trong sạch nhưng có tên viết tắt giống như trong bài báo thì ráng chịu. Biết kiện ai? Vì tác giả viết tên tắt, chứ có viết rõ ra đâu mà kiện người ta. Lỡ không phải mình thì sao. Tôi đã từng biết có những nhà báo vu khống, bịa chuyện hoặc nghe phong phanh tin về 1 ca sĩ nào đó rồi đẻ ra ngay 1 bài viết. Tất nhiên, nhân vật trong đó đã được viết tắt tên.

Họ làm vậy để làm gì? Để tránh trách nhiệm. Nếu mà nói thẳng ra, lỡ có kiện tụng hay sai gì thì chết. Viết tắt thế cho chắc. Chẳng ai làm gì được. Lỡ có kiện thì nói tôi viết về người khác.

Đã làm nhà báo thì nguồn tin phải chính xác. Và khi tin đã chính xác thì không việc gì phải đưa lên báo những thông tin hay cái tên mập mờ cả. Điều đó thể hiện sự hèn nhát và thiếu trình độ của nhà báo. Còn nếu không chắc và không dám nêu tên thật người ta thì đừng đăng báo. Làm như vậy là thiếu lương tâm và chẳng khác nào cầm dao đâm sau lưng.

Báo chí là quyền lực và có người đã từng đem cái quyền lực cao quý đó ra để mà dọa nạt người khác.

Câu chuyện viết tắt cũng làm tôi nhớ đến vụ tranh cãi của "cờ" và "đờ lờ" suốt mấy tháng qua. Tôi kinh nghiệm 1 điều thú vị khi viết blog rằng cứ ghét ai thì cứ phang đại tên viết tắt của người đó lên entry rồi thóa mạ, nói xấu thoải mái, rồi cứ để chế độ public cho bà con vô đọc chơi. Page view còn tăng nữa chứ. Thật ra mình đang ghét một số người. Có lẽ nên áp dụng chiêu này ngay.

Thời gian qua mình đang bực mình bạn "tờ" sau khi có người yêu là "ka tờ" đã lim dim mê chim bỏ bạn. Thật đáng trách. Còn bạn "hờ" nhé, nói dối là ở nhà học bài trong khi trốn đi shopping. Chán ghê.

À, mà nói nghe, những ai có trùng tên viết tắt như ở trên thì ráng chịu nha. Tui không có ý nói mấy bạn nha. Đừng có kiện ra tòa, tui không chịu trách nhiệm đâu. mà có kiện cũng chẳng được đâu. Cùng lắm viết cái entry giải thích lại cho rõ hay xin lối là xong. Hề hề...

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2008

Câu chuyện về taxi

Hai câu chuyện dưới đây copy từ blog bạn Ly. Hài hước những cũng nhắc chúng ta đã hỏi gì thì nên hỏi thẳng vào vấn đề, đừng đoán mò để thử trí thông minh của mình.



TAXI



Mấy lần đi Taxi, người lái xe thường nhận ra "ô bọn trẻ con làm phim" hoặc "à có phải bọn nhỏ ở bãi Giữa làm cái phim gì ý.. hay ơi là hay"..

Hôm qua đưa Dion đi taxi đến studio của bạn, anh lái xe bắt chuyện



Taxi: em bé nước ngoài à, nhìn giống nước ngoài thế

Ly: à vâng, bố cháu người nước ngoài

Taxi: chồng em là người nước ngoài à?

Ly: vâng, hì hì



Taxi đi được một đoạn



Taxi: Anh trông em giống văn nghệ sỹ lắm

Ly: hi hi

Taxi: có phải em là văn nghệ sỹ không? Hay là em hay lên truyền hình?

Ly: vâng, chắc là hay lên truyền hình

Taxi: Ừ, Thanh Lam à

Ly: ???

Taxi: à mà Thanh Lam già hơn em chứ nhỉ

Ly: hihi



Taxi đi được 1 đoạn



Taxi: Em công tác ở đoàn nào?

Ly: Dạ em ko công tác ở đoàn nào cả ạ.

Taxi: hmm.. bí ẩn quá nhỉ





Taxi đi được 1 đoạn



Taxi: Thu Hiền dạo này đi đâu mất tăm mất tích ý nhỉ

Ly: .......

Taxi: Giọng hát hay ghê nhưng không biết bà ý đi đâu mất rồi hả em?

Ly: em chịu!!!

Taxi: Sao lại chịu, văn nghệ sỹ sao lại không biết nhau à?

Ly: Ôi trời ơi, văn nghệ sỹ cũng đa dạng nhiều kiểu chứ, anh này!

Taxi: ...bí ẩn nhỉ!



đến đây thì thấy mình "bí ẩn" thật nên thôi đành ko giữ im lặng nữa



Ly: Thế anh có biết cái phim tài liệu của bọn trẻ con ở Bãi Giữa sông Hồng không?

Taxi: Biết, biết!

Ly: đấy, đấy, em làm cùng mấy em đó.

Taxi: À, em là đạo diễn phim đó hả, phim đấy hay lắm, thảm nào, hay lên truyền hình.



Bây giờ thì mình ko bí ẩn nữa rồi, anh Taxi cũng vui vẻ buôn sang chuyện kẻ giàu người nghèo, công an - lái xe, chuyện của anh làm mình nhớ đến một chuyến đi tương tự ở Ấn độ, lái xe thấy mình là người nước ngoài, liền hỏi:



- Nepal?

- No



- Japan?

- No



Anh lái xe ra chiều suy nghĩ ghê lắm , mẹ kiếp, mắt híp mũi tẹt mà không phải người láng giềng Nepal cũng ko phải từ Japan thì còn từ đâu ra nữa đây? Nghĩ một lúc, bỗng anh sáng mắt:



- THAILAND???

- NO!



Lần này thì khó chịu thật rồi, bộ dạng của anh rất ấm ức. Mình nhìn mà buồn cười, còn anh này thì rất bực bội



- China?

- No, hihi



Đến cuối chuyến đi anh lái xe bỗng "nhớ" ra:

- Where are you from?

- Vietnam!



Bài học: Nên đặt câu hỏi mở "Em làm nghề gì?", "Where are you from?"

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Đóng kệ




Photo by Aida

Cuối tuần vừa rồi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Thấy giày dép lộn xộn quá nên tính chuyện đi mua cái kệ về để cho gọn. Ra siêu thị thấy cái kệ đang sale khoảng mấy chục % nên vác về. Mỗi tội là mua về phải lắp ghép, đóng đóng gõ gõ khoảng 1 tiếng đồng hồ theo sơ đồ chỉ dẫn trong hộp mới ra được sản phẩm. Cũng hay hay vì ít nhất mình tự tay đóng được cái kệ để giày hehe. Đây là hình ảnh before và after của cái kệ để giày.






Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2008

Valentines ấm cúng




Đây, bữa ăn ngày Valentines. Có thịt kho nước dừa và mực xào cộng thêm canh bí đỏ.

Hành hạ trẻ em... Bao giờ mới kết thúc?




Lột trần con, xích vào cột điện

Bài đăng trên Thanh Niên
http://www1.thanhnien.com.vn/Xahoi/2008/2/14/226021.tno

Trong ngày Valentines, giữa lúc người ta dành tình thương cho nhau thì lại xảy ra chuyện này. Cũng là con người với nhau, sao lại đối xử với nhau thế nhỉ?

* Người thực hiện là chị ruột của "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa

(TNO) Sáng 14.2, nhiều người dân ở hẻm vào Thánh Thất Biên Hòa (đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) đã chứng kiến một hành vi ngược đãi trẻ em rất dã man của chính mẹ ruột với sự đồng tình của bà ngoại.




Em Nâu bị mẹ lột trần và xích vào cột điện - Ảnh: Đ.N

Hai anh em sinh đôi là Lê Tuấn Anh và Lê Anh Tuấn (tên ở nhà là Nâu và Tím, học sinh lớp 8, trường THCS Bán công Quyết Thắng) đã bị mẹ ruột lột trần thân thể, chỉ mặc độc một chiếc quần lót nhỏ giữa trời lạnh, chân bị xích vào cột điện ngay lề đường đông người qua lại. Khi chúng tôi đến nơi, hai em đang ngồi co ro với dây xích và ổ khóa ở chân, gục mặt xuống đường vì xấu hổ. Chỗ hai em Tuấn Anh và Anh Tuấn bị xích nằm sát ngay xe bán thuốc lá và nước giải khát của bà ngoại.

Lý do ban đầu của vụ hành hạ này, theo chúng tôi ghi nhận được, là vì hai em mê chơi game, không đạt học sinh giỏi học kỳ 1 vừa rồi. Khi người đi đường và một số cán bộ phường đến làm áp lực, mẹ của hai em, người nghĩ ra hình phạt dã man này là bà Quảng Thị Kim Liên, mới đến mở xích cho hai em.

Em Tím bị mẹ lột trần và xích vào cột điện - Ảnh: Đ.N


Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng về vụ hành hạ trẻ em trên, chính quyền địa phương đã mời bà Liên lên làm việc. Tại đây, bà Liên đã thừa nhận hành vi lột trần và xích con vào cột điện. Sự việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Điều đáng nói ở đây là bà Quảng Thị Kim Liên chính là chị ruột của "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa, người vừa bị bắt cách đây gần 1 tháng vì tội hành hạ và ngược đãi trẻ em tại nhóm trẻ gia đình của mình.

Tiếp xúc với PV, bà Lê Thị Bê, 82 tuổi, mẹ ruột bà Liên, bán nước giải khát ngay đầu hẻm phân trần, sở dĩ phải sử dụng hình phạt trên là do lúc mẹ ra khỏi nhà đi làm là hai em cũng trốn nhà đi chơi game nên phải xích chân lại cho khỏi đi.

Được biết, bà Bê hiện đang sống cùng một khu nhà với hai con gái là Quảng Thị Kim Hoa và Quảng Thị Kim Liên ở hẻm số 1 đường Võ Thị Sáu.

Đ.N

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2008

Vì sao người Thái hay cười?




Nụ cười của nữ sinh Hồi giáo miền nam Thái Lan với anh lính tình nguyện (Ảnh: Việt Phương)

(Bài đăng trên báo Thanh Niên Xuân 2008)

Có đến Thái Lan, ở Thái Lan và sống như một người Thái thì mới hiểu được tại sao đất nước này được gọi là "Land of Smile" - Miền đất của nụ cười.


Khi vừa đặt chân đến Thái Lan cách đây 4 năm, tôi được dặn: "Đừng bao giờ to tiếng với người Thái và cũng đừng bao giờ thúc giục họ làm nhanh một việc gì đó". Lâu dần tôi hiểu ra lời căn dặn này. Không phải vì họ quá yếu đuối đến nỗi không nghe được những lời mắng chửi. Và cũng không phải vì mệt mỏi, lề mề mà họ không thích bị giục làm nhanh việc gì đó. Với phần đông dân số theo đạo Phật, người Thái tận hưởng một cuộc sống hiền hòa, ung dung, tự tại và không vội vã. Người Thái theo đạo Phật và thấm nhuần thật sự các tư tưởng của tôn giáo này. Họ mang những lời răn dạy tốt đẹp vào cuộc sống thực tế, chứ không theo đạo chỉ vì một sự trấn an tâm lý nhất thời hoặc là đi chùa chỉ vì mong chờ sự phù hộ của Đức Phật. Nam giới Thái Lan cứ đến khoảng 20 tuổi trở đi thường có lệ xuất gia đi tu trong thời gian ngắn. Có thể là 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng hay thậm chí là 1 năm. Họ thường xuất gia ít nhất 1 lần trong đời để cầu phước và báo hiếu cho cha mẹ hoặc ông bà. Tuy mục đích xuất gia thời gian ngắn như thế này là đáp lại công ơn đấng sinh thành nhưng vô tình đây lại là thời gian để họ rèn luyện bản thân theo giáo lý nhà Phật. Sự hiền hòa, điềm tĩnh có lẽ vì thế mà âm thầm ngấm vào tính cách của họ. Thật vậy, đi qua mọi ngả đường, mọi vùng miền của nước Thái, người ta cũng hiếm thấy cảnh đánh chửi nhau, tranh giành miếng cơm manh áo nơi họp chợ. Chuyện này làm nhiều khách du lịch, trong đó có cả người Việt Nam, cảm thấy lạ lẫm lắm. Cũng không có chuyện tài xế xe ôm hay taxi giành khách của nhau gây ra cãi vã, đánh nhau u đầu mẻ trán. Họ cũng không chen nhau lên tàu điện mà xếp hàng tuần tự.



Viên cảnh sát cười với người biểu tình lúc kiểm tra túi người này trước khi vào khu vực tuần hành ở quảng trường (Ảnh: Việt Phương)

Câu chuyện "nụ cười" không chỉ dừng lại ở những người dân bình thường. Khi giải quyết các vấn đề về giấy tờ ở Thái Lan, không chỉ tôi mà nhiều người Việt khác khá bất ngờ về cách cư xử của các công chức cũng như quan chức ở đây. Họ nhã nhặn, nhiệt tình và tuyệt nhiên không bao giờ có thái độ hạch sách hay hành dân. Bất cứ người dân nào cần sự giúp đỡ, họ đều tận tình, không phân biệt kẻ giàu hay người nghèo, người Thái hay người nước ngoài. Càng không có chuyện quát tháo, đập bàn hay thể hiện quyền hành với dân. Tất cả đều công bằng và thể hiện một lối cư xử lịch sự, hiện đại và văn minh. Công chức là vậy, cảnh sát cũng không khác. Ở Thái Lan, người dân rất quý cảnh sát, lực lượng mà họ gọi là "cảnh sát nhân dân" (nguyên văn tiếng Thái: tằm ruột prà chà chồn). Ngoài đường phố, nếu lỡ vi phạm luật giao thông, cảnh sát cũng sẽ nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự với người vi phạm, viết giấy phạt và hướng dẫn họ cách nộp phạt. Hoàn toàn không có chuyện cảnh sát... tát dân hay có biểu hiện hách dịch. Trong lúc các cuộc tuần hành phản đối đảo chính đang rầm rộ ở Bangkok mới thấy được sự điềm tĩnh và nhã nhặn của cảnh sát nước này. Khi đoàn biểu tình định vượt quá giới hạn để vào khu vực được bảo vệ cẩn mật, một vị tư lệnh cảnh sát đang phụ trách an ninh tại khu vực này gặp lãnh đạo biểu tình giải thích và khuyên họ nên dừng lại ở đây. Những người biểu tình cũng năn nỉ cảnh sát cho vượt qua hàng rào. Sau một hồi "xin xỏ" không được, những người biểu tình cũng dừng lại ở khu vực cảnh sát cho phép. Việc "đàm phán" đã diễn ra trong hòa bình. Thế còn bác sĩ? Các lương y Thái Lan không chỉ như từ mẫu, mà theo sự ví von của một phụ nữ Việt Nam sinh con ở Thái thì họ đúng là những nàng tiên. Không biết nói vậy có quá không nhưng nếu đã có chữ "tiên" ở đây thì chắc là tuyệt vời lắm. Họ nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc và tạo tâm lý thoải mái nhất cho bệnh nhân. Bệnh viện tư cũng như bệnh viện công, bệnh viện xịn cũng như bệnh viện bình dân, từ Chiang Mai cho đến Bangkok, tất cả đều thể hiện một chữ "tiên".

Tất cả những đức tính kể trên của người Thái đều thể hiện trên khuôn mặt họ. Đó là vẻ rạng rỡ và hiền lành hiển hiện trên khuôn mặt của họ. Trong một lần nói chuyện tại công viên Lumpini ở thủ đô Bangkok, thiền sư Thích Nhất Hạnh có giảng giải về giá trị của nụ cười: "Khi cười, các cơ mặt của chúng ta giãn ra làm khuôn mặt trông rạng rỡ. Ngược lại, khi chúng ta bực tức hay muộn phiền, các cơ mặt bị co lại. Khi đó trông chúng ta sẽ xấu xí biết nhường nào". Đa số người dân Thái theo đạo Phật và có lẽ họ đã thấm nhuần luật nhân quả. Nếu đối xử tốt với người khác thì bản thân cũng sẽ nhận lại được cái tốt đẹp từ người khác. Cả xã hội đối xử với nhau như vậy và đương nhiên, tất cả đều nhận được những điều hạnh phúc từ cuộc sống. Họ luôn cười và tinh thần luôn thoải mái. Ngoài một phần tác dụng của "dao kéo", có lẽ nụ cười cũng là một nhân tố giúp người dân xứ này, nhất là phụ nữ, trông thật tươi và rạng rỡ.



Vị tư lệnh cảnh sát cười với lãnh đạo biểu tình, khuyên đoàn tuần hành nên trật tự (Ảnh: Việt Phương)

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ở Việt Nam khi tôi và anh bạn đồng nghiệp đi lấy tin tại buổi tiếp một nguyên thủ nước ngoài. Giấy mời tổng biên tập nhưng vì ông đang đi công tác xa nên tôi và anh bạn đồng nghiệp đến thay để lấy tin. Sau khi trình giấy mời, chúng tôi được phép vào bên trong. Phóng viên các báo đài khác cũng đã tề tựu đông đủ. Tuy nhiên, có một người đàn ông đứng tuổi, có vẻ như quan chức phụ trách buổi tiếp đó (vì có đeo thẻ), hùng hổ đến đòi xem giấy tờ của chúng tôi. Tôi và anh bạn trình giấy mời thì bị người này mắng như tát nước vào mặt: "Giấy mời ông ấy (tổng biên tập) chứ có mời các anh đâu". Cảnh tượng sau đó còn tệ hơn khi người đàn ông này lớn tiếng đuổi chúng tôi ra ngoài. Đuổi kiểu té tát, đuổi cho chúng tôi không kịp chạy. Bản thân tôi không ngượng vì bị đuổi tuy rằng đúng là giấy mời không có tên mình nhưng thấy ngượng thay cho vị kia. Bởi lẽ, trong một buổi tiếp đón long trọng, vị này lại mặc quần áo lịch lãm, lẽ ra phải ứng xử, ăn nói sao cho phù hợp. Không biết vì muốn thể hiện uy quyền hay "cái kiểu nó phải thế". Cách ứng xử ở đây không còn là chuyện quan hệ giữa người với người. Nó thể hiện trình độ văn hóa và sự văn minh của một xã hội.

Lời nói hay nụ cười, thiết nghĩ chẳng mất tiền mua. Nó là vốn tự có. Người Thái thật khôn ngoan khi biết tận dụng và phát huy nó. Ai bảo người Thái không thông minh? Cười không khó. Cười không chỉ để vui mà còn để đẹp. Đẹp mình, vui người. Và người Thái luôn cười.

Việt Phương (VP Bangkok)

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

"1080" ở SEA Games 24




PV Việt Phương (thứ hai từ phải sang) đón đoàn bóng đá nữ tại sân bay Bangkok - ảnh: Bạch Dương



Nói nhỏ: Đầu năm tự lăng xê mình chút hí hí. Bài này là mình được người ta lăng xê trên tờ Thanh Niên Xuân 2008. Đến lúc báo phát hành rồi, lật ra đọc mới biết có một bài viết về mình. Vừa mắc cỡ vừa... sướng hí hí.




"Phương ơi! Mình là phóng viên của báo Y, đặt giúp mình phòng khách sạn ở Korat với". "Phương ơi, làm thế nào để bắt xe từ Bangkok đi Korat?". "Phương ơi, đến sân vận động chính nói sao nhỉ, tài xế tuk tuk ở đây không biết tiếng Anh". "Phương ơi, gọi giúp mình vài món ăn với, thực đơn quán này toàn tiếng Thái", "Phương ơi, trung tâm báo chí hết xe rồi, làm sao để gọi xe về khách sạn đây". "Phương ơi, chủ đề 1 của lễ khai mạc là gì vậy". "Phương ơi, đổi vé máy bay giùm mình với"…


Cứ thế, trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 24 tại Thái Lan, anh chàng Phương nhận được hàng chục cuộc điện thoại nhờ giúp đỡ của cánh phóng viên Việt Nam. Tuy không phải công việc chính của mình, nhưng anh còn vất vả hơn các điện thoại viên trực tổng đài 1080 và dĩ nhiên là hơn bất cứ tình nguyện viên nào của SEA Games 24. Thế nhưng bất cứ lúc nào có lời đề nghị giúp đỡ, có thắc mắc nào cần giải đáp, anh đều sẵn lòng với nụ cười rất tươi và giọng nói thân thiện. Nhiều ngày, Phương phải trả lời điện thoại liên tục khiến chiếc máy Nokia của anh nóng ran, nhưng bất cứ ai gọi điện cũng nghe được giọng nói rất tươi: "Dạ, Phương nghe!".

Những ngày đầu tiên, khi Trung tâm Báo chí SEA Games chưa hoạt động, Phương là người vất vả nhất vì phải ra sân bay đón anh em báo chí từ Việt Nam sang và đưa lên Korat. Cứ như thế, Phương di chuyển như con thoi từ Bangkok - Korat và ngược lại. Nhiều anh em ái ngại: "Thôi đến đây được rồi, để tụi mình đi, Phương về nghỉ đi!". "Mọi người mới qua chưa quen đường sá, để Phương đưa đến nhận phòng khách sạn rồi quay về" - "1080" thân thiện nói. Không biết quen hay lạ, có được giới thiệu trước hay không, nhưng hễ phóng viên Việt Nam tác nghiệp ở SEA Games cần giúp đỡ, Phương luôn sẵn lòng. Có phóng viên báo nọ được cơ quan cử đi SEA Games vào giờ chót nên không kịp đăng ký thẻ, Phương nhiệt tình đến trung tâm báo chí và bằng mối quan hệ của mình, đã nhờ Ban tổ chức SEA Games cấp thẻ bổ sung.

Cứ sau mỗi ngày lăn lộn vất vả, tối tối khi tụ họp lại để tán gẫu, cánh phóng viên Việt Nam đều nhắc đến "Phương - 1080" với những lời khen ngợi. Và thỉnh thoảng khi anh em gọi điện cho Phương để nhờ giúp đỡ, câu cửa miệng thân mật thường là: "A lô, “1080” hả, chỉ giúp mình…".

Ngày tạm biệt SEA Games, chia tay Nakhon Ratchasima, không ít anh em, đã siết tay Phương thật chặt với những lời cảm ơn chân thành. Tiễn mọi người ra đến sân bay, Phương nói vui: "Lúc nào mọi người sang Thái Lan, nhớ a lô cho “1080” đi lai rai nhé!". Xin được tiết lộ, Phương - chàng "1080" đáng mến của cánh phóng viên Việt Nam ở SEA Games 24, chính là Việt Phương, phóng viên thường trú của Báo Thanh Niên tại Thái Lan.

Quang Huy

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

Hà Nội 4 độ huhu...




Nhiệt độ thấp kỷ lục đo được tại Hà Nội là 4 độ. Người mình đã teo lại còn 1 mẩu