Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2007

Hãy yêu chính mình!




Túm được tấm ảnh "lừa tình" của bà chị. Thấy hay hay nên làm ảnh minh họa. Chị ơi, chị yêu bản thân nhiều hơn nữa nhé!



Hãy yêu chính mình trước khi yêu người khác. Tại sao ư? Nếu không yêu chính mình, bạn sẽ không thèm chăm lo cho bản thân. Khi đó, bạn sẽ không "khỏe". Mà đã không "khỏe" rồi thì làm sao đủ sức lo cho người khác?


Trên máy bay, trước lúc cất cánh, tiếp viên hàng không bao giờ cũng nhắc nhở bạn: "Nếu áp suất trong khoang giảm đột ngột, mặt nạ sẽ tự động rơi xuống từ trên trần và trong buồng vệ sinh... Nếu bạn đi cùng em bé, hãy đeo mặt nạ cho mình trước rồi giúp bé sau". Bạn phải sống sót trước đã trước khi muốn cứu một ai đó. Nói cách khác bạn sẽ chẳng cứu được ai nếu bạn... chết rồi.

Trong bài hát nổi tiếng những năm 80 "Greatest love of all" của Whitney Houston có kể về chuyện không lạ của một cô bé luôn chạy theo những người mà mình thần tượng và học tập theo họ. Nhưng rồi cô nhận ra rằng không ai là lý tưởng để mình học tập cả. Cô đành đi theo con đường của chính mình. Cô thề sẽ không là cái bóng của ai và dù có thành bại ra sao thì ít nhất cô đã sống cho chính mình. Và cô nhận ra tình yêu bản thân là tình yêu vĩ đại nhất.

Sau khi bài hát này được phổ biến, một nếp sống mới đã hình thành. Đó là thế hệ "Generation Me" đề cao lối sống yêu bản thân. Thế nhưng phần lớn trong số họ đã hiểu lầm thông điệp của bài hát. Họ quá yêu bản thân đến mức ích kỷ.

Bởi vậy, yêu bản thân không phải là ích kỷ. Yêu bản thân giúp bạn vững vàng hơn để lo lắng cho người khác.

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2007

Cha tự tử để con được gặp thần tượng




Ngày 25-3 gặp thần tượng rồi cô Dương vẫn chưa hài lòng

TT - Ông Dương Cần Ký (68 tuổi) sinh sống tại thành phố Lan Châu (thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) vì mong mỏi cho con gái được gặp Lưu Đức Hoa đã nhảy xuống sông ở khu vực Tiêm Sa Chủy (Hong Kong) tự vẫn, chấm dứt 13 năm chạy theo ước mơ theo đuổi thần tượng của con...

Bố chết vì cơn si cuồng thần tượng của con

Cô Dương Lệ Quyên 28 tuổi, là một trong vô số những fan điên cuồng vì diễn viên Lưu Đức Hoa. Suốt 13 năm nay cha mẹ vì muốn giúp con gái có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, xin chữ ký của thần tượng đã phải bán sạch nhà cửa, vay tiền nặng lãi, ngủ vạ vật ở các cửa tiệm ăn nhanh, dưới chân các khách sạn, lang thang từ đại lục sang Hong Kong.

Tuần trước, tại buổi tiệc sinh nhật của Lưu Đức Hoa (ngày 25-3-2007), dù đã được gặp và chụp được tấm ảnh lưu niệm với thần tượng nhưng cô Quyên không hề thấy thỏa mãn, còn muốn được nói chuyện riêng với thần tượng. Người cha đã cạn sạch tiền, tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, tiền tiết kiệm. Chẳng biết làm sao để giúp con, chỉ còn cách đe dọa nếu Lưu Đức Hoa không dành thêm thời gian cho con gái rượu của ông thì ông sẽ tự tìm tới cái chết. Nói là làm, ngay buổi tối hôm 25-3, khi thấy con gái và vợ đã ngủ say, ông Dương viết tờ di ngôn dài ba trang A4 rồi nhảy xuống sông tự vẫn.

Rạng sáng 26-3, khi các nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường, thi thể ông Dương đã nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngay đầu bức chúc thư người cha viết: “Lưu Đức Hoa, anh nghĩ anh là ai, tôi lấy mạng sống hi sinh vì con gái mình, tôi chết rồi anh phải đến gặp con tôi, phải ký tặng cho nó”.

Hai ngày sau cái chết của ông, bà vợ và đứa con gặp phải những lời chửi bới của người qua đường, vạ vật hết nơi này đến nơi khác. Cô con gái dại dột khóc lóc: “Bố chết rồi con ân hận lắm!”. Nhưng khóc cũng chẳng ai thương, cô nói tiếp trước máy quay: “Con sẽ chết theo bố!”.

Khi được hỏi: “Cô yêu anh Lưu hơn hay yêu cha hơn?”. Cô gái khóc rống lên: “Tôi yêu bố... tôi cần bố, tôi rất ân hận, tôi không thể ngờ rằng gặp được thần tượng của mình lại khó đến thế”.

Sống tốt trước khi thần tượng một ai đó

Và ngày 26-3, mọi cấp cứu đều quá muộn đối với người cha đã từng làm thầy giáo

Từ trước đến nay Trung Quốc chỉ quen nghe áp lực cha mẹ dành cho con cái, chưa bao giờ lòng người hoang mang đến thế trước tình yêu mù quáng của người cha tội nghiệp.

Khi phóng viên lặn lội về Cam Túc điều tra, được hàng xóm cho biết họ rất ít khi thấy cả gia đình nấu cơm. Ông bố sợ bị vợ mắng con mắng, ngày ngày cun cút đi mua thức ăn rồi hâm nóng lên, để ở cửa phòng cho con gái. “Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp hai vợ chồng ra ngoài sưởi nắng, chứ chưa bao giờ trông thấy cô con gái. Có lúc thấy họ đứng ở cửa ngơ ngẩn cười, chúng tôi còn hỏi đùa: “Đang đợi diễn viên Lưu đấy à?”.

Các phóng viên tường thuật, sau vài ngày đau khổ, bà mẹ quyết định gói ghém hành lý về quê, cô con gái nắm tay mẹ ngoái đầu lại vẫn lộ vẻ lưu luyến, lẩm bẩm nói: “Bố chết rồi, nhưng anh ấy vẫn nên gặp con, ký tên tặng con, nếu không bố làm sao nhắm mắt xuôi tay!”. Cơn nghiện thần tượng của con ông Dương vẫn không hề thuyên giảm.

Theo tin mới nhất, vụ scandal xảy ra đột ngột này đang ảnh hưởng nặng nề đến quá trình quay bộ phim Tam quốc có sự tham gia của Lưu Đức Hoa. Đối với đoàn làm phim, scandal là việc riêng của Lưu Đức Hoa, đoàn làm phim không nắm rõ tình hình, không phát biểu, nhưng nhất định sẽ làm thiệt hại lớn cho Lưu, người chưa thể ngay lập tức về Cam Túc khuyên giải cô Quyên, và mới chỉ tuyên bố với báo chí: “Yêu tôi thế này tôi chịu không nổi”.

Các phóng viên phát hiện ông Dương từng là thầy giáo, khi được hỏi, hiệu phó Trường Cam nói: “Trước khi nghỉ hưu ông Dương là một thầy giáo bình thường, mô phạm, có nghề, đã từng dạy lớp 12. Năm 1973 được điều về đây, đến năm 1995 chưa đến tuổi nghỉ hưu thì xin thôi việc. Mỗi năm ông Dương được cấp lương hưu là 1.700 tệ (gần 4 triệu VNĐ). Đôi lúc thấy ông lầm lũi đi lĩnh lương, nhưng không ngờ...!”.

Báo chí cuống cuồng đi săn tin và săn tìm Lưu Đức Hoa. Các diễn đàn được dựng lên với qui mô lớn.

Đài truyền hình quyết định sẽ suy nghĩ về một chương trình “Giáo dục người hâm mộ”.

Các ngôi sao đưa ra tuyên bố:

Người hâm mộ phải có trách nhiệm với sự cuồng nhiệt của mình.

Sống tốt trước khi thần tượng một ai đó.

Ngôi sao và người hâm mộ nên thiết lập mối quan hệ tương hỗ.

Quan trọng nhất là đôi bên phải luôn có sự cân bằng, bạn phải yêu bạn trước khi yêu người khác.

Và rất nhiều chủ đề khác xung quanh những lợi bất cập hại của chứng bệnh “fan cuồng” đang được xới tung lên.

LÊ NGA LINH
(CTV Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh)

Hành trình theo đuổi thần tượng của Dương Lệ Quyên

Năm 1994: Dương Lệ Quyên mơ thấy Lưu Đức Hoa, sinh mệnh thay đổi.

Năm 1995: Say mê diễn viên Lưu mất hết lý trí, bỏ học, thất nghiệp.

Năm 1997: Tiêu 9.900 tệ (hơn 20 triệu VNĐ) theo đoàn du lịch tới Hong Kong không gặp được thần tượng.

Năm 2003: Để thực hiện giấc mơ của con gái, ông bố bán nhà.

Năm 2004: Biết được thông tin Lưu Đức Hoa đang đóng Thiên hạ vô tặc ở Cam Túc, cô gái ngày ngày đứng trên đỉnh tòa nhà tám tầng vẫn không thấy được thần tượng.

Năm 2005: Cùng bố quay lại Hong Kong, không gặp được thần tượng.

Tháng 3-2006: Bố bán thận cho con đi tìm thần tượng.

Tháng 4-2006: Dương Lệ Quyên yêu cầu gặp Lưu Đức Hoa, nhảy lầu để uy hiếp bố.

Tháng 10-2006: Một đài truyền hình hứa hẹn sắp xếp cho Dương Lệ Quyên gặp Lưu Đức Hoa, lời hứa không được thực hiện.

25-3-2007: Dương Lệ Quyên gặp được thần tượng.

26-3-2007: Bố nhảy sông tự vẫn.

Số ngày mai: Lưu Đức Hoa và công luận nói gì sau tai nạn khủng khiếp này?


Frankie's comment:

Đúng như một câu trong bài báo: Hãy sống tốt trước khi thần tượng một ai đó. Câu chuyện trên có thể là hiếm gặp nhưng hội chứng điên cuồng vì thần tượng không phải là chuyện lạ. Nhiều người đã bất chấp tất cả để thể hiện sự hâm mộ thần tượng của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Cô Dương Lệ Quyên đã đưa sự điên cuồng vì thần tượng của mình đến đỉnh điểm. Liệu câu chuyện này có làm chúng ta nhìn lại chính mình? Các fan hâm mộ nhiều khi đánh nhau sứt đầu mẻ trán hay chửi bới nhau thậm tệ chỉ vì thần tượng của mình. Liệu có đáng không? Bản thân bạn quý giá hơn hay thần tượng quý giá hơn. Như Frankie đã nói, yêu chính mình trước đã, rồi sau đó hãy nghĩ đến chuyện yêu người khác.

Hãy sống tốt trước khi thần tượng một ai đó! Và cha mẹ bạn là người cần được thần tượng đầu tiên, chứ không phải là một ai khác.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2007

Tiếp tục viết blog linh tinh đêm khuya...




Tớ tập viết tiếng Thái này...

Xem ra mình viết mấy cái blog nghiêm túc, tâm sự thật từ tấm lòng thì bà con chả hưởng ứng mấy. Viết linh ta linh tinh thì bà con vào comment cứ gọi là... Thôi thì làm tiếp tập 2 cho nó ăn khách...

Hôm nay mệt đừ cả người. Đi lấy tin đội Việt Nam dự giải vô địch bóng đá mini ASEAN. Hic... Cái sân vận động trong nhà cách chỗ mình ở khá xa mà lại *e* có tàu điện đến đó nên đành ngậm ngùi ngồi taxi thưởng thức đặc sản tắc đường của Bangkok. Đến nơi đúng giờ khai mạc là 12h thì mới biết tin đội VN tận 4h mới đá. Bây giờ mà về thì cũng lở dở vì nhà xa. Thôi đành ở lại, chui vào Press Room ngồi soạn trước cái tin. Mà Press Room đểu. Chả có internet hay bất cứ phương tiện gì khác. Chỉ có mỗi cái ghế và cái bàn. Đành lôi điện thoại ra, định bụng gửi hình bằng MMS về trước. Không ngờ hôm nay số trời đúng là chả phù hộ VN. Điện thoại không đủ 20 baht để gửi tin MMS. May quá gặp được mấy bác trong đoàn VN đến trước xem, mình lân la ra bắt chuyện. Rồi cuối cùng cũng 4h cũng đến. Đội VN đấu với TL. Bà con TL cổ vũ cứ gọi là điên đảo làm đội bạn ghi ngay 1 bàn vào lưới ta từ những phút đầu tiên. 1 phút sau chúng ta gỡ lại được. Kết quả là 1-1. VN giỏi quá. Nhưng, hết hiệp 1, tỉ số là 7-1 nghiêng về đội bạn . Hết hiệp 2, tỉ số chung cuộc là 13-3 nghiêng về phía đội TL. Thôi thì, cũng do đội VN lần này ít có thời gian tập luyện. Với lại môn bóng đá trong nhà (hay bóng đá mini, còn gọi là futsal) đã quá phổ biến ở Thái. trong khi ở VN còn mới lạ. Các bạn ấy đừng tưởng môn này giống đá bóng thường nhé. Sân nhỏ hơn. 1 đội 5 người. Sân bằng chất liệu cứng, không phải cỏ. Gôn thì bé. Thôi quên chuyện đấy đi cho đỡ chán hì hì... Về đến nhà đã 6h hơn. Đến chết mất với đường xá Bangkok.

Giờ này muộn rồi mà vẫn chưa viết bài xong huhu...

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2007

Đêm khuya viết blog linh tinh...




Nhìn giống Thái Lan không? Dạo này bị mọi người nói càng ngày càng giống Thái Lan mới chết chứ lị...


Từ một tuần nay, mình đã bắt đầu tập viết và tập đọc tiếng Thái. Đã đủ sức đánh vần tên các ga tàu điện rồi hehehe. Còn mấy từ bình thường thì có đánh vần ra cũng chưa chắc hiểu hết nghĩa. Mình bắt đầu tập viết một ngôn ngữ mới, một kiểu chữ mới và tất nhiên mình tập viết như một đứa trẻ con. Tuần trước, mình ra hiệu sách, chạy ngay đến quầy sách dành cho các cháu thiếu nhi để tìm vở tập viết (kiểu sách dành cho các cháu tập tô màu ấy mà). Đến quầy sách thiếu nhi, ôi thôi, nào thì là đủ các loại sách màu sắc rực rỡ, một rừng bóng bay, đây thì Doremon, kia thì Pikachu, rồi nào chim, gà, cá, lợn, 7 sắc cầu vồng. Đủ cả. Sách cho các cháu mà. Mình đang mải mê tìm sách thì có mấy cháu ngước lên nhìn mình như nhìn quái vật. Mình trợn mắt nhìn lại, bảo: "Doo a rai?" (Nghĩa là: "Nhìn giề?") Các cháu sợ quá, cắm cúi mặt coi cọp tiếp cuốn Doremon. Tối tối mình lại mang bút chì ra tập viết, nắn nót đồ theo từng chữ như hồi học lớp một. Tự nhiên thấy mình trẻ ra khoảng 20 tuổi hí hí... Mà dạo này học đọc-viết xong đi đâu cũng bị bệnh nhìn biển hiệu để xem có chữ nào quen quen không tập đánh vần... hé hé...


Ôi mệt quá! Mấy hôm nay Bangkok nóng điên. Tuy nhiên chưa phải điên nhất. Đến Tết Songkran giữa tháng 4 thì có mà thành "nhợn" quay. Tới qua tháng 5, 6 mới mưa được. Tự dưng dạo này lại mong trời mưa. Lãng mạn ghê cơ! Nóng quá! Nóng quá! Cuối tuần rồi Bangkok có mấy cái hội chợ nên đi đâu cũng đông. Hic hic. Đi đâu cũng bị kiểm tra ba lô vì sợ mang bom. Hôm nọ có hội chợ hàng công nghệ. Đồ đạc giảm giá với khuyến mãi cứ gọi là hoành tá tràng nhé! Mình nhanh chân thủ được cái thẻ nhớ Kingston tận 2GB mà tính ra chỉ có khoảng 160.000 VNĐ. Từ nay đi xa chụp ảnh thoải mái, không sợ hết thẻ. Còn mấy thứ nữa ngon mê ly và giá cũng mê ly nhưng mình đang tiết kiệm tiền mua quả máy quay phim quay phóng sự... hè hè...

Và cuối cùng là... tình hình là... người ta bảo càng ngày trông mình càng giống Thái Lan. Mất hết cả chất Việt Lam rồi huhuhu... Hôm nọ cô giáo tiếng Thái còn bảo trông giống Thái Lan thế này đi học tiếng Thái làm gì... Lại nhớ Việt Lam.

Ngủ thôi... mai lại bắt đầu một tuần mới rồi...

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2007

Nhiệt tình + ngu dốt = PHÁ HOẠI




Phan Ý Ly @ Highland Coffee (Hanoi Tower)


Những gì Phan Ý Ly viết ra có thể buồn cười đấy, có thể làm bạn vui đấy nhưng rồi bạn sẽ phải giật mình vì những điều buồn cười đó. Và đây là một ví dụ...



Bài viết được trích từ blog của Ly: (link)


Nhiệt tình + ngu dốt = PHÁ HOẠI


Những hành động ngu dốt:
  • Tây sang Việt Nam thấy em nào thèm cái gì là cho móc túi ra phát quà
  • Khách du lịch đi về quê thấy em nào nheo nhóc: ra đây bác cho cái bút
  • Việt Kiều về quê thấy động lòng trước cảnh nghèo: phát cho mỗi nhà vài trăm

Cho cũng phải biết cách cho, nếu việc làm của bạn không giúp đỡ gì được cho người ta mà chỉ thoả mãn cái phần "tội lỗi" trong bạn, việc làm đó thật là ích kỷ.

Từng đi nhiều, làm công tác xã hội ở nhiều mức độ (tình nguyện, Liên Hiệp Quốc, cá nhân, tổ chức, xóm liều, miền núi, sông nước..), tôi thấy việc "cho" là cả một nghề được đào tạo chuyên nghiệp, hoàn toàn không chỉ dừng lại ở lòng thương người và cảm xúc bất chợt hay cái áy náy vì mình khá hơn người ta. Thậm chí cấm kỵ dùng từ "cho" hay "tặng" hay thậm chí "từ thiện", với người làm công tác phát triển xã hội, đó là cấp thấp nhất, thiếu hiểu biết nhất. Vì tôi chẳng cho ai cái gì cả, mà chính họ phải là người tìm được con đường đi cho riêng mình. Ngược lại, khi tôi nghĩ bạn không thể dùng đôi chân của mình nữa, tôi cắt "mịa" nó đi và đưa cho bạn một cái chân giả. Lòng tự hào thay, quên mất rằng chân của bạn chỉ bị tê thôi và hoàn toàn có thể tập đi được. Nhận đôi chân giả của tôi, lòng bạn "lao lao", cả đời bạn luôn nghĩ rằng nhờ có TÔI bạn mới đi được, đi bằng chân giả TÔI cho, chứ không phải bằng đôi chân VÔ TÍCH SỰ của bạn. Còn tôi, thấy mình đạo đức lên một tí, chắc đường lên cõi Niết Bàn đã rất gần!

Vì tôi cần thấy tôi ĐẠO ĐỨC, tôi cần thấy tôi TỐT, ĐẸP, và HOÀN THIỆN, nên tôi PHỤ THUỘC VÀO ĐÔI CHÂN VÔ TÍCH SỰ của bạn. Bạn phải yêu quý tôi, bạn phải thấy tôi như vị thánh từ bi, như thế ĐÔI CHÂN GIẢ tôi đưa nó mới có ý nghĩa. Thế nên, tôi phụ thuộc vào việc bạn có

yêu quý tôi nữa không để biết tôi có phải là THÁNH THIỆN hay không. Thế là bạn toàn quyền làm gì tôi cũng được!

Thế là cứ chạy quanh cái vòng luẩn quẩn: tôi cho tiền/sách vở/kiến thức, bạn cho tôi sự "bình yên trong tâm hồn" .. kể cũng rẻ.

Mấy đứa bạn cùng lớp ở Anh cũng vậy. Thường là những ai ít kinh nghiệm, nhìn sự việc qua lăng kính hồng.. sẽ có cách đối xử và tự xử như tôi vừa lấy ví dụ ở trên. Sự rung cảm nhất thời, hành động bồng bột đầy tính chủ quan.. là những gì dễ nhận thấy. Nói là ngu dốt thì hơi đúng quá, nhưng những người như vậy thường quá non nớt, nhìn mọi việc nông nổi. Khác nào em bé đi nhanh bị ngã, cả nhà ra oánh tan nát cái sàn gạch "hư này hư này", em bé được thể khóc to hơn cho nó máu, mẹ ra vỗ về "mẹ xin lỗi mẹ xin lỗi, ngoan ngoan mẹ thương, kẹo này".

Một người chín chắn và hiểu rộng, lòng vững như bàn thạch. Làm bất cứ việc gì không phải để mong lấy lại được "bình an trong tâm hồn" hay "xoa dịu này nọ" mà là vì bản chất của chính nó.

PHAN Ý LY

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2007

Vấn đề cần quan tâm: Về một nữ sinh giết bố và quả bom bạo lực gia đình




Nhà văn VÕ THỊ HẢO

Dù không ai muốn nói tới, hoặc có nói tới nhưng ngại nhấn mạnh về vấn nạn này, nhưng càng ngày, quả bom bạo lực gia đình càng trở nên nguy hiểm và đe doạ mạnh mẽ đến sự an lành của rất nhiều thành viên trong gia đình và trong xã hội.


Đơn cử một thí dụ nhỏ: chỉ trong ba ngày từ 23 đến 26 tháng 2/2007 đã có tới hai vụ bạo lực gia đình hết sức bạo ngược và thương tâm, khiến báo chí không thể làm ngơ. Một trường hợp do người chồng mâu thuẫn với vợ, nhân lúc vợ đang giặt đồ đã hung hãn chém vào đầu người vợ tội nghiêp, đẩy vợ xuống ao rồi còn lao theo chém nhiều nhát để giết kỳ chết. Một trường hợp khác, chỉ do muốn chiếm đoạt vài trăm đô la của gia đình vợ để ăn nhậu mà người chồng đã đang tâm giết vợ rồi còn tạo hiện trường giả để hòng trốn tội giết người.

Đặc biệt, vụ nhức nhối nhất, xẩy ra vào ngày 23/2/07, là vụ cô bé Trần Thị Chi- học sinh lớp 10A3 tại một trường phổ thông thành phố Yên Bái đã dùng dao thái rau đâm vào lưng bố vì thấy bố đang bóp cổ mẹ! Cần lưu ý rằng, cô bé Chi vốn là một đứa con ngoan, một học trò chăm chỉ. Nhưng cô bé đã chịu rất nhiều đau khổ và sinh bệnh trầm uất trước cảnh bạo lực của chính gia đình cô. Nhiều lần cô bé đã chứng kiến cảnh bố đánh mẹ và nhiều lần định tự tử vì quá đau đớn.

Đương nhiên, không thể chấp nhận được việc một đứa con giết bố. Kẻ sát nhân vị thành niên này sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng cần lưu ý rằng Chi là một cô bé đã bị bạo lực gia đình đặt vào một tình thế hết sức ngặt nghèo. Là một con người, lại là đứa con của mẹ, Chi có thể lựa chọn cách đứng yên thờ ơ nhìn bố đánh đập và bóp cổ mẹ đến chết không? Nếu Chi có thể sắt đá mà đứng yên trong khi bố bóp cổ mẹ, hoặc hoảng sợ mà bỏ chạy, cô sẽ không phải ra trước vành móng ngựa, nhưng có thể mẹ cô đã chết!

Chúng ta căm phẫn trứơc tội sát nhân. Nhưng cũng đáng hãi hùng thay những kẻ có trái tim bằng gang thép, thờ ơ và sắt đá trứơc nỗi đau của người khác. Việc một cô nữ sinh có lòng thương người, lại ngoan ngoãn, chỉ trong một lúc bột phát căm phẫn và lo sợ cho tính mạng của mẹ mà nhân tiện đang có con dao trong tay đã phạm vào tội giết người là một hình ảnh khá đặc trưng, báo động về nạn bạo lực gia đình hiện đã lên tới mức quá nguy hiểm cho an ninh xã hội.

Từ lâu rồi, khi thiếu vắng sự quan tâm của những người có trách nhiệm tại chính quyền địa phương phường xã, những kẻ dùng bạo lực với người thân đã không bị trừng trị, nạn nhân không được che chở và bảo vệ kịp thời, dẫn đến quả bom bạo lực gia đình phát nổ, gây đau thương về thể xác và tâm hồn cho bao ngừơi. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, nhu cầu tiêu xài được kích thích đến cao độ qua các phương tiện, trong khi đó, nạn thất nghiệp, nạn cờ bạc rượu chè trai gái điếm đàng lại hình thành khắp nơi, khiến cho nhiều gia đình bị bế tắc, sinh cảnh nồi da nấu thịt.

Rõ ràng, đã đến lúc không thể thờ ơ trước bạo lực gia đình. Cần hành động ngay lập tức. Cần thay đổi ngay từ trong quan niệm của những thành viên có trách nhiệm bảo vệ an ninh xã hội, rằng, bạo lực gia đình là vấn đề cần phải đầu tư nhân tài vật lực xứng đáng để giữ gìn, thì mới có thể bảo vệ được tối thiểu nền an ninh xã hội. Nỗi đau của mỗi con người do bạo lực gia đinh không thể coi là chuyện của riêng họ và bỏ mặc họ sống trong địa ngục gia đình. Khắp nơi, đâu đâu cũng có những thế hệ bạo chúa trong gia đình nối tiếp nhau ra đời.

Cần phải có những thiết chế thực sự hữu hiệu để cứu mỗi cá nhân ra khỏi bạo lực gia đình, để hàng triệu trẻ em và người lớn không bị tật nguyền về tâm hồn và kể cả thể xác.

Một đất nước văn minh phải là đất nước không có chỗ cho bạo lực gia đình.

Nhà văn Võ Thị Hảo

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2007

"Con đã từng được sống, con rất ngoan!"




Ngày 30/11/1996 (20/10 âm lịch), "cha" Xa Sĩ Hữu phát hiện một hài nhi mới sinh bị vứt bỏ đang thoi thóp và lạnh toát trong đống cỏ bên chân một cây cầu nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, ngực hài nhi cài một mẩu giấy nhỏ, chỉ ghi vắn tắt "20 tháng 10, 12 giờ đêm".

Khi đó, cha Xa Sĩ Hữu tròn 30 tuổi, nhà ở tổ 2, thôn Vân Nha, thị trấn Tam Tinh, huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên. Vì nhà nghèo quá, không cưới được vợ, nếu cha nhận nuôi thêm đứa trẻ này, có lẽ càng chẳng bao giờ có cô nào chịu lấy cha nữa.

Vì vậy, nhìn đứa trẻ còi như con mèo bé vừa ngáp ngáp vừa khóc thút thít, Xa Sĩ Hữu mấy lần nhặt lên rồi lại đặt xuống, bỏ đi rồi lại ngoái lại nhìn, đứa bé thân mình đầy bùn đất lạnh, tiếng khóc yếu ớt, nếu không ai cứu, chả mấy mà đứt sinh mệnh! Cắn răng, anh ôm đứa bé lên lần nữa, thở dài nói: "Thôi thì tao ăn gì, mày ăn nấy!".

Những đứa trẻ số phận đau khổ thường khác người. Từ lúc 5 tuổi, em rất biết ý thức giúp cha làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm, cắt cỏ em đều biết làm thành thạo.

Vào học lớp Một, Xa Diễm biết mình phải cố gắng. Em xếp thứ Nhất trong lớp, làm người cha mù chữ của mình cũng mở mày mở mặt với làng xóm.

Tháng 5/2005, Xa Diễm thường bị chảy máu cam. Một buổi sáng ngủ dậy định rửa mặt, đột ngột em phát hiện cả chậu nước rửa mặt đã biến thành màu hồng. Nhìn kỹ, là máu mũi đang nhỏ giọt xuống, không cầm máu được. Xa Diễm mắc bệnh máu trắng (Bạch cầu cấp - acute leucimia).

Chi phí điều trị căn bệnh này vô cùng đắt đỏ, thông thường điều trị cơ bản đã cần 300 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 600 triệu VND), Xa Sĩ Hữu choáng váng.

Ông quyết định bán cái duy nhất có thể ra tiền là căn nhà xây bằng gạch mộc, gạch chưa nung của mình. Nhưng nhà thì quá rách nát, lúc đó không thể tìm ra ai muốn mua nó.

Đứa trẻ tám tuổi tự lo hậu sự

Hôm đó về nhà, một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn chưa từng vòi vĩnh cha bất cứ điều gì, đã đòi cha hai yêu cầu: Em muốn có một tấm áo mới, và em muốn được chụp một bức ảnh. Em giải thích cho cha: "Sau này, khi con không còn nữa, nếu cha nhớ con, cha có thể nhìn con ở trong ảnh".

Ngày hôm sau, cha Xa Sĩ Hữu nhờ người cô đi cùng đưa cháu lên thị trấn, tiêu hết 30 tệ (60.000 VNĐ) mua một bộ quần áo mới, Xa Diễm tự mình chọn một chiếc quần cộc màu hồng phấn, người cô chọn cho Xa Diễm một chiếc váy trắng chấm đỏ, nhưng khi Xa Diễm mặc thử, thấy tiếc rẻ nên lại cởi ra.

Ba người đi đến tiệm chụp ảnh, Xa Diễm mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, ngón tay đưa ra hình chữ V, cố gắng mỉm cười, nhưng cuối cùng cũng không kìm được để nước mắt chảy ra.

Em đã không thể đến trường nữa, em xách cái cặp đứng trên con đường nhỏ đầu làng, mắt ươn ướt.

Nếu không có một phóng viên tên là Truyền Diễm của tờ Thành Đô buổi chiều, thì chắc Xa Diễm sẽ chỉ như một phiến lá cây khô rụng xuống, lẳng lặng bị cuốn đi theo gió.

Cô phóng viên này sau khi biết tin từ bệnh viện, đã viết một bài báo, kể lại toàn bộ câu chuyện của Xa Diễm. Sau khi bài báo "Đứa trẻ 8 tuổi tự lo hậu sự" được đăng, cả thành phố Thành Đô đều bị cảm động, cả mạng Internet toàn Trung Quốc cũng cảm động.

Có một phong trào lan truyền trên khắp Trung Quốc, trong cả đời sống thật của thế giới người Hoa lẫn trên mạng ảo, những người có lòng tốt bắt đầu quyên góp để cứu sinh mệnh mong manh của cô bé.

Trong vòng mười ngày, con số quyên góp từ toàn thể người Hoa đã lên tới 560 nghìn Nhân dân tệ, đủ để chi phí phẫu thuật, và hy vọng cuộc sống của Xa Diễm lại được thổi bùng lên từ bao nhiêu trái tim nhân ái.

Xa Diễm chịu đựng đợt hóa trị khó chịu. Trong cửa kính, Xa Diễm nằm trên giường truyền dịch, đầu giường đặt một chiếc ghế, ghế để một cái âu nhựa, thỉnh thoảng em quay người sang đó nôn.

Sự kiên cường của đứa bé khiến người lớn cũng kinh ngạc. Bác sĩ Từ Minh, người điều trị chính cho em giải thích, giai đoạn hóa trị, đường ruột và dạ dày sẽ phản ứng kịch liệt, thời gian đầu mới hóa trị, mỗi lần Xa Diễm nôn đều nhiều, nửa âu, nhưng đến "ho" một tiếng cũng không.

Trong lúc kiểm tra tuỷ xương khi nhập viện, mũi tiêm đâm từ ngực, em "không khóc, không kêu la, cũng không chảy nước mắt, đến động đậy cũng không dám".

Hai tháng hóa trị, Xa Diễm qua được chín cửa "Quỷ môn quan", sốc nhiễm trùng, bệnh bại huyết septicemia, tan máu, xuất huyết ồ ạt đường tiêu hóa... lần nào cũng "hung hóa cát".

Những liệu trình đều do các bác sĩ huyết học Nhi hàng đầu của tỉnh và Trung Quốc chẩn đoán quyết định, hiệu quả rất khả quan. Bệnh máu trắng căn bản đã được khống chế. Tất cả đang chờ tin Xa Diễm lành bệnh.

Nhưng những bệnh tật đi theo những tác dụng phụ của hóa chất trị liệu rất đáng sợ. Và so với hầu hết những đứa trẻ bị bệnh máu trắng khác, thể chất Xa Diễm rất yếu ớt. Sau đợt phẫu thuật, sức khỏe Xa Diễm càng kém.

Buổi sáng ngày 20/8, em hỏi phóng viên Truyền Diễm: - "Dì ơi, xin dì cho con biết, vì sao mọi người quyên góp tiền cho con?".

"Bởi vì họ đều có lòng tốt!"

- "Dì ơi, con cũng làm người tốt".

"Bản thân con đã là một người tốt. Những người tốt sẽ giúp đỡ nhau, mới làm nên những điều càng thiện lương".

Xa Diễm móc từ dưới gối ra một cuốn vở bài tập, đưa cho Truyền Diễm: "Dì ơi, đây là di chúc của con...".

Phóng viên Truyền Diễm kinh ngạc, vội vã mở vở ra, quả nhiên là những việc Xa Diễm thu xếp hậu sự. Đây là một đứa trẻ tám tuổi sắp về cõi chết, nằm bò trên giường bệnh dùng bút chì nắn nót viết ba trang "Di chúc".

Vì em còn nhỏ quá, còn nhiều chữ Hán chưa học nên chưa viết được hết, còn có những chữ viết sai. Xem có thể biết em không thể viết một mạch bức thư này, mà viết sáu đoạn.

Mở đầu là "Dì Truyền Diễm", kết thúc là "Tạm biệt dì Truyền Diễm". Suốt cả bức thư, chữ "Dì Truyền Diễm" xuất hiện 7 lần, và 9 lần gọi tắt là Dì.

Phía sau 16 chữ xưng hô này, tất cả là những điều "nhờ vả dì làm hộ" khi em lìa đời. Và còn cả lời muốn qua phóng viên "cảm ơn" và "tạm biệt" với cả thế giới.

"Tạm biệt dì, chúng ta sẽ gặp nhau trong mơ. Dì Truyền Diễm, nhà cha con sắp sập rồi. Cha đừng buồn, xin cha cũng đừng nhảy lầu. Dì Truyền Diễm xin dì trông coi bố con.

Dì ơi, cái tiền của con cho trường con một ít ít, cảm ơn dì chuyển lời cảm tạ tới Hội trưởng Hội Hồng thập tự. Con chết xong, mang hết chỗ tiền còn lại chia ra cho những người mắc bệnh giống con, giúp họ đỡ bị bệnh hơn...".

Bức di chúc làm Truyền Diễm giàn giụa nước mắt, khóc không thành tiếng.

Con đã từng được sống, con rất ngoan

Nhìn Xa Diễm đau bụng lăn lộn, bác sĩ và y tá đều bật khóc. Tất cả mọi người đều muốn gánh đau cho em, nhưng, không thể làm gì được.

Tám tuổi. Xa Diễm đã thoát được cơn bệnh tật quái ác, và ra đi an lành.

Trên bia mộ, một bức ảnh Xa Diễm cười mím mím, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: "Con đã từng được sống, con rất ngoan! (30/11/1996 - 22/8/2005)".

Mặt sau bia có ghi vài lời đơn giản giới thiệu thân thế Xa Diễm, câu cuối cùng là: "Trong những năm Em sống, Em đã được nhận những ấm áp của con người. Xin Em yên nghỉ, thiên đường có Em nên thiên đường càng đẹp đẽ".

Theo đúng chúc thư, 540.000 Nhân dân tệ còn thừa lại chia thành những tặng vật chia cho những em bé khác bị mắc bệnh máu trắng. Bệnh viện còn ghi lại tên của 7 bệnh nhân nhi này, Dương Tâm Lâm, Từ Lê, Hoàng Chí Cường, Lưu Linh Lộ, Trương Vũ Tiệp, Cao Kiện, Vương Kiệt.

Những bệnh nhân này lớn nhất là 19 tuổi, nhỏ nhất là 2 tuổi, đều là những em gia đình quá nghèo, đang giãy giụa giữa sự sống và cái chết.

Ngày 24/9, ca phẫu thuật đầu tiên thành công dành cho bệnh nhân được nhận viện phí từ Xa Diễm, là cô bé Từ Lê ở bệnh viện Hoa Tây. Sau phẫu thuật, Từ Lê mỉm cười với gương mặt trắng xanh, nói: "Xa Diễm, hãy yên nghỉ, về sau này, bia mộ của chúng tôi cũng sẽ ghi thêm một dòng như nhau: "Tôi đã từng đến trong đời này, và tôi rất ngoan!".

Theo Tiền Phong

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2007

Chỉ có hiện tại mới tồn tại thực sự




"Phải luôn luôn trú ẩn trong giây phút hiện tại. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa tới, giây phút có sự sống chính là hiện tại".

"...Những khó khăn trong cuộc sống đôi khi làm chúng ta tuyệt vọng, không muốn sống, như Thúy Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nhưng chúng ta còn có ngày hôm nay, còn có một ngày mới để bắt đầu làm lại. Nhận thức được có ngày hôm nay để sống, để yêu thương cho chúng ta hy vọng, cho chúng ta một năng lượng lành để sống tốt hơn. Khó khăn nào rồi cũng qua đi. Sương che lối đi làm cho chúng ta phải chập chững mò đường, thế nào cũng tan. Mây che mặt trời không cho những tia nắng sưởi ấm lòng ta, thế nào rồi cũng bay đi. Điều quan trọng là đừng để sương, mây, những khó khăn ưu phiền trong cuộc sống che mất đường đi của chúng ta. Một ngày còn sống là một ngày hạnh phúc".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2007

Khi...




Khi tôi vui, tôi muốn nói với một ai đó rằng tôi đang rất vui và bàn luận với họ về niềm vui đó. Đơn giản thế thôi!

Khi tôi buồn, tôi xuống phố đi bộ và ngắm người qua lại. Tiếng ồn ào náo nhiệt của phố xá làm tôi quên mất mình đang buồn chuyện gì.

Khi chán chường, tôi chỉ muốn làm một việc gì đó cật lực để mệt đi rồi đánh một giấc đến sáng. Hôm sau tỉnh dậy sẽ chẳng còn nhớ gì nữa.

Khi bế tắc, tôi gục đầu xuống, nhắm mắt lại như để trốn tránh sự thật. Nhưng rồi tôi vẫn phải mở mắt ra và ngẩng đầu lên. Tôi vẫn phải sống. Tôi bình tĩnh lại và tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Khi tức giận, tôi chỉ muốn đạp phá đồ vật, gào thét thật to cho cái tức giận thoát ra khỏi cơ thể đang sôi sục. Nhưng rồi tôi cảm thấy mình càng đau hơn và không những vậy, tôi còn đang làm đau người khác.

Khi xấu hổ, như bao người khác, tôi chỉ muốn chui xuống đất và chẳng muốn ngoi lên nữa. Ơ mà xấu hổ thì đã làm sao nhỉ? Ai chẳng có lúc xấu hổ. Con người mà. Thôi kệ, chao mặt một tí chắc chả sao.

Khi sợ hãi, bản tính sĩ diện của một thằng đàn ông ép tôi phải gồng mình lên và buộc tôi phải liều lĩnh. Và tôi đã nhiều lần chế ngự được cơn sợ hãi.

Khi...

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2007

Đúng và Sai...




Người ta cãi nhau, đánh nhau cũng chỉ vì tranh cãi xem ai ĐÚNG ai SAI. Hầu hết người ta luôn cho mình là đúng và cho người khác là sai. Không mấy ai tự nhìn lại mình và thú nhận rằng mình đã sai cả. Số đông vẫn nghĩ mình luôn đúng.

Có một cô gái sau khi chia tay bạn trai đã gửi tin nhắn cho chàng trai đầy vẻ trách móc: "Một người bỏ anh ra đi, anh cho rằng họ sai. Người thứ hai bỏ anh đi, người đó vẫn sai. Rồi người thứ ba cũng xa lánh anh và họ cũng sai. Đã bao giờ anh tự hỏi xung quanh anh còn lại bao nhiêu người?"

Tin nhắn chua chát này có làm chàng trai giật mình nhìn lại bản thân? Mẩu chuyện nhỏ trên chưa đủ để chúng ta kết luận xem ai đúng ai sai trong chuyện này. Tuy nhiên, dù đúng hay sai, có một hành động khá khó khăn với một số người. Đó là tự nhìn lại bản thân và những chuyện đã xảy ra, đánh giá và nhìn nhận đúng nó. Bạn thử nghĩ xem, chịu khó nhìn lại bản thân và những sự việc đã qua giúp bạn đánh giá sự việc đúng mực và tỉnh táo hơn. Có thể bạn không sai nhưng bạn cũng có thể tìm ra giảp pháp nhằm tránh những rắc rối tương tự xảy ra lần nữa. Nói cách khác, nhìn lại bản thân có thể giúp bạn nhìn nhận cuộc sống khách quan hơn.

Bạn nghĩ sao?