Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Ôi, biểu tình




Xin kể ngắn gọn thôi vì đang đuối quá đuối... Mình đã trải qua 5 ngày theo cuộc biểu tình của PAD.

Tối hôm đó (29.8), người biểu tình PAD kéo đến trụ sở cảnh sát thủ đô Bangkok đòi xử lý những cảnh sát đã trấn áp bạo lực với người biểu tình. Họ đỉnh phá cửa xông vào trong trụ sở cảnh sát. Cảnh sát bên trong đành bắn đạn hơi cay ra ngoài để giải tán biểu tình. Mình ra đến nơi thì hơi cay bay mù mịt. Một nhân viên y tế chạy từ phía đám khói ra, bắt gặp mình và hỏi: "Anh là phóng viên à, chạy vào chụp ảnh à? Có nước đấy chưa? Tưới nước lên khắp mình đi. Mặt nữa, cả mắt nữa". Mình vội lấy chai nước tưới khắp người, dội nước vào mặt, mắt và cả khẩu trang. Khẩu trang tẩm nước đeo vào sẽ cản được hơi cay của cảnh sát. Đi vào sâu thêm 1 đọan thì cay mắt quá không chịu được phải chạy dội ra. Mắt cay xè không mở được nữa. Một số nhân viên y tế có mặt tại đó đã đeo một cái kính bơi hay kích của thợ mộc gì đó. Nó giúp họ tránh được hơi cay. Mình đã định mua cái kính này mấy lần rồi nhưng quên béng. Tuy nhiên, đợt này mình bị "dính chưởng" nhẹ hơn năm ngoái.

Cách đây hơn 1 năm cũng có vụ tương tự. Lúc đó mình đứng ngay giữa "chiến tuyến", hơi cay đậm đặc làm bất cứ ai đứng ở đó đều bỏng rát hết người, mặt và mắt. Đầu thì đau, ói mửa liên tục.

Hy vọng sau 2 lần, lần sau mình có kinh nghiệm hơn hehe... Còn đây là cái ảnh xơ xác sau trận hơi cay...

Ngủ đây, vừa về đến nhà... hic hic...


Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Tham khảo: “Thuần phong mỹ tục” - vòng kim cô của nghệ thuật?




Cảnh trong phim Khi tôi 20

Mời tham khảo bài viết trên VietNamNet

Mục đích trên hết của việc gìn giữ “thuần phong mỹ tục” là hướng đến một xã hội văn minh, có quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ, chứ không phải tạo ra những vòng kim cô để tự giam hãm mình.

"Thuần phong mỹ tục"? Đương nhiên phải có...

Cụm từ “thuần phong mỹ tục” xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý văn hóa.

Thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh, những quy chuẩn xã hội nào cũng phải có. (Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Phong: lề thói. Mỹ: đẹp. Tục: thói quen). Vì thế, gìn giữ “thuần phong mỹ tục” là việc đương nhiên xã hội nào, dân tộc nào cũng phải làm để tạo nên tính đặc trưng, luật lệ và văn hóa riêng, để hướng đến một xã hội văn minh, có quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ.

Thế nhưng, sự quản lý “thuần phong mỹ tục” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không hình thành những tiêu chí rõ ràng, lệ thuộc vào góc nhìn, và đôi khi phụ thuộc vào những quan điểm cá nhân. Nhà quản lý nhiều khi rơi vào tình huống lúng túng; nghệ sĩ bế tắc, khó xử vì bản án “thuần phong mỹ tục” mơ hồ, nhiều khi hơi có phần duy ý chí, cứng nhắc, giáo điều.


Đặc biệt trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, cái cách chúng ta đang làm giống như tự khoanh một vùng “chết” cho sáng tạo, một "vòng kim cô" cho nghệ sĩ, rồi lại vùng vẫy cay đắng nhìn mình cô lập trong sự phát triển xung quanh.

Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian cân nhắc, lật lên lật xuống những quan điểm về nghệ thuật khỏa thân. Các nhà quản lý rụt rè vừa muốn đưa tay ra với nghệ thuật khỏa thân, lại vừa e ngại không muốn trở thành người xóa bỏ chiếc vòng kim cô đó.

Nghệ thuật khỏa thân đã tồn tại trên thế giới bao đời, và cũng xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí, tranh ảnh tại Việt Nam, nhưng những cuộc triển lãm vẫn bị từ chối. Gần đây nhất là triển lãm của nữ nhiếp ảnh gia Kim Hoàng.

Lý do từ chối cấp phép của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đưa ra cũng là "vi phạm thuần phong mỹ tục". Thực tế là ảnh của Kim Hoàng chỉ chụp cận cảnh các đường nét cơ thể như tay, cằm, ngực, bụng... Nếu xét theo cách cứng nhắc như vậy, rất nhiều bức ảnh đoạt giải của ta đã vi phạm "thuần phong mỹ tục" khi chụp các bà già Tây Nguyên cởi trần, cô gái tắm suối...

Ông Trần Mạnh Cường - Trưởng phòng quản lý nghệ thuật biểu diễn – Sở Văn hoá- Thông tin Hà Nội đã từng đưa ra một ví dụ đáng suy nghĩ: Một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp bộ tộc người Tây Nguyên để ngực trần. Luật của bộ tộc này khi đã có con thì phụ nữ để ngực trần. Như vậy đứng về mặt phong tục thì không thể nói rằng “trái thuần phong mỹ tục”.

Nhưng còn những giá trị thẩm mỹ đích thực?

Chúng ta quá cẩn thận với những tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đó, những hình ảnh phản cảm nhất trong một xã hội văn minh như “tưới cột điện” “phi nước bọt”... lại không được xử lý thật quyết liệt, khiến nó vẫn tồn tại hàng ngày như một phần của cuộc sống.

Có thời gian, trên tường các gia đình, cơ quan treo đầy lịch các cô người mẫu mặc bikini lồ lộ. Nếu chiếu theo lăng kính “thuần phong mỹ tục” các cô còn hớ hênh hơn rất nhiều người mẫu trong các ảnh khỏa thân, vốn đã được nghệ sĩ thể hiện qua những góc nhìn tinh tế.

Nếu xét theo cách cứng nhắc, rất nhiều bức ảnh đoạt giải đã vi phạm "thuần phong mỹ tục" (Ảnh: Phạm Dực, Nguồn: VAPA)

Bản án "không phù hợp với thuần phong mỹ tục” luôn treo lơ lửng trên đầu nghệ sĩ. Sự ức chế trong một tâm lý sáng tác chật hẹp khiến ý tưởng sáng tạo của họ chưa ra đời đã bị triệt tiêu bởi sự hoang mang. Đâu là ranh giới giữa "phù hợp" và "không phù hợp"? Có lẽ chính các nhà quản lý cũng khó đưa ra tiêu chí rõ ràng.

Nếu không có cú “bứt phá” của Cục điện ảnh, sự kiên trì của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, điện ảnh Việt cũng không có tác phẩm như Sống trong sợ hãi. Để trình làng được tác phẩm này, Bùi Thạc Chuyên cũng khổ sở không ít với cụm từ “thuần phong mỹ tục”. Ngay cả khi bộ phim được công chiếu, cụm từ này vẫn được dư luận đề cập khá gay gắt.

Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di mới đây cũng than vãn anh đang khổ sở vì "bản án" trên. Di nói anh được BTC LHP Venice mời dự, sau khi lựa chọn phim ngắn Khi tôi 20 của anh từ 1400 phim ngắn trên toàn thế giới. Đây là cơ hội hiếm có vì chỉ có 18 phim được lọt vào vòng tranh giải. Khu vực Châu Á có phim của Di và một phim Trung Quốc. Thế nhưng khi làm thủ tục gửi phim đi thì Di được một gáo nước lạnh từ Hội đồng duyệt phim quốc gia: phim vi phạm “thuần phong mỹ tục” và không cho gửi đi.

Khi tôi 20 là cái nhìn trần trụi về cách sống của một bộ phận giới trẻ... Chuyện phim không khác so với những gì xuất hiện khá thường xuyên trên mặt báo. Phim có một cảnh sex, nhưng xét về độ “khủng” cũng cỡ như Sống trong sợ hãi, Đầm hoang, Cô gái trên sông… những phim đã được công chiếu rộng rãi, thậm chí không phô như Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu. Một bên là sự gìn giữ “thuần phong mỹ tục” duy ý chí, một bên là cơ hội tuyệt vời, lựa chọn bên nào hơn?

Cũng như có lúc nhà tổ chức và các thí sinh hoa hậu hoang mang với điều khoản: phải có gương mặt thuần Việt trong Quy chế thi hoa hậu. Thế nào là “mặt thuần Việt” và tại sao “không thuần Việt” lại bị ghét bỏ, trong khi cái đẹp luôn có một giá trị chung? Một mặt chúng ta vừa muốn người đẹp Việt giành được vị trí cao trên đấu trường quốc tế, nhưng lại tự khoanh vùng đẩy mình xa khỏi tiêu chí quốc tế, bó hẹp cơ hội cho mình.

Cũng như xu hướng hội nhập dù muốn dù không cũng đang cuốn chúng ta vào, chúng ta không thể duy ý chí bắt buộc công chức, lãnh đạo phải đội áo the khăn xếp thay cho vestton, váy đầm. Sự du nhập văn hóa ấy là không thể tránh khỏi khi thị trường nhan nhản phim Mỹ; Pop, Rock, Hiphop... được giới trẻ mê đắm; khi các cửa hàng băng đĩa lậu mọc lên như nấm không thể kiểm soát; khi Internet ngày càng xóa nhòa mọi biên giới; và trong khi chúng ta đang nỗ lực hết sức để rút ngắn bớt sự tụt hậu so với các bạn?

Ngay cả những nước rất chặt chẽ đối với văn hóa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ vẫn giữ gìn được bản sắc nhưng vẫn tiếp thu văn hóa phương Tây. Còn ta thì sao?

Công chúng đủ nhạy cảm thẩm mỹ để lựa chọn cái đẹp. Họ không đến với nghệ thuật chỉ vì tò mò những thứ trần trụi. Ngay ở nước phóng khoáng như Mỹ các màn “khoe hàng” thô thiển cũng bị cộng đồng phản ứng. Các nghệ sĩ đủ thông minh để không tự hủy hoại danh tiếng và đẩy mình vào vị thế “rẻ tiền”, có chăng vấn đề nằm ở chỗ họ chưa tạo được lòng tin nơi những nhà quản lý mà thôi.

Đương nhiên, việc “cầm cương” để đảm bảo những quy chuẩn về đạo đức và thẩm mỹ xã hội là việc phải làm. Nhưng bên cạnh đó có lẽ các nhà quản lý cũng cần cân nhắc những giá trị thực. Chỉ khi nào những sáng tạo đầy tính thẩm mỹ được trân trọng, những sản phẩm tinh thần giá trị được đặt đúng vị trí, khi ấy ta mới mong có được một xã hội văn minh, toàn diện.

  • Hoàng Hường

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Vụ hát đớp ở lễ khai mạc Olympic 2008




Mới đây, đạo diễn âm nhạc trong lễ khai mạc Olympic 2008 là Trần Kỳ Cương đã lỡ mồm tiết lộ trên đài phát thanh Bắc Kinh rằng cô bé 9 tuổi Lâm Diệu Khả (ảnh - phải)xuất hiện hoành tráng hôm tối 8.8 thực ra chỉ hát nhép. Cô bé 7 tuổi Dương Bái Nghi (ảnh - trái) mới là người hát ca khúc đó. Vụ lỡ lời này là một sự xấu hổ đối với ban tổ chức lễ khai mạc. Bản tin về chuyện này trên một số trang tin của Đại Lục sau đó đã bị gỡ xuống. Lý do mà ban tổ chức đưa ra là Dương Bái Nghi có giọng hát hay nhưng khuôn mặt không đẹp trong khi Lâm Diệu Khả lại có ưu thế về vẻ ngoài. Thế là ban tổ chức quyết định đánh tráo.

Tự hỏi, một đất nước đông dân như Trung Quốc không lẽ không tìm được một em vừa hát hay vừa xinh đẹp để biểu diễn trong lễ khai mạc hay sao? Làm như vậy hẳn Dương Bái Nghi trong lòng sẽ tủi thân lắm. Em Dương nói với báo giới rằng dù sao em cũng hạnh phúc vì tiếng hát của mình được sử dụng trong lễ khai mạc. Còn về phần em Lâm, hẳn em cũng bẽ mặt khi sự thật bị phanh phui, nhất là sau khi báo giới trót ca ngợi em sẽ là ngôi sao sắp nổi. Sau vụ này, em Lâm bị điều tiếng là... không có giọng. Nhìn lại thấy Việt Nam ta tự hào khi có... bé Xuân Mai. Mà nhìn hình trông em Dương đâu đến nỗi xấu. Trông em xinh xắn và hồn nhiên.

Quay lại chuyện hát đớp. Cách đây hơn 10 năm, tôi được xem một buổi trình diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân gì đó đến từ Trung Quốc phát trên VTV. Trước đó, báo chí có đưa tin về việc ghé thăm và trình diễn này. Tuy nhiên, những nghệ sĩ Trung Quốc lần lượt lên sân khấu và hát nhép trên nền nhạc có sẵn. Ở Việt Nam trong những năm qua, việc hát đớp trên sân khấu đã bị cấm. Trong một số buổi phúc khảo của các chương trình ca nhạc mà tôi được xem, cán bộ của Sở VHTT đã nghiêm khắc phê bình một số ca sĩ cố tình hát nhép. Bản thân khán giả Việt Nam cũng cảm thấy bị xúc phạm khi xem ca sĩ hát đớp. Nếu vụ hát đớp Olympic này mà diễn ra ở Việt Nam chắc ban tổ chức sẽ bị phạt nặng.

Và mới đọc được mấy thông tin sau từ BBC:

"Trong một tiết lộ khác, người ta cho biết một phần các hình ảnh bắn pháo hoa đêm khai mạc mà khán giả thế giới xem qua truyền hình thực ra là các đoạn băng được ghi hình từ trước.

Ban Tổ chức còn phải tìm cách giải thích tại sao người ta vẫn thấy có quá nhiều ghế trống trong khi sự kiện được họ quảng cáo là bán sạch vé."

Phần còn lại của câu chuyện xem tại đây:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/08/080813_olympics_mi...

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

Naa Rak Naa Love




Đang ốm, nhặt được cái bài teen này nghe tạm



Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

Hội chiếu mới




Sau một tuần lăn lộn mình đã có hộ chiếu mới. Hộ chiếu cũ đã bị cắt góc sau 8 năm sử dụng toé loe.



Cuốn hộ chiếu như nhật ký một đời người, ghi lại bao thăng trầm (tức lên xuống... máy bay) hehehe. Hồi đó ảnh hộ chiếu của mình nhìn trông ngố không chịu được.


11082008523 by Tran Viet Phuong.


Thật ra cuốn hộ chiếu cũng đã đến lúc thay chứ không phải vì đến hạn phải thay vì nó cũng nát quá rồi. Dấu diếc bung bét hết cả.

11082008524 by Tran Viet Phuong.

11082008525 by Tran Viet Phuong.

11082008526 by Tran Viet Phuong.


Còn đây là ảnh tớ trong hộ chiếu mới. Có người nói cái mặt này 24 tuổi là cùng hehehe

11082008521 by Tran Viet Phuong.


Vì cái hộ chiếu mới này mà mình mất chừng vài nghìn baht bao gồm cả chi phí làm lại visa và work permit huhuhu.


Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2008

080 và 08.08.08, được lên tem, v.v và v.v...

Hôm qua là ngày của số 8. Chẳng rõ là mình xui hay hên nữa nhưng gặp toàn số 8. Ngủ dậy lúc 8 giờ 8 phút sáng, trên đồng hồ báo thức ghi thế. Sau đó đi làm 1 số giấy tờ liên quan đến việc cư trú. Trong lúc ngồi đợi làm giấy tờ để ý thì thấy số thứ tự của mình là 080, bên dưới ghi ngày là 08/08/08. Sực nhớ ra đây là cái ngày toàn số 8. Hehehe.



Thêm 1 chuyện nữa, mình mới được in hình lên tem Thái. Có thể các pạn không tin nhưng xem hình dưới đây nhé! Hình chụp original, không photoshop nhé. Hehehe



Thế cái đã nhé hehehe...

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

2! Mr. President




2! Mr. President

2 là Hi, phát âm là HAI. Vâng, Hi Mr. President. Hôm đó ông Bush đến Bangkok. Ông Bush là Tổng thống Mỹ, cái người mà các bạn bên Thông tấn xã hay Báo Nhân Dân thường gọi là Bu-sơ. Mục đích của chuyến đi, theo các nhà phân tích chính trị thì chỉ để làm màu làm mè trước khi về vườn, chứ mục đích chính là đi Trung Quốc. Nói kiểu như các cụ nhà ta là đi dối già ấy mà. Tin tức thì chẳng có mấy nhưng mình cũng phải đi để chụp cái hình và cũng để xem ông Bush mặt mũi chân tay dài thẳng ra sao.

Để được đến chụp ảnh ông Bush xuống máy bay, đứng vẫy vẫy trên cầu thang như các vị lãnh đạo hay làm, các phóng viên phải đăng ký trước 2 ngày. Thôi thì cũng chẳng sao. Bác ấy là nhân vật quan trọng, 2 ngày cũng không phải là chuyện lớn. Nơi bác ấy sẽ đáp máy bay xuống là căn cứ không quân Hoàng gia Thái ở Don Muang. Đến nơi, lẽ dĩ nhiên, các phóng viên phải qua một vòng kiểm tra nghiêm ngặt với màn lục túi, sờ mó và đi qua cổng từ. Mỗi người được phát một cái thẻ của Bộ Ngoại giao Thái dành riêng cho dịp này. Tuy nhiên, đó chỉ là thẻ của Thái và nó chỉ có hiệu lực trong phòng... đợi. Để được đi ra ngoài đường băng chụp ảnh, các phóng viên phải liên hệ với 1 bàn gần đó của Đại sứ quán Mỹ để lấy một cái thẻ được gọi là "White House Press Pool - Property of the U. S. Government". Rách việc. Nhân viên sứ quán nói nếu không có cái này sẽ không được ra ngoài chụp ảnh. Nhiễu quá cơ. Vậy là để được chụp ảnh Bush phải có tận 2 cái thẻ nhé. Thẻ của Đại sứ quán Mỹ cấp bị buộc phải trả lại sau buổi chụp bởi nó là "Tài sản của chính phủ Mỹ" cơ mà.

Các bạn Mỹ quả là rườm rà. Để đến chụp ảnh bạn Bush, các bạn phóng viên phải đến trước giờ bạn Bush hạ cánh là 2 tiếng, ngồi không trong phòng đợi 2 tiếng đồng hồ. Chẳng làm gì. Quy định đặt ra là ai đến muộn hơn thời gian quy định thì sẽ không được cho vào. Một phóng viên Tân Hoa Xã nói ngày mai ông Bush có bài phát biểu lúc 9h30 ở Trung tâm Hội nghị Hoàng hậu Sirikit. Ai muốn đến chụp ảnh phải có mặt trước 4h30 sáng, tức là trước đó 5 tiếng. Hic hic. Trong 2 tiếng ngồi đợi và không làm gì đó, cũng có ối chuyện để bàn.

Các phóng viên đang ngồi không biết làm gì thì một anh bạn trẻ ở Đại sứ quán Mỹ lên tiếng: "Xin mời qúy vị để hết lại đồ đạc, máy ảnh, tư trang, trừ điện thoại di động và lùi lại phía sau để chúng tôi kiểm tra an ninh". Ối giời. Đã kiểm tra lúc nãy khi vào phòng rồi kia mà. Mọi người lùi lại, một anh da màu to cao đen hôi dẫn một chú chó béc-rê lực lưỡng đi lòng vòng qua chỗ phóng viên để đồ hít hít ngửi ngửi. Một anh phóng viên nói đùa: "Chắc họ không tin người... ngửi nên phải để chó ngửi thêm lần nữa cho chắc". Hehe. Vậy là bị qua 2 lần kiểm tra an ninh.

Sau khi hít hà chán chê, các bạn dồn phóng viên ra đường băng đứng đợi. Lúc đó là hơn 5 giờ chiều, tức là khoảng hơn 1 tiếng nữa bạn kia mới tiếp đất. Trời thì nắng nóng, chỗ đứng không có mái che. Đành chịu. Ai bảo đi chụp ảnh Bush? Lúc sau mình cảm thấy chột dạ, quay sang nhỏ nhẹ xin phép bạn an ninh bên Đại sứ quán Mỹ cho mình đi gặp anh Cường (tự William Cường). Bạn này ngoắc tay một bạn bên Bộ Ngoại giao Thái, bảo hộ tống mình đi. Hic hic. Mà quãng đường từ đó đến nhà vệ sinh đầy an ninh và vẫn nằm trong khu vực được bảo vệ cẩn mật. Đâu cần phải khó khăn với nhau thế. Hic hic.

Cuối cùng thì 6h chiều, một chiếc máy bay ghi trên thân chữ United States of America hạ cánh nhưng không phải là chiếc Air Force One. Mọi người đoán già đoán non đó là xe chở quần áo, xà phòng, dầu gội đầu cho Bush, đi theo để phục vụ đoàn. Vậy là đi chuyến này Bush có tới 2 máy bay. Nửa tiếng sau, chiếc Air Force One mới hạ cánh. Bạn Bu-sơ ra khỏi máy bay, vẫy chào.

2! Mr. President.

P.S: Sau này mình cũng sẽ tranh cử làm tổng thống Mỹ hehe

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Tiền nào của nấy




Nguồn: Blog kủa pạn Ly. Xin lỗi chịu không nổi...

Chuyện sau đây có nhiều từ ngữ không phù hợp. Nếu bạn chưa đủ 18 tuổi yêu cầu rời trang web ngay lập tức.

Tôi trên 18 tuổi | Tôi chưa đủ tuổi để xem

P.S: Entry của Ly thật sự có nhiều từ ngữ dung tục và hơi quá đà. Đã có nhiều ý kiến phản hồi trái ngược về entry này nhưng đó là sự thật ở các bệnh viện Việt Nam hiện nay. Nhiều vấn đề cần phải thay đổi ở những nơi đó.