Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Về quê thăm tổ tiên





Tổ Lập Ấp


Tổ lập ấp Trần Trung Khánh là cháu 10 đời Tổ Tự Phúc Quang và là dòng dõi đời thứ 23 Đức Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Ngài là con trai duy nhất của cụ tổ Trần Xuân Khương, nguyên quán thôn Cát Chứ Nội, huyện Chân Ninh, xưa thuộc phủ Thiên Trường - quê hương của các đời vua nhà Trần. Dòng họ Nho giáo, có uy tín trong xã hội, cụ bà là người họ Vũ, di giáo, tên Thánh là Rosa.


Ngày Giáp Tuất, tháng Bính Thìn, năm Kỷ Sửu, đời Vua Minh Mạng thứ 10 (1829), hưởng ứng lời hiệu triệu của Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ, Tổ Trần Trung Khánh cùng các cụ Nguyễn Lực, Hoàng Trọng Cát, Nguyễn Doãn Cung, Nguyễn Khắc Hiến, Nguyễn Tôn Nho, Đặng Thiếu Sóc, Nguyễn Kính, Nguyễn Khoán, tất cả cùng nhau tập hợp huy động dân đinh, huy động nhân tài vật lực, tiến hành quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi.



Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Không bao giờ!


Trên đời này tôi không bao giờ có ý làm ai đó tổn thương!

Không bao giờ!

Tất cả chỉ là sự hiểu lầm.

Mong ai đó mà tôi vô tình làm tổn thương hãy bỏ qua.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Những bài viết không được đăng (2)

Taxi xếp hàng chờ đón khách ở một trung tâm mua sắm - Ảnh: Việt Phương


Taxi Bangkok ký sự


VIỆT PHƯƠNG (VP Bangkok)


Taxi ở Bangkok không có thương hiệu riêng nhưng vẫn hoạt động khá trật tự và hiếm có chuyện giành khách.


Taxi trong thành phố


Một điều khá thú vị và vui nhộn về taxi ở Bangkok là những chiếc xe có đủ màu sắc loè loẹt như xanh, đỏ, tím, vàng, cam, hồng. Đó có lẽ là đặc điểm nhận dạng đầu tiên của những chiếc xe chở khách này. Để phân biệt với những chiếc xe bình thường, ngoài biển taxi trên nóc xe, tất cả xe taxi ở Thái Lan đều phải mang biển màu vàng. Biển màu vàng được dùng chung cho các loại xe vận tải công cộng bao gồm taxi, xe ôm, xe buýt, tuk tuk (một dạng xe lam), v.v… Nếu không có biển vàng, kể cả xe ôm, thì “đừng hòng” kinh doanh việc chở khách. Bởi vậy cho nên đã có chuyện một anh xe ôm gia nhập đội xe ở một góc phố nhưng chưa kịp xin biển vàng đã phải cởi áo khoác đồng phục (giành riêng cho tài xế xe ôm) khi chở khách nhằm tránh bị cảnh sát phạt.


Nếu như ở Việt Nam, người ta gọi taxi thông qua tổng đài nhiều hơn là ra đường bắt xe thì ở Thái Lan, điều đó ngược lại. Bởi không có thương hiệu riêng nên người ta sẽ không bao giờ thấy tên hãng taxi cũng như số điện thoại trung tâm điều hành được in trên thân xe như thường thấy ở Việt Nam. Thực ra có tổng đài radio taxi nhưng nó ít được sử dụng vì taxi ở Bangkok quá nhiều, cứ ra đường vẫy là có ngay. Những xe đang trống khách thường bật đèn đỏ ở góc trái xe để người ta dễ nhận diện. Và khi khách vẫy xe, xe nào đến trước đón khách trước, xe nào đến sau thì đành nhường lại, nhất định không có chuyện giành giật, chèo kéo khách đi xe.


Chuyện giành khách là hiếm có bởi ở Bangkok taxi nhiều mà khách có nhu cầu đi taxi cũng không nhỏ. Bởi vậy, đừng ngạc nhiên nếu tài xế taxi từ chối chở bạn nếu nơi bạn cần đến quá xa hoặc đường đến đó đang kẹt xe. Thói quen đi taxi của người Thái là mở cửa taxi, hỏi tài xế xem anh ta có đồng ý chở khách đến nơi cần đến không. Nếu tài xế gật đầu, khách mới leo lên xe và thực hiện hành trình của mình. Những hôm trời mưa, giao thông tắc nghẽn, việc mất cả tiếng đồng hồ để đón được một chiếc taxi không phải là hiếm bởi tài xế liên tục lắc đầu.


Taxi ở sân bay


Chính vì đặc điểm nhận dạng sặc sỡ và biển số đăng ký màu vàng đặc trưng, những chiếc taxi “dù” khó lòng lọt vào “lãnh địa” sân bay để làm ăn. Tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, một khu vực dành riêng cho taxi đón khách được quản lý chặt chẽ. Và cũng vì taxi ở Bangkok không có thương hiệu riêng nên mọi xe taxi đều được vào sân bay đón khách một cách bình đẳng, không có chuyện độc quyền.


Tài xế taxi muốn vào sân bay đón khách phải ghi vào một tờ khai họ tên, số điện thoại di động, biển số xe taxi. Tờ khai này do ban quản lý sân bay cung cấp. Tờ khai có 2 mảnh. Một mảnh sẽ được nhân viên sân bay thu lại, lưu vào hồ sơ. Mảnh còn lại đưa cho khách đi taxi. Trên mảnh đưa cho khách có in sẵn mẫu than phiền trong trường hợp hành khách không hài lòng với tài xế chở mình. Mẫu than phiền bao gồm các mục như: thu quá tiền trên đồng hồ tính cước, tắt đồng hồ tính cước, bỏ khách xuống xe giữa chừng hoặc các lý do khác. Khách có thể gửi tờ than phiền này đến ban quản lý sân bay theo địa chỉ in sẵn trên mảnh giấy. Bằng cách này, tài xế taxi vi phạm sẽ bị ghi vào sổ đen và tất nhiên, lần đến đón khách tại sân bay sau đó sẽ không dễ đối với anh ta. Có thể thấy, với cách quản lý chặt chẽ như vậy, thứ nhất, taxi “dù” không thể lọt vào khu vực đón khách được phép; thứ hai, chất lượng dịch vụ taxi được bảo đảm.


Tuy nhiên, khi đón taxi ở sân bay, khách phải trả thêm phụ phí 50 baht (khoảng 25.000 đồng) cho tài xế ngoài số tiền ghi trên đồng hồ tính cước. Mất thêm chút tiền nhưng khách đi xe hoàn toàn có thể yên tâm. Nhất là trong trường hợp để quên đồ trên xe, số điện thoại di động của tài xế ghi trên mảnh giấy dịch vụ sẽ giúp người ta tiếp cận với xe taxi đó một cách nhanh chóng.


Mới đây, sân bay Suvarnabhumi dựng lên thêm nhiều rào chắn dọc các sảnh ga đến và ga đi nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc taxi đón khách. Còn xe riêng đến đón người nhà thì đã có khu vực nhà để xe riêng.


Taxi ở Bangkok nhiều về số lượng, đa dạng về màu sắc nhưng vẫn trật tự. Tất nhiên, du khách đến Thái đôi lúc sẽ gặp một số điều khó chịu về taxi nơi đây nhưng không phải là nhiều.


V.P

Những bài viết không được đăng (1)


Thanaban đang quay cảnh Ket-a-nong phỏng vấn một quan chức - Ảnh: Việt Phương


Học sinh Thái tham gia làm truyền hình


VIỆT PHƯƠNG (VP Bangkok)


Những học sinh cấp 3 ở Thái Lan có cơ hội tham gia làm các chương trình truyền hình liên quan đến lứa tuổi của mình để người lớn hiểu suy nghĩ của các em hơn.


Chuyện các em học sinh tham gia viết báo không còn xa lạ gì đối với nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Thái Lan, các em còn được cầm máy quay đi làm phóng sự về những chủ đề liên quan đến lứa tuổi của mình, vừa có thêm kinh nghiệm sống, vừa có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình đối với những vấn đề xung quanh. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 vừa qua tại Cha-am/Hua Hin, bên cạnh những phóng viên “người lớn”, người ta còn thấy những em thiếu niên còn mặc nguyên đồng phục học sinh cầm máy quay chuyên nghiệp, đứng tường thuật về sự kiện. Đó là các thành viên thuộc Trung tâm Tin tức Trẻ Thái Lan (TYN), nhóm của thành phố Hua Hin. Ê kíp của các em chừng 10 người, gồm quay phim, dẫn chương trình và các thành viên khác đi theo hỗ trợ.


Anh Rathchapol Suwannachot, năm nay 40 tuổi, cho hay TYN thành lập từ năm 1998 và cho đến nay đã tập hợp được các em học sinh của khoảng 100 trường học từ 15 tỉnh thành của Thái Lan tham gia. Anh Rathchapol cũng là người sáng lập TYN, nơi anh gọi là một tổ chức phi chính phủ (NGO), kết hợp cùng các trường học để tạo điều kiện cho học sinh tham gia làm tin tức truyền hình. Chương trình do các em làm ra được phát trên kênh 7 truyền hình Thái Lan (Channel 7), trên các kênh địa phương cũng như tại trường mà các em đang theo học. Những bản tin theo kiểu báo tường cũng được các em truyền tải ngay trong trường học của mình để các bạn học sinh khác học tập.


Ý tưởng thành lập TYN đến với anh Rathchapol từ 10 năm trước khi anh là nhà sản xuất một chương trình truyền hình cho trẻ em ở độ tuổi 8 đến 10. Khi đó, anh nhận ra một thực tế rằng trẻ em chỉ nói theo những kịch bản cứng nhắc mà người lớn viết ra chứ không nói được những gì mình nghĩ. Sau đó, anh làm việc với UNICEF và được đến nhiều quốc gia trên thế giới để trải nghiệm cách làm những chương trình truyền hình cho trẻ em. Về lại Thái Lan, anh bắt đầu cộng tác với các trường trung học. TYN hoạt động dựa trên kinh phí của các NGO, UNICEF và Bộ Giáo dục Thái Lan. Anh Ratchapol nói: “Làm việc với trẻ em dễ dàng hơn nhiều so với người lớn bởi chúng tin tưởng ở tôi và nghe lời”. Với 10 năm kinh nghiệm, anh Ratchapol mơ ước có một kênh truyền hình riêng cho các em trong một tương lai không xa.


Cậu học sinh 17 tuổi Thanaban Pruengboon đến từ Hua Hin là một thành viên trong nhóm và làm công việc quay phim. Thanaban đã tham gia TYN được 6 tháng và cảm thấy thích thú với việc cầm máy. “Tại Hội nghị ASEAN lần này, bọn em làm những bản tin liên quan và có ảnh hưởng đến sinh viên, học sinh”, Thanaban nói, “Còn những ngày thường, bọn em làm phóng sự về những điều diễn ra xung quanh mình”. Thanaban nói cậu thích nhất là làm các bản tin về môi trường bởi Hua Hin là thành phố du lịch. Do đó, thành phố cần phải sạch đẹp. Dù chưa chắc là sẽ trở thành một phóng viên thực thụ sau này nhưng Thanaban tỏ ra vô cùng thích thú với những gì mình đang làm.


Cô bé Ket-a-nong Pipapermpoon thì lại tham gia TYN đã 2 năm. Em xuất hiện trước ống kính, dẫn chương trình và phỏng vấn nhân vật một cách chuyên nghiệp. Ket-a-nong nói em cảm thấy thú vị khi phỏng vấn người khác để nghe họ nói và trau dồi thêm kinh nghiệm sống cho mình. Tại Hội nghị ASEAN, Ket-a-nong cũng đã có cơ hội phỏng vấn Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva về những lợi ích mà tuổi trẻ có được từ kết quả của hội nghị. “Thủ tướng là người rất tuyệt”, Ket-a-nong nói.


Khi được hỏi liệu sau này em có muốn trở thành phóng viên truyền hình hay người dẫn chương trình hay không, Ket-a-nong nhảy cẫng lên một cách sung sướng như mọi đứa trẻ cùng lứa tuổi. Em nói: “Có chứ! Em thích lắm, nhất là khi em xuất hiện trên truyền hình, bố mẹ em rất tự hào về điều đó”.


Học mà chơi, chơi mà học, đó là điều mà các em đang làm. Quan trọng hơn, các em học được nhiều điều trong cuộc sống quanh mình thông qua việc tham gia làm tin tức truyền hình. Thông qua đó, người lớn cũng có dịp hiểu hơn về những đứa trẻ ở độ tuổi như các em.


V.P

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Bão

Mấy anh em phóng viên thường trú (đôi khi thường trốn) ngoài nhiệm vụ chính là đưa tin, viết bài, đôi khi phải bỏ thời gian tiếp khách là sếp, con sếp, cháu sếp, bố mẹ sếp, họ hàng sếp hay thậm chí là bạn bè, người thân.

Mình thì ít có khách khứa kiểu đó. Chủ yếu là bạn bè thân nên không ngại lắm. Người cơ quan thì cũng toàn người mình quý nên có sang thì cũng rất thích đi chơi cùng. Nhưng anh em báo khác thì một tháng phải tiếp và dẫn đi chơi đến vài đoàn nên rất sợ và oải. Mỗi lần có đoàn sắp sang, anh em lại bảo nhau. Sắp có bão.

Nếu tháng sau có đoàn sang thì gọi là bão xa.

Đoàn sắp sang thì gọi là bão gần.

Đoàn nào nhẹ nhàng, ít người, không phải tiếp đón trọng thể thì coi như là áp thấp nhiệt đới.

Nếu đoàn huỷ kế hoạch không sang nữa thì coi như áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp.

Một vùng áp thấp đã mạnh lên thành bão, cách bờ... Tin bão xa, cơn bão số...

Phim nổi 3D, có thể bạn chưa biết


Một chiếc kính đơn giản để xem phim 3D tại nhà hoặc các hình ảnh nổi trên sách báo (nếu có) gồm 2 tròng xanh và đỏ. Kính xem phim 3D ở rạp thì khác, không có 2 tròng 2 màu như vậy - Ảnh: Việt Phương


Bài đăng trên Thanh Niên Tuần San số 165


VIỆT PHƯƠNG


Chúng ta nhìn mọi vật xung quanh bằng 2 mắt nên có thể cảm nhận được chiều sâu. Phim 3D được tạo ra từ nguyên tắc tương tự.


Diệu kỳ phim 3D


Phim nổi 3D chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng trong chúng ta, đó không phải là một điều lạ. Vào những năm 1990, tại Việt Nam, 1-2 bộ phim 3D cũng được trình chiếu nhưng không rộng rãi. Các rạp chiếu phim khi ấy chưa nhiều. Phong trào thuê băng video về nhà xem khiến khán giả ít đến rạp. Bởi vậy phim 3D khi ấy, vốn chưa đa dạng, càng không có cơ hội để được phổ biến.


Để thưởng thức một bộ phim 3D tại rạp, thường khán giả sẽ được phát một cái kính đặc biệt mà khi đeo lên, hình ảnh trên phim sẽ nổi, sống động như thật ở không gian 3 chiều chứ không phải 2 chiều như những bộ phim bình thường. Năm 2009, thế giới chứng kiến sự ra đời của hàng loạt bộ phim 3D như một làn sóng mới trong điện ảnh, cuốn hút người xem đến tạp nhiều hơn. Những bộ phim như Bolt, My Bloody Valentine, Monsters vs Aliens và gần đây nhất là siêu phẩm Up đều được làm dưới dạng phim 3D.


Sắp tới đây, bộ phim hoạt hình Ice Age 3 cũng sẽ được ra mắt dưới dạng phim nổi. Năm ngoái, khán giả truyền hình của kênh Disney ở Việt Nam cũng được xem chương trình Hannah Montana dưới dạng 3D. Phim nổi, phim 3D rõ ràng là có một sức hút lạ kỳ đối với người xem. Những gì mà nhân loại đang tận hưởng dưới dạng hình ảnh 3D hiện nay đã được phát mình từ cách đây 170 năm.


Lịch sử hình ảnh 3D


Nếu thử bịt một bên mắt, bỏ tay ra rồi bịt bên mắt còn lại. Bạn sẽ thấy được sự khác biệt của những gì mình chứng kiến. Máy ảnh hay máy quay phim cũng chỉ nhìn bằng một thấu kính. Nếu được quay bằng một lúc 2 thấu kính, hình ảnh sẽ khác. Đó là bí mật của hình ảnh nổi 3 chiều. Năm 1839, nhà khoa học người Anh Sir Charles Wheatstone đã phát hiện ra điều đó. Wheatstone khi ấy đã tiếp tục chế tạo một thiết bị thấu kính kép dùng để nhìn những hình ảnh kép. Nói một cách đơn giản, ví dụ trên một bức tranh có 3 bông hoa giống hệt nhau. Nếu nhìn bằng mắt thường, đó là 2 bông hoa. Nhưng nếu nhìn bằng thấu kính kép của Wheatstone, 2 bông hoa sẽ chập làm 1 và hình ảnh bông hoa khi ấy sẽ có chiều sâu. Trong thời điểm hiện tại, nếu xem phim nổi mà không đeo kính, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh bị nhoè thành 2 phần như phim bị hỏng vậy.



Ảnh 3D thử nghiệm của TNTS. Bức ảnh trông có vẻ như bị in hỏng nhưng nếu bạn có kính 2 tròng xanh đỏ (bên trái màu đỏ, bên phải màu xanh), hãy đeo lên để thấy chiều sâu của bức ảnh - Ảnh: Việt Phương


Phát minh của Wheatstone mới chỉ dừng lại ở đó. Vào đầu thế kỷ 19, chưa có một bộ phim nào ra đời. Đến cuối thế kỷ 19, khi đã có máy quay phim và những bộ phim đầu tiên bắt đầu được quay, người ta đã nghĩ đến chuyện phát minh ra một máy quay phim nổi. Đến mùa hè năm 1915, những bộ phim 3D đầu tiên đã được trình chiếu thử nghiệm ở New York, Mỹ. Đó là các bộ phim Rural America, Niagara Fall và một đoạn trong phim Jim The Penman. Để quay bộ phim này, đạo diễn Edwin S Porter đã sử dụng máy quay phim kép. Khán giả phải đeo kính 1 tròng xanh, 1 tròng đỏ để xem phim mới thấy hình ảnh nổi.


7 năm sau đó, năm 1922, bộ phim truyện 3D có bán vé đầu tiên được công chiếu. Đó là phim Power of Love. Theo tạp chí Total Film, hiện phim này đã bị thất lạc. Trải qua bao thăng trầm, đến năm 1952, bộ phim nổi Bwana Devil nói về chuyến phiêu lưu châu Phi ra mắt với lời quảng cáo hấp dẫn: “Một con sư tử trên đùi bạn, một người tình ngay trong vòng tay bạn”, ý nói đến sự chân thực của hình ảnh nổi trong phim. Bộ phim cũng được quảng cáo là đem lại hình ảnh nổi 3 chiều một cách tự nhiên. Mặc dù bị một tờ tạp chí khi ấy bình luận là phim rẻ tiền nhưng thây kệ, khán giả vẫn xếp hàng dài để được tận mắt xem phim 3D.


Phim 3D bùng nổ


Những năm sau đó, phong trào làm phim 3D nổi lên ở Hollywood. Trong năm 1955, có khoảng 50 phim 3D được ra mắt. Điều đó cũng đủ cho thấy phim nổi có sức hút như thế nào đối với người xem. Người ta làm phim 3D ở đủ mọi thể loại, từ kinh dị, hành động, cho đến ca nhạc. Ở thời kỳ này, do kỹ thuật còn sơ khai, khán giả xem phim hay than phiền là bị đau đầu, chóng mặt, chảy nước mắt.


Thời kỳ bùng nổ phim 3D tiếp theo là vào năm 1981 khi bộ phim cao bồi Comin’ At Ya ra mắt và “càn quyét” các phòng vé trong thời gian cực ngắn. Bộ phim Jaws 3D (Hàm cá mập) có lẽ là bộ phim nổi đình đám nhất trong thập kỷ 1980. Sự ra đời của công nghệ 3D IMAX mới sau đó đã đẩy phim nổi lên một tầm cao mới. Bộ phim The Polar Express làm dưới dạng phim nổi và được chiếu ở 75 phòng chiếu 3D ở Mỹ. Trong khi đó, cũng phim này dạng 2D thì được chiếu ở 2.000 phòng chiếu khác. Bất ngờ ở chỗ, bản 3D đem về tới 30% doanh thu phòng vé. Sức hút của phim 3D nằm ở đây. Gần đây nhất, bộ phim My Bloody Valentine 3D, được làm với chi phí 14 triệu USD, đã thu về 50 triệu USD sau chỉ vài tuần công chiếu.


Gần đây nhất, khi bộ phim Up của Disney bản 3D được công chiếu tại Thái Lan, phòng chiếu lúc nào cũng chật cứng người xem và chỗ ngồi luôn được đặt trước từ sớm. Phim 3D dường như là một lá bùa mới để kéo khán giả đến với rạp chiếu đông hơn. Trong nửa cuối năm 2009 và năm 2010, hàng loạt bộ phim 3D mới sẽ ra mắt.



Một cảnh trong phim Final Destination 4 sẽ ra mắt trong thời gian tới dưới dạng phim 3D

(Cái này bình luận cá nhân chút: Thường thì các bộ phim 3D sẽ quảng cáo là 3D in selected cinema, riêng cái phim qủy này nó quảng cáo là 2D in selected cinema làm bà con thêm tò mò hehehe)


Box: Một số bộ phim 3D sẽ ra mắt trong thời gian tới:


Ice Age 3: Dawn of the Dinosaurs (dự kiến 1.7.2009)

G-Force

Piranha

Final Destination 4: Death Trip

Toy Story 3

Astro Boy

A Christmas Carol

Planet 51

Avatar


Rạp IMAX tại Bangkok, Thái Lan cũng đưa lịch chiếu phim Harry Potter và Hoàng tử lai bản 3D vào ngày 16.7 tới. trong năm 2010, những bộ phim 3D sau đây dự kiến sẽ ra mắt:


How to train your Dragon

Alice in Wonderland

Strek go forth

Prince of Persia

Beauty and the Beast

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Công bố điểm thi hoa hậu, nên hay không nên?


Một hoa hậu bị báo chí "tung" điểm thi lên mạng khiến cô bị không ít những lời bình luận và đàm tiếu không hay.

Nội dung tại đây: http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/06/3BA104B4/

Điểm số của mỗi người thuộc loại thông tin cá nhân. Và đó là thông tin riêng của họ. Họ có quyền cho người khác biết hay không biết. Ở trường Webster hồi xưa mình học, điểm số của mỗi sinh viên được giáo viên giữ bí mật tuyệt đối và các sinh viên không thể biết điểm của nhau. Ở đó, các sinh viên được tôn trọng, quyền của họ được tôn trọng.

Nếu sinh viên muốn biết điểm thì một là gặp trực tiếp giáo viên, hai là lên phòng giám hiệu để biết, chứ không có chuyện dán bảng điểm cho bàn dân thiện hạ đến xem, càng không có chuyện "Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, điểm thi của Thùy Dung lần lượt là..."

Trước mỗi thông tin, dư luận có những cách đánh giá khác nhau. Điều này đôi khi cực kỳ nhạy cảm và nguy hiểm cho một cá nhân. Việc điểm thi của mỗi người, thiết nghĩ, nên được tôn trọng và giữ bí mật.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Nhàm chán Transformer 2


Hôm qua đi xem Transformer 2, thật ra mình rất hí hửng vì nghe nói phim bom tấn, rất hot. Paragon Cineplex có tất cả 16 phòng chiếu (tính luôn cả IMAX) thì 14 phòng chiếu Transformer rồi. Bà con xếp hàng dài rồng rắn để mua vé. Mình đồ rằng phim cực hay thì bà con mới đi xem đông thế.

Phim hoành tráng, kỹ xảo ngon, hành động liên tục nhưng Transformer 2 là một phim nhàm chán về kịch bản và tính nghệ thuật thì hầu như không có.

Một phim hành động mà từ đầu đến cuối cứ đánh nhua biến hình ì xèo, không có đoạn nào gọi là cao trào, căng thẳng. Thành ra cả phim cứ nhàn nhạt. Đó là chưa kể nhiều đoạn trong phim khá vô duyên và nhạt nhẽo, chả liên quan gì đến nội dung bộ phim, nhất là bà mẹ. Đôi khi thấy tội bà ấy vì bà ấy như 1 nhân vật hề, hài nhạt nhẽo và vô duyên.

Những cảnh cũ rích và sến như cảnh Sam bị chết, xong bỗng dưng mơ vào 1 thế giới robot ngoài hành tinh. Họ ca ngợi anh dũng cảm, kiểu thế. Nhưng anh dũng cảm gì, anh đang trên đường trốn chạy khi bị truy đuổi đấy thôi. Sau đó anh sống lại và kết thúc thì ai cũng biết. Kịch bản đôi lúc làm mình thấy phim trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn. Nửa ông nửa thằng.

Thôi thì phim được cái kỹ xảo, biến hình này nọ xem phim mắt và những chiêu PR hoành tráng. Nó sẽ còn càn quét phòng vé mạnh hơn nữa.

Transformer 2 cũng cho thấy Hollywood ngày càng đi vào lối mòn và không thể nghĩ ra được cái gì hay hơn là bà trò máy móc chiến đấu, máy bay quân đội hoành tráng, la hét um xùm. Thế mà chả hiểu sao hồi xưa Việt Nam mình thắng được nhỉ.

Mình đang xem lại trọn bộ Superman từ năm 1978 đến giờ. Xem xong mới thấy các thể loại dơi, nhện, mèo bây giờ dựa hoàn toàn trên mô típ ấy, không thể sáng tạo ra được cái gì khá hơn.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong”: Mekong đang bị bức tử!


Nằm ở cuối dòng sông Mekong, VN sẽ hứng chịu nhiều nguy cơ lớn nếu 11 con đập thủy điện trên dòng sông này tại Thái Lan, Lào, Campuchia được xây dựng.

Sông Mekong đang bị đe dọa. Đó là thông điệp đầu tiên mà Liên minh cứu trợ sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) đưa ra để nói về việc chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia lên kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông chảy xuyên Đông Nam Á này.

Trong số này, 7 điểm dự tính xây đập thủy điện là ở Lào, 2 ở biên giới Thái-Lào và 2 ở Campuchia. Và nếu sông Mekong bị chặn, nó sẽ ảnh hưởng đến sự di cư của các loài thủy sinh vật, tác động đến dòng chảy tự nhiên và đặt hàng triệu người sống phụ thuộc vào sông Mekong vào tình thế nguy cấp về lương thực và thu nhập. Bà Premrudee Daorung, đồng Giám đốc Quỹ Phục hồi sinh thái đặt tại Bangkok, cho phóng viên Báo Thanh Niên hay các dự án thủy điện trên chưa được xây dựng nhưng một số dự án đã bắt đầu quá trình tìm thị trường.

Sông Mekong cung cấp một lượng thủy sản nước ngọt thuộc loại lớn, nuôi sống khoảng 60 triệu người, theo số liệu của SMC. Sản lượng thủy sản ở khu vực này đem lại khoảng 3 tỉ USD/năm. Sông Mekong còn sở hữu sự đa dạng thủy sinh học lớn thứ 2 trên thế giới, sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Trong đó có 2 loài trong diện bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng là cá tra dầu khổng lồ và cá heo nước ngọt Irrawady.

Cũng theo bà Premrudee, nguy cơ đầu tiên mà sông Mekong có thể hứng chịu nếu dòng chảy chính bị chặn đó là sự di cư của các loài thủy sinh vật. Cụ thể, tại biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, 70% thủy sinh vật thường di cư ngược dòng Mekong lên hướng Lào và ngược lại. Và nếu dòng Mekong bị chặn, sự di cư của các loài thủy sinh vật bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến cuộc sống của hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông này. Tại khu vực hạ Lào và Campuchia, có 5 vị trí mà người ta dự định xây dựng đập thủy điện. Theo bản đồ của SMC, nhiều đập nước ở vùng thượng lưu sông Mekong bên phía Trung Quốc đã, đang và sắp được xây dựng. Tuy nhiên, chiến dịch kêu gọi lần này chỉ thấy gói gọn trong các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Từ tháng 3.2009, một chiến dịch đã được SMC khởi xướng bằng cách thu thập hàng ngàn chữ ký trên các bưu thiếp mang thông điệp cứu sông Mekong. Tính đến nay, 16.380 chữ ký đã được thu thập, trong đó có 4.015 chữ ký trên mạng. Các nước trong khu vực sông Mekong chảy qua (bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và VN) thu thập được 11.757 chữ ký. Tất cả những chữ ký này sẽ được gửi đến chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và VN như một kiến nghị thư kêu gọi hãy để dòng Mekong được chảy tự do vì cuộc sống hôm nay và mai sau. Từng ấy chữ ký tuy chưa nhiều, nhưng theo bà Premrudee, đó là bước khởi đầu để bảo vệ con sông.

VN bị ảnh hưởng

Đoạn cuối của dòng Mekong chảy qua đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở VN trước khi chia làm 9 nhánh đổ ra biển. Không có một dự án đập thủy điện nào tại khu vực này nhưng VN cũng sẽ gặp nhiều nguy cơ nếu dòng Mekong bị chặn.

Có mặt tại buổi lễ phát động chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong” tại Bangkok hôm 18.6, Tiến sĩ Ngô Xuân Quảng, quyền Trưởng phòng Công nghệ & Quản lý môi trường thuộc Viện Sinh học nhiệt đới VN, trao đổi kỹ hơn với phóng viên Thanh Niên về vấn đề này.

Ông Quảng nói nguy cơ mà VN gặp phải là rất lớn vì nước ta ở cuối dòng của sông Mekong, gần như sẽ chịu tất cả mọi tác động từ thượng nguồn. ĐBSCL trù phú được như hiện nay, với sản lượng lớn về gạo và thủy sản, là nhờ vào dòng sông này. Nếu dòng sông bị ngăn đập thì hạn chế đầu tiên là nước. Thứ nhất, phù sa cung cấp hằng năm cho ĐBSCL sẽ giảm. Đất ruộng cũng sẽ bị axít hóa nếu thiếu nước rửa phèn. Lượng cá từ thượng nguồn đổ về cũng sẽ ít đi, ảnh hưởng đến bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, buộc họ phải chuyển nghề.

“Đó là chưa kể khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạn chế thì nước biển từ ngoài sẽ xâm thực vào, cộng với việc nước biển dâng cao do tình trạng Trái đất ấm dần lên sẽ làm đất ở ĐBSCL bị ngập mặn”, ông Quảng giải thích.

Các tác động tiềm ẩn của việc chặn dòng sông Mekong cũng có thể kể đến như việc làm biến đổi dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái và làm sụt lún, xói lở ven bờ, đáy sông bị tụt xuống cũng khiến các mạch nước ngầm bị đẩy xuống sâu hơn. Nguồn nước cung cấp cho cư dân khi đó sẽ thiếu, theo ông Quảng.

Tuy nhiên, ở VN, chiến dịch cứu sông Mekong có vẻ như chưa được tuyên truyền sâu rộng. Nếu như ở Campuchia có 2.673 người tham gia ký tên kêu gọi bảo vệ dòng Mekong, ở Lào là 611 và ở Thái Lan là 7.756 thì ở VN chỉ có 337 chữ ký (trong đó trên mạng là 97 chữ ký). Tác động của việc ngăn dòng chảy sông Mekong, thiết nghĩ, cần được sự quan tâm sâu rộng hơn nữa.

Việt Phương (VP Bangkok)

Bài gốc trên Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200925/20090620002255.aspx

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Bàn chuyện hài xưa, hài nay


Một cảnh trong phim Dịch cười (từ trái qua: Nghệ sĩ Trịnh Mai, Nghệ sĩ Trịnh Thịnh)

Bài viết gốc trên Thanh Niên (bị cắt 1 số chỗ vì bản thân mình cũng viết lê thê nữa cơ hehehe)



VIỆT PHƯƠNG (VP Bangkok)


Việc bộ phim hài “Dịch cười” được sản xuất từ năm 1988 được trình chiếu tại một liên hoan phim sau đó hơn 20 năm là một điều thú vị. Cái chất hài xưa cũ ấy liệu có bị biến đổi theo thời gian?


Hài xưa không cũ


“Dịch cười” được đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện năm 1988 khi ông ra trường được 2 năm. Bộ phim hài trắng đen ấy giờ đây được mời trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Hài Thế giới lần thứ nhất diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ 10 đến 16.6 vừa qua. Nhân dịp tham dự LHP Hài lần này, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn về bộ phim nói riêng và phim hài Việt Nam nói chung.



Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn


Thanh Niên (TN): Thưa đạo diễn, khi đưa một bộ phim hài từ năm 1988 đến một LHP năm 2009, ông có sợ tiếng cười đó không còn hợp thời không?


Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (ĐMT): Không. Thực ra bộ phim này đã tham gia một số LHP quốc tế như LHP Nante (1989) và thời gian đầu những năm 1990 như LHP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), LHP Teheran (Iran). Bẵng đi một thời gian nó không được trình chiếu nữa bởi vấn đề trong phim tưởng đã cũ. Sau đó khi sang một số nước tôi có kể lại chuyện phim và thấy mọi người đều rất thích. Bộ phim cũng được chiếu tại Singapore năm 2006. Tôi nghĩ mình đã nhầm vì có thể nó không lạc hậu. Vì thế tôi đã đề xuất gửi phim “Dịch cười” đến LHP lần này.



Một cảnh trong phim Dịch cười (diễn viên Xuân Định - bìa trái)


Bộ phim kể chuyện một nhà máy thủy điện sắp được xây ở vùng nông thôn. Ông tổng giám đốc khi đến đây đã “hoa chân múa tay” phát biểu khởi công công trình rằng “thung lũng đau thương sẽ biến thành cánh đồng hạnh phúc”. Từ đó, có tin đồn là ông tổng giám đốc bị mất nhẫn khi đang vung tay phát biểu. Nhiều tình huống dở khóc dở cười diễn ra sau đó như việc công nhân bị huy động bỏ hết việc làm để đi tìm nhẫn cho tổng giám đốc, cấp dưới phải mua nhẫn mới để trả lại cho cấp trên dù chuyện mất nhẫn là không có thật, người dân đổ xô đến công trường tìm vàng theo tin đồn làm công trường bị phá hủy, v.v... “Dịch cười” không chỉ là tiếng cười đơn thuần mà còn là sự chế giễu tính a dua và việc tiếp nhận, xử lý thông tin. Đó cũng là tiếng cười về những con người nắm trọng trách trong tay nhưng chỉ lo làm việc vô bổ mà quên mất nhiệm vụ chính của mình. 81 phút với những tình huống vui nhộn cộng với diễn xuất xuất sắc của các nghệ sĩ Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Xuân Định, “Dịch cười” đến nay vẫn giữ được giá trị châm biếm của nó.


TN: Từ năm 1988 đến nay, xã hội đã có nhiều thay đổi. Theo ông, cách cảm nhận phim hài của con người khi xưa và hiện nay có khác nhau không?


ĐMT: Nếu giờ cho tôi làm lại thì tôi vẫn làm như thế thôi. Có thể hiện nay giới trẻ không nhạy bén với những tiếng cười mang tính trí tuệ hay mang những thông điệp văn hóa thế. Cái cốt lõi văn hóa của một cộng đồng khiến cho con người ta phản ứng với một cái hài có thể là khác nhau về cấp độ nhưng bản chất của hài vẫn có cái ổn định nhất định. Chẳng hạn như bây giờ lớp trẻ tiếp xúc nhiều với những bộ phim hành động hài của nước ngoài, phản ứng nhiều đối với những động tác hình thể hay những câu nói hài hước kiểu Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, v.v... Tuy nhiên, trong vô thức của họ, vấn đề liên quan đến cái ý nhị của con người Việt Nam thì vẫn có. Nó vẫn tiềm tàng trong tục ngữ, tiếu lâm của người Việt. Bộ phim của tôi thể hiện những cái suy nghĩ dung dị, bình thường của một con người. Như việc một ông giám đốc đến tuổi về hưu gói con dấu lại giấu vào túi rồi thách thức anh phó mới lên thay rằng: “Đố anh ngồi vào được cái ghế của tôi đấy!”. Nó buồn cười một cách hồn nhiên nhưng vẫn ẩn chứa một vấn đề.



Một cảnh trong phim Dịch cười (Nghệ sĩ Trịnh Thịnh)


Hài nay thiếu sâu sắc


TN: So với hài xưa thì hài nay đang đi theo xu hướng nào, thưa ông? Hài ngày nay liệu có còn sâu sắc như ngày xưa?


ĐMT: Cái hài ngày xưa ở một đẳng cấp cao, thường là hài về tình huống và hài tính cách. Cho nên, khi đã chọn được những tình huống hài, tính cách hài rồi thì diễn viên diễn càng chân thật bao nhiêu thì càng hài bấy nhiêu. Hài bây giờ thiên về hình thể cho nên nó sẽ dẫn đến những động tác hài quen thuộc hay những động tác cường điệu khiến khán giả cười. Ở một phương diện nào đó nó là cái hài trẻ trung, người ta không cần suy ngẫm nhiều. Nó là hề xiếc, hề lời hay còn gọi là tấu hài nên nó có sự dễ dãi hơn trong tiếng cười. Hài tình huống, hài tính cách vì thế nó vẫn có sự sâu sắc hơn. Cái hài hiện nay ở Việt Nam cũng chưa đạt đến độ trẻ trung của thế giới nữa.


TN: Phim hài Việt Nam hiện nay cần gì để ngang tầm với những bộ phim hài của thế giới?


ĐMT: Cái thiếu thứ nhất là thiếu những kịch bản có tầm. Cái thứ hai là thiếu những đạo diễn và diễn viên thể hiện một cách nhuần nhuyễn với một trình độ kỹ thuật cao.


TN: Xin cảm ơn đạo diễn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.


V.P



Một cảnh trong phim Dịch cười (bên phải là Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân)