Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

Đâu rồi sự lãng mạn?




Vừa đi tác nghiệp ở Đại sứ quán về. Không quen mặc sơ mi cravat nên ngợp thở gần chết. Ra khỏi Đại sứ quán cái tháo luôn cravat ra, cởi phăng luôn cái cúc áo rồi hổn hển thở. À, nhìn lãng mạn không? Hehehe

Cách đây hơn một năm, tôi làm việc ở một kênh radio trực tuyến. Công việc hàng ngày của tôi là biên tập chương trình, diễn đọc và kiêm luôn làm hậu kỳ âm thanh. Thưở đó, tôi công nhận là mình lãng mạn, văn vẻ hoa mỹ. Tính chất của chương trình radio mà tôi làm là talk show nên lời lẽ cứ phải mềm mại để dễ đi vào lòng người. Thêm vào đó, sở thích design, chụp ảnh cùng việc hay đàn đúm với đám designer khác nên cái tính nghệ sĩ và sự lãng mạn như được bồi đắp. Giọng văn tôi viết trên radio cứ thế mà uốn éo, đẹp dịu dàng nhưng không chói loá.


Chia tay radio, tôi khởi động sự nghiệp phóng viên của mình. Mảng chính mà tôi viết là chính trị. Thế là, suốt mấy tháng liền tôi uốn ngòi bút của mình cho thẳng tưng theo hướng chính trị. Hết đảo chính, biểu tình cho đến bạo động. Thấy gì viết đó. Tin càng cô đọng càng tốt, câu cú càng tránh những từ hoa mỹ, văn vẻ càng tốt. Thời gian làm việc bận rộn cũng làm cho tôi chẳng còn thời gian lên blog viết nhật ký. Thế là giọng văn tôi chai sạn dần, cứng dần và dường như khó bẻ cong. Nhưng tôi chẳng nhận ra điều đó cho đến một ngày...

Tôi được giao phỏng vấn một diễn viên phim hành động nổi tiếng thế giới. Kết thúc buổi phỏng vấn, tôi hí hửng về nhà viết một bài hoành tráng rồi gửi cho người phụ trách mục liên quan ở toà soạn. Đọc xong bài, tôi nhận được một câu thẳng tưng như chính cái lối viết của mình vậy: "Mày viết nam tính quá, chả hoa mỹ gì cả". Tôi lý luận: "Ừ thì biết viết mảng văn hoá cần văn vẻ tí nhưng đây là diễn viên hành động, cứng rắn tí cũng hay". Không ăn thua, bài viết của tôi được chị biên tập giúp gọt dũa lại, thêm khăn choàng lông thú, khuyên tai, dây đeo cổ, v.v... Bài viết được đăng. Nhìn lại thấy nó trơn tru hơn bài viết gốc của tôi thật. Một lần khác, một đồng nghiệp mà tôi chưa có dịp diện kiến dung nhan vào blog của tôi và... miệng chữ O mồm chữ A bảo rằng thấy bài tôi viết trên báo tưởng tôi là một ông cụ, ai ngờ xì tin thế kia. Sang ngày hôm sau, cô đồng nghiệp này đọc một bài báo khác của tôi và nói với tôi rằng: "Tít nghe rất chi là câu khách mà đọc nội dung thì... bác học quá". Ôi trời ơi.

Và thế là tôi quyết định mở rộng lĩnh vực mình viết ra các đề tài về văn hoá, ẩm thực, kiều bào, v.v... Tôi đã cố gắng uốn cong ngòi bút của mình. Tuy nhiên, như việc bẻ một thanh sắt thẳng, tôi gồng hết sức nhưng nó cũng không cong như ý muốn. Vì không cong được nên nó cứ như hình zig zag. Bài viết mà tôi cố viết văn vẻ đọc xong cứ lục khà lục khục. Cứng chả ra cứng, mềm chẳng ra mềm. Hồi xưa khi chấp bút viết cái gì, ong bướm cứ thế bay vào đầu, chả cần ngợi lâu. Thế mà bây giờ cố nặn một chữ hoa mỹ cũng là chuyện khó.

Ôi, lãng mạn ơi... chạy đi đâu rồi?

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2007

Linh tinh




Mất ngủ. Đang viết tư liệu. Mệt. Buồn ngủ. Mất ngủ.

Ảnh: Con búp bê dễ ghét của Michael Trương kakaka

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

Du lịch Việt Nam và chuyện "hai cô ca sĩ"




Hôm nay bài của mình được lên Lăng kính Chủ Nhật. Lần đầu tiên được "chiếu cố" lên mục này

Đây là bài đăng trên báo:
http://www4.thanhnien.com.vn/Chaobuoisang/2007/8/5/203698.tno

Còn đây là bài gốc:

Công thức nào để quảng bá du lịch Việt Nam?

VIỆT PHƯƠNG (Văn phòng Bangkok)

Nếu như để so sánh cảnh đẹp thiên nhiên cũng như di tích lịch sử giữa Việt Nam và Thái Lan thì công bằng mà nói, nước ta không thua kém gì nước bạn cả. Tuy nhiên, cũng như chuyện hai cô ca sĩ vừa xinh đẹp vừa hát hay. Một cô thì nổi tiếng hơn bởi được lăng xê tốt hơn cộng với việc biết tận dụng cá tính của mình. Còn cô kia thì mãi chả sáng chói được vì thiếu một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp.

Từ chuyện marketing...

Sau chuyện biểu trưng du lịch “Welcome to Vietnam” cách đây mấy năm, trước sức ép của dư luận, Tổng cục Du lịch mới xúc tiến ngay việc mở cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) và câu khẩu hiệu (slogan) mới cho du lịch nước nhà với hy vọng đưa thương hiệu du lịch Việt Nam đến đẳng cấp cao hơn. Không thể phủ nhận nỗ lực của Tổng cục nhưng liệu đây có phải là cách làm hay?

Việc tạo ra một biểu tượng và một thông điệp cho du lịch Việt Nam (ở đây được coi như là một sản phẩm) là một bước đi đúng vì bất cứ sản phẩm nào cũng cần có đặc điểm nhận dạng thương hiệu (brand awareness). Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó của quá trình quảng bá du lịch Việt Nam tỏ ra đuối và không có hiệu quả. Nếu như ở các nước có nền công nghiệp du lịch phát triển, họ thuê hẳn một công ty hoặc có một cơ quan chuyên trách về việc xây dựng thương hiệu du lịch và lập chiến lược quảng bá cho nó thì ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ làm được bước đầu rồi dừng luôn ở đó. Một ví dụ nhỏ sau đây cho thấy cái sự “đầu voi đuôi chuột” đó.

Trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội cách đây không lâu, người ta dễ dàng nhận ra tấm biển quảng cáo tấm lớn với biểu trưng “Vietnam – The Hidden Charm”. Tấm biển chỉ có nền trắng, một biểu trưng, một câu khẩu hiệu và thế là hết. Không hình ảnh, không có một thông tin gì khác. Giả sử một người khách du lịch chưa từng nghe qua “The Hidden Charm” hẳn họ phải thắc mắc tấm biển quảng cáo đơn giản đến mức tối đa kia đang nói về sản phẩm gì nhỉ. Rồi kể cả họ có biết “The Hidden Charm” là câu khẩu hiệu quảng bá du lịch Việt Nam đi chăng nữa thì họ sẽ nghĩ đất nước Việt Nam có gì hấp dẫn để thăm thú trong khi không có lấy một hình ảnh để quảng cáo. Điều đầu tiên mà khách hàng quan tâm đến một bức quảng cáo là họ muốn biết sản phẩm hay dịch vụ đó sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. Trong trường hợp này, hình ảnh về phong cảnh, con người Việt Nam đẹp đẽ chào mời khách du lịch chính là lợi ích mà nếu khách du lịch đến nước ta họ sẽ nhận được. Chính vì vậy mà một số người đã nói vui rằng “The Hidden Charm” không phải là “Vẻ đẹp tiềm ẩn” mà là “Vẻ đẹp bị giấu đi” (to be hidden trong tiếng Anh vừa là tiềm ẩn, vừa có nghĩa là bị che lấp đi).

Đó là còn chưa kể đến việc sau khi tạo dựng được hình ảnh của một thương hiệu rồi, người ta phải cho nó xuất hiện khắp mọi nơi. Những “Amazing Thailand” (Thái Lan đáng kinh ngạc), “Malaysia – Truly Asia” (Malaysia – châu Á đích thực) hay “Uniquely Singapore” (Singapore độc đáo) xuất hiện nhan nhản ở nhiều khu vực trên thế giới. Người ta cũng nghe đến mức thuộc giai điệu bài “Malaysia – Truly Asia” trên CNN. Thậm chí Malaysia hay Singapore còn mang hình ảnh nước mình sang thiên đường du lịch của khu vực là Thái Lan để quảng bá. Thái Lan coi như đang bị cạnh tranh ngay trên mảnh đất của mình. Ngay cả như chương trình quảng cáo du lịch Macau còn nằm chễm trệ trên các toa tàu điện ở thủ đô Bangkok. Các nước tìm mọi cách để người ta phải nhớ đến hình ảnh nước mình càng nhiều càng tốt, mọi lúc, mọi nơi. Có phải vì khiêm tốn và du lịch Việt Nam vẫn còn giấu mình với thế giới như vậy?

...đến chuyện festival

Các liên hoan du lịch (festival) ở Việt Nam gần đây được tạo ra nhằm thu hút khách du lịch. Ai cũng có thể hiểu điều đó. Tuy nhiên, các festival này bị dư luận kêu ca là tổ chức vô tội vạ và lãng phí. Nói vô tội vạ cũng chả oan cho các lễ hội này bởi nó không nhằm một dịp nào cả và không dựa trên một truyền thống nào cả. Ở Khánh Hòa thì họ làm festival biển vì cứ nhắc đến địa danh này là người ta lại nghĩ đến biển. Vì vậy, một số địa phương khác có biển, như Bà Rịa – Vũng Tàu hay Đà Nẵng là một ví dụ, cũng hồ hởi làm một cái festival biển cho bằng chị bằng em. Các festival biển này mặc dù nói là để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nhưng rốt cuộc cũng chỉ là những đặc điểm văn hóa chung chung mà ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam người ta cũng có thể thấy và có thể làm được. Nói cách khác là không có một đặc trưng của địa phương đó. Bởi thế nên các liên hoan kiểu này không có một điểm nhấn cần thiết để in sâu trong đầu khách du lịch. Nhiều địa phương khác cũng có các festival “chung chung” tương tự. Một năm ở Việt Nam đâu thiếu gì các ngày lễ Tết truyền thống. Từ Tết Nguyên Đán đến Tết Đoan Ngọ, rồi Hội Lim, v.v... Chúng ta đâu thiếu các dịp để tổ chức festival mà cứ phải làm vô tội vạ như vậy.

Quay lại với “cô ca sĩ” Thái Lan. Người Thái nhận thức được các giá trị truyền thống một cách rõ ràng và họ biết cách quảng bá nó. Songkran được thế giới biết đến như Tết cổ truyền của người Thái cũng như Tết Nguyên Đán được người nước ngoài hiểu như là năm mới của người Việt Nam. Dịp Songkran vừa rồi, người Thái tại ra một lễ hội gọi là “International Songkran Festival” (nghĩa là Lễ hội Songkran Quốc tế). Bản thân từ “international” đã ngụ ý nước Thái muốn chào mời các vị khách quốc tế cùng đến chung vui năm mới với người dân bản xứ và cũng không giấu tham vọng đem văn hóa của họ đi khắp thế giới. Tết Nguyên Đán của Việt Nam tuy rộn ràng nhưng hình như chỉ bó hẹp trong phạm vi người bản xứ. Khách du lịch quốc tế không có dịp tận hưởng và tìm hiểu về một cái Tết đúng nghĩa ở Việt Nam. Khi nào Việt Nam mới có một lễ hội gọi là “International Tết”?.

Một năm ở Thái Lan chỉ có vài lễ hội lớn nhưng được đầu tư kỹ lưỡng. Nổi tiếng nhất sau lễ Songkran có Loy Krathong thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm với tục thả thiên đăng và đèn trên sông. Người Thái hy vọng với sự kiện lễ hội được tổ chức liên tục hàng năm như thế này, Loy Krathong sẽ trở thành lễ hội mang tính quốc tế. Có thể thấy rõ vấn đề ở đây là tổ chức lễ hội ít nhưng chất lượng còn hơn là nhiều nhưng kém hiệu quả. Và không thể không nhận ra ý đồ của người Thái muốn biến Songkran hay Loy Krathong thành những thương hiệu quốc gia thật sự

Ngoài ra, người Thái còn tổ chức nhiều sự kiện đình đám thể thu hút khách du lịch một cách có hệ thống. Khi du lịch người ta thường kèm theo đi mua sắm. Hiểu được tâm lý này, người Thái đã tạo ra các cơ hội bất ngờ để du khách cảm thấy việc đi đến Thái Lan không phải là một lựa chọn sai lầm. Đi kèm với thông điệp du lịch “Amazing Thailand” , người Thái còn tổ chức nhiều sự kiện tương tự mang thông điệp “đáng kinh ngạc” như việc tổ chức các đợt đại giảm giá hàng hóa lớn để thu hút khách du lịch. “Sự kiện “Amazing Grand Sale” (tạm dịch: Đại giảm giá đáng kinh ngạc) đang diễn ra hẳn đã khiến bao du khách nức lòng muốn đến Thái Lan. Đây là một phần của kế hoạch tổng thể và đồng nhất của ngành du lịch nước này.

Tóm lại, du lịch Việt Nam vẫn cần một quy trình tạo dựng thương hiệu và quảng bá gắn kết với nhau, đồng nhất với nhau và thông suốt từ dầu đến cuối. Bởi một lẽ đơn giản, một thương hiệu được tạo ra với cá tính như thế này không thể “bị” quảng bá theo một cá tính khác. Cũng giống như chuyện cô ca sĩ. Làm cho cô ấy một album ca nhạc đầu tay rồi cứ ngồi đợi bầu sô đến mời cô đi hát thì nghe có vẻ buồn cười. Nghe đâu Việt Nam đang “nhờ” CNN làm phim để quảng bá du lịch. Đó không phải là một bước đi sai nhưng nếu bước này không nằm trong một kế hoạch tổng thể như vừa đề cập ở trên thì vẻ đẹp tiềm ẩn của du lịch nước ta lại bị “giấu đi” thêm lần nữa.

V.P

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2007

Đừng hốt hoảng với ngôn ngữ tuổi "teen"




Tuội teen Hà Thành. Ảnh mang tính minh họa. Ai thích hiểu kiểu gì thì hiểu. Thư ký & em Bùm



Đăng trên Thanh Niên Tuần San số ra ngày 3.8.2007

VIỆT PHƯƠNG (từ Bangkok)

Làn sóng blog du nhập vào nước ta từ hơn 1 năm trở lại đây. Các nhà ngôn ngữ học đang đau đầu về cách sử dụng ngôn ngữ của tuổi teen với muôn vàn tiếng lóng, tiếng đọc trại và thậm chí là các từ mới chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển. Thế nhưng không chỉ đến khi blog, hay nói rộng hơn là internet, du nhập vào Việt Nam, tuổi "teen" mới sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ đến vậy. Không chỉ ở nước ta, Thái Lan hay một số nước phương Tây cũng đang đối mặt với hiện tượng này.

Bản thân từ "blog" (viết nhật ký trên mạng) cũng vốn không phải là một từ tiếng Anh chính thống. Nó xuất phát từ "web log", tức là những ghi chép trên trang web. Nếu viết liền 2 từ này lại thì nó sẽ được đọc như là "we blog" (chúng tôi blog). Kể từ đó "blog" nghiễm nhiên trở thành một động từ dùng để miêu tả hành động ghi chép hay viết nhật ký trên trang web. Không chỉ có từ "blog", từ khi điện thoại di động và các dịch vụ tán gẫu trực tuyến ra đời, giới trẻ cần có một cách để thông tin nhanh hơn và ngắn gọn hơn. Ở các nước sử dụng tiếng Anh, bạn đừng ngạc nhiên khi họ viết trong tin nhắn chữ "sk8board" thay vì viết đầy đủ là "skateboard" (ván trượt). Sở dĩ có sự viết tắt này là vì âm "ate" được phát ra nghe tương tự như "eight" (số 8). Chua hết, nếu tán gẫu trên internet với một "teen" Thái Lan, hẳn đôi khi bạn sẽ đau đầu vì không hiểu tại sao họ gõ một dãy 55555 trên màn hình. Số 5 trong tiếng Thái đọc là "ha". Bởi vậy 55555 có thể hiểu là "ha ha ha ha ha", một cách biểu hiện tiếng cười sảng khoái. Còn ở Việt Nam, bỏ sang một bên cái tiếng đọc trại mà lắm lúc ngay cả chính tuổi "teen" còn không thể hiểu nổi, giới trẻ cũng có nhiều cách vận dụng ngôn ngữ thú vị. Họ sẽ gõ trên màn hình chữ "3 em mới đi làm về" thay vì viết đầy đủ "Ba (bố) em...". Họ cũng viết "8 chút xíu đi" thay vì viết đủ "Tám (tán dóc, nhiều chuyện) chút xíu đi". Ngay cả từ "tám" cũng mới được sáng tạo trong thời gian gần đây.

Để liệt kê ra hết những ngôn ngữ tuổi "teen" thì e rằng phải viết ký sự dài kỳ mất. Tuy nhiên, trong khi các nhà ngôn ngữ ở Việt Nam đau đầu vì sự sáng tạo (đôi khi đi quá xa) của tuổi "teen" thì ở Thái Lan, các chuyên gia ngôn ngữ lại coi đây là một hiện tượng thú vị cần nghiên cứu. Theo họ, hiện tượng sử dụng ngôn ngữ của tuổi "teen" đang đặc biệt nở rộ trong thời gian này với sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa mà trong đó, internet góp phần không nhỏ. Thậm chí, người Thái còn đang tính chuyện tập hợp một số ngôn ngữ tuổi "teen" để bổ sung vào từ điển. Ngoài việc tập hợp các từ ngữ mới, việc nghiên cứu ngôn ngữ tuổi teen cũng là cơ hội để các nhà quản lý hiểu thêm về sự chuyển biến trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Các nhà ngôn ngữ học của Thái Lan cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên nó lắng quá về sự sáng tạo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.

Tuy nhiên, ngôn ngữ tuổi "teen" thường bị quy kết là tiếng lóng vì nó chỉ được công nhận và được hiểu trong một bộ phận của xã hội. Cũng như ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ học của Thái đã nỗ lực để tiếng Thái chính thống được sử dụng thay vì tiếng lóng. Thế nhưng họ nhận ra rằng thật sai lầm khi làm ngơ trước ngôn ngữ tuổi "teen". Đó cũng là một phần của lịch sử. Nó phản ánh một thời kỳ xã hội và nếu bỏ mặc nó, một phần lịch sử sẽ bị chìm vào quên lãng. Thật vậy, hiện nay ở Thái Lan, khi đọc lại những tài liệu cũ từ thời Vua Rama V (nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), người ta đã không thể hiểu được một số từ bởi những chuyên gia ngôn ngữ thời đó đã quên thu thập và truyền lại cho hậu thế. Vì vậy, một góc nhỏ của lịch sử đã bị mất đi. Ý thức được việc này, Học viên Hoàng gia Thái Lan đã bắt tay vào việc thu thập một số từ không chính thống và mới được giới trẻ "phát minh". Họ tin rằng sự thu thập này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về ngôn ngữ trong tương lai. Các nhà ngôn ngữ học của Thái đã thu thập được khoảng 300 từ được tuổi "teen" sử dụng rộng rãi, nhất là ở thủ đô Bangkok.

Ngay cả một chuyên gia Thái Lan đang biên soạn cuốn từ điển mới cũng phải công nhận rằng hồi ông còn trẻ, tuổi "teen" lúc ấy cũng phát minh ra nhiều từ mới tuy rằng nó không nở rộ và nhiều như bây giờ. Thông qua việc nghiên cứu ngôn ngữ tuổi "teen", các chuyên gia Thái Lan phát hiện ra rằng, giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới. Đó không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà điều đó phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ. Thay đổi như thế nào? Sự giao thoa của các nền văn hóa là một ví dụ mà trong đó, ngôn ngữ là yếu tố dễ thấy nhất. Giới trẻ ở Thái ngày nay ưa dùng những từ tiếng Anh và pha trộn nó với các từ tiếng Thái. Thế là những từ mới ra đời. Chúng nghe lạ tai và vui vui. Nó phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ và nhất là sự ảnh hưởng của tiếng Anh trong đời sống xã hội.Giới trẻ cũng phát minh ra các từ mới và sử dụng nó một cách thích thú vì bản chất của giới trẻ luôn muốn có một thứ gì đó mới mẻ. Việc sử dụng các từ mới phát mình cũng làm họ nổi bật hơn giữa một nhóm bạn. Thêm vào đó, việc các từ mới được phát mình rầm rộ và liên tục cho thấy giới trẻ Thái Lan ngày nay càng tự tin hơn và muốn thể hiện mình nhiều hơn. Không chỉ ở Thái Lan, điều này có thể cũng đúng với giới trẻ Việt Nam, nơi giới trẻ xưa nay vẫn quen với sự rụt rè và chưa dám thể hiện mình nhiều. Nói cách khác, ngôn ngữ tuổi "teen" ngày nay là một công cụ giúp giới trẻ tự khẳng định mình. Cách sáng tạo ra ngôn ngữ mới cũng phản ánh cách mà giới trẻ ngay nay suy nghĩ về một vấn đề như thế nào và lối suy nghĩ này thay đổi theo thời gian ra sao. Xã hội phát triển, giới trẻ càng có nhiều hoạt động để tham gia hơn. Đó cũng là lý do mà họ cần những từ ngữ mới để miêu tả các hoạt động đó. Tuổi "teen" sử dụng các từ mới này một cách vô tư và hoàn toàn không lo lắng về ảnh hưởng của nó. Đơn giản, họ chỉ dùng cho vui.

Các bậc phụ huynh thường khuyên con mình nên đối diện với khó khăn thay vì lẩn tránh nó. Ngôn ngữ tuổi "teen' có thể là một vấn đề đau đầu với người lớn nhưng thay vì trốn tránh, cách tốt hơn có lẽ là nghiên cứu nó để hiểu con cái mình hơn và cũng để thấy rằng không phải sự chuyển biến nào của giới trẻ cũng đáng lo ngại cả.

Việt Phương