Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

"Hương vị quê nhà" trên đất Lào




Người Việt ở Lào không hiếm. Nếu có nghe thấy tiếng Việt trên đường phố thủ đô Vientiane thì cũng chẳng lạ. Thế cho nên, đồ ăn Việt ở đây cực kỳ phổ biến và đậm đà hương vị quê hương.

Nói đến ẩm thực Việt Nam, món đầu tiên mà ai cũng có thể nhắc đến là phở. Tại Vientiane, có một quán phở Việt rất nổi tiếng nằm trên đường Heng Boun. Đó là quán Phở Dung. Bà Dung, chủ quán, sinh ra và lớn lên tại Lào. Trước khi mở quán phở, bà từng là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Vientiane. Sau đó bà chuyển sang mở quán phở, tính đến nay cũng được 14 năm. Ban đầu quán chỉ là một tiệm nhỏ. Sau đó, biết quán ngon, ngày càng nhiều người kéo đến ăn hơn, bà Dung nghĩ ngay đến việc mở rộng quán. Địa điểm hiện tại của quán Phở Dung đã mở được 5 năm, khách ra vào ăn đông đúc.

Chỉ cần nếm thìa nước dùng đầu tiên cũng thấy được hương vị đậm đà của phở Dung. Phở được nấu theo hương vị Bắc, ăn với quẩy nhưng cũng được dùng chung với rau sống và giá theo cách ăn của người miền Nam. Bà Dung cho hay người Lào thích ăn phở với đồ ngâm như cà ngâm chẳng hạn nên quán cũng phải phục vụ theo thị hiếu. Tuy nhiên, nhìn chung, nước phở thì thuần túy hương vị Việt. Bánh phở Bắc của quán do một nhà ở Vientiane làm rồi cung cấp cho quán. Bánh phở Nam, sợi nhỏ hơn thì lấy từ Thái Lan, khu vực sát Vientiane. Bà Dung nói sắp tới có thể quán sẽ làm thêm phở gà nữa. Hiện quán mới chỉ có phở bò tái chín và đuôi bò. “Hồi đầu mới mở quán tôi nấu chưa đều tay đâu. Nhưng khoảng 7 - 8 năm trở lại đây thì nấu đều tay, đảm bảo chất lượng bát phở”, bà Dung kể. Công thức nấu phở do bố mẹ bà truyền lại.

Ngoài người bản địa, Việt kiều, khách du lịch Pháp và Mỹ cũng đến thưởng thức. “Có người Việt ở Hà Nội hay Việt kiều ở Bangkok, Udon Thani (Thái Lan), cũng đến quán”, bà Dung kể, “Mà cũng có nhiều cán bộ Lào hồi xưa từng học ở Việt Nam đến ăn. Họ rất thích hương vị phở”. Tô nhỏ giá 12.000 kip (khoảng 24.000 đồng), tô lớn giá 15.000 kip. Quán bà Dung lúc nào cũng đông khách và là một trong số ít quán phở Việt ở thủ đô Vientiane.

Không xa quán Phở Dung là một quán bánh cuốn ven đường Chao Anou của bà Ly ngay trước một rạp chiếu bóng đã đóng cửa từ lâu. Mở cửa từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ngày nào bà Ly cũng cùng con gái út cần mẫn bán quán. Nồi nước nhỏ để tráng bánh luôn bốc khói có thể làm ai đó xa quê hương lâu ngày cảm thấy một cái gì đó gần gũi. Vừa tráng bột vào khung vải căng trên nồi, bà Ly vừa kể: “Quê gốc tôi ở Ninh Bình nhưng sinh ra ở Lào. Tôi mở quán này cũng được 30 năm rồi”. Bột bánh, nhân bánh và cả nước chấm nữa, tất cả đều đậm hương vị gốc như ở Việt Nam. Đĩa bánh được rắc thêm hành khô và dùng với chả lụa do Việt kiều làm. Và với quán bánh cuốn ven đường đó, bà đã nuôi được 5 người con. Trong đó một người con trai đang học tại Đại học Luật Hà Nội và một người con gái đã tốt nghiệp đại học ngành sư phạm cũng ở Việt Nam và hiện đang dạy học tại Vientiane. Bà Ly nói chuyện với con gái mình bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới biết mọi người trong nhà toàn nói với nhau bằng tiếng Việt chứ không nói tiếng Lào.

Ngay bên cạnh quán bánh cuốn của bà Ly là quán cháo mà người ta quen gọi là quán cháo chú Bảy. Chú Bảy là ông Quang Đại, người Sài Gòn. Ông cũng là một trong số khoảng 20 người Sài Gòn đang sinh sống tại Vientiane. Tự đặt tên cho quán cháo của mình với cái tên B Restaurant được ghi trên một tấm giấy nhỏ trên tường, ông Đại còn bán cả bánh canh mà người ta quen gọi là cháo sợi (hay sợi cháo). Quán cũng bán quẩy để phục vụ những ai thích món cháo quẩy. Một trong những người con trai của ông Đại năm nay 27 tuổi, từng được học bổng đi Mỹ và hiện đang làm việc cho UNICEF. “Nó biết 4 thứ tiếng lận đó”, ông Đại kể. Càng thú vị hơn khi biết ông Đại là bộ đội xuất ngũ. Vừa múc cháo xong cho cậu thanh niên du khách Nhật, ông Đại lôi ra tờ Vientiane Times có đăng bài giới thiệu quán. “Đây đây, quán của chú lên báo Nhật nữa này”, vừa nói ông Đại vừa rút trong ví ra mẩu báo bằng tiếng Nhật viết về quán của ông.

Nếu muốn thưởng thức thêm nhiều món Việt nữa, người ta có thể đến quán PVO của chị Phượng. Mở từ cách đây hơn 10 năm, quán có nhiều món ăn Việt như bánh canh cá, bì cuốn, bánh xèo, chả giò, cơm rang... Đặc biệt, nếu đến quán PVO mà chưa ăn bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam thì quả là uổng phí. Ổ bánh mì được cắt và kẹp thịt theo đúng kiểu mà người Việt hay ăn. Thực khách có thể chọn gọi cả ổ hoặc chỉ nửa ổ. Bánh mì quán của chị Phượng được coi là ngon nhất Vientiane. Vừa thưởng thức đồ ăn Việt tại quán PVO, thực khách còn có thể phóng tầm mắt nhìn sông Mê Kông. Tuy nhiên, chị Phượng cho hay quán sắp phải chuyển đi nơi khác vì chủ nhà cho thuê đòi lại.

Và nếu mệt mỏi sau cả ngày thăm thú Vientiane, buổi tối, người Việt xa quê có thể ghé quán nước của chị Cúc Dung để uống nước rau má, ăn sương sâm hay uống các loại nước khác. Mở quán từ 5 giờ 30 chiều đến 12 giờ đêm, chị Cúc Dung cho biết sương sâm là do nhà chị làm, còn rau má được đem từ Vinh sang. “Cứ muốn có rau má là gọi điện thì có người Việt ở Vinh mang sang”, chị Cúc Dung nói, “Mọi người cũng sang đây luôn ấy mà”. Trước khi đến Vientiane, chị sinh sống ở Pakse, nơi mà theo chị là có rất nhiều người Việt và tiếng Việt được sử dụng rộng rãi.

Tại Vientiane, hàng quán Việt khắp nơi. Bảng hiệu bằng tiếng Việt cũng không thiếu gì. Điều làm người ta phải ngạc nhiên là những người Việt sinh ra trên đất Lào ấy lại có thể nấu đồ ăn Việt ngon và đậm đà hương vị quê nhà đến thế.

Việt Phương (từ Vientiane)

Kinh nghiệm chống đĩa lậu ở Thái Lan





Thái Lan đang tập trung vào việc mạnh tay truy quét hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền sau khi nước này bị coi là có các vụ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tồi tệ nhất.

Mạnh tay với vi phạm

Thời gian qua tại Thái Lan, ngoài các chủ đề về chính trị, lãnh đạo biểu tình bị mưu sát hay chuyện cúm A/H1N1 thì chuyện nhà chức trách mở cuộc truy quét mạnh tay với những người bán hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền ở khu Patpong cũng được bàn tán. Vụ việc xảy ra đêm 6.5 tại một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Bangkok này dẫn đến một vụ xô xát mà cả người bán hàng và nhân viên công lực đều bị thương. Patpong cũng nổi tiếng là nơi mà người ta có thể mua được những túi xách nhái, quần áo giả hiệu và cả băng đĩa lậu. Mặc dù chính quyền bị nói là mạnh tay nhưng điều đó cũng cho thấy Thái Lan đang quyết dẹp nạn vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ Thái Lan mới cứng rắn với vấn đề bản quyền.

Cách đây chừng nửa năm, tại buổi ra mắt phim Ong Bak 2 tại Bangkok, tất cả những người tham dự đều bị giữ lại máy ảnh, máy quay phim và kể cả điện thoại di động trước khi vào phòng chiếu. Lý do cũng đơn giản. Ong Bak 2 với siêu sao võ thuật Tony Jaa là một bộ phim gây chú ý và việc bảo vệ bản quyền cho nó trước khi được công chiếu là chuyện dễ hiểu. Tại các rạp chiếu phim của Thái, đôi khi khách xem phim cũng được yêu cầu cho kiểm tra tư trang và nếu có mang máy ảnh, máy quay phim, họ sẽ phải gửi lại bảo vệ bên ngoài. Bên ngoài phòng chiếu có cũng một tấm bảng cảnh báo rằng nếu quay phim trộm có thể bị phạt tù giam với hình chiếc còng số 8 ngay bên cạnh. Bộ phim đang trình chiếu xem ra được bảo vệ rất chặt chẽ bởi không ít lần chúng ta chứng kiến cảnh bộ phim chưa ra mắt hoặc mới ra mắt được một ngày thì đã có đĩa lậu hoặc bản sao tung lên mạng. Tại một số cửa hàng bán phần mềm, những biển cảnh báo việc sử dụng phần mềm lậu tương tự cũng được dựng lên nhằm nhắc nhở người tiêu dùng.

Sản phẩm ngoại giá nội



Tuy nhiên, ở Thái Lan có cái hay là băng đĩa nội địa không bao giờ bị sao chép lậu hoặc nếu có cũng rất ít. Chủ yếu là các ấn phẩm của nước ngoài. Mặt khác, giá đĩa lậu cũng khá cao, thường là 100 baht/đĩa (khoảng 50.000 đồng). Trong khi đó băng đĩa gốc dù đắt gấp đôi, gấp 3 nhưng các đợt giảm giá, khuyến mãi liên tục khiến băng đĩa gốc bằng với giá đĩa lậu, hoặc đôi khi là rẻ hơn.

Ở một số nước, trong đó có Việt Nam, người ta có thể biện minh rằng các ấn phẩm nước ngoài không có bản gốc nên nếu muốn xem phải mua đĩa lậu. Điều này cũng có phần hợp lý bởi nếu có ấn phẩm gốc, nhiều người có thể sẽ không mua đĩa lậu vì dù sao những năm gần đây, người Việt Nam đã dần chuyển thói quen sang mua đĩa gốc, một phần để ủng hộ ca sĩ, diễn viên hoặc đơn giản là để sở hữu một ấn phẩm chất lượng cao. Tại Thái Lan, các hãng phim, hãng băng đĩa nổi tiếng thế giới đều có chi nhánh và đều có các ấn phẩm quốc tế có bản quyền hẳn hoi, nhưng là phiên bản dành riêng cho Thái Lan với giá phù hợp với người tiêu dùng bản địa. Các ấn phẩm quốc tế này đôi khi chỉ có giá bằng với ấn phẩm trong nước. Điều này cũng góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế mua đĩa lậu.

Sản phẩm ngoại, giá nội cũng là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu vi phạm bản quyền và cũng giúp người dân có cơ hội tiếp cận hợp pháp với các tác phẩm mà mình yêu thích.

Mối quan hệ 3 bên

Quay trở lại với vụ truy quét ở Patpong. Những người bán hàng nhái bỏ tiền ra để lấy hàng kinh doanh. Bản thân họ, thường là những người không được học cao, đôi khi không nhận thức hết được sự nghiêm trọng của vấn đề bản quyền. Đơn thuần, có cầu thì có cung. Họ cũng chỉ làm ăn theo xu thế mà thôi. Về phía người tiêu dùng, bởi có cung, nên có cầu. Họ thấy đồ nhái rẻ, lại có thương hiệu mà mình yêu thích nên mua. Và đôi khi người tiêu dùng cũng không nhận thức được một cách thấu đáo vấn đề bản quyền. Vậy có nên quay sang đổ lỗi cho bên sản xuất hay không? Dù là người bán hay người mua thì cũng bắt nguồn từ tay người sản xuất. Nếu bước sản xuất lậu bị chặn đứng, cũng sẽ không có mà cầu cũng chẳng còn. Sự giáo dục và quản lý đối với những người sản xuất hàng lậu, hàng nhái có lẽ cần được chú ý hơn. Và như kinh nghiệm của Thái Lan, sự xuất hiện của những sản phẩm bản quyền quốc tế nhưng giá nội cũng là một điểm đáng lưu ý.

Việt Phương (VP Bangkok)

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Sơ múi được tí trên Báo Quân Đội Nhân Dân :D

Ngày đáng quên ở Pạt-tay-a

Sau một buổi tối tĩnh lặng (10-4) do lực lượng biểu tình thuộc Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) rút khỏi khu vực phía ngoài khu nghỉ Royal Cliff Beach Resort (Pạt-tay-a, Thái Lan), cánh phóng viên chúng tôi cũng như nhiều người khác đều hy vọng Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác bên ngoài sẽ diễn ra đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, ánh nắng chói chang vào buổi sớm hôm sau (11-4) báo hiệu một ngày nóng bỏng tại Pạt-tay-a.

Theo nghị trình, Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng, song chúng tôi lại nhận được thông báo tại Trung tâm báo chí của Hội nghị (trong tòa nhà PEACH thuộc khuôn viên của Royal Cliff Beach Resort) rằng, với lý do bất khả kháng : Thủ tướng Ôn Gia Bảo chưa thể có mặt nên cuộc họp phải lùi lại. Trong phòng làm việc của các phóng viên râm ran thông tin về việc hàng nghìn người biểu tình “áo đỏ” đang đổ về bao vây nơi diễn ra Hội nghị và an ninh đang được tăng cường lên mức cao nhất.

Nhìn ra phía ngoài cổng, quả thực, các phòng tuyến đang được hối hả thiết lập. Hàng rào thép gai và hàng rào sắt trải dài trước mặt tiền Royal Cliff Beach Resort. Phía sau, cảnh sát và cảnh sát dã chiến cầm khiên tạo thành hai lớp bảo vệ nữa. Lùi vào sâu phía trong trước khu nhà nơi các lãnh đạo họp là một vành đai nữa của lực lượng lính thủy đánh bộ. Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố không dùng vũ lực trấn áp biểu tình nên cảnh sát và binh sĩ chỉ mang theo công cụ hỗ trợ cá nhân chứ không mang theo súng.

Chỉ chừng 10 phút sau khi lực lượng an ninh vào vị trí, những người biểu tình mặc áo đỏ đã rầm rộ ào về khu nghỉ Royal Cliff Beach Resort. Không giống với lời tuyên bố “không phá đám hội nghị, chỉ biểu tình ôn hòa” của lãnh đạo UDD tối 10-4, kẻ bịt mặt, người khua gậy, phe “áo đỏ” hùng hổ như muốn ăn thua đủ. Ngay trong đêm 10-4, lực lượng biểu tình ở Pạt-tay-a đã được tiếp viện 500 người trên 100 chiếc tắc-xi từ Băng Cốc tới. Và từ sáng 11-4, “quân số” của phe áo đỏ tăng lên từng giờ do có thêm lực lượng đổ về Royal Cliff Beach Resort. Một phóng viên Thái Lan nói với tôi rằng, nhiều người tham gia biểu tình vì được trả “lương” và cung cấp thức ăn miễn phí. Nhóm cầm đầu biểu tình đứng trên một chiếc xe tải to, dùng gần chục cái loa chĩa vào phía trong khu nghỉ hô khẩu hiệu chống chính phủ của Thủ tướng A-bị-xịt. Đám đông phía dưới thì ầm ĩ cổ động. Lực lượng biểu tình càng lúc càng quá khích và lộ rõ ý đồ ngăn cản hội nghị khi không chấp nhận lời đề nghị thương thuyết của quan chức cảnh sát Thái Lan.

Đang ngồi trong Trung tâm báo chí theo dõi thông báo của người phát ngôn của chính phủ Thái Lan về tình hình Hội nghị, tôi bỗng nghe đánh rầm một tiếng, kính rơi loảng xoảng phía trên gác. Việt Phương, phóng viên thường trú của báo Thanh Niên tại Thái Lan, chạy vào hô to: “Anh ơi, cất đồ, chạy đi. Áo đỏ phá cửa kính, đang tràn vào đây rồi”. Vơ chiếc máy tính xách tay tống vào ba lô, tôi và các phóng viên khác chạy ra cửa Trung tâm báo chí thì vừa lúc phe “áo đỏ” cờ quạt, phèng la ào xuống. Một số kẻ quá khích lợi dụng đám đông định manh động, song các phóng viên người Thái hô to đây là nơi làm việc của báo chí thì họ đã dừng lại. Sau đó, một vài người có vẻ là thành viên nòng cốt của lực lượng biểu tình yêu cầu những người “áo đỏ” không được hành hung hay đập phá. Lau vội mồ hôi, tôi liếc nhìn đồng hồ. Lúc đó là 12 giờ 45 phút.

Chọc thủng phòng tuyến bên sườn khu nghỉ, lực lượng biểu tình tiến vào khuôn viên của khu nghỉ qua lối tòa nhà PEACH ngày một đông. Trong khi chiếc xe tải chở nhóm cầm đầu nghi binh, giả như muốn tiến vào ở cổng chính. Do không được phép trấn áp, nên hàng rào bảo vệ thứ ba của thủy quân lục chiến không thể cản nổi dòng người nghìn nghịt và nhanh chóng tan vỡ. Phe “áo đỏ” xông tới, vây kín cửa khu nhà nơi các lãnh đạo đang thảo luận. Hò hét một lúc, lực lượng biểu tình dần rút lui khi được thông báo Thủ tướng A-bị-xịt tuyên bố hoãn Hội nghị vô thời hạn và ban bố tình trạng khẩn cấp tại Pạt-tay-a.

Trong lúc lực lượng biểu tình gây náo loạn, Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vẫn hết sức bình tĩnh. Khi Thủ tướng A-bị-xịt công bố quyết định hoãn Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN khác đã bày tỏ sự cảm thông với nước chủ nhà Thái Lan, mong muốn tình hình sớm ổn định để Thái Lan tiếp tục phát triển đất nước và đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ cao để Thái Lan thực hiện tốt cương vị này. Sau đó, trực thăng của quân đội Thái Lan đã đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu cấp cao của Việt Nam ra sân bay Pạt-tay-a lên máy bay về nước. Đến 23 giờ, toàn bộ đoàn đại biểu Việt Nam và cán bộ tháp tùng đã về nước tuyệt đối an toàn.

Về tới Hà Nội, tôi vẫn nhớ như in gương mặt trầm tư của Tổng thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-oăn khi nói với các phóng viên tại sảnh khu nghỉ Royal Cliff Beach Resort rằng: “Thật đáng tiếc là tình hình lại diễn ra như thế”. Song, 11-4 quả thực là một ngày đáng quên ở Pạt-tay-a.

Bài và ảnh: BẢO TRUNG

(Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi theo đoàn Thủ tướng nước ta)

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

A birthday's gift


(based on a true incident hehehe. The time of this incident is not exposed. It may be this year, last year or even 3 years ago.)

-Hey, happy birthday, again! :)

-Oh, thanks. I got your SMS. Thanks again.

-Now, go to your bed, pick up the drape! I placed a gift for you underneath there...

I didn't wait to see the rest of the sentence on Yahoo! Messenger. I ran immediately to my bedroom and looked below the bed. Wow! It was a surprise for me. I didn't know when it was placed there. It was a birthday plan. I guess. The gift is a notebook with the word LOVE on the cover. On the other cover side, there was the word HATE.

I opened the LOVE side and it was blank. I opened the HATE side and it was written: "Happy Birthday!".

Do you hate me that much especially after putting the gift under my bed?

Bed. Gift. Love. Hate

Mất tiền ngu! Một ngày xúi quẩy! (updated)

Sinh nhật sinh nhẽo sắp đến rồi mà xui ghê. Hy vọng qua tuổi mới sẽ gặp hên!

Hôm nay, đến ngày đi trình diện chính quyền kể từ khi nhập cảnh. Sáng ra, đập vô mặt đã là một đống hóa đơn các loại.

Đến trưa cà ngựa đi trình diện. Đến nơi, các bác bảo chậm 15 ngày. Mình bảo không chậm, tính từ ngày có visa kia mà. Năm ngoái vẫn thế. Các bác bảo không, từ ngày nhập cảnh cơ. Cuối cùng mình đành tươi cười rút 2.000 baht ra đóng phạt, cộng thêm 10 phút chờ đợi các bác viết hóa đơn, biên bản và qua ít nhất 3 quầy để hoàn thành thủ tục.

Hic. Trên đường về, trong lúc ngồi thẩn thơ trên tàu điện thì một bạn to cao nhưng không đẹp trai (bằng mình) ngồi phịch xuống bên cạnh. Tưởng chuyện cũng bình thường, 5 phút sau bạn ấy bắt đầu có những biểu hiện kỳ cục. Bạn ấy bắt đầu ngồi cười khúc khích 1 mình. Kiểu như là đêm hôm trước nghe được câu chuyện cười nhưng giờ mới hiểu ra nên cười khoái chí. Mình sợ quá, xuống ngay ga gần nhất để đón chuyến khác. Tiện thể đi đóng đống hoá đơn.

Thôi, tóm lại, đi cắt tóc xả xui đây. Trên đường đi cắt tóc, tiện ghé DHL gửi hóa đơn về cơ quan. DHL rất dễ thương, bảo rằng hôm nay gửi thì thứ 2 đến nơi nhá. Từ giờ đến cuối tuần ứ có chuyến. Ôi, hóa ra đây là dịch vụ chuyển chậm à? Những thứ 6, 7, CN. Thế mà không có chuyến nào đi Việt Nam mới tệ.

Đến tiệm cắt tóc thì biết tin bạn stylish người Nhật hay cắt cho mình đã về nước. :D Coi như hôm nay đen toàn tập. Đùa chứ, ai cho vay 2.000 USD, khi nào làm lương gấp đôi mức ấy sẽ trả nợ.

Niềm hạnh phúc của Nước Cốt Dừa (ความสุขของกะทิ)

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Điều gì không cần thiết thì không nên nói



Điều gì nếu nói ra cũng được mà không nói ra cũng chẳng sao thì tốt nhất là không nên nói.

Vừa đọc trong blog của bố như vậy. Đôi khi mình vô ý, muốn đùa vui tí nhưng nếu ai không hiểu họ sẽ nghĩ là mình nói thật. Suy ra, không nên nói đùa.

Năm ngoái, mình mất 1 người bạn vì những câu nói đùa vô hại, những câu mà không nói cũng được, nói cũng chẳng sao. Nhưng mình nhận ra rằng, đó là người bạn nên mất. Không đáng, đúng không? Chơi với nhau bao lâu đáng ra phải hiểu tính nhau, biết cái gì nói đùa, cái gì là thật.

Trong blog của bố cũng có câu: "Hạn chế gặp những người mà nếu tiếp xúc dễ làm mình khó chịu". Đúng, không nên gặp họ, bởi mình cũng sẽ làm họ không thoải mái. Nên invisible thì hơn.

Cuộc sống vốn đã nhiều điều đau đầu rồi, tại sao không take it easy một chút cho dễ thở hơn?

Confession of a fast food anti-fan!


Mình được biết đến như một kẻ chống lại đồ ăn nhanh (fast food anti-fan). Mình gọi đó là junk food vì thật sự nó không tốt cho sức khoẻ. Thế nhưng những lúc đi tác nghiệp cả mấy ngày liền, nhất là những đợt biểu tình, những chiếc hamburger của McDonald lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuần rồi khá bận, không đi chợ được, không nấu ăn được. Lúc có thời gian thì cũng lười nên cuối cùng đành lật cuốn tạp chí ra, tìm trang có đồ deliver và nhấc máy lên gọi. Lần đầu tiên trong đời phát hiện ra rằng Deluxe Cheese Burger của McDonald cũng ngon phết. Mì ống và gà của Pizza Hut cũng chẳng tệ. Thật đáng sợ! Mình thích fast food rồi sao?

Mấy hôm rồi, toàn phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đi làm tin hội nghị. Lúc còn ngái ngủ trên giường nhấc điện thoại lên và gọi McDonald. Cửa hàng của các bạn ý ngay gần nhà mình nên gọi xong, chưa kịp đánh răng rửa mặt thì các bạn đã mang đồ tới. Ăn nhanh xong đi hội nghị luôn. Đỡ phải lục cục nấu mì gói rồi lại rửa dọn. Cứ tiện lợi như vậy chăm chỉ sao nổi trời?

Mà fast food đôi khi cũng như tình yêu. Đói quá thì ăn nhanh cho tiện, đỡ phải dọn rửa. Lúc cần, gọi cái có ngay. Nhưng ăn mãi cũng chán! Cơm nhà vẫn ngon hơn nhỉ? Hihihihi.

Thôi, đi ăn cái đã! Cuốn tạp chí đâu rồi nhỉ? Quyết tâm chiều nay đi chợ, quay lại cuộc sống bình thường!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Thưởng thức “cơm vua” ở Thái Lan

Nguyên thủ, quốc vương các nước ăn uống như thế nào tại Hội nghị Cấp cao ASEAN? Đẹp, lạ, vừa miệng, đó là những từ dùng để miêu tả các món ăn dành cho họ.

Ngày 11.4, theo kế hoạch, tổng thống, thủ tướng, quốc vương các nước sẽ dự buổi tiệc tối Gala Dinner do nước chủ nhà Thái Lan thết đãi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các nước đối tác. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc liên quan đến lực lượng biểu tình áo đỏ đã khiến hội nghị bị hoãn lại. Yến tiệc đã chuẩn bị, quan khách thì ra về. Ấy vậy cho nên, những nhân viên tham gia tổ chức hội nghị, cánh nhà báo và những binh sĩ làm nhiệm vụ tại đây được mời vào thưởng thức những món ăn vốn chỉ dành cho những vị lãnh đạo cấp cao. (H.1)


Phòng tiệc là một khu hội trường lớn trong khách sạn Royal Clifff được trang hoàng lộng lẫy với ánh đèn lấp lánh như trong cõi thần tiên. Một sân khấu lớn được dựng lên, để trình diễn các tiết mục văn nghệ cho các quan khách xem trong lúc ăn. Chương trình này đã bị hủy sau đó. (H.2)


Bàn tiệc cũng được bài trí cầu kỳ. Ghế ngồi được bọc vải kim tuyến. Giữa bàn tiệc có đặt một tháp hoa nhỏ được kết từ nhiều loại hoa với những viên ngọc, kim cương giả treo xung quanh. Cách trang trí khiến người dự tiệc cảm nhận được sự vương giả và sang trọng của buổi tiệc.


Bữa tiệc bắt đầu với 3 món khai vị. Mỗi phần ăn được trình bày đẹp, lạ mắt và lượng đồ ăn không nhiều, đảm bảo các vị khách không bị no ngay từ món đầu tiên. Các món ăn đậm chất Thái, tuy nhiên không quá cay và nồng gia vị, để đảm bảo quan khách từ khắp nơi trên thế giới có thể thưởng thức. Món chính là một phần ăn trông không nhiều lắm nhưng ăn xong thì cũng khiến người thưởng thức no nê. Phần này bao gồm một ít cơm, một nửa con tôm to và các món phụ khác được bài trí trong 4 chén nhỏ kèm theo.


Món tráng miệng cũng đậm chất Thái với các đồ ăn ngọt làm từ bột và đậu xanh, được nặn thành hình trái cây. Chè ngọt và trái cây cũng được thết đãi sau đó. (H.3, H.4, H.5, H.6)


Cũng bởi các món ăn không thực sự thuần Thái và được làm vừa phải để vừa miệng tất cả mọi người nên nó không thật sự ngon tuyệt trần. Bù lại, người thưởng thức biết được cảm giác ăn “cơm vua” là thế nào, những món ăn không chỉ vừa miệng mà còn được trình bày lạ, đẹp, sang trọng.


Việt Phương
(VP Bangkok)


http://www.thanhnien.com.vn/tnotuansan/Pages/200918/20090429152022.aspx

BFC (Bangkok Fried Chicken)



Tình hình là đã chuyển từ heo sang gà cho an toàn! Và đây là món cánh gà chiên kiểu... Bangkok hay còn gọi là Bangkok Fried Chicken (BFC). Chuẩn bị cạnh tranh với KFC thôi.

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Chán!

Lọ thịt bò ngâm tỏi, có thể để đến 3, 4 tuần

Ăn ngoài thì không đành! Ăn nhà thì lười nấu. Hôm nào cũng cặm cụi nấu ăn 1 mình, ăn xong rửa bát. Đồ ăn thừa thì vẫn còn đó, hôm sau lôi ra cho vào lò vi sóng hâm rồi ăn tiếp.

Đồ ăn hôm nào cũng thừa vì đã nấu 1 lần thì tiện nấu luôn 1 phần vừa vừa chứ không lẽ nấu có tí ăn một bữa rồi thôi. Đến phát chán vì tự nấu 1 mình, ăn 1 mình, dọn 1 mình. Chưa kể đến đi chợ 1 mình. Mình thì vốn đã lười chảy thây. Lê lết đi làm từng đó việc đã là một cố gắng lớn.

Chán quá, sao giờ? Mà kể ra đi chợ nấu ăn ở nhà cũng tốn kém không thua gì ăn ngoài. Ăn ngoài thì sợ cúm heo. Thế nên, đành chán tí ăn ở nhà cho lành.

Bao giờ mới hết chán? Chắc phải lấy vợ thôi. Mà vợ "sẽ" cưới của mình nói đợi thêm mấy năm nữa. Vợ bảo đang ham vui. Mình cũng đang ham vui, chưa muốn lấy vợ hahaha. Thầy bói bảo số mình sau 30 lấy vợ mới phát tài phát lộc. Được cái, vợ nấu ăn ngon, đảm đang, thỉnh thoảng làm 1 bữa phở mà ăn đến cả tuần. Hahaha!

Thôi cố chơi thêm mấy năm nữa cho hết tuổi trẻ. Mà cũng đúng, trẻ không chơi, già mất nết, kỳ lắm.

P.S: Hôm nào nấu ăn cũng quanh đi quẩn lại thịt trứng kho nước dừa, canh chua, thỉnh thoảng làm thêm cánh gà chiên mắm. Hiện tại đang có một hũ bò ngâm tỏi to đùng ăn dần. Hic. Hôm nào chán nữa thì gọi bạn đến nấu phở ăn.