Thứ Hai, 8 tháng 1, 2007

Trung Quốc: từ truyền thông quản lý sang truyền thông phục vụ




Một quan chức thông tin Trung Quốc đã đưa ra phác thảo về những biện pháp mới nhằm cải thiện hình ảnh của đất nước trong thế giới truyền thông và tăng cường lưu lượng tin tức với các phóng viên trong nước cũng như quốc tế.


Phát biểu của vị quan chức này đưa ra sau khi một loạt những quy định mới có hiệu lực vào đầu năm sẽ cho phép các phóng viên nước ngoài được quyền tiếp cận thông tin rộng hơn và tự do hơn khi phản ánh tin bài về Trung Quốc vào kỳ Olympic sắp tới, mặc dù những quy định này sẽ kết thúc vào tháng 10/2008.

Trong một cuộc phỏng vấn trên China Daily vào ngày 4/1, phó phụ trách văn phòng báo chí thuộc Cục Quản lý báo chí và xuất bản Trung Quốc Vương Quốc Khánh cho hay, Trung Quốc đang trong giai đoạn thực hiện việc chuyển đổi từ ''truyền thông quản lý'' sang ''truyền thông phục vụ'' với trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ là một ưu tiên hàng đầu.

Tuyên bố của ông Vương đưa ra tiếp theo lời nói của Lưu Kiến Siêu, Giám đốc phòng Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Lưu khẳng định, phóng viên nước ngoài ''sẽ được tự do hơn, thoải mái hơn'' ở Trung Quốc.

Cải tổ

Theo ông Vương Quốc Khánh, Cục Quản lý báo chí sẽ tăng cường thường xuyên các buổi họp báo để giới truyền thông có thể tiếp xúc với các bộ trưởng, thứ trưởng, tìm hiểu về những chính sách và đề xuất của chính phủ. ''Năm trước, 59 bộ trưởng và thứ trưởng đã phát biểu trong 58 cuộc họp báo của cục báo chí''.

Ông Vương cho hay, bước tiếp theo sẽ được cải thiện là thông tin về các cuộc gặp của Hội đồng nhà nước, gần đây chỉ có hãng Tân Hoa xã và số ít cơ quan báo chí được đưa tin, theo sát. "Năm nay, chúng tôi có thể sẽ xây dựng một cơ cấu phát hành tin tức mới về những cuộc gặp của chính phủ, nên các vấn đề thảo luận có thể được truyền đạt một cách hiệu quả hơn, qua nhiều phương tiện, nhiều kênh thông tin hơn''.

Ông thừa nhận, một số quan chức phát biểu với báo chí vẫn ''dài dòng, tránh vấn đề chính, nói không rõ ràng''. Đồng thời, đại diện cục báo chí cũng cảnh báo, trong khi phóng viên nước ngoài có thể không gặp khó khăn khi đưa tin tại Bắc Kinh thì ông cũng không thể ''lạc quan'' rằng những quy định mới sẽ được thực thi ở phạm vi ngoài các thành phố lớn.

Giới phân tích truyền thông đã bày tỏ quan ngại rằng, một số quan chức địa phương, theo lề lối cũ, có thể sẽ phớt lờ những chỉ dẫn của chính phủ trung ương trong việc cho phép truyền thông nước ngoài tiếp cận vấn đề rộng rãi, tự do hơn.

Xu thế mới

Hướng tới Olympic Bắc Kinh 2008, ông Vương Quốc Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tổ chức hàng loạt cuộc họp báo về hệ thống chính trị và luật pháp, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, những quy định truyền thông, quyền con người, các công trình xây dựng Olympic và biện pháp bảo vệ môi trường.

Ít nhất khoảng 30.000 phóng viên nước ngoài có thể đến Trung Quốc trong năm tới. ''Chúng tôi sẽ cố gắng phát hành nhiều tin tức mà truyền thông nước ngoài quan tâm trước kỳ Olympic", ông Vương cam kết. Tuy nhiên, ông này cũng than phiền rằng, một số phương tiện truyền thông nước ngoài vẫn thông tin ''mang nặng định kiến chính trị và thiếu sự thật'', làm ảnh hưởng tới uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Những quy định nới lỏng với truyền thông nước ngoài dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 10/2008 nhưng một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, khó có thể đảo nghịch lại xu thế công khai tin tức. Một số hãng truyền thông Trung Quốc cũng nhấn mạnh, những quy định tự do hơn cũng nên áp dụng với họ.

Và khi các phóng viên nước ngoài đổ dồn về Trung Quốc, tập trung vào những tin tức điều tra có thể là động lực khiến truyền thông đại lục chấp nhận đối đầu với sự mạo hiểm hơn trong thông tin của mình.

  • Kỳ Thư (Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét