Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2007

Những người bạn bên tôi




Một mảng tường trong phòng tớ, nơi tớ dán ảnh bạn bè và người thân. Những lúc buồn lại ngắm!

Những ngày này mình thật may mắn và hạnh phúc vì nhận được nhiều tin vui về bạn bè! Thứ nhất là lâu lắm rồi mới nói chuyện với bạn Trịnh Anh Tú, xin lại hắn mấy bài hát ngày xưa hắn tự hát tự thu để nghe. Hồi xưa hư ổ cứng nên mất hết. Nghe lại thấy đã quá! trong đó có bài "Những người bạn bên tôi" mà các bạn sẽ nghe sau đây và cũng là tựa đề của cái entry này.



Thứ Năm, 26 tháng 4, 2007

Chúc mừng sinh nhật Trần Việt Phương




Thằng em Trần Việt Phương nhà tớ

Trước hết, tớ xin nói rõ một chút, Trần Việt Phương này là em tớ, sinh năm 1985. Không phải tớ. Mà kể cũng lạ, 3 anh em Trần Việt Phương nhà tớ sinh gần ngày nhau. Sắp tới sẽ là tớ và cuối tháng sau sẽ là thằng Trần Việt Phương sinh năm 1986. Còn hình ở trên là nó đấy! Tớ hay trêu nó: "Mày nhìn giống Bắc Triều Tiên (xem hình trên thì rõ ạ)", rồi quay sang thằng Trần Việt Phương 1986 nói: "Còn mày giống Nam Triều Tiên".

Chúc mừng thằng em nhé! Năm mới mau ăn chóng lớn, tình yêu... đơm hoa... kết trái nhé!

Hôm nay có khối thứ để chúc mừng nhỉ? Hôm nay cũng là ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Mình mà ở Việt Nam giờ này thì vui phải biết.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2007

Nhặt nhạnh




Mấy chuyện sau đây tình cờ nhặt nhạnh được trên trang web của tuần báo tuổi mới lớn Mực Tím (Xì tin chưa). Nhưng mà đọc thấy cũng hay hay... Copy lên đây chia sẻ cùng mọi người.

Dựa vào bản thân

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó : "Mẹ ơi ! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái vỏ bọc vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế?

Thật mệt chết đi được !".

"Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh" - Mẹ nói.

"Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không cần đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?".

"Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy".

"Nhưng em giun đất cũng không có xương và cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?".

"Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy".

Ốc sên con bật khóc, nói : "Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không che chở chúng ta".

"Vì vậy mà chúng ta có vỏ bọc! - Ốc sên mẹ an ủi con - Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta".

Màu sắc của tình bạn

Xưa rất là xưa, khi màu sắc của thế giới đã đựơc phân chia. Tất cả tranh cãi nhau, ai cũng cho mình là màu đẹp nhất, quan trọng nhất, hữu dụng nhất.

Xanh lá cây nói :

"Rõ ràng tớ là quan trọng nhất.Tớ là màu của sự sống,của hi vọng.Tớ được chọn cho cỏ cây,hoa lá.Không có tớ,các loài động vật sẽ chết hết.Nhìn những vùng đồng quê kia kìa,rồi các cậu sẽ thấy tớ quan trọng như thế nào."

Xanh dương cắt ngang :

"Cậu chỉ nghĩ về đất đai thôi,hãy nghĩ về bầu trời và biển cả.Nước là sự sống và đựơc tạo bởi những đám mây kia.Bầu trời tạo khoảng cách , hòa bình và sự yên tĩnh.Không có tớ,cậu chẳng là gì cả."

Màu vàng lắc đầu :

"Cả hai cậu đều nghiêm trọng quá.Tớ mang tiếng cừơi,sự hân hoan và ấm áp đến thế giới này.Mặt trời màu vàng,mặt trăng màu vàng,cả các vì sao cũng màu vàng nốt.Mỗi khi nhìn một bông hoa hướng dương như là cả thế giới đang cười.Không có tớ hả,sẽ chẳng có sự vui tươi.

Màu cam la lớn:

"Tớ là màu sắc của sức khỏe và sự mạnh mẽ.Tớ có thể hiếm nhưng quý giá,tớ tạo ra những thứ cần thiết cho con người.Tớ mang những sinh tố quan trọng nhất.Thử nghĩ về cà rốt,bí đỏ,cam,xoài,và đu đủ xem.Tớ không ở ngoài suốt ngày,nhưng khi tớ xuất hiện lúc bình minh hay hoàng hôn,vẻ đẹp của tớ hấp dẫn đến nỗi chẳng ai nghĩ đến các cậu."

Màu đỏ không chịu nổi nữa và hét to:

" Tớ mới là người đứng đầu đây nè. Tớ là máu - máu của sự sống ! Tớ là màu của nguy hiểm và dũng cảm.Tớ sẵn sàng đấu tranh cho mục đích của mình.Tớ mang lửa và máu.Không có tớ,cả thế giới này sẽ trống trải như mặt trăng ấy.Tớ,màu của tình yêu nồng cháy,của hoa hồng đỏ thắm,của ngọn lửa mãnh liệt."

Màu tím đứng dậy và trịnh trọng nói:

" Tớ là màu của hoàng gia và sức mạnh.Các vị vua,thủ lĩnh hay các giám mục luôn luôn chọn tớ vì tớ là biểu tượng của quyền lực và sự khôn ngoan.Người ta không hỏi tớ! Họ chỉ lắng nghe và tuân theo."

Cuối cùng màu chàm lên tiếng,nhỏ nhẹ hơn những màu khác,nhưng với sự cứng rắn hơn trong từng lời nói:

"Coi tớ đây.Tớ là màu của sự im lặng.Khó có thể nhận ra tớ,nhưng nếu không có tớ,tất cả các cậu đều trở nên nông cạn.Tớ tượng trưng cho suy nghĩ và phản xạ,lúc tảng sáng hay về chiều và màu nứơc thẳm.Các cậu cần tớ cho sự cân bằng và tương phản,trong cầu nguyện và sự hòa bình."

Và như vậy mỗi màu sắc quả quyết màu của mình là đẹp nhất.Họ tranh cãi lớn hơn và lớn hơn.Đột nhiên,một tiếng sét bất chợt vang lên.Mưa bắt đầu rơi nặng hạt.Các màu sắc rung rẩy,xích lại gần nhau để bớt sợ.

Giữa lúc sấm sét ầm ĩ,mưa lên tiếng :

"Lũ màu sắc các người thật ngu ngốc,đấu đá lẫn nhau để chứng tỏ mình nổi trội hơn những kẻ khác.Các người không biết rằng mỗi một cá thể đựoc tạo ra bởi một lý do đặc biệt,duy nhất và khác biệt ư? Hãy nắm lấy tay nhau và đến đây."

Làm theo lời của mưa,các màu sắc liên kết lại và nắm lấy tay nhau.

Mưa tiếp tục:

"Bắt đầu từ bây giờ,khi trời mưa,mỗi màu sắc sẽ trải dài dọc bầu trời trong một chiếc vồng lớn để nhắc nhở các ngươi nên chung sống với nhau trong hòa bình.Cầu vồng là sự hiện diện của hi vọng cho ngày mai."

Và như vậy,cứ mỗi khi mưa tạnh,cầu vồng lại xuất hiện để nhắc chúng ta nhớ và cảm ơn đến những người khác.

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2007

“Ngọng và Ngốc” gác… barrie




(VietNamNet) - Góp phần giảm thiểu tại nạn giao thông - trách nhiệm không chỉ riêng ai mà là của chung cộng đồng, ngay cả những người vốn được coi là trí tuệ kém phát triển cũng biết mình cần phải làm gì! Bài viết của Hiếu Cường về Ngọng và Ngốc, hai người "gác tàu" tuy trí tuệ "tối" nhưng tâm thật sáng...

Người

Người đi đường vui vẻ chấp hành "mệnh lệnh"của Ngọng và Ngốc


Vài phút trước khi có đoàn tàu chạy qua, họ chia nhau hai đầu ngã ba, một người nhanh nhảu đưa còi lên thổi tuýt tuýt, tay trái giơ ngang vai ra hiệu tất cả dừng lại. Ở phía bên kia, anh chàng còn lại giang rộng hai tay chắn trọn lối sang. Trong phút chốc, con tàu vun vút lao qua giữa tiếng ầm ầm như đá đổ…Trông hành động với vẻ dứt khoát như thế, những ai lần đầu trông thấy đều bị “đánh lừa” họ là nhân viên ngành đường sắt. Ít ai có thể ngờ rằng, họ còn chẳng thể nói rõ tiếng…người!

“Nhân viên gác tàu…tự phong”!

Thực ra, đó chỉ là hai người thiểu năng, tình nguyện làm người chắn tàu tại ngã ba Hồng Phú (phường Trần Hưng Đạo, thị xã Phủ Lí). Hai con người ấy chẳng thể biết mình là ai; mình bao nhiêu tuổi, từ đâu đến; đến đây từ khi nào và tại sao lại gắn bó với “trạm barie” này? Vì thế, người dân ngã ba này quen gọi hai “nhân viên” gác tàu này là Ngọng và Ngốc.

Ngọng khoảng chừng 40 tuổi, thấp, đen, nhưng có vẻ già và khôn hơn…Ngốc. Người dân cho biết, một chiều cách đây hơn hai năm, có hai người đàn ông xuất hiện trong bộ dạng rách rưới, miệng ú ớ không rõ tiếng người. Thấy họ dật dờ như con ma đói, suốt ngày vạ vật khắp ngõ chợ nhặt nhạnh đủ thứ rác rưởi kiếm ăn;nhưng tuyệt nhiên không trộm cắp cuả ai bao giờ. Thi thoảng, họ khuân vác hàng, giúp dân đẩy xe mà không hề mở miệng đòi một đồng công sá. Dần già, hai kẻ ăn mày ấy được dân thương tình cưu mang.

“Ít lâu sau, cũng chẳng ai xui khiến, người dân thấy họ tự nguyện đứng chắn đường mỗi khi có tàu chạy qua”- Bà Hoàng thị Ngân, một người bán mía tại ngã ba này đã năm năm, nhớ lại: “Lần đầu tiên, thấy hai người họ áp tai xuống đường ray, rồi ú ớ chặn xe những người qua đường, ai nấy đều lấy làm lạ! Nhiều người còn khó chịu vì cứ nghĩ đó là trò đùa của mấy người điên điên dại dại. Trẻ con thi nhau chọc ghẹo, ném đá. Đến khi thấy đoàn tàu vun vút lao tới từ chỗ khuất, mọi người mới vỡ lẽ…”

“Ngã ba thằng Ngọng”

Bà Ngân kể tiếp: “Hồi trước, chưa có hai ông ấy, những người bán hàng quanh đây như chúng tôi “kiêm” luôn “barie”, cũng nhiều lần nhắc nhở người qua đường. Có điều, đôi lúc mãi bán hàng, rồi không để ý kịp, nên có những cái chết đau lòng lắm chú ạ. Song từ khi hai ông ấy làm, mấy ổng làm quyết tâm lắm”!- Rồi bà Ngân như sực nhớ: “Cách đây chưa lâu, có cậu Hùng xóm trong, vừa chạy xe máy vừa nghe nhạc, đúng lúc tàu đến, ông Ngọng tuýt còi nhưng không nghe, cứ chạy tới. Thế là ông ấy phải lao ra gồng mình lôi xe lại mới thoát chết. Giờ, thi thoảng cậu ấy chạy xe qua, ghé vào cho ông ấy ít quà bánh”.

Ngọng

Ngọng đang làm nhiệm vụ


Khác với Ngọng kéo xe từ phía sau, Ngốc, trong một lần “cương quyết” chặn xe máy từ phía trước của một người qua đường với lí do “có việc gấp” mà bị xe máy húc gãy chân, phải vô viện bó bột. May thay, nhờ chiến công đó nên Tết vừa rồi, lần đầu tiên hai người đã được đón lãnh đạo phường đến thăm, tặng quà.

Theo những người dân gần đó, những ngày đầu, Ngọng và bạn Ngọng áp tai xuống đường ray để biết có tàu sắp đến, nhưng giờ đây, họ nắm giờ tàu vào ra một cách chính xác đến “kì lạ” không cần áp tai xuống đường ray nữa, cứ như một thứ “phản xạ có điều kiện”! Từ chỗ chỉ ú ớ gầm gừ để cảnh báo người qua đường, thì nay Ngọng và Ngốc chỉ cần tuýt còi, phất cờ hiệu như một “nhân viên” ngành đường sắt!

Xung quanh cũng ít người có thể nghe được họ nói những gì. Thoảng hoặc, thấy họ làu bàu gì đó với những người qua đường bất cẩn trong tiếng xình xịch của đoàn tàu đang rời xa.Vậy nên, cũng không nhiều người quan tâm vì sao họ đi làm nghề gác tàu không công đó. Riêng cụ Tú, một người có xe đẩy tạp hoá cắt nghĩa: “Tôi nghĩ, người ta có điên điên khùng khùng đến mấy thì trong họ vẫn có phần Người chú ạ. Họ hành động như thế âu cũng là bản năng rất con người mà thôi; chứ chẳng phải vì chuyện cơm áo như mấy ông cán bộ từng nghĩ đâu”!

Cứ thế, suốt hai năm qua, người dân ngã ba này đã quá quen làm theo những chỉ dẫn giao thông của hai người thiểu năng. Nhờ vậy, hai năm qua, tại đây, không còn vụ tai nạn nào đáng tiếc xẩy ra;“ngã ba kinh hoàng” này trở nên yên bình hơn và được nhiều người gọi bằng cái tên mới: “Ngã ba thằng Ngọng”.

Làm gì với người thiểu năng biết làm việc tốt?

Được biết, đến nay, các ngành chức năng không phải mất một chi phí nào cho những “nhân viên” này (ngoại trừ một trạm gác của ngành đường sắt đã bỏ hoang từ 10 năm qua). Cái chòi gác vẻn vẹn 4m2 ấy, nhiều chỗ nứt toác để lộ những hàng gạch loang lổ được người dân sửa lại đôi chút cách nay 1năm làm chỗ trú ngụ cho hai người. Bên trong, chỉ duy nhất chiếc giường một, trên đó trải chiếc chiếu rách chắp vá đủ loại giấy báo. Đặt thêm cái điếu cày với ba chiếc chén đã ố vàng như chưa từng được rửa. Nhưng, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là chiếc bàn thờ với bức ảnh người con gái còn rất trẻ. Ngọng không nói được, có điều, khi ai hỏi về điều đó, mắt Ngọng trở nên đỏ ngàu…

Hằng ngày Ngọng và Ngốc vẫn sống bằng sự đùm bọc của những người dân tốt bụng, của những người từng mang ơn họ. Những lúc không có tàu qua, Ngọng vẫn lang thang xin ăn, xin quần áo cũ để mặc. Bao giờ, Ngọng cũng không quên xin thêm cho Ngốc. Mới đây, được người ta cho bộ quần áo cũ của ngành công an ngày trước (nay đã thôi không dùng nữa), Ngọng lấy áo, nhường Ngốc mặc quần! Và, dù có lang thang ở đâu, song, mỗi khi sắp có tàu, bà con vẫn thấy Ngọng và Ngốc quay về, đều đặn làm công việc của người gác tàu rất trách nhiệm và chuyên nghiệp, với nụ cười hồn nhiên mà không phải nhân viên “nhà tàu” nào cũng có được.

Theo thượng tá Nguyễn văn Quân, trưởng phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Hà Nam: “Không thể phủ nhận được lợi ích xã hội của từ việc làm của hai con người thiểu năng này. Họ đã góp phần xoá một điểm đen về tai nạn giao thông, cứu sống được nhiều người. Đó là biểu hiện của phong trào quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Hai người ấy đáng được quan tâm và tuyên dương”.

Để những người thiểu năng làm công tác đảm bảo giao thông chắc chắn không phải là một lựa chọn tối ưu và việc giải quyết "điểm đen" giao thông này bằng một lực lượng chuyên trách là điều mà các cơ quan chức năng phải lưu tâm. Dù sao thì việc làm của Ngọng và Ngốc cũng buộc nhiều người "không thiểu năng" phải xem lại hành vi và thái độ của mình khi tham gia giao thông.

Hiếu Cường

____________________________

Frankie: Đôi khi tôi cảm thấy hổ thẹn vì thua cả những người thiểu năng trí tuệ này. Đôi khi tôi cũng phạm luật giao thông...

Tình yêu vĩ đại nhất




By Frankie Da Cool

60% giới trẻ Việt Nam ngày nay chọn lối sống thụ động. Đó là thông tin mà báo điện tử VietNamNet mấy hôm trước. Giới trẻ Việt Nam thụ động là do đâu? Do nếp sống lâu nay nó vậy? Do giáo dục lạc hậu? Hay do cách giáo dục con cái ngay từ trong gia đình? Hay là do giới trẻ nhận thức sai những điều học được. Bao nhiêu câu hỏi ngồn ngộn đổ dồn lên vấn đề này, một thực tế tồn tại đã lâu mà chúng ta chưa thể khắc phục


***

Yêu mình trước đã

Trong những năm 1980 của thế kỷ trước, cô ca sĩ Whitney Houston đã làm giới trẻ phát sốt với ca khúc "Greatest love of all" (Tình yêu vĩ đại nhất). Ca khúc kể về một cô bé, khi còn nhỏ, cô luôn tìm một hình mẫu, một thần tượng cho bản thân để bắt chước và noi theo. Lâu dần, cô nhận ra rằng, thật dở hơi khi cứ làm cái bóng của người khác như vậy. Cô quyết định quay lại với chính mình. Cô ngẩng đầu tự tin và nỗ lực hết sức trong cuộc sống. Và dù có thành công hay thất bại, ít nhất cô đã sống cho mình và vì mình. Cô gái kia đã quyết định đúng chăng? Cô đã không trở thành cái bóng của kẻ khác vì cái bóng chỉ là cái bóng. Cô biết mình không thể dựa vào cái bóng. Cái bóng đó chỉ là hư ảo. Cô đã chọn con đường cho chính mình, đó là dựa vào bản thân. Cuối cùng cô nhận ra rằng, tình yêu vĩ đại nhất là tình yêu chính mình.

Nghe bài hát bên dưới đây



/embed>







Sunday April 22, 2007 - 12:33pm (ICT)





Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

Chuyện của người giàu




Hình bà chị Lê Thị Thái Hòa trong vai cô Cám... à quên cô Tấm. Nghe đồn bà chị mình sắp giàu và sắp lập quỹ chuyên phát chẩn iPod và máy ảnh cho giới trẻ.


Lê Thị Thái Hòa
(Đăng trên Thanh Niên Tuần San)

Sự kiện tỉ phú - “ông vua” của Tập đoàn Microsoft - Bill Gates cùng bà vợ Melinda sang thăm VN lần thứ hai đã gây xôn xao dư luận. Đơn giản với mọi người và dễ hiểu hơn cho những cụm từ "ông vua phần mềm”, “kiến trúc sư trưởng”, “chủ tịch tập đoàn”... thì ai cũng biết, Bill Gates là người giàu nhất thế giới. Ông sang thăm VN không phải nhân danh Microsoft như lần đầu, mà vì với cương vị Chủ tịch Quỹ từ thiện “Bill & Melinda Gates”, ngài Bill Gates sẽ tìm hiểu, hổ trợ VN về công tác chăm sóc y tế cộng đồng và tiêm chủng mở rộng.

Tôi ngồi nhậu với cậu bạn thân ở một quán vỉa hè ven cầu Sài Gòn. Với vô số là ưu điểm thì Sài Gòn có mấy thứ mà một kẻ gốc Bắc lập nghiệp phương Nam như tôi “thương không nổi” mỗi khi ngồi quán là vé số và gửi xe mất tiền. Ngồi quán vỉa hè trong khoảng một giờ đồng hồ, bạn sẽ đếm được không dưới 10 lượt người bán vé số rong chìa tấm vé vào tận mặt. Tôi là người vốn chưa từng tin vào may rủi nên chẳng bao giờ mua tấm vé nào, nhưng tất nhiên vẫn có ngoại lệ. Quán nhậu hôm ấy chẳng hiểu sao những người bán vé số hầu hết là tàn tật, ngồi xe lăn, khiếm thị, hoặc thương hơn là một cô bé bị bệnh chậm phát triển trí tuệ. Ai nỡ từ chối những người đáng thương đến thế?

Chủ đề của bữa nhậu là những người giàu ở “quê ta” khi chứng khoán lên sàn. Họ sẽ làm gì nhỉ, với số tiền khổng lồ mà báo chí công bố khi thu nhập bình quân đầu người của người dân VN (GDP) năm 2006 mới chỉ khoảng 720 USD/năm (số liệu của IMF)? Đương nhiên một biểu hiện của phát triển là sự phân cấp giàu nghèo, người giàu sẽ càng ngày càng giàu và khoảng cách về tài sản của họ so với người nghèo sẽ càng ngày càng lớn. Nhu cầu của mỗi con người sống trên trái đất này có giới hạn không? Câu trả lời chính xác là: có. Thế nên khi Bill Gates cùng gia đình của ông - một gia đình giàu nhất thế giới đã đủ đầy những cơ ngơi vật chất, tiện nghi, họ dành hết số tiền còn lại cho các hoạt động từ thiện.

Ở VN, hiện tại đã có các nhà dưỡng lão, các trung tâm dành cho người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi, tàn tật... nhưng số lượng người lang thang, kiếm sống nơi phố thị như Sài Gòn, Hà Nội vẫn còn rất nhiều. Giáo sư Văn Như Cương có lần nói: “Học không có tiền thì khó giỏi giống chữa bệnh không có tiền thì khó khỏi”. Mệnh đề này đúng với bài toán người lang thang cơ nhỡ trên các phố xá VN bây giờ. Nhà nước không thể gánh hết gánh nặng đó khi kinh tế chưa phát triển toàn diện. Nhưng nếu có bàn tay giúp sức của các cá nhân đại diện cho giới doanh nhân - những người được xã hội công nhận là giàu có hiện nay thì hoàn toàn có thể. Đó là biểu hiện lành mạnh của dấu hiệu văn minh, phát triển. Cần biết thêm là ở Mỹ, các khách sạn cao cấp có những yêu cầu nghiêm ngặt về thức ăn, khi nhập thức ăn tươi sống về trong khoảng thời gian bảo quản, chế biến theo quy định, ngoài thời gian đó, thức ăn sẽ được chuyển đến các trạm cứu tế. Ở đây, có những người sẵn sàng dành thời gian để chế biến thức ăn và phát không cho bất kỳ ai có nhu cầu ăn miễn phí. Đó là bữa ăn cho những người lang thang cơ nhỡ...

Người giàu VN làm gì nhỉ, sau số tài sản khổng lồ mà báo chí công bố? Họ làm gì sau vụ ly dị được coi là tốn kém nhất trong lịch sử VN với số tiền người vợ được chia lên đến cả nghìn tỉ đồng? Mà đó chỉ là những trường hợp điển hình. Nhưng có một nhà tỉ phú người Ấn đã nhận xét: “Ở các nước nghèo lâu năm, khi người dân giàu lên, những người giàu thường ít nhận ra là mình đã giàu”. Có phải vì thế nên người giàu ở Việt Nam chưa thể ngay lập tức thích nghi với sự giàu có của họ? Những hoạt động từ thiện tự phát của người giàu VN vẫn còn hiếm hoi lắm. Thế nên nếu có một quỹ từ thiện để cho người giàu chung tay với Nhà nước và với ngay cả những người may mắn không đến nỗi nghèo như tôi, để thêm nữa những căn nhà dành cho người lang thang cơ nhỡ, người tàn tật và trẻ mồ côi... Không dám mơ đến con số cả chục tỉ USD như quỹ của vợ chồng tỷ phơ Bill Gates nhưng với tiền đồng VN là điều hoàn toàn có thể. Một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống được chia sẻ với cộng đồng những gì trong khả năng chúng ta làm được. Những người giàu tiền bạc sẽ càng giàu hơn, được kính trọng hơn trong xã hội khi biết rằng, sau số tài sản khổng lồ ấy là những trái tim giàu lòng nhân ái, biết đau với nỗi đau của đồng loại, biết trắc ẩn và sẻ chia,...

Quỹ Bill & Melinda Gates là một tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, được sáng lập bởi Bill Gates, Chủ tịch - người sáng lập Tập đoàn Microsoft, cùng vợ là bà Melinda Gates, với mục đích nâng cao chăm sóc y tế, giảm nghèo đói trên toàn cầu, giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến tại Hoa Kỳ. Cho đến tháng 10.2006, Bill Gates đã gửi vào quỹ khoảng 31,9 tỷ đôla Mỹ (wikipedia).

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2007

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2007

Chúng ta thông minh… nhưng thông minh hơn ai?




Người Việt Nam lúc nào cũng tự hào rằng mình là những người thông minh. Trong chương trình Global Office của CNN gần đây nói về Việt Nam, một người Việt Nam đã phát biểu: “Người Việt Nam chúng tôi rất thông minh”. À vâng, chúng ta thông minh nhưng chúng ta chỉ biết chúng ta thông minh với chúng ta mà thôi. Chúng ta quên so sánh chúng ta thông minh hơn ai. Chúng ta chỉ tự biết chúng ta thông minh với nhau mà không thèm để ý xem cái thông minh của chúng ta đứng ở thứ bao nhiêu trong bảng xếp hạng các dân tộc trên thế giới. Chúng ta thông minh mà, việc quái gì phải để ý đến cái bảng xếp hạng đó, nhỉ?

Cũng có lúc chúng ta tự cho mình thông minh hơn dân tộc khác. Có khá hơn là chúng ta đã biết so sánh. Những người tôi quen biết thường chê: “Bọn Thái Lan ngu lắm. Dân Việt Nam mình thông minh hơn nhiều”. À, ra thế, người Thái đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế. Họ có tàu điện chạy vù vù trong thành phố. Họ xây nhiều cầu vượt và xây nhanh chứ không phải kéo dài hàng mấy năm trời như ở ta. Đường xá ở đất nước họ cũng ít bị hư hỏng hay đào xới liên miên như ở ta. Họ quảng bá du lịch cũng thật bài bản và tài tình. Họ làm được điều đó có lẽ vì họ ngu hơn chúng ta. Dân Thái đi đường cũng ngay hàng thẳng lối hơn dân ta. Ôi, ước gì dân ta cũng bớt thông minh đi một chút để làm được như họ nhỉ? Nếu chúng ta cứ thông minh dài dài thì không biết bao giờ nước ta mới vượt Thái Lan được nhỉ?

Vậy chúng ta thông minh ở điểm nào?

Lắm lúc đang đi xe máy ngoài đường, tôi bị một người khác vượt sai luật làm cả hai suýt đổ chổng kềnh. Tất nhiên tôi đúng, người kia sai. Thế mà hắn ta quay ra chửi tôi ngay: “Đ** mẹ, đi kiểu đ** gì đấy. Muốn chết à?” Người đó vẫn nghĩ mình chạy đúng. Hẳn lúc đó hắn nghĩ hắn thông minh, còn tôi kém thông minh nên mới suýt làm cả hắn lẫn tôi ngã.

Chuyển sang chuyện ăn uống. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bị báo chí kêu trời mấy năm nay với biết bao vụ như dùng xương thối nấu xì dầu, dùng cá ươn và thịt mỡ đã mốc xanh để làm chả cá, cho formol vào bánh phở, cho pin vào nồi bánh chưng để bánh thêm xanh, v.v… Ừ thì cứ cho các thứ ấy vào đồ ăn. Người mua có biết đâu mà. Mà nhỡ ăn rồi thì cũng có chết ngay được đâu. Chúng ta thông minh thật. Chúng ta thông minh chỉ để lừa dối nhau và hãm hại nhau như vậy sao?

Hay chuyện cô giáo trù dập học sinh chỉ vì học sinh dám phản bác lại cái thiếu sót của mình chẳng hạn. Chỉ vì cô giáo cho mình thông minh nên học trò, người mà cô đang truyền kiến thức cho nghiễm nhiên phải kém thông minh hơn. Vì thế cứ liệu thần hồn mà ngồi nghe giảng, cấm có cãi. À vâng, đứa học sinh nào thông minh thì tốt nhất là ngồi im nếu như không muốn chuốc họa vào thân. Tự ta biết ta thông minh thế là đủ rồi. Dại gì nói ra. Thông minh chưa?

Nào, hãy đổ lỗi cho giáo dục nào! Chúng ta đã quen sống với kiểu đọc chép. Thầy nói gì trò nghe nấy. Không được cãi. Một tính cách thụ động và thiếu tự tin đã làm đa số học trò trở nên ù lì, kém năng động, đôi khi là lười nhác. Họ tiếp thu các bài giảng trên lớp một cách nhiệt tình và được điểm cao. Cứ làm theo những gì thầy cô yêu cầu, không cãi lại là sẽ được học sinh giỏi ngay thôi mà. Và họ chỉ biết có một công thức duy nhất thôi. Đến khi bị tống vào thực tế, họ đâm ra lúng túng, chẳng biết phải làm thế nào cả. Đôi khi là thất bại. Tuy nhiên, cái mác học sinh giỏi mà họ vừa được thầy cô trao tặng ngay lập tức làm họ loá mắt và vẫn nghĩ rằng mình thông minh lắm.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều người bạn học phổ thông và đại học của tôi từng học giỏi nhất nhì trường, từng vênh mặt hay được bạn bè ngưỡng mộ thì sau khi ra trường lại lâm vào hoàn cảnh bi đát. Người thì không kiếm được việc làm với mức lương đủ sống. Người thì thất bại thảm hại trong công việc.

Đó là chuyện trong nước. Còn chuyện du học sinh nước ngoài về nước mới sợ. Một số người tự cho mình đã tiếp thu được văn minh xứ người nên nghĩ rằng mình thông minh hơn người khác. Họ huênh hoang tự cho mình là đúng và sẵn sàng chửi bất cứ ai là ngu nếu bất cứ ai bất đồng quan điểm với họ. Lắm lúc tôi gặp những người có những hành động kém văn minh đến nỗi tôi giật mình nhìn lại xem có phải họ đã tiếp thu được những cái văn minh từ những nước phát triển không. Tôi đã gặp những cựu du học sinh vứt rác bừa bãi nơi công cộng, trong siêu thị hay ngồi gác chân lên ghế trước khi đi taxi, chen lấn, không thèm xếp hàng ở những nơi cần xếp hàng, v.v… Đó là những người cũng có học hành đàng hoàng. Còn những người đi du học mà không học hành nên hồn thì thua rồi.

Tôi tự cho mình là loại học cũng khá, cũng là du học sinh, cũng học trường Tây mà đôi khi phát ngượng khi bị một thằng nhóc kém mình vài tuổi lên mặt dạy đời. Chịu thôi. Có cái mình kém nó thật. Thôi nhận cho nó tiến bộ.

Tại sao lại như vậy? Phải chăng nền giáo dục nước nhà đã và đang đẩy chúng ta vào trong giấc ngủ êm ái nhưng đầy giả tạo để chúng ta luôn nghĩ rằng mình thông minh? Trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ được sản xuất những năm 80, tôi nhớ nhất đoạn: “Trong một lớp học ở Nhật Bản, học sinh được dạy rằng: Nước ta là một nước bại trận, nghèo tài nguyên… Còn ở Việt Nam, học sinh được dạy: Chúng ta sinh ra may mắn vì có rừng vàng, biển bạc, được thiên nhiên ưu đãi…” Hoá ra nước Nhật phát triển như ngày nay từ một nước bại trận vì họ ý thức được họ sinh ra không may mắn và họ phải nỗ lực hết sức. Còn dân ta sinh ra đã được thiên nhiên ưu đãi rồi, việc quái gì phải cố gắng nữa. Cứ thế mà sống với rừng vàng biển bạc. Có phải chúng ta đã bị chìm trong giấc mộng?

Frankie Da Cool

P.S: Tôi thấy mình thật ngu khi bỏ công sức ra viết cái bài viết dài dòng này. Cách thông minh hơn có lẽ là kệ mẹ nó, cứ để cái vấn đề đó ở chỗ mà nó đang đứng. Ta biết ta thông minh là được rồi. Không cần quan tâm đến người khác. Có nói hoài nói mãi thì vấn đề chỉ ì ạch ở đó, chả tiến thêm được tí nào đâu mà. Có nhiều chuyện bức xúc nữa, những chuyện mà tôi muốn chửi “Đ** mẹ” cơ, nhưng thôi có lẽ mình nên thông minh một chút. Suy cho cùng, tự cho rằng minh thông minh hay không thông minh chẳng quan trọng. Quan trọng là biết mình thông minh đến mức nào và phải làm gì cho phù hợp. Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Chỉ có biết là sống. Như một bài học truyền thông mà tôi được học khi quảng bá một sản phẩm: “Phải biết mình là ai? Biết mình có gì, không có gì. Mình có ưu điểm gì, nhược điểm gì. Từ đó biến các ưu điểm thành cơ hội và nhận thức các nhược điểm để đề phòng các nguy cơ”.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

Cô giáo có như mẹ hiền?




Hình minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết (Maggie và một em bé ở công viên Lê-nin. Ảnh: Frankie)


By
Frankie Da Cool

Cô bạn thân của tôi sẽ làm mẹ trong vòng 7 tháng nữa. Cô rất lo lắng cho tương lai đứa con của mình sau khi đọc trên báo một số vụ học trò bị “hỏi cung” hay bị “khám người” khiến các em này hoảng loạn tinh thần hay tự tử. Tôi trấn an bạn tôi rằng chuyện đó hiếm xảy ra và không nên lo lắng quá. Giáo viên bây giờ vẫn có nhiều người giỏi và tốt đấy thôi. Cô bạn tôi bắt đầu phản ứng gay gắt về ý kiến này của tôi và một cuộc tranh luận nổ ra.

“À, theo tớ thì nếu một cô giáo tốt sẽ không “bịt miệng” học sinh như cô giáo của con em tớ”, bạn tôi bắt đầu kể, “Con em tớ học trường chuyên, một lần “trót dại” tranh luận với cô giáo về một vấn đề. Nó cũng đưa ra nhiều lý lẽ, cũng chẳng phải là sai. Thế là cô giáo đi nói xấu sau lưng nó và bảo các vị phụ huynh khác không cho con mình chơi với em tớ”. Tôi im lặng và hơi bất ngờ vì xưa nay tôi đã quen với kiểu cô giáo nói gì mình nghe nấy. Không cãi một câu. Em gái của bạn tôi sau khi được các bạn mách lại chuyện cô giáo đi nói xấu mình đã nói thẳng trước lớp: “Cô vi phạm quyền trẻ em rồi đấy”. Cô bạn tôi nói tiếp: “Thầy cô giáo từng đấy tuổi đầu rồi mà còn tìm cách hãm hại một đứa trẻ con”.

Ở một lớp học khác, cô giáo viết lên bảng: “Bác sĩ, gái làm tiền, giáo viên, con nghiện” và hỏi cả lớp trong những người này, ai là người xấu. Cả lớp vẫn chưa hiểu lắm câu hỏi của cô giáo thì cô nói tiếp: “Ví dụ, con nghiện là người xấu chẳng hạn”. Một học sinh bật dậy phản bác: “Em thưa cô, em không nghĩ thế. Nghiện là xấu nhưng người nghiện chưa chắc đã là người xấu”. Cô giáo bực quá quát lên: “Cô học thật hay học đùa?” rồi ghi tên “đứa học sinh hư” kia vào sổ đầu bài.

Tôi giật mình nhớ lại, lúc còn đi học tôi cũng có vô số thắc mắc về những điều cô giáo dạy mình nhưng chả dám hỏi hay phản bác vì cứ lo sợ chưa chắc điều mình nói ra đã đúng. Thôi thì cách tốt nhất là im miệng để không bị cô giáo mắng và bị bạn bè cười. Tôi tự hỏi mình có hèn quá không nhỉ?

Cô bạn tôi hậm hực kể tiếp rằng em gái cô về nhà nói với gia đình: “Cô giáo em ngu cực chị ạ”. Bạn tôi nói mà mồ hôi vã cả ra: “Đấy cậu xem, em mình đi học một người mà nó cho là ngu. Thế có nhục không cơ chứ! Thấy người ta ngu mà vẫn phải gọi là thầy”.

Tôi được học trong một trường đại học của Mỹ 2 năm trời. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi và các sinh viên đến từ các nước châu Á được thầy giáo giảng cho bài học đầu tiên về cách học trong một trường đại học của Mỹ. Thầy nói: “Tôi biết ở châu Á, thường thì giáo viên nói gì học sinh nghe nấy. Nhưng ở đây các bạn có thể phản bác lại ý kiến của giáo viên nếu các bạn có lý luận xác đáng. Sẽ không ai trù dập hay trừ điểm của các bạn cả”. Tôi thử áp dụng cách làm đó và quả thật rất thú vị. Có đôi lúc ý kiến của tôi đưa ra là sai, tôi được giáo viên giải thích cặn kẽ và từ đó tôi hiểu bài học sâu hơn. Cũng có lần giáo viên thiếu kiến thức về vấn đề đang giảng, thậm chí là sai. Tôi phản bác và đưa ra những kiến thức mà mình biết được về vấn đề đó. Cả hai thầy trò cùng thảo luận rất sôi nổi trong suốt buổi học và còn hẹn nhau ăn tối để thảo luận thêm. Tôi ngạc nhiên khi thấy thầy ghi chép những điều tôi nói lúc đó vào sổ tay. Không biết bao nhiêu kiến thức được trao đổi qua lại giữa hai thầy trò. Ai cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Còn tôi thì cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Tôi nhận ra sự tự tin của bản thân có được là do tôi đã học được cách nhìn nhận thẳng thắn những cái đúng và sai của mình. Tôi không lấp liếm cái sai của mình và đề cao cái đúng. Có ai trên đời này là hoàn hảo đâu.

Đã có lần cô bạn tôi hỏi chồng mình, nếu sau này con anh hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” thì anh sẽ làm gì. Anh chồng trả lời: “Anh sẽ để yên cho con hát vì đó là quyền của con. Tuy nhiên, khi con hát xong anh sẽ giải thích cho con rằng: mẹ là mẹ, cô giáo là cô giáo. Đó là hai người hoàn toàn khác nhau”. Cô bạn tôi bức xúc nói tiếp: “Cô giáo dù có thương con mình đến đâu thì cũng không bao giờ bằng tình cảm của mẹ nó. Nếu hát như vậy là xúc phạm người mẹ. Cô giáo không có quyền cướp đi thiên chức đó của người mẹ”.

Tôi hiểu cô bạn tôi đang gặp phải một loạt chuyện bức xúc trong ngành giáo dục cộng với sự lo lắng cho tương lai đứa con của mình nhưng cô ấy nói chẳng sai. Học sinh sẽ có đôi lúc “bật” lại thầy cô giáo về một vấn đề gì đó. Thay vì quát các em hay ghi tên các em vào sổ đầu bài, tại sao các thầy cô không dừng lại một phút để nhìn lại mình hay đơn giản hơn là nhẹ nhàng giải thích cho các em tại sao lại như thế này mà không như thế kia. Hay chính các thầy cô giáo cũng không tự tin vào chính mình và không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật?

Tôi chợt buồn cười nhớ lại thưở bé khi tôi hay đứa trẻ con nào bị ngã, mẹ hay bà thường chạy lại dỗ dành và đánh vào cái sàn nhà: “Hư này, hư này”. Cái sàn nhà có tội gì nhỉ? Hay đó chỉ là cách của người lớn nhằm đẩy tội cho cái sàn và để rồi lần sau tôi cứ ngã và vẫn nghĩ đó là lỗi của cái sàn. Hóa ra tôi luôn luôn đúng khi bị ngã à?

F.D.K

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2007

Vinglish




Ảnh tớ chụp Phan Ý Ly hồi Tết

Vinglish hay Vietlish, tức là tiếng Anh bồi theo kiểu Việt Nam nguy hại và tai hại cho đất nước thế nào? Mời các bạn đọc bài viết sau đây được tớ "ăn cướp trên dàn mướp" từ blog của Phan Ý Ly.

Link: http://blog.360.yahoo.com/blog-hH30a4Ehc6dR4q7y2vcR?p=580

__________________________________________________________

Vietlish thì sao? Bản thân tôi cũng dùng những từ như smashed potato (khoai tây nện), và rất cổ vũ những cái "sai đáng yêu" rất bản xứ. Tuy nhiên, nếu bài Chinglish chỉ ra những cái sai của mấy bà bán hàng ăn hay những người dân thường, ở bài này tôi xin chỉ ra những cái sai cấp cao và thực sự gây trở ngại trong quá trình thương thuyết và hội nhập của Việt Nam, nếu có ai làm trong cơ quan chính phủ hoặc phi chính phủ, từ trước tới nay ngỡ ngàng vì những gì thiếu thiện cảm từ đối tác nước ngoài, xin lưu ý bài này:

1. Tuyên truyền - Propaganda:

Tuyên truyền hay được văn bản nhà nước dịch là propaganda, từ này trong tiếng Anh mang nghĩa là tuyên truyền nhưng ở khía cạnh rất tiêu cực. Khi nói đến từ "propoganda", người ta nghĩ tới phát xít Đức và những lời tuyên truyền xuyên tạc dùng để mị dân. Ví dụ tôi làm một việc gì đó không tốt và muốn tẩy não mọi người thì tôi sẽ dùng propaganda để mọi người hiểu khác đi. Chả thế mà khi họp đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài liên tục cãi nhau về luận điểm "propaganda". Đây là một cái lỗi mà 99% người Việt Nam đều gặp phải, chỉ khi thật sự kiên nhẫn và chịu khó lắng nghe sự giải thích về nghĩa thật từ người bản xứ, hoặc người ấy đọc rất nhiều tài liệu do người bản xứ viết có liên quan tới từ "propaganda" thì mới hiểu được, từ trước tới nay Việt nam mình "tự tay bóp.." như thế nào!!! Đây là một từ mà theo tôi, gây phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và các nước NHIỀU NHẤT!!! Và nếu bạn đang làm việc ở cương vị nào đó liên quan tới việc sử dụng propaganda, xin hãy tin tôi, mẩu tin bạn đọc ngày hôm nay sẽ cứu cả cơ quan bạn (hay cả Việt Nam ta!). Nên thay "propganda" bằng từ "dissemination of information" (phân phát thông tin).


2. Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội- Ministry of Labour, War Invalids and Social Affairs (viết tắt là MOLISA)

Chắc hẳn nhiều người thành thục tiếng Anh khi đọc đến "War Invalids" mà cảm thấy lạnh người cho cái sự thiếu hiểu biết và vô cảm của Bộ "Molisa" này. Cụm từ này không hiểu được người thông dịch viên nào dịch, và từ những năm nảo năm nào khi Bộ mới ra đời và tại sao đến nay vẫn ko được thay đổi?

Invalids, tiếng Anh có nghĩa đen xì là: VÔ TÍCH SỰ, cũng để chỉ những người khuyết tật. Tuy nhiên, đây là cụm từ thô thiển và vô văn hoá. Giống như gọi người hành nghề mại dâm là đĩ, gọi người dân tộc là mọi ý mà. Ai lại "Ban văn hoá mọi" đúng không ạ?
Thay vì War Invalids (những kẻ vô tích sự sót lại từ cuộc chiến), nên thay thế bằng từ "injured veterans" (cựu chiến binh bị thương, hay thương binh theo đúng nghĩa việt).
Xin nói thêm là thậm chí tiếng Việt bây giờ chúng ta còn khuyến khích không dùng từ tàn tật hay tàn phế mà dùng từ "khuyết tật" cho khách quan.

3. Đồng giám đốc - Co-director

Cái này thì hơi chệch chủ đề một tí (dịch từ Anh sang Việt). Co- director lẽ ra phải được dịch là giám đốc đồng nhiệm, nhưng anh chồng Tây tội nghiệp của tôi phải mang cái danh thiếp in cái chức danh nghe chan chát là "Đồng giám đốc" suốt bao nhiêu năm trời. Khi mới in thiếp, được sự "mách bảo" của vợ anh đã góp ý với ban quản trị đổi thành cụm chức danh có nghĩa là "giám đốc đồng nhiệm" nhưng biết sao được, "cơ chế" ló như thế. Chịu khó nhé Đồng giám đốc!

4. Hội Người mù Việt Nam - Vietnam Blind Association

Thương lắm cơ. Dịch ra có nghĩa là Một hiệp hội bị mù của Việt Nam (chứ không phải là Hội của những người mù ở Việt nam).

Người nước ngoài đọc thì cũng hiểu là hiệp hội này thuộc về những người khiếm thị chứ không phải là Hiệp hội nhắm mắt làm ngơ Việt Nam. Tuy nhiên, một Hội có uy tín như thế mà để một cái tên như vậy là vô cùng..lơ đễnh. Một cách giản dị nhất, nên sửa là Vietnam Association of the Blinds.
Theo tôi hiểu thì những người tham gia hội này không nhất thiết phải mù cả hai mắt mà có thể mắt rất kém "gần mù". Như vậy để nghe đàng hoàng và khách quan hơn, nên sửa lại là "Vietnam Association of the Visually impared" (Hội Người khiếm thị Việt Nam). "Visually impared" có nghĩa là có khiếm khuyết về thị lực, nghĩa là có thể mù hoặc gần mù.

5. "Nhạy cảm" Sensitive lại bị nhầm lẫn thành "hợp lý hợp tình" (Sensible)

Đây là một lỗi mà người Việt dịch hoặc viết văn bản thi thoảng gặp phải, nó đổi ngược 100% ý của câu nói.

Ví dụ: Discussing about the Iraq war is a very SENSITIVE thing during Bush's visit
có nghĩa là: Việc bàn luận về chiến tranh Iraq là một điều rất nhạy cảm trong chuyến thăm của Bush thì bị ghi nhầm lẫn thành:

Discussing about the Iraq war is a very SENSIBLE thing during Bush's visit
Việc bàn luận về chiến tranh Iraq là một điều rất hợp lẽ trong chuyến thăm của Bush.

6. Tệ nạn xã hội - Social Evils

Haha, trong đời nói tiếng Anh của tôi, sau từ Propaganda thì từ Social Evils phải nói là nhận được nhiều cái nhìn ghê tởm nhất của những người nói tiếng Anh. Thế nhưng cả nước dùng từ này! Quả thật là cụm từ Social Evils cho người dân trên thế giới thấy người Việt Nam chúng ta có kiểu định nghĩa Trắng - Đen và suy nghĩ thiển cận như thế nào, chả khác gì con nít lên 2.

Evil ám chỉ cái gì đó xấu xa ghê tởm, sánh ngang với quỷ dữ. Việc cụm từ này được .. nhà nước sử dụng (thậm chí làm khẩu hiệu tuyên truyền) quả thật tạo một hình ảnh Việt Nam thiển cận, suy nghĩ nông cạn trong mắt bạn bè quốc tế.

Tệ nạn xã hội thường ám chỉ ma tuý, mại dâm, và một thời nó bao gồm cả HIV/AIDS. (Bây giờ người được học hành hiểu rằng HIV/AIDS là một căn bệnh chứ không phải là một tệ nạn, căn bệnh này có thể bị lây không do một tệ nạn nào cả). Vậy đấy, trong các văn bản, nghị quyết, chương trình hành động quốc gia được dịch sang tiếng Anh, người ta vẫn thấy những câu nói rất người lớn như " Chúng ta phải cương quyết tiêu diệt những "Quỷ dữ xã hội" như những người nhiễm HIV/AIDS.."
Thế có đau lòng không?

Thay vì dùng từ Social Evils một cách đầy cảm tính, nên dùng từ "Social problems" (các vấn đề xã hội).

7. Dân chủ - Democracy

Khi nói đến từ "Democracy", người nói tiếng Anh hiểu nghĩa đó là chỉ việc người dân tự ra quyết định. Lãnh đạo là do dân trực tiếp bầu và bất cứ công dân nào cũng có thể tự ra ứng cử. Túm lại, nhắc đến từ "Democracy", người ta nghĩ tới việc bầu cử do dân quyết.

Thế nhưng ở Việt Nam, từ Dân chủ không có nghĩa như vậy mà rất lắt léo và "rộng"! Cùng là 1 từ nhưng khi nhắc đến, người Việt Nam hiểu khác người nước ngoài. Vậy nên chăng là thay bằng từ khác?

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2007

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2007

สวัสดีปีใหม่




Tớ cùng các em thiếu nhi Thái Lan hehehe

สวัสดีปีใหม่

(Chúc mừng năm mới)

Hôm này là ngày đầu tiên của Tết Songkran, Tết cổ truyền của người Thái. Bà con chả ai sợ bom cả, cứ thế ra đường tạt nước và bôi bột lên người nhau. Vui cực.

Tớ phải đi chụp ảnh cho báo tớ, vừa đi vừa sợ nó tạt nước trúng cái máy ảnh thì bỏ mịe. Canh cho máy không bị ướt thì người lại bị ướt. Tớ còn bị các em xì tin bôi bột lên mặt, lên quần áo và lên ba lô. Các em ấy cứ chạy lại bảo: "Ôi đẹp trai quá, đáng yêu quá, cho sờ tí nào..." và tiện tay bôi bột lên khắp mặt tớ huhuhu. Quần áo thì ướt nhẹp huhu... Nhưng mà vui. Giá như mà không phải đi chụp ảnh chắc mình nhảy vào chiến luôn với các bạn hehehe. Tớ chụp được một số ảnh này:








Còn nhiều ảnh nữa nhưng có người mua mất rồi, không đưa lên được hihihi. Các bạn thông cảm! Mai tớ sẽ post phim lên cho các bạn xem nhé!


Thứ Năm, 12 tháng 4, 2007

Thứ 6 ngày 13: Câu chuyện về những con số






Bạn có mê tín không? Bạn có tin các con số sẽ đem lại cho bạn vận may hay điểm gở không? Nhân thứ 6 ngày 13, Frankie xin giới thiệu chương trình radio cách đây gần một năm nói về các con số.


Tên chương trình: Những con số
Biên tập: "Rosie" Nguyễn Hương Ly
MC: Frankie & Maggie

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2007

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên










Tớ vừa tìm được nhạc phim của bộ phim truyền hình nổi tiếng một thời "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên". Các bạn nghe ở bên trên nhé!



Bộ phim bao gồm 192 tập được quay từ năm 1974 đến năm 1984.

("Little House on the Prairie" (1974) - Image courtesy MPTV.net)



Photo of "Little House on the Prairie",



Photo of "Little House on the Prairie",  Photo of "Little House on the Prairie",



Photo of "Little House on the Prairie",
Photo of "Little House on the Prairie",
Photo of "Little House on the Prairie",


Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2007

Bangkok mưa...




Bangkok một ngày mưa... trông ảm đạm nhỉ.

Tôi thề đây là cái blog sến nhất trong cuộc đời tôi... hức hức...


Hôm nay thời tiết Bangkok ảm đạm lạ thường. Sương mù dường như bao phủ cả thành phố. Trời như sắp mưa đến nơi. Thời tiết này sẽ làm nhiều người cảm thấy buồn bã. Tôi thì thấy nó lãng mạn vô cùng. Tôi thích tiết trời thế này. Trông nó thanh tịnh và mát mẻ. Nó làm tôi nhớ lại tiết trời âm u của mùa đông Hà Nội. Lúc đó tôi cùng bạn bè ngồi ở các quán vỉa hè uống cafe hay nhâm nhi chén trà nóng. Bangkok không có quán vỉa hè như ở Hà Nội. Chỉ có Starbuck với bàn ghế sang trọng, ngồi trong phòng kính có điều hòa. Nó không được ngồi thoải mái, cũng chả cười đùa thả phanh được. Bangkok trông nhộn nhịp thế mà lại thiếu những thú vui tao nhã nhỉ?

Đến cuối giờ chiều trời đổ mưa. Cơn mưa đầu tiên trong vòng mấy tháng nóng vỡ đầu vừa qua. Chỉ cần một cơn mưa cũng làm tiết trời bớt oi bức hẳn. Lần đầu tiên trong mấy tháng qua mình đi ra đường về mà không mướt mồ hôi. Ngồi trên "soỏng thẻo" cảm nhận những luồng gió mát đầu tiên luồn qua cơ thể. Lại nhớ Hà Nội rồi...

Hôm nay đi siêu thị một mình để mua đồ ăn. Mình tưởng chỉ có mỗi mình là đàn ông mà xách giỏ đi chợ một mình. Nhìn lại thấy các anh, các chú, các bác ở mọi lứa tuổi cũng đi siêu thị mua đồ một mình. Chứ còn mà đi mua đồ với các chị em thì phát bực vì cái tật cầm đồ lên, ngắm tí, rồi lại bỏ xuống. Cứ thế vài lần là mất cả tiếng rồi. Chẳng như đàn ông cứ nhặt lên là cho vào giỏ, ra tính tiền. Nhanh, gọn, nhẹ!

Thôi, không sến nữa... giới thiệu với các bạn blog của Phan Ý Ly, bạn thân tớ từ hồi mới đẻ... Bài này nói về Mac.

Lấy từ địa chỉ: http://blog.360.yahoo.com/blog-hH30a4Ehc6dR4q7y2vcR?p=503

Sao không tiện thể nâng luôn PC của bạn thành Apple, giá rẻ và hiệu quả hơn tưởng tượng?

Ai cũng biết pc bắt chước Apple, từ font chữ cho đến bây giờ gọi là Vista. Để chạy được vista, các bạn phải dùng một hệ điều hành mới hoàn toàn. Sao không làm như cậu bạn Travip của tôi là đổi luôn sang Apple, rẻ, bền, công năng và thẩm mỹ thời thượng, không có lấy một con virut, và luôn đồng hành bên những ai có tâm hồn nghệ sỹ cần một chiếc máy nói ít, hiểu nhiều, cắm vào là chạy chứ không hỏi hàng chục câu và ngơ hết cả ra như PC. Đi xóm liều Châu Phi chỉ với một chiếc Power Book 12 inch, ram mỏng dính nhưng chưa bao giờ nó phản tôi. 3 năm sử dụng, tôi chưa thấy nó freeze và bắt tôi "gõ any key to continue" bao giờ. Kể cả khi tôi đang biên tập một bộ phim 30 phút trong khi ổ cứng chỉ còn 100mb, Apple của tôi vẫn kiên cường chiến đấu và nhẹ nhàng thông báo rằng ổ cứng chỉ còn chừng đó, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục thì .. em sẽ cố. Chứ không như hai cô bạn khốn khổ của tôi, biên tập 30 phút phim ở trung tâm media của trường, (PC, đương nhiên), và tự nhiên nó tắt phụp. Sau đó mất hết toàn bộ dữ liệu, chỉ vì PC ứ thích một lệnh nào đó mà hai nàng vừa ra. Vậy là hai nàng đã không thể trình bày bài tốt nghiệp khi tôi thì đang thao thao bất tuyệt với những thước phim và kỹ xảo của Apple.

Toàn bộ kỹ xảo trong vở Nhìn đều được dựng trên... imovie của Apple, một phần mềm đi kèm, dễ sử dụng, và cực kỳ amateur nhưng "ai cũng phải ngoái nhìn" khi xem sản phẩm nó có thể sản xuất.

Nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Bạn sẽ cảm thấy mình đang sống ở thời tương lai khi dùng Apple. Nói không ngoa khi PC là một anh béo mặc quần áo sơ vin đóng thùng, hơi một tí thì run, làm gì cũng ngây ngô, chậm chạp, tính tình chân chất. Còn Apple giống một cậu lãng tử, ăn mặc thoải mái, đầy chất phiêu, không giải thích nhiều, và sẵn sàng thông cảm. Nói xong thấy giống Bill vs Steve hehe...

Không tin, các bạn thử vào đây http://www.apple.com/getamac/