Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

Cô giáo có như mẹ hiền?




Hình minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết (Maggie và một em bé ở công viên Lê-nin. Ảnh: Frankie)


By
Frankie Da Cool

Cô bạn thân của tôi sẽ làm mẹ trong vòng 7 tháng nữa. Cô rất lo lắng cho tương lai đứa con của mình sau khi đọc trên báo một số vụ học trò bị “hỏi cung” hay bị “khám người” khiến các em này hoảng loạn tinh thần hay tự tử. Tôi trấn an bạn tôi rằng chuyện đó hiếm xảy ra và không nên lo lắng quá. Giáo viên bây giờ vẫn có nhiều người giỏi và tốt đấy thôi. Cô bạn tôi bắt đầu phản ứng gay gắt về ý kiến này của tôi và một cuộc tranh luận nổ ra.

“À, theo tớ thì nếu một cô giáo tốt sẽ không “bịt miệng” học sinh như cô giáo của con em tớ”, bạn tôi bắt đầu kể, “Con em tớ học trường chuyên, một lần “trót dại” tranh luận với cô giáo về một vấn đề. Nó cũng đưa ra nhiều lý lẽ, cũng chẳng phải là sai. Thế là cô giáo đi nói xấu sau lưng nó và bảo các vị phụ huynh khác không cho con mình chơi với em tớ”. Tôi im lặng và hơi bất ngờ vì xưa nay tôi đã quen với kiểu cô giáo nói gì mình nghe nấy. Không cãi một câu. Em gái của bạn tôi sau khi được các bạn mách lại chuyện cô giáo đi nói xấu mình đã nói thẳng trước lớp: “Cô vi phạm quyền trẻ em rồi đấy”. Cô bạn tôi nói tiếp: “Thầy cô giáo từng đấy tuổi đầu rồi mà còn tìm cách hãm hại một đứa trẻ con”.

Ở một lớp học khác, cô giáo viết lên bảng: “Bác sĩ, gái làm tiền, giáo viên, con nghiện” và hỏi cả lớp trong những người này, ai là người xấu. Cả lớp vẫn chưa hiểu lắm câu hỏi của cô giáo thì cô nói tiếp: “Ví dụ, con nghiện là người xấu chẳng hạn”. Một học sinh bật dậy phản bác: “Em thưa cô, em không nghĩ thế. Nghiện là xấu nhưng người nghiện chưa chắc đã là người xấu”. Cô giáo bực quá quát lên: “Cô học thật hay học đùa?” rồi ghi tên “đứa học sinh hư” kia vào sổ đầu bài.

Tôi giật mình nhớ lại, lúc còn đi học tôi cũng có vô số thắc mắc về những điều cô giáo dạy mình nhưng chả dám hỏi hay phản bác vì cứ lo sợ chưa chắc điều mình nói ra đã đúng. Thôi thì cách tốt nhất là im miệng để không bị cô giáo mắng và bị bạn bè cười. Tôi tự hỏi mình có hèn quá không nhỉ?

Cô bạn tôi hậm hực kể tiếp rằng em gái cô về nhà nói với gia đình: “Cô giáo em ngu cực chị ạ”. Bạn tôi nói mà mồ hôi vã cả ra: “Đấy cậu xem, em mình đi học một người mà nó cho là ngu. Thế có nhục không cơ chứ! Thấy người ta ngu mà vẫn phải gọi là thầy”.

Tôi được học trong một trường đại học của Mỹ 2 năm trời. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi và các sinh viên đến từ các nước châu Á được thầy giáo giảng cho bài học đầu tiên về cách học trong một trường đại học của Mỹ. Thầy nói: “Tôi biết ở châu Á, thường thì giáo viên nói gì học sinh nghe nấy. Nhưng ở đây các bạn có thể phản bác lại ý kiến của giáo viên nếu các bạn có lý luận xác đáng. Sẽ không ai trù dập hay trừ điểm của các bạn cả”. Tôi thử áp dụng cách làm đó và quả thật rất thú vị. Có đôi lúc ý kiến của tôi đưa ra là sai, tôi được giáo viên giải thích cặn kẽ và từ đó tôi hiểu bài học sâu hơn. Cũng có lần giáo viên thiếu kiến thức về vấn đề đang giảng, thậm chí là sai. Tôi phản bác và đưa ra những kiến thức mà mình biết được về vấn đề đó. Cả hai thầy trò cùng thảo luận rất sôi nổi trong suốt buổi học và còn hẹn nhau ăn tối để thảo luận thêm. Tôi ngạc nhiên khi thấy thầy ghi chép những điều tôi nói lúc đó vào sổ tay. Không biết bao nhiêu kiến thức được trao đổi qua lại giữa hai thầy trò. Ai cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Còn tôi thì cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Tôi nhận ra sự tự tin của bản thân có được là do tôi đã học được cách nhìn nhận thẳng thắn những cái đúng và sai của mình. Tôi không lấp liếm cái sai của mình và đề cao cái đúng. Có ai trên đời này là hoàn hảo đâu.

Đã có lần cô bạn tôi hỏi chồng mình, nếu sau này con anh hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” thì anh sẽ làm gì. Anh chồng trả lời: “Anh sẽ để yên cho con hát vì đó là quyền của con. Tuy nhiên, khi con hát xong anh sẽ giải thích cho con rằng: mẹ là mẹ, cô giáo là cô giáo. Đó là hai người hoàn toàn khác nhau”. Cô bạn tôi bức xúc nói tiếp: “Cô giáo dù có thương con mình đến đâu thì cũng không bao giờ bằng tình cảm của mẹ nó. Nếu hát như vậy là xúc phạm người mẹ. Cô giáo không có quyền cướp đi thiên chức đó của người mẹ”.

Tôi hiểu cô bạn tôi đang gặp phải một loạt chuyện bức xúc trong ngành giáo dục cộng với sự lo lắng cho tương lai đứa con của mình nhưng cô ấy nói chẳng sai. Học sinh sẽ có đôi lúc “bật” lại thầy cô giáo về một vấn đề gì đó. Thay vì quát các em hay ghi tên các em vào sổ đầu bài, tại sao các thầy cô không dừng lại một phút để nhìn lại mình hay đơn giản hơn là nhẹ nhàng giải thích cho các em tại sao lại như thế này mà không như thế kia. Hay chính các thầy cô giáo cũng không tự tin vào chính mình và không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật?

Tôi chợt buồn cười nhớ lại thưở bé khi tôi hay đứa trẻ con nào bị ngã, mẹ hay bà thường chạy lại dỗ dành và đánh vào cái sàn nhà: “Hư này, hư này”. Cái sàn nhà có tội gì nhỉ? Hay đó chỉ là cách của người lớn nhằm đẩy tội cho cái sàn và để rồi lần sau tôi cứ ngã và vẫn nghĩ đó là lỗi của cái sàn. Hóa ra tôi luôn luôn đúng khi bị ngã à?

F.D.K

6 nhận xét:

  1. Dạo này mở báo ra là thấy những vụ việc đau lòng do các thầy cô gây ra: nào là vụ bé Trâm điên loạn vì thầy vu cho ăn cắp hơn 40 ngàn, 1 cô bé tự tử vì cô giáo khám người, thầy giáo gạ nữ sinh "đổi tình lấy điểm", thầy giáo chém tình địch, cô giáo bắt học sinh liếm ghế...kể ra không hết. Một số người thầy đã không còn xứng đáng với câu "tôn sư trọng đạo" nữa. Thầy mà không có "đạo" thì làm sao trò biết "tôn sư"...Mà sao những vụ việc này càng ngày càng bị phanh phui nhiều hơn, anh Phương có suy nghĩ nào không?

    Trả lờiXóa
  2. Bài này hay quá, goood work Frankiieee! :)

    Trả lờiXóa
  3. “Em thưa cô, em không nghĩ thế. Nghiện là xấu nhưng người nghiện chưa chắc đã là người xấu”. Cô giáo bực quá quát lên: “Cô học thật hay học đùa?” rồi ghi tên “đứa học sinh hư” kia vào sổ đầu bài. --> Có lẽ cô giáo này chưa biết cách nhận xét hay cao hơn là đánh giá một con người. Hành vi một người có thể là xấu nhưng bản chất con người ấy thì gồm nhiều thứ hơn là hành vi, và nó hoàn toàn có thể tốt. Muốn chê bai hay khinh rẻ ai, chỉ có thể nhắm vào hành vi, còn nếu vì 1 mà suy ra 10 thì mình thành kẻ thiển cận và nông cạn.
    Em thích nhất học ở nước ngoài là cái cảnh thầy trò cùng ngồi lên bàn thảo luận. Cool và thân. Giống như đang thảo luận với bạn, trao đổi kiến thức chứ không là "truyền đạt" kiến thức. Em thấy, chính cái chữ "truyền đạt" nó làm con người ta bị động và ỷ lại vào thầy cô hơn. Học làm gì, tìm hiểu làm gì khi vào lớp có người mớm sẵn. Và thầy cô, khi họ nhận cái trách nhiệm "truyền đạt", họ có khi lạm dụng nó, vin vào nó mà cho mình cái quyền cao hơn mấy đứa học trò ranh. Từ đó sinh ra tâm lý "muối mặt" khi cô cậu học sinh nào đó to gan "đả" lại mình. Thầy cô chúng ta quên rằng, học trò đang "đả" lại đây là 1 lời nói, 1 phần kiến thức, 1 mảnh hiểu biết thiếu sót của họ mà thôi. Có ai nhắm vào nhân cách hay tư chất của họ đâu mà họ xù lông nhím.
    Còn chuyện con nít ngã. Em không ý kiến. Vì sau này, con em ngã, nó cứ thoải mái mà ăn vạ và chả ai dỗ hay được phép dỗ nó đâu. Nó không sai. Có sàn vô tri vô giác cũng chẳng sai. Quan trọng là nó phải biết tự đứng lên. Nâng niu con nít thì nên đấy. Nhưng nâng niu đúng lúc đúng chỗ đúng việc thôi. Còn những cái mà có thể ăn sâu vào nhận thức nó sau này, ảnh hưởng cách nhìn của nó sau này thì chúng ta cần cứng tay một chút.
    Ngoài lề: anh "dữ" thế này thì sau này em hình dung cháu em nó thế nào rồi :D

    Trả lờiXóa
  4. ^^ bài viết hay anh ơi^^

    Trả lờiXóa
  5. Theo tớ, chả phải chỉ thầy cô giáo , người Việt Nam nói chung đều có 2 tâm lý. Đó là ko dám nói ra ý kiến của mình và ko dám thừa nhận mình sai vì sợ bị cho là dốt. Đó cũng là do giáo dục mà nên.

    Trả lờiXóa
  6. Em nho' hoi nho? luc em te' cau thang, em khoc um su`m ma` me em ko do~. Da~ ko do~ thi thoi lai co`n bat du'ng khoanh tay, ni'n khoc'. Neu' co`n khoc' la` bi an do`n (^^), tai vi` em te' la` loi~ cua em chu' ko phai loi~ cua? ai het ma` o? do' an va ^^!

    Trả lờiXóa