Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2007

“Ngọng và Ngốc” gác… barrie




(VietNamNet) - Góp phần giảm thiểu tại nạn giao thông - trách nhiệm không chỉ riêng ai mà là của chung cộng đồng, ngay cả những người vốn được coi là trí tuệ kém phát triển cũng biết mình cần phải làm gì! Bài viết của Hiếu Cường về Ngọng và Ngốc, hai người "gác tàu" tuy trí tuệ "tối" nhưng tâm thật sáng...

Người

Người đi đường vui vẻ chấp hành "mệnh lệnh"của Ngọng và Ngốc


Vài phút trước khi có đoàn tàu chạy qua, họ chia nhau hai đầu ngã ba, một người nhanh nhảu đưa còi lên thổi tuýt tuýt, tay trái giơ ngang vai ra hiệu tất cả dừng lại. Ở phía bên kia, anh chàng còn lại giang rộng hai tay chắn trọn lối sang. Trong phút chốc, con tàu vun vút lao qua giữa tiếng ầm ầm như đá đổ…Trông hành động với vẻ dứt khoát như thế, những ai lần đầu trông thấy đều bị “đánh lừa” họ là nhân viên ngành đường sắt. Ít ai có thể ngờ rằng, họ còn chẳng thể nói rõ tiếng…người!

“Nhân viên gác tàu…tự phong”!

Thực ra, đó chỉ là hai người thiểu năng, tình nguyện làm người chắn tàu tại ngã ba Hồng Phú (phường Trần Hưng Đạo, thị xã Phủ Lí). Hai con người ấy chẳng thể biết mình là ai; mình bao nhiêu tuổi, từ đâu đến; đến đây từ khi nào và tại sao lại gắn bó với “trạm barie” này? Vì thế, người dân ngã ba này quen gọi hai “nhân viên” gác tàu này là Ngọng và Ngốc.

Ngọng khoảng chừng 40 tuổi, thấp, đen, nhưng có vẻ già và khôn hơn…Ngốc. Người dân cho biết, một chiều cách đây hơn hai năm, có hai người đàn ông xuất hiện trong bộ dạng rách rưới, miệng ú ớ không rõ tiếng người. Thấy họ dật dờ như con ma đói, suốt ngày vạ vật khắp ngõ chợ nhặt nhạnh đủ thứ rác rưởi kiếm ăn;nhưng tuyệt nhiên không trộm cắp cuả ai bao giờ. Thi thoảng, họ khuân vác hàng, giúp dân đẩy xe mà không hề mở miệng đòi một đồng công sá. Dần già, hai kẻ ăn mày ấy được dân thương tình cưu mang.

“Ít lâu sau, cũng chẳng ai xui khiến, người dân thấy họ tự nguyện đứng chắn đường mỗi khi có tàu chạy qua”- Bà Hoàng thị Ngân, một người bán mía tại ngã ba này đã năm năm, nhớ lại: “Lần đầu tiên, thấy hai người họ áp tai xuống đường ray, rồi ú ớ chặn xe những người qua đường, ai nấy đều lấy làm lạ! Nhiều người còn khó chịu vì cứ nghĩ đó là trò đùa của mấy người điên điên dại dại. Trẻ con thi nhau chọc ghẹo, ném đá. Đến khi thấy đoàn tàu vun vút lao tới từ chỗ khuất, mọi người mới vỡ lẽ…”

“Ngã ba thằng Ngọng”

Bà Ngân kể tiếp: “Hồi trước, chưa có hai ông ấy, những người bán hàng quanh đây như chúng tôi “kiêm” luôn “barie”, cũng nhiều lần nhắc nhở người qua đường. Có điều, đôi lúc mãi bán hàng, rồi không để ý kịp, nên có những cái chết đau lòng lắm chú ạ. Song từ khi hai ông ấy làm, mấy ổng làm quyết tâm lắm”!- Rồi bà Ngân như sực nhớ: “Cách đây chưa lâu, có cậu Hùng xóm trong, vừa chạy xe máy vừa nghe nhạc, đúng lúc tàu đến, ông Ngọng tuýt còi nhưng không nghe, cứ chạy tới. Thế là ông ấy phải lao ra gồng mình lôi xe lại mới thoát chết. Giờ, thi thoảng cậu ấy chạy xe qua, ghé vào cho ông ấy ít quà bánh”.

Ngọng

Ngọng đang làm nhiệm vụ


Khác với Ngọng kéo xe từ phía sau, Ngốc, trong một lần “cương quyết” chặn xe máy từ phía trước của một người qua đường với lí do “có việc gấp” mà bị xe máy húc gãy chân, phải vô viện bó bột. May thay, nhờ chiến công đó nên Tết vừa rồi, lần đầu tiên hai người đã được đón lãnh đạo phường đến thăm, tặng quà.

Theo những người dân gần đó, những ngày đầu, Ngọng và bạn Ngọng áp tai xuống đường ray để biết có tàu sắp đến, nhưng giờ đây, họ nắm giờ tàu vào ra một cách chính xác đến “kì lạ” không cần áp tai xuống đường ray nữa, cứ như một thứ “phản xạ có điều kiện”! Từ chỗ chỉ ú ớ gầm gừ để cảnh báo người qua đường, thì nay Ngọng và Ngốc chỉ cần tuýt còi, phất cờ hiệu như một “nhân viên” ngành đường sắt!

Xung quanh cũng ít người có thể nghe được họ nói những gì. Thoảng hoặc, thấy họ làu bàu gì đó với những người qua đường bất cẩn trong tiếng xình xịch của đoàn tàu đang rời xa.Vậy nên, cũng không nhiều người quan tâm vì sao họ đi làm nghề gác tàu không công đó. Riêng cụ Tú, một người có xe đẩy tạp hoá cắt nghĩa: “Tôi nghĩ, người ta có điên điên khùng khùng đến mấy thì trong họ vẫn có phần Người chú ạ. Họ hành động như thế âu cũng là bản năng rất con người mà thôi; chứ chẳng phải vì chuyện cơm áo như mấy ông cán bộ từng nghĩ đâu”!

Cứ thế, suốt hai năm qua, người dân ngã ba này đã quá quen làm theo những chỉ dẫn giao thông của hai người thiểu năng. Nhờ vậy, hai năm qua, tại đây, không còn vụ tai nạn nào đáng tiếc xẩy ra;“ngã ba kinh hoàng” này trở nên yên bình hơn và được nhiều người gọi bằng cái tên mới: “Ngã ba thằng Ngọng”.

Làm gì với người thiểu năng biết làm việc tốt?

Được biết, đến nay, các ngành chức năng không phải mất một chi phí nào cho những “nhân viên” này (ngoại trừ một trạm gác của ngành đường sắt đã bỏ hoang từ 10 năm qua). Cái chòi gác vẻn vẹn 4m2 ấy, nhiều chỗ nứt toác để lộ những hàng gạch loang lổ được người dân sửa lại đôi chút cách nay 1năm làm chỗ trú ngụ cho hai người. Bên trong, chỉ duy nhất chiếc giường một, trên đó trải chiếc chiếu rách chắp vá đủ loại giấy báo. Đặt thêm cái điếu cày với ba chiếc chén đã ố vàng như chưa từng được rửa. Nhưng, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là chiếc bàn thờ với bức ảnh người con gái còn rất trẻ. Ngọng không nói được, có điều, khi ai hỏi về điều đó, mắt Ngọng trở nên đỏ ngàu…

Hằng ngày Ngọng và Ngốc vẫn sống bằng sự đùm bọc của những người dân tốt bụng, của những người từng mang ơn họ. Những lúc không có tàu qua, Ngọng vẫn lang thang xin ăn, xin quần áo cũ để mặc. Bao giờ, Ngọng cũng không quên xin thêm cho Ngốc. Mới đây, được người ta cho bộ quần áo cũ của ngành công an ngày trước (nay đã thôi không dùng nữa), Ngọng lấy áo, nhường Ngốc mặc quần! Và, dù có lang thang ở đâu, song, mỗi khi sắp có tàu, bà con vẫn thấy Ngọng và Ngốc quay về, đều đặn làm công việc của người gác tàu rất trách nhiệm và chuyên nghiệp, với nụ cười hồn nhiên mà không phải nhân viên “nhà tàu” nào cũng có được.

Theo thượng tá Nguyễn văn Quân, trưởng phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Hà Nam: “Không thể phủ nhận được lợi ích xã hội của từ việc làm của hai con người thiểu năng này. Họ đã góp phần xoá một điểm đen về tai nạn giao thông, cứu sống được nhiều người. Đó là biểu hiện của phong trào quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Hai người ấy đáng được quan tâm và tuyên dương”.

Để những người thiểu năng làm công tác đảm bảo giao thông chắc chắn không phải là một lựa chọn tối ưu và việc giải quyết "điểm đen" giao thông này bằng một lực lượng chuyên trách là điều mà các cơ quan chức năng phải lưu tâm. Dù sao thì việc làm của Ngọng và Ngốc cũng buộc nhiều người "không thiểu năng" phải xem lại hành vi và thái độ của mình khi tham gia giao thông.

Hiếu Cường

____________________________

Frankie: Đôi khi tôi cảm thấy hổ thẹn vì thua cả những người thiểu năng trí tuệ này. Đôi khi tôi cũng phạm luật giao thông...

2 nhận xét:

  1. Ống kính Cuộc Sốnglúc 01:09 24 tháng 4, 2007

    Em chỉ thấy sốc thôi...vì mỗi lần em nghe các quan chức nhà nước fát biểu về bất cứ hành động có trách nhiệm nào của người dân là y như rằng cảm thấy họ "chuyển giao trách nhiệm" hẳn cho người ta, còn quyền lợi cứ mãi là của họ ý...
    Có đi làm báo mới thấy khủng khiếp chuyện này!

    Trả lờiXóa