Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

Escape Myanmar




Chuyện của phóng viên Dan Rivers (kênh CNN) trong những ngày trốn chui trốn nhủi ở Myanmar để đưa tin về cơn bão Nargis trong sự truy lùng của chính quyền nơi đây.

(Dịch từ bài viết trên CNN)

Ẩn mình dưới một tấm chăn đằng sau một chiếc xe tại trạm kiểm soát của cảnh sát. Đi thuyền trên sông thay vì ở trên đường. Tuyệt đối để ý sau lưng và biết rằng bất cứ lúc nào mình và những người đi theo mình đều có thể bị bắt, tra tấn hoặc chết.

Đó có vẻ như một bộ phim trinh thám. Nhưng phóng viên Dan Rivers của CNN, người đã lọt vào Myanmar sau khi nước này bị bão tàn phá mà chính quyền quân sự nước này không hay biết, nói rằng sự thật còn đáng sợ hơn những được chiếu trên màn ảnh.

Bây giờ khi đã ra khỏi Myanmar, Rivers hôm 9.5 đã nói rằng những gì mà anh trải qua làm dấy lên một câu hỏi: Nếu chính quyền truy lùng một nhà báo đưa tin về một thảm họa thiên nhiên như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra với những nhân viên cứu hộ đây?

“Cả đất nước như một cái rọ”, Rivers kể, “Lấy chuyện một thảm họa trên diện rộng kết hợp với việc một chính phủ không cho bất cứ ai nhập cảnh, họ đang chuyển một tình huống tồi tệ sang một thứ có thể coi là sự cẩu thả mang tính tội ác trên diện rộng”.
Anh lo ngại rằng nhiều người sẽ chết hơn nữa vì kết quả của chính sự tự cô lập mình của chính phủ Myanmar.

Hồi đầu tuần này, Rivers kể, phụ tá của anh đã quay cảnh lực lượng của chính phủ ném những xác chết xuống một con sông, hành động được coi là để che đậy sự thật. Một chính phủ không làm những hành động như vậy thì việc gì phải giấu giếm, Rivers ghi lại. “Tại sao họ lại cố tình che giấu một thảm họa thiên nhiên? Đó có phải là lỗi của họ đâu. Điều đó đơn giản đã phác họa tâm lý của chính quyền. Họ quá nghi ngại về thế giới bên ngoài”.

Dan Rivers đến Myanmar vào sáng 5.5, một vài ngày sau khi cơn bão Nargis tràn vào vùng đồng bằng Irrawaddy làm cho hơn 2.000 dặm vuông đất bị chìm trong nước và giết chết hàng chục ngàn người.

Chính phủ Myanmar nói có khoảng 22.000 người thiệt mạng. Đại biện lâm thời Mỹ tại nước này nói con số thương vong có thể lên đến 100.000.

Rivers không lạ gì với những thảm họa thiên nhiên và hậu quả của chúng. Năm 2004, anh đã ở Banda Aceh, Indonesia, đưa tin về sự tàn phá của cơn sóng thần. Tháng 10.2005, anh đã ở Pakistan sau khi trận động đất mạnh 7,5 độ richter làm 75.000 người ở nước này và ở Ấn Độ thiệt mạng.

“Tôi đã thấy nhiều điều khủng khiếp như thế, thật không may”, Dan Rivers kể tiếp về những gì đang diễn ra tại Myanmar. Nhưng “nó tồi tệ và... đó là một câu chuyện làm bạn thật sự xúc động. Và như vậy, thật dễ dàng để viết nên câu chuyện bởi vì nó cứ tuôn trào”.

Ở Myanmar, tuy nhiên, “công tác hậu cần thật khủng khiếp”, Rivers kể. Anh đã đi vào vùng bị ảnh hưởng nặng nề trong 8 tiếng đi xe trên những con đường đất bẩn thỉu.
Có thể nói, Banda Aceh trước trận sóng thần giống như Myanmar, Rivers nói. Khu vực này, là nơi gầm tâm chấn của trận động đất 9 độ richter nhất, cũng là nơi xung đột suốt 3 thập kỷ qua giữa quân đội Indonesia và quân ly khai, và người ta cũng nghi ngại với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, sau thảm họa, “họ đã mở rộng cửa”, Rivers nói, “Bất cứ ai cũng có thể vào. Tôi đoán là tôi đã quá ngây thơ khi cho rằng lần này (đến Myanmar) cũng vậy. Tôi nghĩ rằng cảnh sát, với quá nhiều điều để lo lắng như các nạn nhân cơn bão và thiệt hại, sẽ chẳng quan tâm đến visa của một người khách.

Trong những ngày lọt vào Myanmar, Rivers nhận ra anh đã nhầm.

Sau khi vào Myanmar 1 ngày, anh cùng nhóm của mình đã được 1 người địa phương cảnh báo rằng chính quyền đang truy lùng anh và tên anh được phát sóng. Người dân này nói chính quyền báo động tất cả các khách sạn và buộc những nơi này phải báo cáo về những người nước ngoài trú tại đó.

Dù sao, “Tôi khá tự tin rằng chúng tôi đủ cẩn trọng”, Rivers nói. Anh và nhóm của mình liên tục thay đổi địa điểm, chuyển từ khách sạn này sang khách sạn khác. Nhưng anh ta biết vẫn còn đó một nguy cơ.

Điều đó càng rõ ràng hơn trong chuyến đi đến vùng đồng bằng phía nam hôm 8.5, khi nhóm của anh hỏi 1 quan chức địa phương xem đường đã mở lại chưa. Quan chức này nói đường mở rồi và cho hay một quan chức xuất nhập cảnh muốn nói chuyện với nhóm. Người này đã lấy tất cả hộ chiếu của nhóm và so sánh với hình của Rivers, có thể đã được chụp lại trên màn hình của CNN.

“Họ biến mất khoảng 2 tiếng”, Rivers kể, “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với nhóm của mình”. Anh kể rằng anh lo họ đã bị bắt hay bị tra tấn và cân nhắc việc tự nộp mình.
“Tôi lang thang trên đường, không biết làm gì”, anh nói. Trời lúc đó rất nóng, khoảng 40 độ. Anh không quen ai và cũng không thông thạo tiếng Myanmar. Người dân thì hỏi anh ta là ai, từ đâu đến. Một người hỏi liệu anh ta có phải là CIA hay không. Tình huống đó quả là không thoải mái chút nào, Rivers nói. “Chắc hẳn tôi trông gian lắm”. May mắn là anh đã không tự nộp mình và sau đó biết rằng các quan chức không biết nhóm của anh là từ CNN hay đang đi cùng anh.

Khi nhóm của anh kể rằng các quan chức có hình anh, tuy nhiên, Rivers nhận ra rằng các quan chức khác cũng có thể có hình anh. Nhóm quyết định đi sâu hơn xuống phía nam. Tại một chốt kiểm tra, Rivers đã ẩn mình dưới một tấm chăn đằng sau một chiếc xe. Tại đây, nhóm được bảo rằng những người ở ngôi làng mà họ vừa rời đi muốn gặp nhóm lần nữa.

Nhóm quay trở lại nhưng quyết định tách khỏi con đường và theo một lối khác giữa rừng, Rivers nói. Nhóm đỗ xe lại, nhảy lên một chiếc thuyền và xuôi dòng. Nhóm đến một ngôi làng nhỏ và có thể quay phim một chút. Nhóm cũng kiểm tra tin nói rằng có một thuyền máy gần đó.

Tuy nhiên, trong khi đang đi bộ, nhóm bị một quan chức địa phương cầm bộ đàm chặn lại. Nhóm được yêu cầu quay lại xe và rằng cảnh sát đang đợi họ ở đó.
“Ôi trời ơi, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ”, Rivers kể. Trong suốt 1 tiếng đi bộ ngược lại khu rừng, Rivers kể tiếp, anh đã vô vùng sợ hãi.

“Lần đầu tiên, lúc đó tôi nghĩ, bạn biết không, điều đó đã đến”, Rivers kể, “Chúng tôi ở một nơi hư vô. Không ai biết chính xác chúng tôi ở đâu. Đơn giản họ có thể bắn chúng tôi, vứt xác xuống sông rồi nói đó là một tai nạn. Lúc đó bạn bắt đầu nghĩ về gia đình và những gì bạn gây ra cho họ nếu bạn biến mất”.

Rivers đã sợ rằng một toán cảnh sát sẽ đợi nhóm ở chiếc xe nhưng chỉ có 2 người ở đó. Nhóm được yêu cầu cho kiểm tra hộ chiếu. Rivers chìa hộ chiếu ra nhưng ngón tay cái của anh đã che lên họ của mình. Cảnh sát không để ý đến thủ thuật đó mà chỉ nhìn vào tên và tên đệm của anh rồi báo qua bộ đàm.

“Họ nghĩ rằng chúng tôi không phải là người mà họ cần tìm và cho chúng tôi đi”, Rivers kể. Anh gọi đó là một sự may mắn.

Nhóm được hộ tống trở lại thị trấn và gặp một quan chức địa phương chức cao hơn. Người này nghĩ rằng nhóm là một phần của đội cứu hộ. Cuối cùng cũng được thả, “chúng tôi gần như chạy bán sống bán chết”, lái xe suốt đêm về Yangon, River tiếp.
“Đó là 12 giờ sống trong sợ hãi”, anh kể, “Nó dài như một tuần vậy”.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc.

Ngồi trên chuyến bay rời Yangon, nghĩ rằng sẽ chẳng còn chuyện gì với an ninh nữa, Rivers nghĩ mình đã kết thúc mọi chuyện với chính phủ Myanmar.

Nhưng một tiếp viên hàng không tiến lại gần và nói với anh rằng phía xuất nhập cảnh muốn gặp anh ta lần nữa. Anh bị hộ tống ra khỏi máy bay đến nơi mà những nhân viên xuất nhập cảnh đang đợi.

Người ta lục lọi tất cả những gì mà anh có. Họ rà soát túi, bắt anh giở ví ra, cởi giày và tất anh ra.

Rivers tin rằng họ đang tìm thứ gì đó như ảnh hay băng hình, nhưng anh ta không mang theo gì cả. Họ tìm thấy một ổ USB nhưng không có gì trong đó cả và trả lại cho anh ta. Hộ chiếu của Rivers bị thu và lần này, tên thật của anh bị lộ.

Cuối cùng, tiếp viên hàng không quay lại. Mặc dù anh không hiểu cuộc đàm luận nhưng Rivers tin rằng cô tiếp viên đã thông báo chuyến bay không thể trễ hơn được nữa và hỏi xem liệu họ có cho Rivers đi hay không.

Và cuối cùng họ đã cho anh đi. “Họ không tìm thấy thứ gì trong người tôi cả. Có thể họ chỉ muốn tôi đi ra khỏi nước họ ngay”, Rivers kể, “Lúc đó, tôi không hề nói một lời”.

Kể chuyện khi đã về đến nhà (ở Bangkok) và vật vã sau 36 tiếng không ngủ, Rivers nói giờ thì anh đã thật sự biết một người khi bị truy nã sẽ như thế nào.

Rivers nói rằng sự bướng bỉnh của chính quyền Myanmar ở chỗ khi một thảm họa đang xảy ra trên diện rộng, họ lại phí thời gian và lực lượng đi truy lùng một phóng viên.

“Càng nhiều người đi truy lùng tôi thì sẽ càng ít người lo tập trung cứu giúp các nạn nhân”, Rivers nói, “Và có một điều, tôi đã kết thúc công việc của mình. Tôi đã kể cho khán giả nghe những gì đang diễn ra... và ở lại đó lâu hơn nữa cũng có nghĩa là tôi sẽ trở thành một phần câu chuyện”.

1 nhận xét:

  1. Hic hic, anh ui, đọc bài anh mà tự nhiên thấy ... lo lo. Nhớ lúc đó anh nói em là đi xin visa không? Lúc đó, nghĩ là chuyện "phình phường", nhưng giờ nghĩ lại, nếu anh tui chui nhũi trong vùng tâm bão, giờ này về lại Bangkok, chắc te tua quá. Vụ strike ở Democracy monument, anh take care nhé. Dạo này em rãnh, nếu muốn có bạn, gọi em. 24/24 on calls, man. (Tất nhiên là nếu ko sợ bị vướng tay, vướng chân tác nghiệp)

    Trả lờiXóa