Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Từ một bài báo của bố...




Cách đây 13 năm, bố tôi có viết 1 câu chuyện trên Báo Thanh Niên về một người chồng nghèo khó trong lúc hoảng hốt đã dùng dao thái rau mổ bụng vợ để cứu đứa con. Câu chuyện xúc động đó giờ được 1 nhóm phóng viên Báo Thanh Niên lật lại.

Đây là bài viết 13 năm trước

CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM CỦA MỘT NGƯỜI MẸ TRẺ
(Đăng ngày 25.1.1996)

Để cứu đứa con…

Từ thị xã Tuy Hoà, tỉnh lỵ Phú Yên, đi dọc theo quốc lộ 1A về phía bắc khoảng 30 km sẽ đến thị trấn Chí Thạnh. Rẽ trái, theo tỉnh lộ 6 với nhiều đèo dốc, sương mù độ 15 km sẽ đến thị trấn La Hai, huyện lỵ Đồng Xuân. Từ đây, đi về phía tây nam chừng 12 km nữa thì đến xã Xuân Phước, vùng đồi núi phía tây huyện Đồng Xuân. Ngày 8.1.1996, tại đội 7, thôn Phước Hoà của xã này đã xảy ra một chuyện đau lòng.

Anh Nguyễn Dưỡng, tuổi trạc 30, dân tộc Kinh và chị Nguyễn Thị Hoa sống với nhau từ năm 1988 (không đăng ký kết hôn). Họ mới đến Xuân Phước lập nghiệp hơn một năm nay; công việc chủ yếu là làm rẫy, làm mướn. Mái nhà tranh của họ dựng trên nền đất hơn chục mét vuông, vừa là nơi ở, vừa là bếp. Nhà chỉ có hai chiếc giường tre nhỏ, một túi quần áo cũ, không mùng mền, mấy cái chén, thạp cũ… Họ đến đây ở gần nhà anh trai của anh Dưỡng, không đăng ký hộ khẩu. Hai vợ chồng không biết chữ. Anh Dưỡng không nhớ chính xác tuổi mình, không nhớ cả họ của vợ. Con cái họ không có giấy khai sinh. Anh Dưỡng không nhớ cả tuổi con, chỉ gọi tên con mà không đặt họ. Anh chỉ đứa bé trai lớn: "Thằng chó, năm sáu tuổi gì đó!". Chỉ bé trai nhỏ: "Thằng tí, ba bốn tuổi". Hai vợ chồng anh Dưỡng hiền lành, chậm chạp, nghèo khó nhưng sống hoà thuận và không phiền lòng bà con lối xóm.

Anh Dưỡng cho biết: Đứa đầu do bà cô đỡ đẻ dùm. Đứa sau do anh đỡ lấy. Khi sanh đứa thứ hai, chị bảo anh tước ruột cây mò o (như cái nan tre) cắt rốn đứa bé. "Nó bày em làm vậy!", anh giải thích. Năm1995, chị Hoa có mang đứa thứ ba. Ngày vợ sắp sanh, anh chỉ chuẩn bị được hai thúng thóc và ít than củi sưởi ấm. Và ngày 8.1.1996, chị Hoa đau đẻ. Anh Dưỡng cho biết: vợ anh ngại đến trạm xá sanh vì sợ không có tiền trả, không có ai đưa cơm, trông nom nhà cửa. Nghe chị kêu la, bà con lối xóm đến. Anh nói: "Vợ tôi dễ sanh lắm! Bà con cứ về đi, không có chuyện gì đâu!". Khoảng 14 giờ, thấy vợ đau dữ, anh Dưỡng đi kiếm bà đỡ. Ra đường, gặp chị N. là y sĩ của xã, trên đường đến trạm xá cấp cứu một ca khác. Chị N. biết gia đình anh Dưỡng nghèo bèn nói: "Đưa vợ lên trạm xá sanh cho đỡ tốn tiền!". Anh Dưỡng quay về nhà, vợ anh vẫn không chịu đi. Vợ anh bảo: "Lấy dao mổ bụng kẻo con chết ngạt. Sống thì sống, chết thì chết!". Lúc này, bà con xung quanh đi làm vắng hết. Không biết trông cậy vào ai, anh Dưỡng đưa cho con 500 đồng, bảo đi mua lưỡi lam; nhưng không mua được vì lưỡi lam giá 800 đồng, mà trong túi anh không còn đồng nào. Anh Dưỡng liền lấy dao thái rau (dài khoảng 40 cm), liếc dao vào cây rựa cùn, rồi rạch bụng vợ. Không bông băng, không sát trùng, không có gì cầm máu, không có gì gây tê hay giảm đau cả. Máu và ruột trào ra. Anh để ruột sang một bên, thọc hai tay xuống, bê bào thai lên, xé rách rồi lấy đứa bé ra ngoài. Đứa bé khóc oa oa. Vì tính mạng con, chị Hoa chỉ biết cắn răng chịu đựng trong cơn đau đớn, vật vã, quằn quại… Máu ra lênh láng cả giường và nền nhà. Anh lấy dao cắt rốn đứa bé rồi nói: "Con gái!". Anh định đặt đứa bé cạnh mẹ. Nhưng thấy chị Hoa giãy giụa, sợ đứa bé ngã, anh đặt nó sang giường bên. Rồi anh lấy kim, chỉ đen khâu vết mổ. Anh nói với tôi: "Em may như may miệng bao lúa. Lúc xiết chỉ cho chặt thì nó nấc lên rồi không cựa quậy nữa…". Nhà vốn thiếu ăn, lại mất sức do đau, mất máu do mổ. Làm sao sống nổi…

Tôi đến bên bàn thờ. Thực ra đó chỉ là chiếc bàn cũ, không có ảnh, chỉ có mấy bó nhang, mấy cái chén, đôi đũa. Bình cắm nhang là ấm tích, vỡ phần trên, vòi vẫn còn. Tôi thắp nhang cầu nguyện cho người phụ nữ xấu số. Im lặng hồi lâu, tôi hỏi anh Dưỡng: "Anh không biết làm thế là nguy hiểm à?". Anh nói: "Lúc ấy nó đau quá. Hàng xóm đi làm hết. Nó cứ giục. Em quýnh lên. Nó bày thì em làm theo… Thôi, đừng hỏi nữa!…". Rồi anh khóc nấc lên. Tôi không sao cầm nổi nước mắt. Không có nhiều, tôi dúi vào tay anh ít tiền và nói: "Tình cảm của tôi, anh nhận dùm, mua chiếc màn cho các cháu ngủ kẻo muỗi…".

Những tấm lòng

Ngày 10.1.1996, đại uý Lưu Văn Hùng, đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đồng Xuân cùng đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện tới nhà anh Dưỡng. Đứa bé mới lọt lòng được quấn trong quần áo cũ, nằm trên chiếc giường tre bên cửa sổ. Anh Dưỡng quậy sữa trong chén, lấy muỗng nhỏ sữa vào miệng đứa bé. Đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định để anh Dưỡng ở nhà nuôi con, chờ gia đình anh ổn định mới xem xét vụ việc.

Mấy hôm sau, một người đàn bà giàu có ở huyện Sông Cầu đến hỏi xin đứa bé mới sanh. Nhưng rồi bà ta không quay lại. Sau cái chết của chị Hoa, người anh của chị lo chôn cất. Hợp tác xã giúp 120.000 đồng. Bà con lối xóm người giúp hai ba ngàn, người dăm ngàn; cộng lại chừng 40.000 đồng. Sợ anh không nuôi nổi cháu bé, một phụ nữ cùng xóm, 26 tuổi, bị chồng bỏ vì không có con, đã xin cháu bé về nuôi. Người phụ nữ này cũng rất nghèo. Cậu em trai đi phụ xe lấy tiền mua sữa nuôi cháu. Họ tuyên bố dù có đói cũng không bỏ đứa bé! Lúc tôi đến thăm, cháu bé đang bị viêm phế quản nặng…

Tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, tôi hỏi đại diện ban lãnh đạo đã giúp gì cho gia đình anh Dưỡng chưa? Một vị trả lời: "Chưa, vì anh ấy không có hộ khẩu ở đây".

Đừng làm đau lòng người nơi chín suối

Một cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương cho biết: Các cơ quan chức năng đang băn khoăn trước vụ việc này. Anh Dưỡng phạm tội gì? Có khởi tố vụ án không? Khung hình phạt tương ứng? Nếu anh Dưỡng bị tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành án phạt tù thì hậu quả sẽ ra sao? Ai nuôi hai đứa trẻ mất mẹ, đói ăn, thiếu mặc, không được đến trường?

Dư luận nhân dân địa phương cho rằng: Quyết định dại dột của vợ chồng anh Dưỡng xuất phát từ chỗ họ quá nghèo khó và thiếu hiểu biết. Mặt khác, quyết định của họ diễn ra trong hoàn cảnh rất bức xúc và rối trí. Một người đàn ông chậm chạp, thiếu hiểu biết phải xoay xở một mình trước cơn vượt cạn của vợ. Một người mẹ phải lựa chọn dứt khoát giữa tính mạng mình và sự sống của đứa con…

Khi còn sống, chị Hoa đã trải qua nhiều nỗi đau của đời người, của người mẹ mỗi lần sinh hạ. Nơi chín suối, chắc chị sẽ đau đớn lắm nếu biết chồng mình lâm vào cảnh tù tội!

Anh Dưỡng và các cháu nhỏ đang rơi vào tình trạng khốn quẫn và bị cái đói đe doạ. Rất mong chính quyền, đoàn thể ở địa phương và bạn đọc xa gần giúp gia đình anh qua cơn hoạn nạn này…

Xin đừng để gió cuốn đi…

"Cái chết thương tâm của một người mẹ trẻ" được đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 25-1-1996, làm đông đảo bạn đọc cả nước xúc động. Ngay sau khi báo phát hành, rất đông bạn đọc đã đến tận Tòa soạn gởi tiền, quà giúp đỡ người chồng đáng thương cùng các cháu nhỏ. Chưa đầy một tuần mà số tiền bạn đọc giúp đỡ đã lên đến hơn 16 triệu đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Phụng (thành phố Hồ Chí Minh) nhận giúp nuôi cháu bé sống sót sau cái chết của mẹ với số tiền 500.000 đồng/tháng, trong 5 năm. Sau đó hàng trăm bạn đọc ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Vũng Tàu, Quảng Ninh... đã gởi tiền, gạo, thuốc men, quần áo...giúp gia đình anh Nguyễn Dưỡng. Tổng số tiền, quà bạn đọc ủng hộ trị giá hơn 18 triệu đồng, chưa kể số tiền Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Phụng hứa giúp.

Giờ đây, mỗi khi xem lại danh sách bạn đọc giúp đỡ anh Nguyễn Dưỡng cùng các cháu nhỏ tôi vẫn còn bồi hồi xúc động: Chị Trương Mỹ Lan, ở 65B Hùng Vương, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đi hiến máu được 100.000 đồng, 2 hộp sữa, 1 kg đường, 6 vỉ thuốc bổ đã gởi tặng gia đình anh Nguyễn Dưỡng. Cháu Nguyễn Thế Hiển, mới 6 tuổi, ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, để dành được 50.000 đồng đã gởi số tiền này tặng em bé mồ côi mẹ khi mới chào đời. Anh Tám ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 20.000 đồng; một bạn đọc giấu tên ở Thành phố mang tên Bác tặng 2 gói quần áo... Của ít mà lòng nhiều. Thật không sao diễn tả cho hết tấm lòng bạn đọc trước cảnh hoạn nạn của một đồng bào. Không chỉ giúp đỡ vật chất, bạn đọc còn quan tâm đến số phận của gia đình bất hạnh này. Nhiều bạn đọc đã đến tận Tòa soạn bày tỏ tình cảm của mình: "Xin đừng bắt giam người chồng đáng thương ấy!". Bác Hường ở 251-253, Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, đến Tòa soạn gởi giúp 150.000 đồng, thiết tha nói: "Tội quá, đừng bắt giam chú ấy, người ta không có học mà...!". Vật chất bạn đọc ủng hộ thì liệt kê ra được. Còn tấm lòng bạn đọc biết lấy đâu ra thước để đo!

Chị Nguyễn Thị Hoa qua đời để lại cho người chồng hiền lành, vụng dại 3 đứa con thơ, trong cảnh nghèo túng. Nhờ tình cảm của bạn đọc cả nước, chính quyền địa phương, bà con lối xóm và chị Trần Thị Mau, người nuôi cháu bé, mà các cháu nhỏ không phải vào trại mồ côi, gia đình anh Dưỡng hàng tháng có thêm tiền sinh sống.

Cần phải viết thành sách về những Tấm lòng vàng.Và các em học sinh, ngay từ thời thơ ấu phải được học cách làm từ thiện. Những Tấm lòng vàng cần phải được kế tục và nhân lên từ đời này qua đời khác. Xin đừng xao nhãng mà "để gió cuốn đi"…

Xuân Hoà

_____________________

Đây là bài viết 13 năm sau:

Cô bé sinh ra bằng dao thái rau - Kỳ 1: Đi tìm cô bé đáng thương
(10.12.2008)

Bé Xuyến khi còn nhỏ - Ảnh: do gia đình cung cấp

Cách đây gần 13 năm, ngày 25.1.1996, Thanh Niên đã đăng bài báo Cái chết thương tâm của một người mẹ trẻ nói về một người chồng trong tình huống chẳng đặng đừng đã phải dùng dao thái rau xẻ bụng vợ mình trong cơn sinh khó và cứu được đứa con, nhưng người mẹ thì không qua khỏi cơn nguy kịch. Trong chuyến công tác tại Phú Yên, chúng tôi quyết tìm lại cháu bé đáng thương ngày ấy.

Chuyện 13 năm trước

Đường về huyện Đồng Xuân (Phú Yên) sau những cơn lũ lụt nặng nề gập ghềnh vô kể. May, sau hơn 50 cây số từ TP Tuy Hòa, chúng tôi chui qua chân cầu đường sắt La Hai khi nước lũ tại đây vừa rút. Hỏi đường, rồi lao xe máy, lại hỏi và chạy xe, cuối cùng cũng rẽ vào được thôn Long Hà (thị trấn La Hai, H.Đồng Xuân) tìm được nhà ông Nguyễn Văn Mến, anh ruột của chị Nguyễn Thị Mủn (còn có tên là Hoa) - người mẹ xấu số trong cơn sinh nở ngày 8.1.1996.

Bập điếu thuốc đen để lấy bình tĩnh, ông Mến hồi tưởng: “Chiều đó, khi đang gom sắn lát thì có người hộc tốc báo tin: con Mủn đẻ, chồng mổ bụng, chết rồi! Tôi rụng rời chân tay nhưng vừa chạy xe vừa nghĩ: làm gì có chuyện chồng mổ bụng vợ... Nhưng khi đến nhà con Mủn tôi đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. Tôi la hét, van mọi người hãy cứu cháu bé, cứu, cứu nó! Còn thằng Dưỡng (chồng chị Mủn) sợ quá, chỉ dám quanh quẩn trong các đám mía, đứng từ xa nhìn vào, nước mắt lưng tròng...”.

Khi chúng tôi lần đến ngôi nhà của vợ chồng chị Mủn thì nơi đây đã thành một đám đất cây cối rậm rạp. Trước đây nơi này cũng không phải là đất của vợ chồng chị Mủn, mà là của bà Nguyễn Thị Hương (Sáu Hương, nay đã 72 tuổi) cho vợ chồng Dưỡng ở nhờ, hàng xóm góp tre lá dựng nhà. Bà Sáu Hương thuật lại bi cảnh của vợ chồng Mủn - Dưỡng: “Hai đứa quá nghèo, lấy nhau không hôn thú, thằng Dưỡng chất phác đến cù lần, khổ quá thành đần. Con Mủn chịu thương chịu khó chắt chiu cùng chồng làm thuê làm mướn nuôi con. Vợ chồng nó khổ cực, sống lây lất, hiền lành nên nhiều người thương. Đẻ đứa đầu thì còn có tiền kêu cô đỡ, đẻ đứa thứ hai thì thằng Dưỡng tự tay lo hết, vợ biểu gì làm nấy, nấu nước, kéo đứa con ra, chẻ cây mò o làm đồ cắt rún con...Vậy mà cũng xong, đến khi nó nói lại thì mọi người mới hay vợ nó đẻ!”.


Ông Nguyễn Văn Mến, anh ruột chị Mủn

Bà Hương kể tiếp: “Đến lúc sanh đứa gái thứ 3, gia cảnh vợ chồng nó đã kiệt cùng, cả hai cũng chẳng hề có ý nghĩ kêu cô mụ hay lên trạm xá xã vì không một xu dính túi, vì sợ phiền, vì “vợ tui đẻ... dễ ẹt à!”. Đến nỗi, lúc vợ nó đau đẻ kêu la, lối xóm có người chạy tới, thằng Dưỡng còn nói: Bà con về đi, hổng sao đâu! Sau này thằng Dưỡng kể: khi đau đẻ quá, con Mủn biểu nó “lấy dao mổ bụng, chớ con chết ngạt”, thằng Dưỡng moi túi chỉ còn 500 đồng, sai thằng con chạy đi mua dao lam nhưng không đủ vì lưỡi lam giá 800 đồng! Thằng Dưỡng vốn khù khờ, vợ nó la quá, nó quýnh quáng quẫn trí cầm đại cái dao xắt rau dài gần nửa thước, liếc sơ mấy cái vô cây rựa cùn, rồi rạch bụng vợ để lấy con...”.

Hàng xóm kể lại: vợ chồng Dưỡng có tất cả 3 con, sau “sự kiện” 8.1, Dưỡng đã để đứa con gái vừa sinh cho người khác nuôi, rồi dắt díu hai con trai ăn xin một thời gian ở chợ La Hai, giờ thì ba cha con biệt tích nơi đâu cũng không còn mấy người biết.

Đi tìm

Thông tin chắp nối mà chúng tôi có được từ TP Hồ Chí Minh - Nha Trang -Tuy Hòa... là đứa bé con chị Mủn sinh hạ cách đây 13 năm được một người nhận nuôi, hiện giờ đang học cấp II... nhưng chúng tôi quyết tìm bằng được tung tích cô bé.

Đất đá lùng bùng, đèo cao, dốc thấp cùng những con suối băng ngang làm chúng tôi không thể phóng nhanh trên đường tìm lại cô bé con chị Mủn. Cứ đi được khoảng trăm mét, chúng tôi lại dừng xe hỏi thăm. Người thì láng máng, kẻ chẳng hề hay, bởi mọi chuyện đã trôi qua cả thập niên rồi, vật đổi sao dời, ai sống thì cũng phải lo cuộc mưu sinh giữa rừng núi chập chùng...



Hai chú bé “hướng dẫn viên” tại xã Xuân Phước (H.Đồng Xuân, Phú Yên) - Ảnh: Hùng Phiên

Từ thị trấn La Hai ngược hướng tây nam đã hơn ba chục cây số, đã đến địa phận thôn Phước Hòa (Xuân Phước) nhưng một số người ven đường khi nghe đến con của Dưỡng “mổ bụng vợ” thì lại chỉ... ngược trở ra La Hai. Gần 5 giờ chiều, mặt trời đang dần khuất núi mà thông tin chưa đâu vào đâu. Đang lưỡng lự chưa biết tính sao thì may quá, một chú bé đen nhẻm chạy lại chặn đầu xe: “Tui biết con bé đó. Nó tên Xuyến. Nó là bạn tui mà...”. Chúng tôi mừng như con nít được cho quà! Hóa ra cô bé tên Xuyến, vẫn còn ở lại Đồng Xuân - Phú Yên và ở trong một gia đình nghèo của bà mẹ nuôi.

Theo chân chú bé dẫn đường, chúng tôi đến một căn nhà nhỏ khoảng 20m2, được xây sơ sài để che mưa che nắng. Ra đón khách là một phụ nữ ngoài bốn mươi, dáng lam lũ nhưng khá mặn mà, cởi mở... (Còn tiếp)

Phóng sự của Lê Anh Đủ - Hùng Phiên



3 nhận xét: