Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Bàn chuyện hài xưa, hài nay


Một cảnh trong phim Dịch cười (từ trái qua: Nghệ sĩ Trịnh Mai, Nghệ sĩ Trịnh Thịnh)

Bài viết gốc trên Thanh Niên (bị cắt 1 số chỗ vì bản thân mình cũng viết lê thê nữa cơ hehehe)



VIỆT PHƯƠNG (VP Bangkok)


Việc bộ phim hài “Dịch cười” được sản xuất từ năm 1988 được trình chiếu tại một liên hoan phim sau đó hơn 20 năm là một điều thú vị. Cái chất hài xưa cũ ấy liệu có bị biến đổi theo thời gian?


Hài xưa không cũ


“Dịch cười” được đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện năm 1988 khi ông ra trường được 2 năm. Bộ phim hài trắng đen ấy giờ đây được mời trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Hài Thế giới lần thứ nhất diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ 10 đến 16.6 vừa qua. Nhân dịp tham dự LHP Hài lần này, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn về bộ phim nói riêng và phim hài Việt Nam nói chung.



Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn


Thanh Niên (TN): Thưa đạo diễn, khi đưa một bộ phim hài từ năm 1988 đến một LHP năm 2009, ông có sợ tiếng cười đó không còn hợp thời không?


Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (ĐMT): Không. Thực ra bộ phim này đã tham gia một số LHP quốc tế như LHP Nante (1989) và thời gian đầu những năm 1990 như LHP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), LHP Teheran (Iran). Bẵng đi một thời gian nó không được trình chiếu nữa bởi vấn đề trong phim tưởng đã cũ. Sau đó khi sang một số nước tôi có kể lại chuyện phim và thấy mọi người đều rất thích. Bộ phim cũng được chiếu tại Singapore năm 2006. Tôi nghĩ mình đã nhầm vì có thể nó không lạc hậu. Vì thế tôi đã đề xuất gửi phim “Dịch cười” đến LHP lần này.



Một cảnh trong phim Dịch cười (diễn viên Xuân Định - bìa trái)


Bộ phim kể chuyện một nhà máy thủy điện sắp được xây ở vùng nông thôn. Ông tổng giám đốc khi đến đây đã “hoa chân múa tay” phát biểu khởi công công trình rằng “thung lũng đau thương sẽ biến thành cánh đồng hạnh phúc”. Từ đó, có tin đồn là ông tổng giám đốc bị mất nhẫn khi đang vung tay phát biểu. Nhiều tình huống dở khóc dở cười diễn ra sau đó như việc công nhân bị huy động bỏ hết việc làm để đi tìm nhẫn cho tổng giám đốc, cấp dưới phải mua nhẫn mới để trả lại cho cấp trên dù chuyện mất nhẫn là không có thật, người dân đổ xô đến công trường tìm vàng theo tin đồn làm công trường bị phá hủy, v.v... “Dịch cười” không chỉ là tiếng cười đơn thuần mà còn là sự chế giễu tính a dua và việc tiếp nhận, xử lý thông tin. Đó cũng là tiếng cười về những con người nắm trọng trách trong tay nhưng chỉ lo làm việc vô bổ mà quên mất nhiệm vụ chính của mình. 81 phút với những tình huống vui nhộn cộng với diễn xuất xuất sắc của các nghệ sĩ Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Xuân Định, “Dịch cười” đến nay vẫn giữ được giá trị châm biếm của nó.


TN: Từ năm 1988 đến nay, xã hội đã có nhiều thay đổi. Theo ông, cách cảm nhận phim hài của con người khi xưa và hiện nay có khác nhau không?


ĐMT: Nếu giờ cho tôi làm lại thì tôi vẫn làm như thế thôi. Có thể hiện nay giới trẻ không nhạy bén với những tiếng cười mang tính trí tuệ hay mang những thông điệp văn hóa thế. Cái cốt lõi văn hóa của một cộng đồng khiến cho con người ta phản ứng với một cái hài có thể là khác nhau về cấp độ nhưng bản chất của hài vẫn có cái ổn định nhất định. Chẳng hạn như bây giờ lớp trẻ tiếp xúc nhiều với những bộ phim hành động hài của nước ngoài, phản ứng nhiều đối với những động tác hình thể hay những câu nói hài hước kiểu Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, v.v... Tuy nhiên, trong vô thức của họ, vấn đề liên quan đến cái ý nhị của con người Việt Nam thì vẫn có. Nó vẫn tiềm tàng trong tục ngữ, tiếu lâm của người Việt. Bộ phim của tôi thể hiện những cái suy nghĩ dung dị, bình thường của một con người. Như việc một ông giám đốc đến tuổi về hưu gói con dấu lại giấu vào túi rồi thách thức anh phó mới lên thay rằng: “Đố anh ngồi vào được cái ghế của tôi đấy!”. Nó buồn cười một cách hồn nhiên nhưng vẫn ẩn chứa một vấn đề.



Một cảnh trong phim Dịch cười (Nghệ sĩ Trịnh Thịnh)


Hài nay thiếu sâu sắc


TN: So với hài xưa thì hài nay đang đi theo xu hướng nào, thưa ông? Hài ngày nay liệu có còn sâu sắc như ngày xưa?


ĐMT: Cái hài ngày xưa ở một đẳng cấp cao, thường là hài về tình huống và hài tính cách. Cho nên, khi đã chọn được những tình huống hài, tính cách hài rồi thì diễn viên diễn càng chân thật bao nhiêu thì càng hài bấy nhiêu. Hài bây giờ thiên về hình thể cho nên nó sẽ dẫn đến những động tác hài quen thuộc hay những động tác cường điệu khiến khán giả cười. Ở một phương diện nào đó nó là cái hài trẻ trung, người ta không cần suy ngẫm nhiều. Nó là hề xiếc, hề lời hay còn gọi là tấu hài nên nó có sự dễ dãi hơn trong tiếng cười. Hài tình huống, hài tính cách vì thế nó vẫn có sự sâu sắc hơn. Cái hài hiện nay ở Việt Nam cũng chưa đạt đến độ trẻ trung của thế giới nữa.


TN: Phim hài Việt Nam hiện nay cần gì để ngang tầm với những bộ phim hài của thế giới?


ĐMT: Cái thiếu thứ nhất là thiếu những kịch bản có tầm. Cái thứ hai là thiếu những đạo diễn và diễn viên thể hiện một cách nhuần nhuyễn với một trình độ kỹ thuật cao.


TN: Xin cảm ơn đạo diễn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.


V.P



Một cảnh trong phim Dịch cười (bên phải là Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân)

1 nhận xét: