Thứ Ba, 16 tháng 1, 2007

Phan Ý Ly - "Miếng ghép hình" đặc biệt




Đây là bức ảnh mà Frankie chụp Ly lúc đang nghỉ giải lao sau khi tập vở NHÌN tại trường HUFLIT, TPHCM.

Phan Ý Ly - cô gái thế hệ 8X vừa đoạt giải đúp cho dự án "Cuộc đời của tôi - quan điểm của tôi" trong Ngày sáng tạo VN "Sáng tạo vì trẻ em thiệt thòi" do Bộ Giáo dục Đào tạo và Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức.

16 tuổi, Phan Ý Ly học đại học ngành tâm lý và xã hội ở Ấn Độ. 19 tuổi đã đi làm cho Liên Hiệp Quốc với tư cách nhân viên dự án xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang. 2 năm sau trở về HN làm cho Quỹ Dân số thế giới.

Năm 2004, Phan Ý Ly giành được học bổng Chevening, trở thành người VN đầu tiên học thạc sĩ ở Anh cho một ngành học rất mới: nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội. Năm 2006, giành giải đúp trong "Ngày sáng tạo - Sáng tạo vì trẻ em thiệt thòi" ở VN.

Phan Ý Ly chia sẻ với chúng tôi những quan điểm riêng của một người VN - nhưng cũng là một công dân quốc tế - về cuộc sống.

Chưa biết thế nào nhưng tôi cứ tin cái đã

- Ly rời VN để đi học ở Ấn Độ khi còn rất nhỏ, khi đến với một thế giới khác lạ, hẳn nhận thức của Ly về cuộc sống đã ít nhiều thay đổi?

- Khi vừa đến Ấn Độ, thấy nhà cửa cũng như ở VN, chỉ có điều khác biệt là bò được thả rông đi nhởn nhơ ngoài đường cùng ô tô. Người ta mặc váy với quần thụng. Những người giặt ủi thuê thì sử dụng những chiếc bàn là to bằng nồi áp suất, ở trong bỏ đầy than. Tôi choáng vô cùng.

Khi gọi điện thoại về nhà, ba tôi đã hỏi: "Con nhìn thử xem đã đến mức không thể sống nổi chưa?". Tôi nhìn quanh, thấy cuộc sống tuy khác biệt nhưng cũng có cái hay, nếu biết "chấp nhận" một chút thì cuộc sống cũng không tệ như tôi nghĩ. Vậy là tôi tuyên bố ở lại Ấn Độ một mình.

Có thể nói sự khác biệt và đa dạng về văn hóa trong những ngày ở nội trú tại Bangalore chính là điều đầu tiên làm tôi thay đổi, tự nhiên tôi thấy những gì tôi và mọi người cho là tuyệt đối, như "ăn bằng đũa", "sữa chua chỉ được ăn với đường"... bỗng trở nên rất... VN. Tôi nhận thức được cái khác người của văn hóa Việt, từ đó biết mình không nên khư khư giữ cái gì, và nên trân trọng cái gì, trong văn hóa của chính mình.

- Nhưng để thay đổi nhận thức là không dễ, nhất là khi văn hóa Việt đã thấm đẫm tâm hồn Ly?

- Thời gian đầu, tôi hay mang quan điểm của riêng mình ra để đôi co với mọi người, quên mất rằng những quan điểm đó chỉ đúng với văn hóa như thế, xã hội như thế, phong tục tập quán như thế, mà cái "như thế" cũng mới chỉ bó hẹp trong khuôn khổ 16 năm không ra khỏi VN của tôi.

Bây giờ nhiều bạn bè tôi bảo tôi dễ tin, đùa cái gì cũng tưởng thật, bảo "nhà chị có cái điếu cày to bằng cây tre" tôi cũng tin ngay! Ấy là vì tôi nhiễm thói quen chấp nhận sự khác biệt, chưa biết thế nào, tôi cứ tin đã, thắc mắc giải quyết sau.

- Ở một đất nước có đặc trưng văn hóa rất đặc biệt như Ấn Độ, Ly có gặp trở ngại gì không với vấn đề tình yêu và giới tính?

- Khi còn ở VN, tôi nghĩ mình là một con bé xấu xí và vô duyên, vì mọi người nhận xét như vậy. Tới Ấn Độ tôi lại luôn được khen. Thậm chí khi có người nói với tôi "khuôn mặt bạn rất đẹp"! Dần dần tôi mới hiểu ra khái niệm "đẹp" ở đây có một số nét khác biệt so với văn hóa VN, một gương mặt góc cạnh là đẹp thay vì trái xoan, tính cách cởi mở được xem là đáng tự hào, thay vì sự e thẹn khép nép hoặc ít nói.

Mũi nhỏ được coi là rất đẹp, khác hẳn sở thích mũi cao của nhiều người VN... Tôi cũng từng có người yêu là người bản xứ Ấn Độ và tôi học được khá nhiều điều sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán cũng như cách yêu, ghét ở đây. Cũng là một cách để hiểu và kết bạn với một đất nước!

- Có nét văn hóa nào của Ấn Độ làm Ly thấy thích nhất?

- Ở Ấn Độ, nếu bạn hỏi: "Bạn có biết nhảy, múa không?", bạn sẽ nhận được câu trả lời "Dĩ nhiên, tôi là người Ấn Độ mà". Chỉ cần nhạc bật lên, hầu như tất cả mọi người sẽ lắc! Không phải kiểu giật giật disco, mà là những động tác hết sức quyến rũ và đậm nét Bollywood.

Màu sắc truyền thống được hòa quyện khắp nơi, từ kẻ ăn xin đến người giàu có, từ người truyền thống đến người hiện đại, đâu đó trên trang phục của họ đều mang đậm nét Ấn Độ.

- Nhưng cũng có những điều mình cảm thấy không thích chứ?

- Dĩ nhiên rồi. Một tập quán phổ biến hơn cả và gây nhiều tranh cãi đó là tục "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Rất nhiều các cô gái xinh đẹp trong lớp tôi một mặt vẫn thay đổi bạn trai liên tục, một mặt nói rằng họ cứ yêu tạm thế cho đến khi bố mẹ tìm cho một tấm chồng, chắc chắn lúc đó họ sẽ phải theo và cưới người đó. Một số bạn bị buộc phải bỏ trốn khỏi thành phố vì đã trót yêu "nhầm" người ngoại đạo, nữ theo đạo Ấn Độ giáo yêu nam theo đạo Hồi chẳng hạn.

- Môi trường học tập ở Ấn Độ và Anh có gì giống, khác nhau?

- Ở Anh và Ấn Độ, tính dân chủ được thể hiện rõ nét qua các hoạt động trong lớp cũng như ngoại khóa. Hầu hết các hoạt động đều do học sinh tự đề xuất và thực hiện. Việc đánh giá chất lượng dạy và học đều phải có đại diện là học sinh của khoa.

Đặc biệt hơn cả, một lớp học thành công là một lớp học mà trò nói nhiều hơn thầy, tranh luận càng sôi nổi thì giáo viên càng hạnh phúc. Chuyện chạy điểm là điều không tưởng vì như vậy là hạ thấp mình trong người bạn lớn.

- Nếu như không đi học ở nước ngoài mà chỉ học ở VN, Ly sẽ hình dung về mình như thế nào?

- Từ lúc học tiểu học đến trung học tại VN, tôi thường hay nhận được lời phê trong sổ học bạ "bạo dạn, hay nói chuyện, thông minh nhưng lười". Câu này có vẻ đúng cho đến bây giờ. Thực ra việc đi học ở nước ngoài, ngoài kiến thức và ý thức thu được trong trường học, tôi còn học được cách sống và cách nghĩ của một con người quốc tế.

Tại Ấn Độ, điều tôi thu được nhiều nhất không phải là kiến thức trong trường học mà là bản lĩnh sống tự lập, tự giải quyết các vấn đề, khả năng thích nghi trong môi trường văn hóa, đa ngôn ngữ.

Tại Anh, tôi học được một điều lớn lao, đó là mình là một người giỏi trong môi trường quốc tế, điều này tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng vì nó giúp tôi quyết đoán hơn trong công việc và để tôi trân trọng nhận định của mình hơn.

Nếu tôi chỉ ở VN, có lẽ bây giờ tôi đang nói 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật nhưng không thứ tiếng nào là trôi chảy cả. Có lẽ tôi vừa tốt nghiệp được một năm và đang thực tập tại đâu đó. Có lẽ tôi sẽ không tự tin lắm vào cả ngoại hình lẫn trí óc của mình ở tầm vóc quốc tế mặc dù vẫn rất mạnh mẽ. Có lẽ tôi đã nhảy cổ điển được 3 năm và hiện đang bắt đầu học salsa. Chắc chắn là tôi chưa có chồng!

Sự thay đổi nào cũng phải đem lại ý nghĩa nhất định!

- Trở về VN, Ly đã được cuộc sống ở đây đón nhận ra sao?

- Một năm đầu tiên khi trở về VN thật không đơn giản với tôi. Khi đi học tại Ấn Độ, tôi mới là cô bé 16 tuổi, khi quay trở về tôi đã 19, trải qua dăm ba mối tình và đã đến được một số nước. Ban đầu tôi bị trầm cảm nặng nề do thất vọng với những gì được chứng kiến.

Có điện thoại xịn thế là sành điệu, có xe đắt tiền thế là cưa được gái, đi vũ trường thế là "hư hỏng"... Hơn nữa, có ai đó nói với tôi rằng, xã hội giống như một bức tranh được ghép bằng những miếng xếp hình mà mỗi người là một miếng ghép nhỏ.

Khi mình rời khỏi xã hội này và đi đến những nơi khác, mình thay đổi và những miếng ghép nhỏ đó được nhào nặn khác đi. Khi quay về xã hội cũ, bức tranh ấy vẫn dành cho mình một chỗ khuyết với hình dạng thuở ban đầu, trong khi mình đã thay đổi. Quá trình tự nhào lại bản thân và tìm chỗ mới cho mình sẽ khá chật vật.

- Công việc của Ly trong thời gian ở Hà Giang là gì?

- Một hợp đồng 3 tháng thực ra với nhiều người là không ổn định, vừa phải xa nhà vừa phải làm việc tại nơi "khỉ ho cò gáy". Nhưng đây là công việc thực sự đầu tiên trong đời của tôi. Có lần tôi hộ tống một nữ nhiếp ảnh người Pháp đi chụp hình làm tài liệu dự án tại Hoàng Su Phì.

Khi đó mùa lúa chín vàng, bốn bề ruộng bậc thang trĩu lúa tạo cảm giác trời vàng, núi vàng, đường vàng... điểm xuyết những bóng người đang gặt, đúng là như lạc vào một bức tranh. Sau vài tiếng đồng hồ "lăn lộn" chụp ảnh, bụng đói meo, chúng tôi quyết định đi theo một chị dân tộc Tày đang gánh lúa theo về đến một ngôi nhà sàn.

Người trong nhà nhìn thấy hai vị khách lạ thì không hề tỏ ra giận dữ mà hồ hởi cắt chuối, luộc khoai mời chúng tôi. Thấy chúng tôi ăn nhanh quá, họ lại mang ngô ra mời tiếp! Cảm giác thật là lạ khi được đối xử tử tế mà chẳng cần giới thiệu, xưng tên, mọi giao tiếp chỉ qua nụ cười.

- Ly đi làm cho Quỹ dân số thế giới trong trường hợp nào? Ly đã lựa chọn công việc hay công việc lựa chọn Ly?

- Sau một thời gian làm việc tại Hà Giang trong một dự án phát triển cộng đồng của Liên Hiệp Quốc, tôi quen một người bạn trai (bây giờ là chồng tôi) tại Hà Nội và tình yêu đã khiến tôi quyết định tìm công việc mới tại Hà Nội.

Lúc đó Quỹ dân số thế giới đang tìm một người cho vị trí trợ lý chương trình, đối với tôi đó là một nấc thang trong nghề nghiệp. Đối với tôi, bất cứ sự thay đổi nào cũng phải đem lại ý nghĩa nhất định, nếu không phải là tài chính, thì phải là về chuyên môn.

- Làm việc trong một tổ chức có cả người VN và nước ngoài, Ly có những nhận xét gì về cách làm việc của người mình và Tây?

- Khi người VN và người nước ngoài làm việc trong một môi trường thì đúng là cả hai bên đều phải học về cách làm việc và văn hóa ứng xử của nhau. Tôi thường chứng kiến hội chứng "Yes nhưng không phải là Yes". Khi nói chuyện với người nước ngoài, chúng ta cũng "Yes" sau mỗi câu nói của họ, ngụ ý rằng "tôi đang nghe". Thế nhưng với người nước ngoài, "Yes" có nghĩa là "tôi hoàn toàn đồng ý!".

Từ sự khác biệt này mà nhiều mâu thuẫn đã xảy ra, ví dụ "tại sao lúc đó "yes" mà bây giờ lại "no"?". Hơn nữa, người Việt chúng ta không quen nói thẳng, nhất là khi phải từ chối điều gì. Lý do là vì chúng ta muốn giữ thể diện cho người đề nghị. Chính vì lý do này mà khi muốn bác bỏ một đề nghị, thay vì nói thẳng lý do, nhiều người thường nói bóng gió "cái này khó lắm".

Với người Việt, khi nghe "cái này khó lắm" thì hiểu là "không nên làm", nhưng với người nước ngoài, câu này có nghĩa là "cái này rất khó, chúng ta phải tìm giải pháp để thực hiện nó". Và vì thế người nước ngoài sẽ hỏi nguyên do và đưa ra một loạt giải pháp, còn chúng ta thì càng ngày càng điên tiết vì "nói mãi mà không hiểu, cứ thích vặn vẹo".

- Giáo dục giới tính, một đề tài nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết. Ly nghĩ sao về hoạt động này ở VN?

- So với 1 hoặc 2 năm trước đây, vấn đề giới tính đã ít bị coi là nhạy cảm hơn. Tôi nghĩ internet, diễn đàn, báo điện tử... góp phần không nhỏ trong việc đưa vấn đề này thành một chủ đề cởi mở với cơ hội trao đổi thẳng thắn.

Tuy nhiên tất cả những kiến thức về tâm sinh lý trẻ, cách dạy dỗ, nói chuyện với con về tình dục... hiện chưa hề có trên thị trường mà chỉ lẩn khuất đâu đó trong các dự án thử nghiệm với số lượng không đáng kể và phát cho một số đối tượng nhất định.

Với những bạn trẻ tuổi teen, mặc dù hoàn toàn hoang mang, lạ lẫm trước những biến đổi cơ thể cũng như cảm xúc tình dục với người khác, thông tin về lĩnh vực này cũng rất hạn chế. Tôi thấy việc "báo động" và "hô hào" ở VN về vấn đề giới tính đã thành công phần nào, nhưng chừng nào tôi còn chưa thấy những quyển sách chất lượng và thân thiện với người đọc về giới tính được bày bán trong các nhà sách, chừng đó tôi còn thấy sự thiếu thốn của đại chúng về kiến thức trong lĩnh vực này.

- Chồng của Ly là một người Úc. Điều gì ở anh chàng này khiến một cô gái độc lập như Ly quyết định gắn cuộc đời mình với anh?

- Nói ra không ai tin, khi vừa về nước tôi đã đi làm tại Hà Giang 1 năm rưỡi. Mỗi khi về Hà Nội muốn đi chơi đâu cũng không có ai đi cùng, tôi đành nhờ mọi người giới thiệu cho bất cứ ai. Tôi và chồng tôi gặp nhau trong trường hợp người này tưởng người kia có vấn đề.

Anh chồng tôi lúc đó vì nể bạn nên nhận lời đi chơi với "một cô gái không ai thèm chơi cùng", còn tôi thì vì buồn quá nên đi chơi với "một ông bất mãn". Ai ngờ đến lúc gặp nhau, tôi thấy anh rất đẹp trai và lãng mạn, còn anh thì mừng như bắt được vàng. Sau này không ai có thể tin là hai đứa nhắm mắt lại vớ được nhau.

Khi nhận được tin tôi sẽ đi Anh học 1 năm, anh đã cầu hôn. Tôi không nghĩ một người năng động như mình lại kết hôn sớm như vậy (lúc đó tôi 23 tuổi) nhưng anh là người đàn ông duy nhất khiến tôi cảm thấy bình an khi ở bên cạnh.

Đối với tôi, để sống được bên nhau, trước hết phải là bạn tâm đầu ý hợp. Trong tình yêu, sự nghiệp, đam mê, và cuộc sống, anh luôn ở bên tôi và cổ vũ cho những gì tôi làm. Trong cuộc đời có mấy người bạn được như thế.

Theo Lê Thị Thái Hòa
ThanhNien-TuanSan.gif

4 nhận xét:

  1. bok tem đã
    đọc đc 1 nửa dùi
    đi xem fim về đọc lốt :))

    Trả lờiXóa
  2. chị Ly trả lời PV hay úa :-x

    Trả lờiXóa
  3. hee hee, bác nè lại PR cho Ms.PhanYLy gòi! ^^
    Một người bạn thú vị, mai mốt có dịp anh Travip giới thịu Je làm quen với nha!

    Trả lờiXóa
  4. Phan Y Ly co ca tinh nhi, hoc o An Do khi 16, wow.

    Trả lờiXóa