Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2007

Phim truyền hình: Nhà nước giơ đòn với tư nhân?




Mời các bạn đọc bài viết sau đây! Rõ ràng ai cũng có cái lý của mình. Thế nhưng, khách quan một điều, theo Frankie, mặt bằng chất lượng truyền hình ở Việt Nam, cả phim và gameshow tồi tệ như nhau. Tình trạng trên xuất phát từ sự độc quyền, suy nghĩ bảo thủ, không tiếp thu cái mới hoặc tiếp thu nhưng chưa đủ trình độ để tiến tới sự chuyên nghiệp. Cũng như ca nhạc, một số nhà sản xuất biện minh rằng phim chất lượng kém của mình dùng để phục vụ một số đối tượng khán giả như các bà nội trợ, người dân ở nông thôn, những người có trình độ học vấn thấp nhưng họ lại quên mất vai trò của truyền thông không chỉ phục vụ thị hiếu khán giả mà còn có nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí. Không thể để những người có trình độ văn hoá thấp cứ mãi thấp như thế được. Những lý lẽ họ đưa ra chỉ là biện minh cho những gì họ đang làm.

20:22' 11/01/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hãng nhà nước nói phim tư nhân xếp hạng bét, hãng tư nhân nói người nhà nước cậy thế mạt sát tư nhân...

Soạn: HA 1006915 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một trong những bộ phim của Lasta bị dư luận phê phán. (L.T)

Cuộc hội thảo Xã hội hóa chương trình truyền hình trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần 26, bỗng chốc trở thành cuộc đấu võ mồm nảy lửa giữa các nhà làm phim nhà nước và tư nhân!

Phim của Lasta dở... ngoại hạng!

Thực chất, việc xã hội hóa chương trình truyền hình không chỉ diễn ra trong khu vực sản xuất phim truyền hình, song đây chính là địa hạt "nóng" đang được dư luận, báo chí để ý, mổ xẻ nhiều nhất. Nhiều nhà sản xuất phim truyền hình thuộc hàng "máu mặt" trên cả nước đã xuất hiện tại hội thảo. Nhưng chỉ có hai đơn vị, một của nhà nước, một tư nhân, dám đứng ra đấu khẩu trực tiếp với nhau.

Sau khi rào trước rằng Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) hoàn toàn ủng hộ xu hướng xã hội hóa việc làm phim truyền hình, ông GĐ Nguyễn Khải Hưng của hãng này đã bồi một nhát khá đau vào Công ty Lasta: "Tôi bỏ ba tuần vào TP.HCM xem ba phim của Lasta. Nếu chất lượng phim truyền hình có ba bậc thì phim do Lasta sản xuất nằm ở bậc... thứ tư! Chất lượng phim của Lasta tồi như thế mà lại thu hút nhiều quảng cáo, có phải quảng cáo nhiều nghĩa là phim hay?".

Nguyễn Khải Hưng, GĐ Hãng VFC:

Soạn: HA 1006911 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Khán giả xem phim truyền hình như hình chóp. Dưới đáy là bình dân, trên chóp là trí thức. Các ông sản xuất phim truyền hình xã hội hóa "đánh" vào đâu? Phía trên đáy một chút. Sản xuất phim chỉ phục vụ cho một tầng lớp trên đáy như thế là quá phí phạm. Bản thân tôi cũng không tin các chỉ số đo lường khán giả của các công ty.

Ông Khải Hưng đã đánh gục sự kiêu hãnh của Lasta, kẻ đi tiên phong trong việc sản xuất phim truyền hình xã hội hóa, đồng thời cũng giáng một đòn vào sự bất cần dư luận của hãng này. Bị dư luận lên án ngay từ khi ra mắt phim đầu tiên, Lasta vẫn cứ lẳng lặng làm một loạt phim khác, và chúng cứ... dở đều như nhau.

Có những lắt léo đằng sau những bản hợp đồng làm phim giữa đài truyền hình với các công ty tư nhân, chẳng hạn chuyện đã giao kèo với nhau lâu dài, không thể "đá" nhau giữa chừng. Điều này lý giải vì sao phim của Lasta vẫn một mình tiếp tục trấn giữ giờ vàng trên sóng Đài TH TP.HCM. Câu chuyện hậu trường cũng lý giải phần nào nguyên do khiến ông Khải Hưng cay nghiệt với phim của Lasta: nhiều người của VFC bị Lasta "nẫng tay trên".

"Người nhà nước mạt sát tư nhân!"

Người ta hoàn toàn cảm thông với những bước đi đầu tiên nhiều vấp váp trên lộ trình xã hội hóa sản xuất phim truyền hình của các nhà làm phim tư nhân. Nhưng nếu không có họ, các hãng phim truyền hình nhà nước liệu đã chịu làm mới mình hay vẫn xưng ta là số một?

Thế nên, cũng dễ hiểu khi bị ông giám đốc của một hãng phim nhà nước công kích, Chủ tịch HĐQT Công ty Lasta, ông Trần Minh Tiến, đã nổi cáu như thế nào: "Ông Khải Hưng đã xúc phạm công ty tôi nghiêm trọng. Phim của chúng tôi đã có một lượng khán giả riêng. Nếu để diễn đàn này làm nơi cho các quan chức nhà nước mạt sát các đơn vị làm phim tư nhân, thì tôi kịch liệt phản đối!".

Trần Minh Tiến, CT HĐQT Hãng Lasta:

Soạn: HA 1006913 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Khải Hưng nói phim chiếu cho một tầng lớp khán giả thì phí phạm, đó là sự xúc phạm đến một lượng khán giả lớn của phim truyền hình. Truyền hình làm phim cho ai xem? Còn nói về chỉ số rating, nếu lượng khán giả xem phim là không có thật, thì người ta dại gì chịu bỏ tiền ra mua quảng cáo?

Ông Tiến có cái lý riêng của mình. Theo khảo sát của các công ty đo lường lượng người xem phim truyền hình (rating), phim của Lasta hiện nay đã qua mặt phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ về rating! Tất nhiên không phải vì phim của hãng này hay, mà vì họ đã đánh đúng vào đối tượng người xem rất lớn của mình, những khán giả mà ông Khải Hưng gọi là "các bà nội trợ chuyên mua xà phòng, dầu ăn...".

Trong lúc đó, lượng phim sản xuất của chính các nhà đài không đáp ứng nổi con số quy định 50% thời lượng phim Việt Nam trên sóng. Nhìn từ người làm quảng cáo, chính bà Đỗ Lan Hương, PGĐ Trung tâm quảng cáo của VTV cũng nói thẳng: "Chất lượng phim chiếu không đồng đều, đề tài nghèo nàn, rất ít phim có thể giữ được khán giả ngồi theo dõi từ đầu tới cuối".

Không đi bán sóng, nhưng coi chừng... ngã

"Việc xã hội hóa chương trình truyền hình nếu không có chủ đích thì tự thân nó cũng sẽ đến", ông Trần Đăng Tuấn, P.TGĐ Đài TH Việt Nam, khẳng định. Ông Tuấn cũng chỉ ra cái tâm lý thời xã hội hóa rằng, phía nhà nước đụng một tí là sợ mất quyền lợi, còn phía tư nhân thì tự ti nói nhà nước lấn ép.

Ông Trần Đăng Tuấn khẳng định chắc nịch xã hội hóa không phải là chia sóng ra... bán, mà là tư nhân làm tốt hơn phần việc đó thì chia cho bên ngoài làm. Nhưng ông Tuấn thừa nhận đã có tình trạng tư nhân lạm quyền sóng của nhà đài.

Kiểu như Lasta cố đấm ăn xôi, chiếu những bộ phim hạng tư cốt để lấy quảng cáo nhiều nhất, có phải là một kiểu ăn lạm sóng truyền hình?

Những câu hỏi xã hội hóa theo lộ trình nào, thực hiện ra sao, làm sao để hoạt động truyền thông không bị thao túng bởi các công ty tư nhân v.v... đã được đặt ra, nhưng chưa có lời đáp.

Trong khi đó, người trong nghề đã lo ngại chính con đường và phương thức xã hội hóa mà mình đang đi, sẽ trở thành thứ vũ khí nguy hiểm đánh ngã trượt chính họ, nếu không chuẩn bị tốt hành trang.

  • Võ Tiến

3 nhận xét:

  1. Oái, e có đc nghe về cuộc họp này, k ngờ đã lên báo rồi ^^

    Trả lờiXóa
  2. 1 bài báo hay nói đúng thực trạng phim ảnh VN bây giờ.
    Cá nhân em thì em ủng hộ xã hội hóa điện ảnh và ủng hộ các hãng phim tư nhân dám đầu tư, dám làm để phục vụ khán giả vì khán giả sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên.
    Khoan xét về yếu tố chất lượng, nói là phim thị trường thì cũng đúngg tuy nhiên phim ra thì phải có người xem. Phim của các hãng phim nhà nước vẫn đìu hiu chẳng ai thèm xem, còn phim tư nhân tuy nội dung chỉ đánh vào một tầng lớp người xem nào đó nhưng vẫn sống được và sống khỏe là đằng khác. Ngay cả phim truyền hình hay phim chiếu ngoài rạp đều vậy thôi. Ai dám chắc là các bác nhà nước làm phim là thành công?! Ai dám chắc tiền đầu tư cho 1 bộ phim của hãng phim nhà nước và thời gian casting nhiều như vậy thì chất lượng cũng sẽ phải nhiều như vậy và người xem cũng sẽ nhiều? Em thấy những người làm Văn hóa VN nên đổi mới tư duy, chọn lọc và chấp nhận những cái mới thay vì cậy thế, cậy quyền để hạ uy tín hay vùi dập những đơn vị tư nhân làm văn hóa.
    Việc ra đời các hãng phim tư nhân cũng sẽ tao nên 1 cuộc cạnh tranh trong thị trường phim ảnh nước nhà. Và khán giả là người có lợi. Họ thích xem phim gì, nội dung ra sao là quyền của họ và hãng phim nào nắm được thị hiếu là hãng phim đó thành công! ;)

    Trả lờiXóa
  3. hic fim VN em ít xem lắm
    cả fim tư lẫn fim công vì chả mấy fim hay =.=

    Trả lờiXóa