Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Một xã hội điện tử trong mơ




(Viết cho mục Câu Chuyện Cuối Tuần. Không được đăng vì lý do: NÓI QUÁ NHIỀU VỀ INTERNET. Hi hi hi. Thôi thì đăng lên blog, một công cụ của Internet vậy.)

VIỆT PHƯƠNG

Nền văn minh con người ngày một tiến hoá và phát triển. Bạn đã nghĩ đến một lúc nào đó, thế giới này sẽ làm tất tần tật mọi việc thông qua mạng hệ thống máy tính và mạng internet chưa? Khi đó, mọi mặt trong cuộc sống đều được điện tử hoá và cũng có thể con người bị chính khoa học công nghệ do mình phát minh ra quản lý. Khoa học kỹ thuật vốn được coi là vô tri vô giác kia nhiều khi lại làm việc khách quan và hiệu quả hơn con người.

Hãy tưởng tượng trong một xã hội được điện tử hoá, bạn không phải dậy từ sớm để đi qua một quãng đường dài chỉ để làm mỗi việc xin dấu hay chữ ký của một cơ quan nào đó. Bạn chỉ cần lên trang web của cơ quan này, điền thông tin vào các mẫu có sẵn và nhấn nủt "Gửi đi". Nếu yêu cầu của bạn được phía cơ quan kia chấp nhận, họ sẽ gửi lại cho bạn một giấy chứng nhận điện tử thông qua e-mail. Và như thếm bạn đã tiết kiệm được thời gian đi lại và đôi khi còn tránh được việc xếp hàng nữa. Ngoài ra, bạn còn giảm thiểu được nguy cơ gặp phải những nhân viên hạch sách và vòi tiền bạn để làm dịch vụ nhanh hơn. Và nếu ai cũng ngồi nhà đăng ký như bạn, nạn cò mồi làm giấy tờ sẽ không còn đất sống.

Hãy tưởng tượng tiếp bạn cần phải đi khám bệnh hay siêu âm trong khi bệnh viện lúc nào cũng đông người. Thông thường bạn phải dậy từ sớm để đi xếp hàng, lấy số và ngồi đợi. Có lúc bạn nghĩ bạn đã đến sớm lắm rồi. Thế mà khi bạn đến đã có hàng chục người ngôì chầu chực ở bệnh viện trước bạn. Bạn không tránh khỏi việc mất thời gian cả ngày ngồi đợi mà không làm gì hết. Bạn có sốt ruột không khi ở cơ quan một núi việc đang đợi bạn? Lúc đó, bạn sẽ ước bệnh viện kia có một trang web, trên đó có mẫu đăng ký khám chữa bệnh và hệ thống máy tính sẽ gửi cho bạn một cái hẹn cụ thể. Bạn có thể an tâm ngồi ở công ty làm việc cho đến giờ hẹn.

Hãy tưởng tượng thêm một lần nữa. Bạn muốn mở một công ty nhưng không đủ vốn để thuê hay xây dựng một văn phòng. Cần nhớ rằng, chi phí cho một văn phòng hoạt động bình thường khá tốn kém. Nó bao gồm những thứ như trang trí nội thất, tiền điện, tiền nước, các loại văn phòng phẩm, v.v... Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc lập một văn phòng ảo trên mạng internet chưa? Văn phòng ảo đó chính là một trang web. Trên đó bạn sẽ đăng thông tin về công ty và các dịch vụ cung cấp. Bạn sẽ giao dịch với khách hàng qua e-mail hoặc các phần mềm gọi điện internet. Các giao dịch về tài chính giữa bạn và khách hàng sẽ được thực hiện thông qua việc chuyển khoản ngân hàng. Công việc quản lý nhân sự và công ty của bạn sẽ được các phần mềm trợ giúp. Bạn chỉ cần ngồi nhà liên lạc và trao đổi công việc với nhân viên thông qua internet. Khi đã quen với việc ngồi nhà và làm việc qua mạng, bạn không chỉ nhận được hợp đồng làm ăn từ trong nước và còn có cơ hội tiếp xúc với các khách hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đơn giản một điều, internet đã giúp bạn phá vỡ nhiều giới hạn về không gian và thời gian.

Và nếu như mọi việc đều được tiến hành qua mạng internet, hãy tưởng tượng các cuộc họp cũng được tổ chức theo kiểu "giao lưu trực tuyến". Khi đó, nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn khi không phải thanh toán tiền vé may bay hay tàu xe cho đại biểu về dự hội nghị. Không những thế, việc đại biểu ngồi tại địa phương họp qua mạng sẽ giups nhà nước tiết kiệm chi phí ăn ở, khách sạn. Một cuộc họp lớn với hàng chục, hàng trăm đại biểu nếu được tổ chức qua mạng có lẽ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đủ xây một ngôi trường. Rồi bao chuyện phát sinh sau hội nghị mà chúng ta thường thấy là liên hoan đình đám sẽ không xảy ra. Lại thêm một khoản nữa được tiết kiệm.

Những ví dụ trên hình như hơi xa lạ với Việt Nam nhưng đó là điều mà nhiều nước trên thế giới đã làm được. Họ điện tử hoá (hay số hoá) xã hội từ những thứ đơn giản nhất như chợ điện tử, văn phòng điện tử, bán vé điện tử, v.v... cho đến chính phủ điện tử. Chợ điện tử hay mua vé điện tử (mà ví dụ cụ thể là mua vé máy bay giá rẻ) đã xuất hiện ở nước ta nhưng nó còn quá mới và có nhiều rào cản trong giao dịch. Chính phủ điện tử ở nước ta cũng đã được đề cập nhiều lần nhưng nhìn tổng thể thì các cơ quan nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc lập một trang web cho mình. Trên trang web chỉ có một số thông tin cơ bản về cơ quan đó kèm theo địa chỉ liên lạc. Nếu chỉ thế thôi thì đó sẽ là một sự lãng phí lớn. Tiền thiết kế trang web, mua tên miền và dung lượng máy chủ để đặt trang web coi như chỉ để làm một thứ mà người dân không được hưởng lợi ích gì từ nó. Người dân sẽ khôgn quan tâm đến lịch sử thành lập cơ quan đó ra sao hay thành phần lãnh đạo cơ quan đó là người thế nào. Họ chỉ cần biết trang web của một cơ quan chính phủ đã được "số hoá" kia sẽ giúp gì được cho họ.

Rõ ràng, qua các ví dụ tưởng tượng trên, người được hưởng lợi không chỉ có người dân mà còn có cả các cấp quản lý. Người dân tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian. Cấp quản lý tiết kiệm được ngân sách. Cả người dân và cấp quản lý có lẽ sẽ đỡ vất vả hơn trong mọi việc. Các tệ nạn phát sinh từ việc xếp hàng làm giấy tờ chẳng hạn cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều.

Nước ta có một nền tảng internet phát triển. Đội ngũ lập trình cũng gần ngang tầm thế giới. Nói cách khác, chúng ta đã có một nền tảng và nền tảng đó không thua kém là mấy so với các nước khác trên thế giới. Nhưng cái mà các nước khác, cụ thể là các nước đã điện tử hoá xã hội ở tầm cao, hơn chúng ta là họ biết tận dụng nền tảng đó để phát triển xã hội, giúp mọi thứ trở nên khách quan và đơn giản hơn. Vậy có gì để chúng ta phải chần chừ nhỉ? Một xã hội Việt Nam được điện tử hoá có lẽ không chỉ là giấc mơ.

2 nhận xét:

  1. Web cty ở mình đúng chỉ để trang trí.
    Khi qua nước khác mới thấy được họ làm nhiều cái rất nghiêm túc và hiệu quả. Website rất chuyên nghiệp và có ích.
    Một sinh viên với 1 ID có thể làm được mọi chuyện trên website của nhà trương. Hay nếu mua hàng chỉ cần qua vài bước là 2 hôm sau hàng về tận nhà...
    Sướng thật...

    Trả lờiXóa
  2. Một điểm không đồng ý: còn lâu lập trìng của ta mới ngang bằng thế giới. Chúng ta chỉ cò lẻ được ít người thôi.
    Xin lỗi đã tự ý nhảy vô comment lung tung.

    Trả lờiXóa