Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

Tình tang nhạc khúc phiêu bồng




Sau khi than vãn là thiếu sự lãng mạn, cô bạn Nguyễn Ngọc Lan Chi liền gửi cho Frankie một bài viết và trên tiêu đề thư viết là: "Một bài viết không mang tính chính trị". Cô còn bảo... lần này thì cho anh cứng bàn phím luôn, vì giờ anh đâu dùng bút để viết.

Tình tang nhạc khúc phiêu bồng


Bước vào những đường hầm dài hoặc những nhà ga lớn, nơi giao nhau của nhiều tuyến métro tại Paris, ắt hẳn sẽ có một lần bạn thả chậm nhịp bước của đôi chân để lắng nghe cho trọn một đoạn «Kachiusa» hay nhắm mắt thả hồn vào khúc violon đang rộn ràng «Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ»… Những người nghệ sĩ lãng du, chẳng có ánh đèn sân khấu hào nhoáng, cũng không có khán phòng hoành tráng đầy ắp khán giả, nhưng ngày qua ngày, tiếng đàn, giọng ca của họ đã giúp quãng đường chuyển trạm của biết bao người dường như ngắn lại…

1. Tiếng hát át cả tiếng tàu

Tôi gặp được bác Georges thật tình cờ. Vài ngày trước đó, trong những phút ngắn ngủi tàu dừng, tôi được nghe một nghệ sĩ violon trẻ biểu diễn tại Havre Caumartin, «giao tuyến» của hai đường métro số 9, số 3 và khi đã chuẩn bị đầy đủ «đồ nghề», tôi quay lại định tìm nhưng chẳng thấy chị đâu. Chưa kịp nuối tiếc thì giọng hát truyền cảm của bác đã thu hút tôi ngay. Bác «chuyên trị» những ca khúc của Aznavour, một ca sĩ rất nổi tiếng của Pháp từ thập niên 60. Nhìn bác say sưa thả hồn vào từng lời hát, lúc dõi mắt về xa xăm, khi đặt tay lên ngực buồn thê thiết, tôi cứ tưởng nơi bác đang đứng là… nhà hát Opéra của Paris, chứ chẳng phải ngay kề bên trạm chờ, cứ vài ba phút lại có một chuyến tàu xình xịch chạy qua. Thấy bác trả lời rất nhiệt tình với những lời thăm hỏi của hành khách qua lại, tôi biết bác là người khá cởi mở nên chẳng ngại ngần bắt chuyện lúc bác tạm «lắng giọng», ăn uống qua loa… nạp năng lượng lấy sức hát tiếp buổi chiều…

Bác Georges vui vẻ mở đầu câu chuyện: «Tôi vốn người miền Nam nước Pháp, khi về hưu cách đây 6 năm, để kiếm thêm chút đỉnh trang trải cho cuộc sống giá cả ngày một đắt đỏ, tôi lặn lội lên Paris, tìm chỗ trọ, ngày ngày ra các trạm métro đem tiếng hát phục vụ hành khách qua lại. À, tôi hát có giấy phép, có thẻ «hành nghề» do RATP(1) cấp đàng hoàng đó!»

Bác hào hứng chìa tấm thẻ có hình mình rồi lục lọi tiếp mấy tờ «giấy phép» cho tôi xem. Để được hát trong trạm métro, các nghệ sĩ phải đến văn phòng chuyên về quản lý những hoạt động âm nhạc trong khu vực nhà ga của RATP, biểu diễn cho họ xem thử, nếu đạt đủ «tiêu chuẩn», mỗi người sẽ đóng 20 euros cho 6 tháng và được nhận đầy đủ thẻ cùng các loại giấy tờ hành nghề. Thấy tôi ra vẻ tò mò về khoản «tiêu chuẩn» để được «duyệt», bác cười bảo: «Paris là thành phố du lịch, du khách sử dụng phương tiện công cộng nhều lắm, nếu để cho những người đàn dỏm, hát dở biểu diễn loạn cả lên thì còn gì là mặt mũi của «kinh đô ánh sáng» nữa!». Thật ra, vẫn có khá nhiều nghệ sĩ hành nghề «chui», theo bác Georges, có thể họ là những người nhập cư trái phép vào nước Pháp, hoặc họ sở hữu những giọng ca, tiếng đàn mà những người thẩm định «không thể nào thưởng thức nổi!».

Bác Georges có giọng hát thật trầm ấm, lại trang bị bộ dụng cụ khá chuyên nghiệp (bác khoe với tôi là loa và micro tuy giá cả phải chăng nhưng “made in Japan” đàng hoàng, hát suốt 7, 8 tiếng mới hết pin), vậy mà bác chỉ thật sự làm ca sĩ từ khi gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ métro: «Hát hay là một chuyện, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp là một chuyện khác, khác xa nhau lắm! Lúc nhỏ, tôi có học thanh nhạc, nhưng học vì đam mê thôi, chứ chẳng mộng mị nổi tiếng gì đâu, lớn một chút tôi tham gia vào dàn hợp xướng của nhà thờ. Rồi tôi vào đời, làm đủ thứ nghề, nhưng chẳng có nghề nào dính dáng đến niềm đam mê thuở nhỏ. À, kể ra thì tôi từng có «fan» hâm mộ đấy nhé! Khi tôi và vợ cùng làm việc cho một siêu thị, tôi thường vừa dọn dẹp, sắp xếp các kệ hàng, vừa khe khẽ hát, vậy mà có một bà khách quen lại gặp vợ tôi và khen giọng hát tôi quá xá!» Bác cười giòn tan, bỗng chuyển giọng buồn buồn: «Nhưng sau đó tôi và vợ tôi chia tay nhau, con trai tôi ở với cô ấy. Sự cô đơn cũng là một trong những nguyên do khiến tôi bỏ lên Paris, mong được sống thật sự với niềm đam mê ca hát và vơi bớt nỗi tịch mịch khi thui thủi một mình một cõi mỗi lần về đến nhà. Mới hôm trước thôi, một phụ nữ dẫn con đi ngang qua lúc tôi đang hát, chú bé nhìn tôi, kháu khỉnh lắm, tôi vẫn hát, mà tự nhiên nước mắt lại rơi, tôi nhớ con tôi quá, ngày xưa tôi cũng từng ẵm con, hát ru con ngủ…», thoáng nhìn qua, tôi thấy mắt bác ươn ướt… Một khoảng lặng, rồi bác lấy lại giọng vui vẻ: «Cho nên tôi rất thích trò chuyện với mọi người, phải sống trong cô đơn, tôi thèm giao tiếp kinh khủng!»

Hơn sáu năm ca hát phục vụ bá tánh, không biết người ca sĩ già được gì và mất gì? Nghe tôi hỏi, bác hơi trầm ngâm, rồi tiếp lời: «Tôi «được» rất nhiều, nhìn một cách «kinh tế» thì thu nhập từ việc ca hát cộng với khoản lương hưu giúp tôi có một cuộc sống khá dễ chịu, nhưng đâu chỉ có thế! Cái «được» lớn nhất của tôi là niềm vui, tôi nói có vẻ «sách vở» quá nhỉ, nhưng thật sự tôi vui lắm, tôi vui vì được thỏa mãn niềm đam mê lớn nhất của đời mình, vui vì những hành khách ngồi trong tàu nhưng vẫn hướng về phía tôi mỉm cười khích lệ, vui với ánh mắt đồng cảm của những người đứng chờ tàu ở phía xa xa kia, đó là những thông điệp không thốt thành lời, được truyền tải giữa tâm hồn với tâm hồn, và hôm nay, tôi vui vì được cô… phỏng vấn viết bài! «Mất» thì kể ra tôi chẳng mất gì nhiều, cũng có chút bệnh nghề nghiệp, như tai tôi hơi có vấn đề vì quanh năm suốt tháng phải mở loa khá lớn, có lớn mới át nổi tiếng tàu, rồi cái lạnh của những luồng gió mùa đông khiến lỗ mũi tôi lúc nào cũng sụt sịt hay những lần tôi hoảng hồn vì mấy anh say xỉn cứ lăm le kiếm chuyện… Nhưng cuộc đời mà, làm việc gì cũng phải hy sinh chút đỉnh mới thấy thú vị. Biển phải có sóng mới là biển, chứ biển mà phẳng lặng quá thì người ta gọi là… cái ao cho rồi!»

2. Tứ hải giai huynh đệ

Giữa những người mang nghiệp cầm ca mà «thân tại giang hồ», luôn hiện hữu một tình huynh đệ rất đặc biệt. Bản chất nghệ sĩ vốn hào sảng, tâm hồn luôn bay bổng và lại cùng cảnh ngộ «nhà hát là nhà ga, hành khách là khán giả, đồng xu thay cho hoa» nên họ rất dễ thông cảm, chia sẻ với nhau.

Đàn hát tại các trạm métro, yếu tố «địa lợi, nhân hòa» rất quan trọng: những khu vực là giao điểm của nhiều đường métro hoặc gần những điểm du lịch nổi tiếng hay trạm dừng của các tuyến tàu hướng về nơi sinh sống của giới thượng lưu (như quận 16, Versailles, Neuilly…) đều hứa hẹn một ngày «thu hoạch» rủng rỉnh. Quan trọng là thế, nhưng hầu như không bao giờ họ tranh giành hay to tiếng cự cãi để có một chỗ thuận lợi, thậm chí có lúc sẵn sàng nhường «vị trí chiến lược» cho nhau. Bác Georges kể với tôi: «Thường thì tôi hát ở đây, nhưng đôi khi cũng lang thang đến nơi khác, nhất là mùa đông, chỗ này có nhiều gió luồn, bây giờ giá cả xăng dầu lại lên, RATP tiết kiệm, không mở sưởi nhiều như trước kia, lạnh thấu trời. Có một lần tôi sang khu Opéra, đi tới đi lui cả buổi mà chẳng kiếm được chỗ nào kha khá vì những nơi ngon lành đã được các đồng nghiệp đặt «đại bản doanh» hết rồi. Đang chưa biết tính sau, bỗng một anh chơi accordéon đề nghị: «Anh qua lại nãy giờ, lại vác theo cả cái túi to sụ thế kia, nhìn bơ phờ lắm rồi. Anh thường hát ở Havre Caumartin chứ gì? Thôi, kiếm chỗ nào rửa mặt cho tươi tỉnh lên, quay lại tôi sẽ để chỗ này cho anh, hôm nay kiếm cũng kha khá, nghỉ ngơi sớm chút cũng chẳng sao!». Tôi cảm động quá sức, cô thấy không, thời nay tình nghĩa vẫn nặng hơn đồng tiền nhiều lắm!»

Cũng trong những dịp bôn ba tìm kiếm nơi biểu diễn mà nhiều nghệ sĩ đã thân thiết và kết thành nhóm cùng nhau biểu diễn. Bác Georges không dấu vẻ tiếc nuối: «Ông ấy về lại Roumanie rồi, dù sao cũng là quê hương mà! Ông từng là thầy dạy piano đấy, nhưng ở một tỉnh nhỏ tại đất nước Đông Âu nghèo, cuộc sống chật vật quá, ông lên đường đến Paris mong thu nhập được khá hơn. Ông chơi đàn tuyệt hay, tuy chỉ là đàn điện tử chứ chưa phải là sở trường piano đâu nhé! Tôi bị ông ấy thu hút ngay, rồi tôi hỏi ông có biết những nhạc khúc của Aznavour không, cũng may là Aznavour nổi tiếng vì bạn tôi nói tiếng Pháp chỉ bập bẹ… Sau đó chúng tôi đàn, hát chung với nhau được năm sáu tháng thì ông cảm thấy chán cuộc sống xô bồ ở Paris nên quyết định về quê luôn. Đó là khoảng thời gian vui vẻ và đáng nhớ nhất của tôi…»

Tôi chợt nghĩ đến Lưu Chính Phong và Khúc Dương Trưởng lão trong «Tiếu ngạo giang hồ» của Kim Dung tiên sinh, người chính kẻ tà, thấu cảm được nhau bên điệu cầm tiêu thánh thót, họ đã kết thành tri kỷ… Trong văn chương, âm nhạc giúp hai vị Lưu-Khúc bỏ lại những định kiến xã hội hà khắc, tại nhà ga métro, bác Georges và người bạn nghệ sĩ dương cầm Roumanie đã vượt qua rào cản ngôn ngữ đời thường để đạt đến một ngôn ngữ mà cả hai đều thấu hiểu đến tận tâm khảm, ngôn ngữ kỳ diệu của âm nhạc…

3. Muôn màu muôn vẻ nghiệp hát rong

Về những hoạt động âm nhạc trong hệ thống đường métro chằng chịt của Paris, tôi có thể tạm tóm gọn trong một từ: «đa dạng». Đa dạng trong cách thức tổ chức: với những nghệ sĩ như bác Georges, đàn hát mang tính tự phát, tự quản, nhưng có những nhóm nhạc được chuẩn bị khá bài bản. Tiêu biểu là nhóm nhạc công người Ukraine chuyên hát tại khu vực Châtelet, họ có người quản lý hẳn hoi, cho in đĩa (20 euros/đĩachứ chẳng chơi!), liên kết với một nhà hàng của cộng đồng Slave (Trung - Đông Âu) tổ chức những đêm hội ẩm thực– âm nhạc với giá vé cho mỗi người là 35 euros… Có vẻ họ biểu diễn tại Châtelet phần nào theo kiểu «lấy ngắn nuôi dài», thu nhập từ hành khách qua lại cũng rất khá, vì họ đàn, hát hay, làm sôi động cả một góc nhà ga, nhưng không ngoài mục đích tự quảng cáo, bán đĩa và phân phát tờ rơi giới thiệu những đêm diễn.

Kế đến là đa dạng về tuổi tác: từ anh sinh viên trường nhạc ngày hè rảnh rỗi đứng kéo violon kiếm thêm tiền đi du lịch đến những người nghệ sĩ tuổi trung niên tóc lốm đốm bạc… Tôi từng có duyên được gặp và trò chuyện với cụ Barbara. Cụ chơi kèn harmonica trên những chuyến tàu RER đi về vùng ngoại ô Paris. Cụ đã 85 tuổi và có hơn 20 năm đi theo những đoàn tàu ngang dọc khắp Ỵles de France(2)! Cụ vào một tiệm Trung Hoa để ăn trưa, mở ví cho tôi xem mộ xấp vé restaurant(3), cười hiền hậu: «Hồi nhỏ khi học harmonica, bà chẳng thể tưởng tượng có một ngày mình lại lang thang chơi kèn trên các đoàn tàu để kiếm sống. Nhưng con thấy đó, vẫn còn nhiều người tốt lắm, họ sẵn lòng tặng bà bao nhiêu là vé ăn! Có lẽ bà lợi thế hơn các đồng nghiệp ở mái tóc bạc phơ…». Cũng như bác Georges, cụ Barbara bắt đầu nghiệp rong ruổi cùng tiếng kèn từ khi về hưu, cuộc sống bây giờ thứ gì cũng tăng giá, mà cụ thì còn khỏe lắm và chơi harmonica vẫn rất ngon lành kia mà!

Vàsau cùng là đa dạng về văn hóa… Bạn có thể bắt gặp đủ loại nhạc cụ, đủ thứ ngôn ngữ, đủ kiểu bài hát khi làm một vòng quanh các trạm métro lớn ở Paris. Buổi sáng đi qua Châtelet, gần đường métro số 1, bạn sẽ được thưởng thức những bài hát đậm nét Đông Âu, trưa trưa một chút, tại cùng địa điểm, một ban nhạc Nam Mỹ réo rắt đàn sáo «thay ca» cho các đồng nghiệp Slave, chiều về, đi theo hướng đường 7, bạn bỗng buồn da diết theo tiếng đàn bầu của một người đàn ông Trung Quốc, đôi khi đi về khuya, ngồi chờ RER ở phía Les Halles, tôi vẫn thấy vui vui với tiếng trống rộn ràng của hai anh nhạc công gốc châu Phi. Đương nhiên sẽ không thể thiếu sự góp mặt của accordéon, violon với các giai phẩm bất hủ của Mozart, Beethoven, Vivaldi… cho bộ sưu tập âm nhạc của métro.

Từng làn điệu âm nhạc theo bước chân rong ruổi của những nghệ sĩ lãng du nhè nhẹ đi vào lòng mỗi người, nhẹ đến mức ta không hay biết nhưng rồi một ngày, giữa dòng đời vội vã, ta bỗng bước chậm lại để nghe cho hết khúc hát quen thuộc, dù ngoài kia, nhịp sống gấp rút không ngừng thúc dục…

Nguyễn Ngọc Lan Chi

1 nhận xét: