Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

Hai nhà báo chống tham nhũng nổi tiếng bị bắt




Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (thứ hai từ phải sang) chia tay các đồng nghiệp, tự tin đến nhà giam - Ảnh: Ngọc Thắng

Bài đăng trên Thanh Niên (13.05.2008)


2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18


* Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào mà bị quy vào tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”?

* Có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ?


* Những câu hỏi chờ được trả lời!



Ngày 12.5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên, và nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM, về tội "lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (điều 281 Bộ luật Hình sự) trong việc đưa tin bài về vụ tham nhũng tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18). Cùng ngày Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Khi thực hiện lệnh khám xét tại nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an không đọc lệnh bắt tạm giam công khai đối với nhà báo Nguyễn Việt Chiến mặc dù được đại diện của Báo Thanh Niên yêu cầu. Trong buổi khám xét nơi làm việc, đại diện của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập đã phản ứng: "Tại sao lại đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ở nhà, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến mà không đọc tại Báo Thanh Niên - cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Đọc quyết định như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không?".

Cho đến cuối buổi khám xét, Báo Thanh Niên vẫn không được biết chính thức nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam với thời hạn bao lâu. Một nguồn tin cho hay, nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ bị tạm giam ít nhất 4 tháng.

Báo Thanh Niên đã mời Văn phòng luật sư Hà Đăng và luật sư Hoàng Văn Quánh (Đoàn luật sư Hà Nội) đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến.

_________________

* Nhà báo Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, đã từng phục vụ trong quân đội. Tốt nghiệp đại học ngành địa chất, Nguyễn Việt Chiến công tác tại Báo Văn Nghệ, trước khi về làm phóng viên Báo Thanh Niên từ năm 1993, chuyên theo dõi mảng nội chính. Theo đánh giá của Ban Biên tập Báo Thanh Niên, Nguyễn Việt Chiến là nhà báo nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn", được dư luận đánh giá cao. Ngoài lĩnh vực báo chí Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.


* Nhà báo Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1975, tốt nghiệp Phân viện báo chí tuyên truyền năm 1996 và được kết nạp Đảng ngay trong năm đó. Nhà báo Nguyễn Văn Hải hiện là Phó văn phòng đại diện của Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, đồng thời là Bí thư chi bộ của Văn phòng. Nhà báo Nguyễn Văn Hải từng đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2003 về loạt bài chống nạn cơm tù, xe cướp trên quốc lộ 1A. Sau sự việc hôm qua, Ban Biên tập của Báo Tuổi Trẻ vẫn khẳng định anh Nguyễn Văn Hải là một cây bút trong sáng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Hiện tại, Báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo - Văn phòng luật sư Trần Văn Tạo (TP.HCM) đứng ra bảo vệ cho nhà báo Nguyễn Văn Hải trong vụ án này.


H.L

_______________________________

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào?


Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên xin cung cấp những thông tin xác thực đã được kiểm chứng liên quan đến quá trình phóng viên Nguyễn Việt Chiến đưa tin về vụ PMU 18.

Thời điểm tiến hành điều tra vụ PMU 18, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.

Trả lời Báo Tiền Phong ngày 7.4.2006, đồng chí Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng nói:

"Trong vụ án Bùi Tiến Dũng, đối tượng liên quan hầu hết là cán bộ Nhà nước, đặc biệt lại có thêm hành vi chạy tội. Vụ án này nghiêm trọng hơn hẳn các vụ án lớn trước đây như vụ Năm Cam và đồng bọn. Chúng đã tổ chức chạy án bằng 4 đường dây để chạy các cửa là các cơ quan chức năng. Tóm lại bọn chúng chạy đến các cơ quan trực tiếp điều tra và cả các cơ quan không trực tiếp đấu tranh nhưng có thể có tác động đến việc điều tra vụ án...".

Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 23.3.2006, đồng chí Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ:

"Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Tôi có thể khẳng định tổ chức Đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác, hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng, riêng dự án cải tạo QL 18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng. Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, các nhà thầu đều là "sân sau", hoặc có đi có lại với Bùi Tiến Dũng mới thắng thầu. Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này...".

Đặc biệt, trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân ngày 27.3.2006, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư 6 (2) đã nhấn mạnh:

"Vụ việc tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ. Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi. Như vậy, vụ án này cũng cho thấy tình trạng tiêu cực trong công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan. Qua vụ án này, chúng ta thấy được sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số người giữ cương vị cao. Đảng và Nhà nước ta kiên quyết làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân bất kể người đó là ai, những ai cản trở việc xử lý những người vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng...".

Những ý kiến đó, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phan Diễn đăng trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là những ý kiến chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí làm hết trách nhiệm trong việc điều tra, xử lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Điều chắc chắn là các đồng chí lãnh đạo nói trên đã được nghe báo cáo trực tiếp từ Ban chuyên án, nên mới có thể có những khẳng định như vậy.

Và điều chắc chắn các nhà báo trong thời điểm diễn ra việc điều tra vụ PMU 18 cũng rất tin tưởng vào sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng mà đại diện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. Báo chí không có mục đích nào khác là thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nêu cao trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân, hậu thuẫn cho Đảng và Nhà nước đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Thế nhưng từ nửa cuối năm 2007, có hàng loạt nhà báo đã bị gọi lên Cơ quan an ninh điều tra để hỏi về các căn cứ khi viết bài về vụ án PMU 18 (diễn ra từ năm 2006). Trong đó, hai người bị hỏi nhiều nhất là nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên), và nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM).

Với PV Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, cơ quan điều tra tập trung xét hỏi về bài báo gây xôn xao dư luận thời điểm tháng 4 năm 2006 "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" (đăng ngày 16.4). Vậy PV Nguyễn Việt Chiến đã thu thập thông tin này như thế nào, thông tin này có chính xác không?

Trước khi viết bài báo "Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" ít ngày, PV Nguyễn Việt Chiến đã gặp thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, khi ấy là Cục trưởng C14, Trưởng ban chuyên án PMU 18 tại phòng làm việc của ông này để xác minh một số thông tin liên quan đến vụ án. PV Nguyễn Việt Chiến đặt câu hỏi: "Thưa thủ trưởng (cách gọi thân mật của PV), trong trại tạm giam, Dũng "tổng" (tức Bùi Tiến Dũng) khai nhận đưa tiền chạy án cho bao nhiêu người rồi?". Tướng Quắc trả lời: "Khoảng vài chục người". PV Nguyễn Việt Chiến hỏi thêm: "Cụ thể là bao nhiêu đối tượng?". Ông Quắc cho biết: "Dũng "tổng" khai đưa tiền chạy án cho hàng chục đối tượng". Biết ông Quắc không muốn cho biết con số cụ thể, PV Thanh Niên xin phép ra về.

Qua xác minh từ điều tra viên, PV Việt Chiến được biết số người mà Bùi Tiến Dũng tung tiền chạy án lên tới gần 40 người. Đối chiếu với thông tin của tướng Phạm Xuân Quắc "Dũng khai đưa tiền chạy án cho hàng chục đối tượng", PV Thanh Niên thấy 2 nguồn tin này tương đối phù hợp nhau. Sau đó, PV Việt Chiến tiến hành viết bài báo "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng".

Sau khi bài báo đăng, ngày 17.4.2006, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc có mời ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên lên nói rằng: "Thông tin này là không đúng, nếu các cậu nói Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho hàng chục người thì không sao, nhưng nói đưa tiền chạy án cho 40 người là không đúng". Mặc dù PV Báo Thanh Niên có bằng chứng từ nguồn tin đáng tin cậy nêu trên (hiện chúng tôi vẫn đang lưu giữ băng ghi âm), nhưng theo yêu cầu của ông Quắc, ngày 18.4.2006, Báo Thanh Niên vẫn đính chính như sau: "Báo Thanh Niên số 106 ra ngày 16.4.2006 có đăng thông tin về vụ án PMU 18 Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền cho gần 40 nhân vật. Ngày 17.4.2006, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an đã phủ nhận thông tin nói trên. Theo ông Quắc: "Thông tin này là không đúng".

Như vậy, trong bài báo đăng ngày 16.4.2006, Báo Thanh Niên không hề khẳng định chuyện đưa tiền chạy án cho 40 quan chức (như các điều tra viên cố tình hiểu lầm trong quá trình xét hỏi PV Nguyễn Việt Chiến suốt 11 tháng qua) mà chỉ nói: Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng, trong đó có nhiều thành phần như: giám đốc các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp sân sau của PMU 18; công chức một số cơ quan quan trọng của nhà nước; một số cán bộ thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra vụ cá độ bóng đá và vụ PMU 18; cùng một số quan chức bộ, ngành liên quan.

Sau đó, trong buổi làm việc với Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong về bài báo trên, tướng Phạm Xuân Quắc còn nói rõ: "Chẳng lẽ bây giờ đang trong giai đoạn điều tra, chúng tôi lại cảm ơn báo chí về sự hợp tác cổ vũ cho anh em phá án, làm như vậy không được, nhưng báo chí là điểm tựa của chúng tôi trong vụ này. Nếu các anh đưa tin Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho vài chục người thì được, còn nói nó đưa tiền cụ thể cho gần 40 người thì thông tin ấy không đúng".

Đặc biệt, sau khi Báo Thanh Niên đính chính theo lời tướng Quắc một thời gian, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã trực tiếp thông tin cho PV Thanh Niên biết: "Trong vụ án này, có việc 40 cán bộ nhận tiền của Bùi Tiến Dũng, bị vô hiệu hóa, bị mua". Băng ghi âm đoạn trích này đã được Báo Thanh Niên chuyển tới các cơ quan chức năng và người có trách nhiệm.

Cho đến nay, với việc cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam PV Nguyễn Việt Chiến chủ yếu về những nội dung trong bài báo nói trên, chúng tôi không có đủ thông tin để kết luận thực hư "vụ chạy án" của Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên khẳng định Nguyễn Việt Chiến đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của một nhà báo chân chính là tìm kiếm, thực hiện và công bố các thông tin được xã hội quan tâm theo những quy tắc nghề nghiệp chặt chẽ, bao gồm cả việc khai thác thông tin từ nhiều nguồn tin có thẩm quyền, trong khuôn khổ cho phép của pháp luật, như được nêu rõ trong Hiến pháp và Luật Báo chí của nước CHXHCN Việt Nam. Toàn bộ quá trình tác nghiệp của PV Nguyễn Việt Chiến trong vụ án này đều nhằm một mục đích tham gia chống tham nhũng, chống tiêu cực, bảo vệ sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước, bảo vệ chế độ, hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như cơ quan điều tra khẳng định để bắt giam PV Nguyễn Việt Chiến.

Thanh Niên

_________________________________

Những mốc chính trong vụ án PMU 18

* Ngày 26.1.2006, bắt tạm giam Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 18 (PMU 18, Bộ Giao thông vận tải).

* Ngày 4.4.2006, bắt tạm giam thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến

* Ngày 22.3.2007, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 05, tội danh làm lộ bí mật nhà nước và tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

* Ngày 3.10.2007 ông Nguyễn Việt Tiến được tại ngoại sau 18 tháng bị tạm giam.

* Ngày 28.3.2008, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ điều tra với ông Nguyễn Việt Tiến ở hai tội danh: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Tiến được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

* Ngày 7.5, ông Nguyễn Việt Tiến được khôi phục sinh hoạt đảng

* Ngày 12.5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên từng tích cực viết bài về vụ PMU 18 là Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) về tội: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

________________________________

Những câu hỏi chờ được trả lời !

Điều mà hầu hết những người làm báo không ngờ tới cuối cùng đã xảy ra, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ. Có quá nhiều băn khoăn, khó hiểu xung quanh sự kiện gây chấn động dư luận này.

Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Chúng tôi, những phóng viên Báo Thanh Niên tham gia đưa tin về vụ án PMU 18 đã thường trực 24/24 tại mọi nơi từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra C14, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng triệu độc giả của Báo Thanh Niên.

Trớ trêu thay, một năm sau khi "vụ án điểm PMU 18" nổ ra, hàng chục người viết bài chống tiêu cực vụ PMU 18 đã bị gọi lên lấy lời khai trước cơ quan an ninh điều tra. Trong nhiều ngày liền, phóng viên Việt Chiến (đã 56 tuổi) liên tục bị hỏi về nguồn tin khi viết các bài báo liên quan đến vụ PMU 18, trong đó trọng điểm là bài Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng đăng trên Báo Thanh Niên ngày 16.4.2006.

Và hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5.2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an). Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?

Về mặt pháp lý: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo pháp luật, là người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Đối chiếu với điều trên, PV Nguyễn Việt Chiến là người có bề dày trong việc viết bài chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ... PV Nguyễn Việt Chiến nói riêng và các nhà báo nước nhà nói chung đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất.

Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"?

Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát... mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của Báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng. Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18. Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo? Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm. Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập Báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng. Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống. Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: "Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?"... Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?

Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập Báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài không chính xác về vụ PMU 18. Tại sao Bộ Công an có người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này. Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ? Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an... là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18. Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong các thời điểm "nóng" để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự "im lặng" kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?

Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên "nhiệt huyết, có nghề" của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình".

Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào Báo Thanh Niên và tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.

Thanh Niên

______________________________________________

Bài trên Tuổi Trẻ

Hai nhà báo chuyên viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt

* Thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14 cũng bị bắt


TTO - Hai nhà báo nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, Phó trưởng Văn phòng đại diện kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội), Nguyễn Việt Chiến (56 tuổi, phóng viên báo Thanh Niên) đã bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam chiều 12-5.

Các nhà báo này bị khởi tố bị can về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS.

Quyết định khởi tố bị can cho rằng hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại Ban Quản lý dự án 18.

Cùng bị bắt trong vụ án này còn có thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 của C14.

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" theo điều 263 BLHS và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS.

Liên quan đến vụ án này, từ tháng 5-2007, khi quá trình điều tra các vụ án tiêu cực liên quan đến PMU18 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) thụ lý bước vào giai đoạn kết thúc, hàng chục phóng viên của các báo từ Trung ương đến địa phương đã bị mời lên cơ quan An ninh điều tra để trả lời câu hỏi về việc lấy thông tin từ đâu, kiểm chứng như thế nào đối với các thông tin mà cơ quan chức năng cho rằng sai sự thật.


14g chiều qua, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến có mặt tại trụ sở cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Tại đây, các điều tra viên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và đưa hai nhà báo về nhà riêng và trụ sở văn phòng đại diện để khám xét.

Tại nhà riêng nhà báo Nguyễn Văn Hải, việc khám xét kéo dài khoảng 30 phút, cơ quan điều tra thu giữ một CPU máy tính, một điện thoại và một số tài liệu liên quan. Tại văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, việc khám xét kéo dài đến hơn 19g, cơ quan công an cũng thu giữ một CPU máy tính cùng một số tài liệu liên quan. Tương tự, tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và trụ sở báo Thanh Niên tại Hà Nội, cơ quan công an cũng thu giữ một số tài liệu, giấy tờ và CPU máy tính.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo tham gia tiến trình tố tụng bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải năm nay 33 tuổi, vào Đảng từ năm 21 tuổi - khi còn là sinh viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). 12 năm lăn lộn với nghề báo, bút danh N.V.Hải, N.V.H. trên báo Tuổi Trẻ gắn liền với hàng loạt vụ án lớn như vụ Thủy cung Thăng Long, vụ tham nhũng ở dự án Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực dầu khí, vụ tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ, vụ tiêu cực ở ngành hàng không, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn, vụ án ở PMU18...

Năm 2003, Nguyễn Văn Hải cùng đồng nghiệp Tuổi Trẻ được trao giải A, Giải báo chí toàn quốc với loạt bài chống nạn cơm tù, xe cướp trên quốc lộ 1A. Ban biên tập và đồng nghiệp Tuổi Trẻ luôn đánh giá cao năng lực, đặc biệt là đạo đức và lối sống của Nguyễn Văn Hải, cả với tư cách một nhà báo lẫn tư cách một công dân.

Với báo Tuổi Trẻ, nhà báo Nguyễn Văn Hải là một con người có bản lĩnh, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu. Việc nhà báo Nguyễn Văn Hải được tín nhiệm cử giữ chức Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã phần nào nói lên điều đó.

Trong quá trình xử lý, đăng tải thông tin về vụ án tiêu cực ở PMU18, báo Tuổi Trẻ có một số thông tin không chính xác và ngay sau đó đã cải chính kịp thời trên mặt báo, có tin cải chính tới hai lần. Những sơ suất này đều được Ban biên tập Tuổi Trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc ở các khâu, trong đó có vấn đề tỉnh táo, thận trọng, tránh nôn nóng khi đưa tin về các vụ chống tham nhũng. Bản thân nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời giúp đỡ rất hiệu quả đối với các đồng nghiệp trong mỗi bản tin đưa lên mặt báo.

Nhóm PV VPHN

______________________

Tại sao?

Việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến chiều qua đã thực sự gây rúng động làng báo. Hàng loạt blogger nhà báo từ Nam chí Bắc ngay lập tức bày tỏ thái độ của mình. Đau buồn và phẫn nộ!

Họ phẫn nộ vì biết rõ đồng nghiệp vừa bị bắt của mình là ai, đã sống và viết như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp này trước lũ sâu mọt. Không hề cường điệu khi nói rằng đồng nghiệp của chúng tôi - Nguyễn Văn Hải - là một nhà báo tử tế, một nhà báo trẻ đầy chuẩn chất Tuổi Trẻ tại phía Bắc.

Đồng nghiệp đó đang trả giá cho những dòng tin của mình về vụ PMU18 - một vụ án chưa kết thúc và đang có những diễn biến kỳ lạ. Ai ở trong hậu trường vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân.

Và thật khó hiểu, khi hai nhà báo này bị khởi tố theo điểu 281 bộ luật hình sự :"lởi dụng chức vụ, quyển hạn khi thi hành công vụ”. Và điều 281 này nằm trong mục A chưong XXI về các "tội phạm tham nhũng" (!!?). Thật kỳ lạ !

Còn nhớ, cách đây không lâu, trên tạp chí Nghề báo, trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã đề cập đến việc hàng chục nhà báo viết về vụ PMU18 đuợc mời lên cơ quan an ninh điều tra làm việc. Ông có nói một câu thế này : "Các nhà báo đừng vì sai sót nhỏ mà chùn bước, mà giảm ý chí chiến đấu chống tham nhũng. Tôi hiểu là Đảng, nhà nước và nhân dân rất tin tưởng các bạn !".

Kính thưa đồng chí Tư Bốn, chiều qua nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam.

BÙI THANH

_________________________________

* Ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam:

Chúng tôi sẽ có trách nhiệm với hội viên

Ngay khi nhận được thông tin về sự việc nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị khởi tố và bắt tạm giam, qua điện thoại, ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng: "Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có trách nhiệm với hội viên".

Ông Lê Quốc Trung cho biết: "Lâu nay, chúng tôi đã nghe phong thanh về khả năng sẽ có nhà báo bị khởi tố vì có liên quan đến việc đưa tin vụ PMU 18. Bây giờ, khi cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố, dĩ nhiên đây là việc rất đáng tiếc... Việc này liên quan đến pháp luật và cũng liên quan đến hội viên Hội nhà báo Việt Nam, vì vậy Hội sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng và có thái độ chính thức khi có thông tin đầy đủ. Trong ngày hôm nay (13-5), chúng tôi sẽ bước đầu tiếp cận với cơ quan chức năng đề tìm hiểu, trước mắt giao cho Ban kiểm tra của Hội tìm hiểu rõ nội vụ để báo cáo lại lãnh đạo Hội".

"Bản thân tôi rất buồn khi được báo tin này... Tất nhiên, Hội luôn luôn có trách nhiệm với hội viên của mình trên cơ sở thực hiện đúng pháp luật" - Ông Lê Quốc Trung khẳng định.

__________________________________________________

* Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng Biên Tập báo Thanh Niên:

Tôi cảm thấy không bình thường!

"Tôi cho rằng việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo của báo Thanh niên và báo Tuổi Trẻ vào thời điểm này là không bình thường" - Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên - bày tỏ”.

Theo ông Phong, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã từng phục vụ trong quân đội. Vốn là kĩ sư địa chất, đam mê thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến công tác công tác tại báo Văn nghệ đến 1993 về làm phóng viên báo Thanh Niên theo dõi mảng nội chính chuyên viết bài điều tra và đấu tranh chống tiêu cực. Các đồng nghiệp đều cho rằng, Nguyễn Việt Chiến là một cây bút chín chắn, nhiệt huyết, nghiêm túc trong lĩnh vực được phân công và có nhiều bài viết trên báo Thanh Niên trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn" được dư luận đánh giá cao.

Ngoài lĩnh vực báo chí, Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ và phê bình văn học có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.

"Chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, như thuê luật sư, để bảo vệ phóng viên của mình" - Ông Nguyễn Quốc Phong nói.

VÕ VĂN THÀNH ghi


____________________________

Bài trên VietNamNet

Nhà báo Nguyễn Văn Hải và Việt Chiến bị bắt tạm giam

- Chiều 12/5, báo giới và dư luận xã hội rúng động vì tin hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị bắt tạm giam ngay tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an.

Mô tả ảnh.
Cơ quan công an đang làm việc tại văn phòng Báo Thanh Niên, nơi nhà báo Việt Chiến công tác.

Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến ( sinh năm 1952 ), Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải ( 1975 ), Báo Tuổi Trẻ đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Hai nhà báo bị khởi tố vì hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 281, BLHS ), liên quan đến việc thông tin về vụ án PMU18.

Vào giữa năm 2007, vụ án đối với báo chí đã được khởi tố với tội danh: “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, có rất nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã bị cơ quan điều tra triệu tập, thẩm vấn.

Tuy nhiên, thời điểm này vụ án PMU18 vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trước đó, ngày 1/12/2006, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (Bộ Công an), Trưởng ban chuyên án PMU18 đã về hưu theo thủ tục, và thay trưởng ban chuyên án khác.

Đến nay, vụ PMU18 vẫn chưa được xét xử hoàn tất. Mới đây, ngày 28/3, VKSND đã ký quyết định đình chỉ điều tra đối với hai tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 Bộ luật Hình sự) và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 Bộ luật Hình sự) đối với ông Nguyễn Việt Tiến.

Và cũng theo quan điểm VKS, ông Nguyễn Việt Tiến đã phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, VKS đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và đề nghị Bộ GT-VT xử lý hành chính với Nguyễn Việt Tiến.

Trong khi cơ quan công an tiến hành lệnh bắt đối với nhà báo Nguyễn Việt Chiến, chị Phùng Thị Bích Ngọc (SN 1972, giáo viên) - là vợ của nhà báo Việt Chiến cho biết: Khoảng hơn 3 giờ chiều 12/5, anh Chiến đã gọi điện cho vợ thông báo: Chiều nay đừng đón con về nhà. Nhận được điện thoại của chồng với nội dung nêu trên, chị Ngọc biết ngay có chuyện chẳng lành.

Chị Ngọc cho biết thêm, anh Chiến trước khi bị giải đi còn dặn vợ ở nhà chăm sóc con cái cẩn thận và hãy yên tâm, anh sẽ không sao đâu.


Việc khám xét nhà của nhà báo Việt Chiến bắt đầu lúc hơn 16 giờ. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, nhà báo Việt Chiến được công an đưa về trụ sở Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Hà Nội để tiếp tục khám xét nơi làm việc.Được biết Báo Thanh Niên đã mời hai luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Việt Chiến.
Về phía nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ, khi bị bắt với cùng hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đã có nhiều bạn bè là đồng nghiệp đến chia tay với anh. Một số đồng nghiệp của anh ở Báo Tuổi trẻ đã không cầm được nước mắt khi thấy Nguyễn Văn Hải bị giải ra xe, đưa đi tạm giam. Nhà báo Nguyễn Văn Hải hiện là Phó VP đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội kiêm Bí thư Chi bộ.

Sau khi khám xét tại nhà của nhà báo Nguyễn Văn Hải, công an cũng đưa nhà báo Nguyễn Văn Hải về trụ sở Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội để tiếp tục khám xét. Công việc khám xét kết thúc vào lúc 7giờ 20 phút. Luật sư Trần Văn Tạo, Đòan LS TP.HCM đã nhận theo dõi và bào chữa cho nhà báo Nguyễn Văn Hải ngay sau khi vụ án đối với báo chí được khởi tố .

Cùng ngày, Thượng tá Đinh Văn Huynh, trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (C14) cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Nhóm phóng viên VietNamNet

11 nhận xét:

  1. Anh Phuong cho em post lai bai nay nha . Thiet tinh em buc minh qua !

    Trả lờiXóa
  2. ở bên này mọi người cũng bải hoải, ngán ngẩm lắm P. ơi!

    Trả lờiXóa
  3. Thật sự đau xót cho nước nhà, không phải bây giờ mà từ lâu rồi..
    Lại hỏi những câu hỏi Tại sao..? Bao giờ mới..? nhưng trong đầu lúc nào cũng đã hiện hình 1 câu trả lời.
    Tiếp tục theo dõi diễn biến và hi vọng "công lý" (thực) vẫn còn hiển hiện!

    Trả lờiXóa
  4. CS là vậy, bởi vậy chả bao giờ có cảm tình với CS. Toàn quan liêu và tham nhũng chả có tí "dân quyền" nào !

    Trả lờiXóa
  5. Buc xuc, buc xuc:(

    Trả lờiXóa
  6. [Cái Bang hội] QuaDenlúc 01:21 13 tháng 5, 2008

    Đúng là chả có nhân quyền và tự do báo chí gì hết cả. Hệ thống chính trị như thế này thì Vn mãi là 1 trong những nc nghèo nhất TG!

    Trả lờiXóa
  7. PMU 18 xay ra lau nhu vay roi ma con chua giai quyet. nay lai quy toi nguoi lam viec chinh nghia. that buon cho dat nuoc chung ta vi moi mot tu ben trong.

    Trả lờiXóa
  8. loạn hết cả rồi, đại K có quen mấy ông nhà báo này k

    Trả lờiXóa
  9. chán lắm rồi í
    ><

    Trả lờiXóa
  10. thực sự chỉ biết đặt dấu chấm hỏi
    ?
    ?
    ?
    ?
    ?
    càng ngày càng mất đi niềm tin !

    Trả lờiXóa
  11. thằng Mỹ bảo mình ko có tự do báo chí cũng phải, anh nhỉ ;))

    Trả lờiXóa