Thứ Tư, 4 tháng 10, 2006

Biện minh hay nhận thức kém?




Frankie: Tiếp tục có những ý kiến trái ngược về các ca khúc "gây sốc". Từ lâu đã xuất hiện 2 luồng dư luận: 1 là phải cải cách lại ngay vấn đề quản lý và cấp phép ca khúc để sàng lọc những ca khúc kém chất lượng, 2 là cứ để như vậy vì tầng lớp người dân có trình độ thấp chỉ nghe được những ca khúc... trình độ thấp như thế. Vậy đây là sự biện minh cho trình độ sáng tác yếu hay thể hiện nhận thức văn hóa quá kém của nhạc sĩ?



Trích các ý kiến đăng trên Tuổi Trẻ và VietNamNet



Diễn đàn ca khúc “gây sốc”: "Mặc kệ người ta nói tôi...chợ"


TT - Diễn đàn vừa nhận được lá thư của nhạc sĩ trẻ Khánh Đôn - một trong các nhạc sĩ đang sáng tác loại nhạc "gây sốc" (chính là tác giả ca khúc Mặc kệ người ta nói).

Trước đó, luật sư Lê Quang Vy cũng gửi tới diễn đàn một bài viết về vấn đề ca khúc "gây sốc" này có vi phạm các qui định sáng tác của ngành văn hóa? Đây cũng là một khía cạnh được nhiều bạn đọc đề cập đến trong ý kiến gửi về... Xin giới thiệu cùng bạn đọc cả hai bài viết này để cùng suy nghĩ thêm.


Người sáng tác “nhạc chợ” lên tiếng


Kính gửi ban văn hóa văn nghệ báo Tuổi Trẻ


Tôi là nhạc sĩ trẻ Khánh Đôn và cũng là một độc giả của quí báo. Gần đây tôi có theo dõi nhiều kỳ báo viết về nhạc sốc hiện giờ. Tôi cảm thấy vui khi đọc được những ý kiến quan tâm của các độc giả trên cả nước đã có những ý kiến rất chân thành về loại nhạc mà quí báo đang đề cập đến - chính là loại nhạc mà tôi và một số nhạc sĩ đang sáng tác.


Tôi đã viết rất nhiều ca khúc cho rất nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, trong đó có bài hát Mặc kệ người ta nói đã được diễn đàn đề cập.


Tôi rất trân trọng với ý kiến của nhà báo Trung Nghĩa (Tuổi Trẻ) và bạn đọc Thu Trang (TT ngày 28-9). Đó là những ý kiến chân thành mà tôi cũng như những nhạc sĩ trẻ hiện giờ sẽ tiếp thu để cố gắng hoàn thiện mình hơn.


Tôi xin có vài điều bộc bạch như sau:


Không phải tôi là người đại diện cho rất nhiều nhạc sĩ trẻ đang viết những bài hát được cho là “nhạc chợ”, dù rằng chẳng có ai trong rất nhiều nhạc sĩ đang viết dòng nhạc này nói ra ý kiến của mình. Tôi chỉ muốn nói lên cảm nhận của bản thân sau khi đọc những số báo vừa qua.


Thật sự thì nhiều năm qua và cho tới bây giờ chẳng một ai giải thích được rõ ràng thế nào là “nhạc chợ” và thế nào là “nhạc sang”, nhưng theo cách hiểu của nhiều người bây giờ thì những ca khúc có giai điệu giống nhạc Hoa và ca từ giống những lời nói thông thường của một người bình thường thì đó là... “nhạc chợ”. Còn những ca khúc có giai điệu và ca từ hơi bay bổng, cao siêu tí xíu... thì đó là “nhạc sang” (!). Mỗi người một cách định nghĩa và tôi tôn trọng tất cả ý kiến của mọi người. Nhưng tôi muốn nói ra những suy nghĩ của mình ở cương vị là một người thuộc thế hệ trẻ (năm nay tôi 23 tuổi) rằng tôi thấy vui khi đất nước mỗi ngày một phát triển, cuộc sống của người dân cũng mỗi ngày được nâng lên và cũng như các nước đang phát triển khác trên thế giới, nhu cầu thưởng thức văn hóa cũng thế mà phát triển. Và tôi thấy không có gì lạ khi hiện giờ có rất nhiều dòng nhạc đang được tồn tại và phát triển cùng một lúc. Không thể cho rằng loại nhạc này xứng đáng được tồn tại hay dòng nhạc này nên ngăn chặn... Chúng ta cứ thử nghĩ và thử hỏi ý kiến của tất cả mọi người, không thể nào một học sinh hay một sinh viên có thể chỉ nghe loại nhạc (tạm gọi là) “nhạc sang” và cũng không thể nào những anh chị, cô bác... giới trung niên có thể chỉ nghe loại nhạc (tạm gọi là) “nhạc chợ”.


Theo tôi, mỗi thế hệ, mỗi độ tuổi có một cách nghe và có loại nhạc dành riêng cho thế hệ của mình. Có những người khi nghe một ca khúc trẻ với những ca từ mà mỗi ngày họ được nghe còn chưa hiểu nữa huống chi là nghe những ca khúc với ca từ bay bổng, miên man mà ngay chính nhạc sĩ viết ra ca khúc đó... còn chưa hiểu.


Cứ thử đến bất kỳ một gia đình nào, bất kỳ một quán cà phê, một tiệm hớt tóc, một nhà hàng... tham quan xem phần đông công chúng đang lắng nghe loại nhạc nào?!


Đất nước ta đang trong thời kỳ mở cửa và tôi hi vọng mỗi người sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn về loại nhạc mà chúng tôi cũng như rất nhiều bạn thuộc thế hệ chúng tôi yêu thích. Bởi vì sao đi nữa thì đó cũng là những tâm tư, tình cảm mà chúng tôi muốn gửi đến người yêu nhạc qua những ca khúc của mình.


NHẠC SĨ KHÁNH ĐÔN





Định hướng thẩm mỹ nghệ thuật sẽ đi về đâu?


Quyền tự do sáng tác tác phẩm nghệ thuật của cá nhân được minh định tại điều 51 Bộ luật dân sự. Đây là quyền tự do nghiên cứu sáng tạo của cá nhân, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, do đó không ai được cản trở, hạn chế.


Song pháp luật cũng đã dự liệu những trường hợp không cho phép sáng tác các tác phẩm nghệ thuật có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc; truyền bá tư tưởng phản động, văn hóa đồi trụy, hành vi tàn ác, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục VN; xuyên tạc lịch sử... (khoản 1 điều 3 qui chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ VHTT, được ban hành kèm theo quyết định số 47/2004/QĐ - BVHTT).


Ngoài ra còn có một nguyên tắc quan trọng được qui định tại điều 8 Bộ luật dân sự, đó là nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp. Theo đó, phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước.


Thị trường âm nhạc trong thời gian qua đã có không ít ca khúc được viết ra với phần ca từ được công luận coi là “có vấn đề”, điều này đã làm các nhà quản lý văn hóa không khỏi băn khoăn khi thẩm định và cấp phép, bởi thực tế có những ca khúc về mặt pháp lý thì không vi phạm điều cấm song về mặt thẩm mỹ nghệ thuật, tính nhân văn, tính văn học trong ca từ thì quả là không thể chấp nhận.


Có thể nói ranh giới giữa qui định của pháp luật và qui chuẩn về khía cạnh thẩm mỹ nghệ thuật có một khoảng cách, do đó cơ sở pháp lý để không nên và không thể cho phép phổ biến những sản phẩm âm nhạc kém tính thẩm mỹ văn học là điều khá nhạy cảm đối với những đơn vị quản lý văn hóa. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lại bất lực trước hiện tượng tràn lan những sản phẩm âm nhạc “tra tấn” ấy. Sẽ có người cho rằng những ca từ này không vi phạm qui định của Bộ VHTT song thực tế nó đã vi phạm pháp luật ở mức độ cao hơn, đó là vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự, cụ thể là điều 8 nêu trên.


Không thể chấp nhận những con người được xã hội vinh danh gọi là nhạc sĩ, ca sĩ lại có thể sáng tác và biểu diễn những cái gọi là tác phẩm âm nhạc “rẻ rúng” như thế. “Mưa dầm lâu cũng lụt”, định hướng thẩm mỹ nghệ thuật, trình độ dân trí trong việc thưởng thức nghệ thuật sẽ đi về đâu nếu như từ những sân khấu ca nhạc, các hàng quán, thậm chí đến cả cơ quan ngôn luận như phát thanh và truyền hình vẫn cứ tiếp tục cho truyền bá những sản phẩm âm nhạc loại này?                            


LUẬT SƯ LÊ QUANG VY





Trí Hải: “Mặc kệ người ta nói tôi... chợ”


Image

Chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp bằng một live show rầm rộ tại CLB Lan Anh tháng 10-2004, nhưng phải đến hai năm sau Trí Hải mới được biết đến... Nhờ thành công từ bài hát Mặc kệ người ta nói, ca sĩ Trí Hải đã có những bước đi tiếp theo khá táo bạo...



* Trí Hải là một ca sĩ trẻ được học hành cẩn thận, sao lại chọn một bài hát có cái tên và ca từ... chợ thế?


- Nói thật, lúc đầu Hải không thích bài Mặc kệ người ta nói. Em gái cứ nói Hải hát đi vì rất dễ nghe. Mà em gái Hải lúc đó có 9 tuổi, Hải nghĩ với cái tuổi như thế biết gì mà ý kiến! Bản thân Hải nghe cái tựa đã thấy... rợn rồi! Hải nghĩ ngay đến việc mình hát bài này sẽ khó xin giấy phép lắm đây, nhưng khi quyết định chọn làm chủ đề album thứ hai và lên sở xin thử thì không bị cắt gì hết. Nghe câu đầu tiên đã có chữ “ngu” sốc lắm chứ. May mà “ngu” rồi “ngơ”, rồi “dại khờ”, cấp độ giảm dần và có vần có điệu nên đỡ... chối tai hơn. Mấy bài chợ dễ đi diễn lắm. Mặc kệ, người ta nói Trí Hải... chợ cũng được. Trí Hải thấy hát bài này rất bình dân và gần gũi. Hát ở đâu cũng được...


Theo VietNamNet



Theo bạn, cần làm gì với tình trạng ca khúc gây sốc như hiện nay?




Cứ để vậy đi, mấy người dưới nông thôn đâu nghe được nhạc cao cấp hơn

0


Tại sao không dùng chính âm nhạc để nâng cao thẩm mỹ và trình độ nghe nhạc của người dân nhỉ?

0


Cứ để tình trạng như vậy, xã hội dần dần sẽ có sự đào thải.

2





Sign in to vote

2 nhận xét:

  1. dạo này thừa thời gian hay sao mà quan tâm đến các chuyện này làm gì không biết :-w

    Trả lờiXóa
  2. he he, đã póc tem đc, póc cho bõ ghét cái mặt :P

    Trả lờiXóa