Thứ Tư, 13 tháng 12, 2006

CHUYỆN TỬ TẾ




Đạo diễn Trần Văn Thủy


Trích từ website www.xuanhoanews.com


Đạo diễn Trần Văn Thuỷ vừa gửi tặng tôi DVD phim Chuyện tử tế, bộ phim tài liệu từng làm xôn xao dư luận một thời. Chủ đề của phim thực ra rất cũ những lại chẳng bao giờ cũ: ăn ở với nhau sao cho tử tế?

Thế nào là tử tế?

Những người làm phim tâm sự:

-Cũng không hiểu sao, đồng nghiệp của chúng tôi qua đời trong những năm qua phần đông đều do một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư. Nhà quay phim Nguyễn Quý Nghĩa, Nguyễn Quang Trình; nhà biên kịch Quang Minh, đạo diễn Tô Cương, nhà quay phim Phan Trọng Quỳ, đạo diễn Trần Thịnh, đạo diễn Xuân Thành và bây giờ là Đồng Xuân Thuyết nữa. Chúng tôi đã theo Thuyết gần hai năm trước khi anh qua đời. Vào những giờ phút cuối, anh bình thản nói: “Cũng chẳng ân hận lắm, bởi lúc sống chúng mình ăn ở với nhau rất là tử tế... Tớ cứ nghĩ, các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy- một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người”. Không có gì thành thật bằng lời nói của người sắp qua đời. Từ đấy chúng tôi định bụng rủ nhau đi làm một bộ phim tử tế- tử tế dù là tương đối.

Vậy tử tế là gì? Những người làm phim đã phỏng vấn để tìm câu trả lời.

Một thanh niên: “Chịu thôi. Thế nào là tử tế, bây giờ là khó lắm đấy!”.

Một phụ nữ: “Người mình coi là tử tế, theo tôi, trên thực tế là người mình được nhờ vả một cái gì đó về quyền lực hoặc về vật chất. Chữ tử tế bây giờ thường chỉ ở miệng những người có tuổi hoặc những người hơi xưa. Thời buổi này, mấy ai có thì giờ để luận bàn những chuyện xa xôi ấy”.

Người đàn ông bên đứa trẻ: “Xung quanh ta có nhiều người tử tế lắm chứ! Những người tử tế là những người nhân hậu, thương yêu con người, ham làm điều thiện, lo việc công ích, chứ không vì chức vụ hay bổng lộc. Những người nghèo khó, người cô đơn, người bất hạnh và nhất là những người trung thực thì luôn luôn mong mỏi sự tử tế hơn ai cả”.

Một thanh niên lái xe: “Đây là một câu hỏi lẩm cẩm! Tử tế à? Các ông cứ nghĩ mà xem: Người cần cứu giúp gặp kẻ muốn ban ơn thành sự tử tế. Người xa cơ lỡ vận gặp kẻ cần tiếng thơm để toan tính những việc xa hơn cũng thành sự tử tế. Tử tế là một cái gì đó tế nhị, có đi có lại”.

Một ông già: “Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.

Một cô gái: “Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường, là niềm an ủi của người đời. Chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì!”.

Cũng là để hiểu những người mắc bệnh phong- mà người đời vẫn gọi là người hủi- ăn ở với nhau ra sao, đoàn làm phim đã gặp vài ba cảnh đời bất hạnh.

Mẹ con Tú Anh

Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo: “Cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá! Mình thì người nhà quê. Bố cháu là Chiện, bà gọi cháu là Chiền”. Thằng Chiền một thời ít bạn, vì tiếng đồn khắp vùng: mẹ nó là người hủi. Mẹ nó là người hủi nên bố nó bỏ đi luôn. Mẹ nó, chị Nguyễn Thị Hằng, phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền, bát gạo, đêm đêm chị lần mò mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự xỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định: phải tự vẫn.

Nhưng còn thằng Chiền? Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là, đêm đêm chị lần về nhà, bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch. Hỡi những người lành mạnh và tử tế! Một vạn tám ngàn viên gạch- đêm- lạnh buốt và đau đớn.

Khi ngôi nhà đã dần hình thành, mẹ thằng Chiền, một người hủi còn có ước vọng rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng thơ tâm sự. Sổ thơ của chị có cả ảnh và thơ của Blốc. Chữ viết của người hủi có bao giờ thẳng hàng:

Túp lều nát rùng mình trong gió rét

Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm đông

Bố bỏ đi biệt xứ chẳng một lời

Thế là hết, chẳng còn ai chăm sóc con ư?

Tội nghiệp cho Tú Anh cái tên trong sáng

Như chim non bé bỏng mồ côi

Mẹ nghĩ: phải gắng sống, sống vì con

Gắng làm cho con một nếp nhà xinh

Đó là nếp nhà mẹ chịu nắng sương

Chịu cái rét giá của đêm dài cô quạnh...

Tạo hoá bao giờ cũng có nhân, có quả- mẹ thằng Chiền đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa và đã qua khỏi.

Nhiều lần dắt con đi bên bờ sông Trà Lý, nhắc đến tên các thầy thuốc chạy chữa cho mình, chị đã khóc.

Một thầy thuốc nói: “... Nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi nghĩ ngợi: Thế là mình đã ném gần trọn cuộc đời vào nghề thầy thuốc. Trải qua một thời gian dài, rất dài, chúng tôi mới chiêm nghiệm ra một điều rằng: Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì”.

Image
Bé Tú Anh
Image
Mẹ Tú Anh
Image
Tú Anh và bà

Các bà soeurs

Lần tìm chuyện về những người hủi, những người làm phim đã đến trại điều trị phong ở Quy Hoà, Quy Nhơn. Ở đây, họ gặp mặt đông đảo các thầy thuốc. Câu hỏi của những người làm phim là:

-Thưa các thầy thuốc, ở đây ai là người tận tâm chạy chữa, chia sẻ với người hủi?

-Các bà soeurs! Chuyện đó phải kể đến các bà soeurs.- Các thầy thuốc, trong đó có các thầy thuốc từ khi rời ghế trường y, cho đến bây giờ đã hai thứ tóc, làm việc ở các trại hủi, đều trả lời như vậy.

Các soeurs cao tuổi rất biết về Hàn Mặc Tử, một thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến, lâm bệnh hủi đã qua đời tại đây từ hơn nửa thế kỷ trước.

Các soeurs kể rằng: Thời Hàn có hai điều các soeurs để tâm. Thứ nhất là thời ấy do ít hiểu biết, người ta thật tàn bạo với người hủi. Thứ hai là khi Hàn lâm bệnh, rất nhiều người xa kẻ gần kiếm thuốc, tìm thầy, chạy chữa cho Hàn rất công phu, tốn kém. Nhưng điều đáng nghĩ ngợi là phần lớn họ đều giấu tên để Hàn khỏi mang ơn.

Image

Xem vậy thời Hàn cũng có người ăn ở với nhau đến là tử tế.

Gặp các soeurs, những người làm phim sực nhớ lại những lời thề Hypocrate treo ở giảng đường Viện Da liễu: “... Tôi xin hứa và thề nhất luật tuân theo những ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ được đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình... Tôi chỉ mong mọi người dành cho sự quý mến, nếu tôi làm đúng lời thề”.

Lời thề Hypocrate là một lời thề tử tế.

Từ lâu lắm, loài người đã cố tìm những lời đích thực để thề: Thề vì con người, vì lòng tin và sự đau khổ của con người; dần xa lánh những lời thề vu vơ...

Những người làm phim hỏi:

-Thưa, đâu là nơi bắt đầu để các soeurs yên tâm, tận tuỵ phục vụ người mắc bệnh hủi?

-Dạ, chỗ bắt đầu của chúng tôi và đồng nghiệp là lòng tin.

Image

-Vâng! Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến với lòng tin có chứng cứ, tin vào những cái đích thật.

Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt!

Lòng tin vốn không thể vay mượn, áp đặt hoặc tước đoạt.

*

Người biên tập bộ phim này cho hay: Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người- người tử tế- trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.

(Lược ghi lời bình phim Chuyện tử tế)


3 nhận xét:

  1. Frankie แฟรงกี้lúc 21:54 13 tháng 12, 2006

    không phải ba tui viết :D Trích trong phim ra thôi! Hì

    Trả lờiXóa
  2. De song la nguoi tu te khong don gian ! Chu Hoa viet bai bao nay a ? Doc tinh cam lam , doi khi can co nhung bai giao duc cu the nhu the nay !

    Trả lờiXóa
  3. thế bác thấy mình có tử tế không? :D

    Trả lờiXóa