Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Xin đừng viết về tôi!




Giới thiệu bài viết của bà chị để thấy trình độ "luộc thịt" của các báo mạng Việt Nam như thế nào:

Xin đừng viết về tôi!

LÊ THỊ THÁI HÒA
(Đăng trên Thanh Niên Tuần San - Mục Câu chuyện cuối tuần)

Nghề làm báo cho tôi được cơ hội tiếp xúc với quá nhiều người, không ít người trong số họ gây những ấn tượng mạnh, thậm chí một số người đã làm thay đổi cả nhận thức của tôi về cuộc sống. Tôi yêu công việc của mình cũng như chân thành yêu những người đã trở thành nhân vật của tôi, những người đã biết cách ít ra "để lại một vết xước trong cuộc đời vô tận" này.

Dù có lần tôi đã thất bại. Đó là sự vất vả với một những cuộc hẹn một nhân vật mà tôi rất thích, luôn nghĩ sẽ viết được một bài hay vì những cảm giác từ anh mang lại. Thật tiếc, hẹn gặp anh không tránh mặt nhưng luôn từ chối lên báo. Anh nói không chỉ một lần: “Xin đừng viết về anh, anh chỉ muốn sống một cuộc sống bình yên!”

Mỗi sáng, bạn chỉ cần vào mạng mở ra các trang báo, bạn sẽ thấy những tên bài “hot” một cách bất bình thường luôn hiện diện ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất để hầu hết độc giả nôn nóng click chuột vào. Cô diễn viên A vừa ly dị ông chồng sau nhiều năm hứa hẹn sẽ chờ đợi đấng phu quân đang ngồi sau song sắt, chàng ca sĩ B thú nhận mình Gay, cô người mẫu C tuyên bố không thèm nữa- đàn ông Việt…

Quá nhiều những “món ăn tinh thần” mãn nhãn người đọc, báo này ganh với báo kia. Cùng một bài báo với cùng một nội dung được các biên tập viên chăm chỉ như những con ong xào xáo lại, thay cái tên thật hấp dẫn, muôn người muôn vẻ chỉ để câu được nhiều độc giả nhất đến với mình. Nhân vật “xấu số” được nhắc đi nhắc lại kia chắc cũng phát hoảng lên vì trong mê hồn trận các bài báo đó, sẽ thật khó tìm ra ai là tác giả để “bắt đền”. Mà cũng chẳng bắt đền được khi thực ra những chuyện về họ đã bị các báo “đập chết, ăn thịt” không thương tiếc.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường kể với tôi về sự cố trót nói đùa khi có một cậu PV hỏi ai là người phụ nữ ở sau những bài hát rất tình của ông về Tây Nguyên, Nguyễn Cường bảo những điều đó 10 năm sau mới kể được. Thế là bài viết được lên khuôn rất nhanh với đại ý có một người phụ nữ mà 10 năm nữa nhạc sĩ sẽ kể, khỏi phải nói, vợ ông đã không hài lòng và ông cũng khó chịu tới mức nào. Nghệ sĩ còn thế, doanh nhân, giới khoa học và trí thức có tên tuổi càng cảnh giác với nhà báo hơn!

Người viết bài này đã là nạn nhân không chỉ một lần từ những bài báo của mình. Nhân vật họa sĩ Thành Chương, khi gặp tôi, ông đã nói ngay: “Lâu nay tôi đã từ chối nhiều các cuộc phỏng vấn vì những bài viết nhợt nhạt, những người viết dường như không hề hiểu tôi nhưng cứ viết bài về tôi. Đến mức tôi phát sợ những bài báo ấy, thà đừng có còn hơn!” Khi viết bài về ông, tên bài tôi đặt là: “Trong nghệ thuật, không hiếm những kẻ mạo danh để bịp bợm…”, báo vừa ra buổi sáng, homepage còn chưa update, đã có báo đưa lên và đổi tên: “Họa sĩ Thành Chương đang bức xúc!”.

Nhưng vẫn còn là quá nhẹ nếu so với trường hợp của nhạc sĩ Quốc Trung, tên bài tôi đặt là “Tôi chưa dám để mà đánh đổi” ngụ ý về những cảm giác ổn định và bất biến của anh trong âm nhạc cũng như đời sống, các báo mạng cover lại giật những cái tít hãi hùng: “NS. QT: Hồng Nhung không phải là mẫu người tôi thích” “NS.QT: Tôi đâu có oán giận Thanh Lam”… Nghĩa là một cái tên Quốc Trung chưa đủ, họ phải lôi vào hai người đàn bà đang là hai diva nổi tiếng để tăng thêm độ “hot” một cách bất cần đếm xỉa đến nhân vật là Quốc Trung cũng như tác giả bài báo là tôi.

Vẫn biết có cầu mới có cung, báo chí cũng như nhiều lĩnh vực khác ra đời và phát triển là để phục vụ cộng đồng dân cư. Nhưng không phải bất cứ khi nào báo chí cứ làm đúng nghĩa vụ thông tin là đủ. Tôi nhớ lại câu chuyện của một người đồng nghiệp lớn tuổi, có lần kể, anh đã phân vân vô cùng khi nhận được một cuốn băng hình ghi lại cảnh một quan chức trong quán bia ôm. Đăng lên báo thì quá dễ, không sai và rất cần thiết trong khi giới truyền thông chúng ta đang nỗ lực góp phần cùng nhà nước làm trong sạch bộ máy chính quyền. Duy chỉ có một điều mà ngay chính tôi cũng không nghĩ đến, bạn đồng nghiệp lớn của tôi phân vân vì nghĩ rằng, ông quan chức kia cũng sẽ có những người thân, nhất là con cái, bọn trẻ hoàn toàn không có lỗi với những gì mà người cha của chúng gây ra. Nhưng chắc chắn tinh thần của chúng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi sự cố kia được công khai trên báo. Tất nhiên bài báo vẫn đi, thông tin được dư luận quan tâm và đánh giá cao sự phát hiện của tờ báo, chỉ có người bạn đồng nghiệp kia là âm thầm day dứt bởi những suy nghĩ từ lương tâm mình.

Quá nhiều chuyện đã xảy ra khiến các nhân vật sợ chúng ta, và dường như vẫn đang thiếu một quy chế về việc đưa tin, bài từ nguồn khác trên báo mạng, chưa tôn trọng giới hạn thông tin cá nhân… là những căn bệnh đang tồn tại ở những người làm báo. Trên thẻ nhà báo vài năm trước còn trích một đoạn luật mà tôi rất nhớ: "Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”. Nhưng có lẽ nhà báo cần tự bảo vệ chính mình bằng một cái tâm sáng. Để người ngay không quá sợ chúng ta, như đơn giản “cái gì từ trái tim thì sẽ đi tới trái tim.


Box: “Chúng tôi tuân thủ Tuyên bố về tính liêm trực khi đưa tin, ban hành năm 1999. Tuyên bố này đề cập tới những thực tiễn chuyên môn cơ bản như tầm quan trọng của việc kiểm tra thực tế, tính chính xác của trích dẫn, sự nguyên vẹn của hình ảnh và không tin nguồn tin nặc danh.” “Nhân viên nào sao chép thông tin hoặc chủ ý hoặc vô tình cung cấp những thông tin sai lạc để xuất bản đều là phản bội lại cam kết cơ bản của chúng ta đối với độc giả”. (Trích: Bộ quy tắc đạo đức dành cho phòng biên tập và thời sự của tờ The New York Times)

________________________________

Một bài viết trên trang www.vietnamjournalism.com của tác giả Lê Quốc Minh

Làm báo kiểu "Thịt luộc"

[21/02/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]


Vào một tối thứ 7 bình thường trong tình trạng tin tức ít như bình thường, bỗng dưng nhận được một cái tin khá thú vị của phóng viên: "Sưu tầm được 500 cuốn sách cổ của người Dao". Hay quá, nhưng nghe quen quen. Thôi cứ thử kiểm tra cho chắc. Một cú nhấn chuột và kết quả tìm kiếm cho thấy có một bài y chang cách đây đúng... 5 tháng.

Nói có sách, mách có chứng. Dưới đây là hai phiên bản (xin phép không trích nguồn, chứ thực ra là có đầy đủ):

1. Sưu tầm được 500 cuốn sách cổ của người Dao (19/2/2005)

Sau 3 năm triển khai dự án "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ của người Dao", cán bộ văn hóa tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được 500 cuốn sách cổ ở 80 làng thuộc huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thị xã Lào Cai.

Trong các cuốn sách đó chủ yếu là các bộ kinh thư, sách về tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán (68%) và sách văn học (22,8%). Bên cạnh một số dân ca chép lại còn khá nhiều sách văn học, gồm một số bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc và đặc biệt là 23 truyện thơ lần đầu tiên được phát hiện ở vùng người Dao như "Hàn Bằng", Bá Giai truyện", "Thần sắt ca", "Trạng nghèo", "Đô Nương truyện".... Trong số đó, truyện thơ kể về hành trình tìm đất vất vả của người Dao chiếm 40%.../.

2. Sưu tầm được trên 500 cuốn sách cổ của người Dao (20/09/2004)

Sau 3 năm triển khai dự án "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao", Sở Văn hóa-Thông tin-Thể thao Lào Cai đã sưu tầm được 500 cuốn sách cổ.

Dự án cũng lập được danh mục các sách cổ hiện còn được lưu giữ ở 80 làng người Dao tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, thị trấn Sa Pa và thị xã Lào Cai. Trong số sách cổ đã sưu tầm và kiểm kê có tới 68% là các bộ kinh thư, các sách về tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán./.

Của đáng tội, cái tin mới nhất vào ngày 19/2 thì có nhiều thông tin hơn (trên đây chỉ trích đăng một nửa). Nhưng cách nhau đến nửa năm mà lại đều có chung câu "sau 3 năm triển khai" thì thực sự là làm cho biên tập viên quá choáng. Và nếu xem kỹ các chi tiết thì thấy rõ rằng đây là một tin chứ không phải là các giai đoạn khác nhau của một dự án. Loại tin này còn có tên gọi thích hợp nào khác hơn tên "Thịt luộc"?

Tuy nhiên, giả thử hai cái tin này cùng được phát lên mạng thì vẫn còn "lịch sự" chán. Có ông từng quá đáng đến mức Tết năm nay đăng bài Tết năm ngoái nữa cơ. Và lâu nay không ít ông "đạo báo" bê nguyên xi của người khác rồi lĩnh tiền nhuận bút đó sao! Có ông cả gan "chơi mấy phát một lúc", đưa 1 bài đánh cắp cho máy báo liền nữa chứ. Giới trong nghề cũng gọi đây là "đạo báo".

Bản thân tôi từng bị một vụ thế này: Hồi mới ti toe viết báo tôi có tổng hợp một bài về ban nhạc New Kids On the Block đăng trên Thể Thao & Văn hóa. Tình cờ thế nào năm 1992 đọc trên báo N. Chủ Nhật có một bài giống hệt. Vì bài quá cũ nên vị đồng nghiệp khả kính kia sửa đi vài chữ, chẳng hạn "Hè 1990" thì sửa thành "Mùa hè," (cụt lủn). Và chắc là biên tập một chút cho vừa trang in, lại không hiểu lắm về âm nhạc nên... cắt đầu câu này "cắm" thẳng vào đuôi câu kia.

Và hiện tại cũng đang phổ biến một tình trạng trên nhiều cái-gọi-là báo điện tử: Cứ hồn nhiên cắt bài của báo khác rồi dán lên báo mình. Ô, làm báo thế này thì dễ quá, chẳng cần ban bệ, chẳng cần phóng viên, biên tập viên làm gì. Có báo đàng hoàng một chút thì còn trích nguồn (tạm gọi là "Đọc báo giùm bạn", còn tạm chấp nhận được); có báo thì chép từ báo A mà báo A lại cắt dán của tờ B và bèn ghi nguồn là B. Và có báo thì chẳng thèm ghi gì hết - thành luôn bài của mình. Xin lưu ý rằng đây không phải là các weblog cá nhân đâu nhé. Họ thu hút độc giả bằng những tin của người khác làm rồi kinh doanh các dịch vụ khác, hoặc ít nhất cũng là bán quảng cáo.

Cao thủ nhất và liều nhất là một "anh" có cả 4 ngữ Việt, Anh, Pháp và Tây Ban Nha - điều mà duy nhất một cơ quan báo chí của Việt Nam có thể làm được vì quá lớn. Tiếng Việt và Anh thì anh này "cóp" được của nhiều nguồn. Tiếng Pháp và Tây Ban Nha thì bê nguyên xi, kể cả các đề mục. Có khi người copy cũng chẳng biết tiếng ấy chứ nhỉ, cứ mục nào thì chép nguyên mục đó thôi. Hic.

Chỉ khổ cho những phóng viên trăn trở cả mấy ngày, thậm chí cả tháng mới được một bài, khổ cho những tờ báo phải trả lương cho phóng viên, biên tập viên cùng cả tỉ thứ chi phí để bài lên được mặt báo, bỗng dưng báo vừa ra sạp mới bán cho vài ngàn, có khi vài trăm người, thì đã có cả vạn người đọc miễn phí trên Internet.

Tiết kiệm mãi mới may được cái áo đẹp, bị ông hàng xóm "chôm" mất, và nhờ cái áo mới mà ông hàng xóm tại "tăm" được người đẹp đầu ngõ. Thế thì còn gì bực bằng!

Và còn bực hơn nữa nếu cả 10 ông hàng xóm đều "nhân bản" cái áo của mình./.


3 nhận xét: