Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Phim nổi 3D, có thể bạn chưa biết


Một chiếc kính đơn giản để xem phim 3D tại nhà hoặc các hình ảnh nổi trên sách báo (nếu có) gồm 2 tròng xanh và đỏ. Kính xem phim 3D ở rạp thì khác, không có 2 tròng 2 màu như vậy - Ảnh: Việt Phương


Bài đăng trên Thanh Niên Tuần San số 165


VIỆT PHƯƠNG


Chúng ta nhìn mọi vật xung quanh bằng 2 mắt nên có thể cảm nhận được chiều sâu. Phim 3D được tạo ra từ nguyên tắc tương tự.


Diệu kỳ phim 3D


Phim nổi 3D chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng trong chúng ta, đó không phải là một điều lạ. Vào những năm 1990, tại Việt Nam, 1-2 bộ phim 3D cũng được trình chiếu nhưng không rộng rãi. Các rạp chiếu phim khi ấy chưa nhiều. Phong trào thuê băng video về nhà xem khiến khán giả ít đến rạp. Bởi vậy phim 3D khi ấy, vốn chưa đa dạng, càng không có cơ hội để được phổ biến.


Để thưởng thức một bộ phim 3D tại rạp, thường khán giả sẽ được phát một cái kính đặc biệt mà khi đeo lên, hình ảnh trên phim sẽ nổi, sống động như thật ở không gian 3 chiều chứ không phải 2 chiều như những bộ phim bình thường. Năm 2009, thế giới chứng kiến sự ra đời của hàng loạt bộ phim 3D như một làn sóng mới trong điện ảnh, cuốn hút người xem đến tạp nhiều hơn. Những bộ phim như Bolt, My Bloody Valentine, Monsters vs Aliens và gần đây nhất là siêu phẩm Up đều được làm dưới dạng phim 3D.


Sắp tới đây, bộ phim hoạt hình Ice Age 3 cũng sẽ được ra mắt dưới dạng phim nổi. Năm ngoái, khán giả truyền hình của kênh Disney ở Việt Nam cũng được xem chương trình Hannah Montana dưới dạng 3D. Phim nổi, phim 3D rõ ràng là có một sức hút lạ kỳ đối với người xem. Những gì mà nhân loại đang tận hưởng dưới dạng hình ảnh 3D hiện nay đã được phát mình từ cách đây 170 năm.


Lịch sử hình ảnh 3D


Nếu thử bịt một bên mắt, bỏ tay ra rồi bịt bên mắt còn lại. Bạn sẽ thấy được sự khác biệt của những gì mình chứng kiến. Máy ảnh hay máy quay phim cũng chỉ nhìn bằng một thấu kính. Nếu được quay bằng một lúc 2 thấu kính, hình ảnh sẽ khác. Đó là bí mật của hình ảnh nổi 3 chiều. Năm 1839, nhà khoa học người Anh Sir Charles Wheatstone đã phát hiện ra điều đó. Wheatstone khi ấy đã tiếp tục chế tạo một thiết bị thấu kính kép dùng để nhìn những hình ảnh kép. Nói một cách đơn giản, ví dụ trên một bức tranh có 3 bông hoa giống hệt nhau. Nếu nhìn bằng mắt thường, đó là 2 bông hoa. Nhưng nếu nhìn bằng thấu kính kép của Wheatstone, 2 bông hoa sẽ chập làm 1 và hình ảnh bông hoa khi ấy sẽ có chiều sâu. Trong thời điểm hiện tại, nếu xem phim nổi mà không đeo kính, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh bị nhoè thành 2 phần như phim bị hỏng vậy.



Ảnh 3D thử nghiệm của TNTS. Bức ảnh trông có vẻ như bị in hỏng nhưng nếu bạn có kính 2 tròng xanh đỏ (bên trái màu đỏ, bên phải màu xanh), hãy đeo lên để thấy chiều sâu của bức ảnh - Ảnh: Việt Phương


Phát minh của Wheatstone mới chỉ dừng lại ở đó. Vào đầu thế kỷ 19, chưa có một bộ phim nào ra đời. Đến cuối thế kỷ 19, khi đã có máy quay phim và những bộ phim đầu tiên bắt đầu được quay, người ta đã nghĩ đến chuyện phát minh ra một máy quay phim nổi. Đến mùa hè năm 1915, những bộ phim 3D đầu tiên đã được trình chiếu thử nghiệm ở New York, Mỹ. Đó là các bộ phim Rural America, Niagara Fall và một đoạn trong phim Jim The Penman. Để quay bộ phim này, đạo diễn Edwin S Porter đã sử dụng máy quay phim kép. Khán giả phải đeo kính 1 tròng xanh, 1 tròng đỏ để xem phim mới thấy hình ảnh nổi.


7 năm sau đó, năm 1922, bộ phim truyện 3D có bán vé đầu tiên được công chiếu. Đó là phim Power of Love. Theo tạp chí Total Film, hiện phim này đã bị thất lạc. Trải qua bao thăng trầm, đến năm 1952, bộ phim nổi Bwana Devil nói về chuyến phiêu lưu châu Phi ra mắt với lời quảng cáo hấp dẫn: “Một con sư tử trên đùi bạn, một người tình ngay trong vòng tay bạn”, ý nói đến sự chân thực của hình ảnh nổi trong phim. Bộ phim cũng được quảng cáo là đem lại hình ảnh nổi 3 chiều một cách tự nhiên. Mặc dù bị một tờ tạp chí khi ấy bình luận là phim rẻ tiền nhưng thây kệ, khán giả vẫn xếp hàng dài để được tận mắt xem phim 3D.


Phim 3D bùng nổ


Những năm sau đó, phong trào làm phim 3D nổi lên ở Hollywood. Trong năm 1955, có khoảng 50 phim 3D được ra mắt. Điều đó cũng đủ cho thấy phim nổi có sức hút như thế nào đối với người xem. Người ta làm phim 3D ở đủ mọi thể loại, từ kinh dị, hành động, cho đến ca nhạc. Ở thời kỳ này, do kỹ thuật còn sơ khai, khán giả xem phim hay than phiền là bị đau đầu, chóng mặt, chảy nước mắt.


Thời kỳ bùng nổ phim 3D tiếp theo là vào năm 1981 khi bộ phim cao bồi Comin’ At Ya ra mắt và “càn quyét” các phòng vé trong thời gian cực ngắn. Bộ phim Jaws 3D (Hàm cá mập) có lẽ là bộ phim nổi đình đám nhất trong thập kỷ 1980. Sự ra đời của công nghệ 3D IMAX mới sau đó đã đẩy phim nổi lên một tầm cao mới. Bộ phim The Polar Express làm dưới dạng phim nổi và được chiếu ở 75 phòng chiếu 3D ở Mỹ. Trong khi đó, cũng phim này dạng 2D thì được chiếu ở 2.000 phòng chiếu khác. Bất ngờ ở chỗ, bản 3D đem về tới 30% doanh thu phòng vé. Sức hút của phim 3D nằm ở đây. Gần đây nhất, bộ phim My Bloody Valentine 3D, được làm với chi phí 14 triệu USD, đã thu về 50 triệu USD sau chỉ vài tuần công chiếu.


Gần đây nhất, khi bộ phim Up của Disney bản 3D được công chiếu tại Thái Lan, phòng chiếu lúc nào cũng chật cứng người xem và chỗ ngồi luôn được đặt trước từ sớm. Phim 3D dường như là một lá bùa mới để kéo khán giả đến với rạp chiếu đông hơn. Trong nửa cuối năm 2009 và năm 2010, hàng loạt bộ phim 3D mới sẽ ra mắt.



Một cảnh trong phim Final Destination 4 sẽ ra mắt trong thời gian tới dưới dạng phim 3D

(Cái này bình luận cá nhân chút: Thường thì các bộ phim 3D sẽ quảng cáo là 3D in selected cinema, riêng cái phim qủy này nó quảng cáo là 2D in selected cinema làm bà con thêm tò mò hehehe)


Box: Một số bộ phim 3D sẽ ra mắt trong thời gian tới:


Ice Age 3: Dawn of the Dinosaurs (dự kiến 1.7.2009)

G-Force

Piranha

Final Destination 4: Death Trip

Toy Story 3

Astro Boy

A Christmas Carol

Planet 51

Avatar


Rạp IMAX tại Bangkok, Thái Lan cũng đưa lịch chiếu phim Harry Potter và Hoàng tử lai bản 3D vào ngày 16.7 tới. trong năm 2010, những bộ phim 3D sau đây dự kiến sẽ ra mắt:


How to train your Dragon

Alice in Wonderland

Strek go forth

Prince of Persia

Beauty and the Beast

1 nhận xét: